- Tin tức > Du lịch > Miền Trung > Đà Nẵng >
Những cảnh đẹp tuyệt vời ở động Quan Âm Đà Nẵng
Đà Nẵng không chỉ có những bãi biển, khu du lịch hay thắng cảnh đẹp đến nao lòng mà còn có những hang động mang vẻ huyền bí, kích thích trí tò mò của du khách muôn phương. Chắc hẳn, nhiều người đều biết hoặc ghé thăm chùa Quán Thế Âm nổi tiếng thanh tịnh ở Sơn Thủy, phường Hòa Vang. Bên cạnh ngôi chùa này là động Quan Âm – một trong những cảnh đẹp ở Đà Nẵng nổi tiếng, đậm chất tâm linh.
Động Quan Âm trong quần thể Ngũ Hành Sơn (Ảnh sưu tầm) |
Năm 1956, động Quan Âm nằm trong núi Kim Sơn (Ngũ Hành Sơn) được người dân địa phương tìm ra. Đây là một hang động rất khó phát hiện bởi cửa hang quay về hướng Tây Nam, phía ngoài có một vách đá che kín như cố tình lấp đậy, ngụy trang.
Động Quan Âm nổi tiếng Đà Nẵng (Ảnh sưu tầm) |
Động Quan Âm là một trong những cảnh đẹp ở Đà Nẵng nổi tiếng vì trong động có thạch nhũ tạo thành hình đức Phật Quan Âm đứng trên rồng cao 1,75m. Địa điểm du lịch này gắn liền với chùa Quán Thế Âm như một cảnh đẹp của Đà Nẵng không thể tách rời, nhưng không phải du khách nào đến khu vực Ngũ Hành Sơn cũng đủ thời gian để khám phá hết vẻ đẹp của động này.
Qua chùa Quán Thế Âm, du khách sẽ thấy đường đi xuống động với hai bên vách đá tự nhiên dựng đứng. Cửa hang nhỏ có hướng đi xuống, âm so với mặt đất, càng vào sâu, bạn sẽ càng có cảm giác mát lạnh. Vào phía bên trong, động lớn dần, phình ra có hình thù như hạt lúa giống khổng lồ đang nảy mầm.
Động Quan Âm có chiều dài hơn 50m, chiều rộng 10m và trần động nhấp nhô, cao từ 10 – 15m. Để chiêm ngưỡng cảnh đẹp trong hang sâu, du khách nên cầm theo đèn pin.
Đường đi xuống động Quan Âm (Ảnh sưu tầm) |
Khi đã vào trong hang, chắc hẳn du khách sẽ hết sức ngạc nhiên và trầm trồ về sự kỳ vỹ lạ lùng của thiên nhiên. Dưới “bàn tay của tạo hóa”, một tuyệt tác đã được hình thành với những hình ảnh đẹp vô cùng hiện ra để du khách chiêm ngưỡng.
Động có nhiều thạch nhũ với màu sắc, hình thể đa dạng, đường nét rõ ràng, sắc sảo, tưởng chừng như có bàn tay của nghệ nhân tác tạo đa dạng và sinh động.
Từ khi mở cửa vào động, điểm nổi bật đầu tiên là bức tượng ngài Bồ Tát Quan Thế Âm với lớp áo kim tuyến lấp lánh, được kết tinh từ loại đá kim sa quý hiếm của thiên nhiên, tay cầm bình Cam lồ, mắt nhìn về phía cuối động.
Chân bức tượng có hình một con rồng tự nhiên uốn lượn trong điển tích Quan Âm Nam Hải, cưỡi rồng, vượt cơn sóng dữ không ngại khó khăn cứu người gặp nạn. Phía sau tượng có hình một đứa bé, được xem như là Thiện Tài đồng tử, bên trái có bụi trúc, phía trước có chim Khổng tước tạo nên một bức phù điêu tuyệt đẹp.
Hình ảnh này gợi ra 3 sự tích về Quan Thế Âm Bồ Tát là Quan Âm Nam Hải (Quan Âm ở biển phương nam), Quan Âm Thị Kính và Quan Âm hàng phục độc long (rồng dữ) của người Việt Nam nên nhà sư Thích Pháp Nhãn đã đặt tên động và chùa là Quán Thế Âm.
Trần động ở ngay phía trên bức tượng Quan Âm là một dấu bàn tay khổng lồ, có đầy đủ 5 ngón với độ dài ngắn, lớn nhỏ khác nhau, y hệt một bàn tay thật.
Ngoài ra, động còn có một chuông đá có tên gọi là Thạch Chung. Chuông đá được tạo từ một thạch nhũ lớn tựa như cây cột tròn cao khoảng 5m, phát ra tiếng chuông rất thanh và trong. Các thạch nhũ khác trong động khi có gió lùa sẽ tạo ra âm thanh của tiếng trống, tiếng mõ, tiếng khách rất thi vị.
Ở gần cuối hang động là một cái động nhỏ, cúi thấp người đi qua một đoạn, khách tham quan sẽ gặp một hồ nước mát, trong vắt quanh năm, được gọi là nước Cam Lồ.
Nhũ thạch trong hang động Quan Âm (Ảnh sưu tầm) |
Đặc biệt, nếu có dịp đến tham quan cảnh đẹp ở Đà Nẵng – Chùa Quán Thế Âm và Động Quan Âm trong thời gian từ ngày 17 đến 20/02 âm lịch, du khách còn có cơ hội xem và tham gia lễ hội với các hoạt động như đua thuyền, rước kiệu…
Lễ hội Quán Thế Âm (Ảnh sưu tầm) |
Bởi vậy, khi thực tour du lịch đến với Ngũ Hành Sơn, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội tham quan động Quan Âm – một cảnh đẹp lạ lùng mà thiên nhiên đã dành tặng cho Đà Nẵng tươi đẹp.
0 bình luận