Nội dung chính
Khác hẳn với mâm cỗ Tết miền Bắc, các món ngon ngày Tết miền Tây có đặc trưng chính là rất mộc mạc, đơn giản, đậm vị quê nhà và đặc biệt là được chế biến từ nhiều nguyên liệu “cây nhà lá vườn” quen thuộc.
Bánh tét
Nhắc đến các món ngon ngày Tết miền Tây, bánh tét là ứng cử viên phải nhắc đến đầu tiên. Nếu miền Bắc có bánh chưng thì miền Nam có bánh tét. Cách thức chế biến rất giống nhau nhưng khác nhau nhiều nhất về hình dáng.
Bánh tét miền Tây khác hẳn với bánh tét ở Nam trung bộ và Sài Gòn ở chỗ, nhân bánh được làm có vị hơi ngọt và đậm đà, nếp sẽ được trộn cùng nước cốt dừa hoặc dừa bào nhuyễn để tăng thêm hương thơm.
Chính vì vậy, khi thưởng thức món bánh tét truyền thống ngày Tết ở miền Tây, chắc chắn bạn sẽ vô cùng bất ngờ vì vị beo béo, ngòn ngọt của dừa hòa quyện cùng vị ngậy của thịt ba chỉ. Đây chính là những điều làm bánh tét miền Tây “quyến rũ” những ai lần đầu tiên nếm thử.
Về các nguyên liệu khác, bánh tét vẫn có đậu xanh đánh nhuyễn, nếp, thịt ba chỉ… một vài loại gia vị để vị khi ăn đậm đà, vừa miệng hơn. Ngoài ra, ngày nay, người miền Tây còn sáng tạo khi làm bánh tét lá cẩm, bánh tét nhân chuối, bánh tét trứng muối… vô cùng hấp dẫn.
Bánh tét miền Tây. Ảnh: Internet
Thịt kho trứng
Trong mâm cỗ miền Bắc có thịt đông, người miền Tây Nam bộ lại có thịt kho tàu. Món ăn này cũng có vị béo và hơi ngọt đặc trưng của hương vị các món ăn của người miền Tây.
Nguyên liệu chính của món này chính là thịt ba chỉ và trứng gà hoặc trứng vịt, một số gia đình sử dụng trứng cúc cho dễ ăn. Thành phần tạo nên vị ngọt thanh tao, góp phần giúp nước kho thịt dù ninh lâu vẫn trong vắt chính là nước dừa tươi.
Người miền Tây rất thích hương vị của nước dừa tươi lẫn nước cốt dừa, chính vì vậy mà trong mọi món ăn tại vùng đất này đều cho mắt hai nguyên liệu kể trên.
Sau khi được đun trên lửa nhỏ vài giờ đồng hồ liên tục, trứng lẫn thịt ba chỉ đều ngấm đều gia vị, nước dừa nên khi ăn như tan ra trong miệng lại thơm ngon khó cưỡng.
Vào ngày Tết, người dân miền Tây thường kho nguyên một nồi thịt trứng lớn để dành ăn trong nhiều ngày. Điều lạ thường chính là càng để lâu, càng hâm lại nhiều lần, thịt kho trứng cùng nước dừa tươi lại càng thơm ngon cuốn hút.
Thịt kho trứng với nước dừa chuẩn vị miền Tây. Ảnh: Internet
Củ kiệu tôm khô
Ngày Tết ở mọi miền trên tổ quốc đều có củ kiệu nhưng đa phần đều là củ kiệu hành, củ kiệu tỏi hoặc củ kiệu muối chua chứ chỉ có riêng miền Tây là có củ kiệu tôm khô. Đây là một trong những món ngon ngày Tết miền Tây không thể thiếu trong bất cứ gia đình miền sông nước nào.
Hương vị của củ kiệu tôm khô rất dân dã, giản dị, bắt cơm và thơm ngon.
Khác với củ kiệu thông thường, món đặc sản miền Tây này là củ kiệu được ngâm trong hỗn hợp nước mắm pha loãng, ớt tươi, một số gia vị để cân bằng độ mặn.
Củ kiệu ngâm lâu sẽ ngấm đều vị đậm đà của mắm, vị cay của ớt nhưng vẫn giữ được độ giòn rất độc đáo. Trong mâm cổ Tết miền Tây, có củ kiệu ngâm mắm ớt thì không thể thiếu đĩa tôm khô, sự kết hợp này chắc chắn sẽ làm người từng thưởng thức qua nhớ mãi mà chẳng thể quên.
Củ kiệu tôm khô, món ngon miền Tây dân dã. Ảnh: Internet
Mắm Gò Công
Nhắc đến các món ngon ngày Tết miền Tây, sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua mắm Gò Công. Vì có nguồn gốc từ Gò Công nên tên gọi của món đặc sản này cũng được đặt theo địa danh.
Nếu ở các vùng miền khác, mắm được chắc lọc từ nước cốt cá cơm, cá trích hay cá nục để cho ra dung dịch màu nâu sẫm, nâu đỏ thơm lừng đặc trưng thì mắm Gò Công lại có cách chế biến hoàn toàn khác.
Mắm Gò Công, Tiền Giang có nguyên liệu chính là tôm và rượu, cùng một số gia vị như muối, đường, tỏi, ớt… Cụ thể, tôm sẽ được ướp với các nguyên liệu kể trên sao cho thật vừa miệng, giữ khoảng vài tiếng rồi mới chà tất cả qua rây. Rây làm thịt tôm tơi ra, nhuyễn mịn hòa quyên cùng các loại gia vị và độ nồng đắng của rượu mang đến loại mắm vô cùng độc đáo, đặc biệt.
Trong mâm cơm ngày Tết của người miền Tây, mắm tôm chà Gò Công được ăn kèm nhiều món như thịt luộc, rau luộc, bún… Ngoài ra, đây cũng là nguyên liệu để thêm vào nồi nước lẩu để tăng thêm vị đậm đà, thơm lừng.
Thịt luộc cuốn bánh tráng với mắm Gò Công, món ngon khó chối từ. Ảnh: Internet
Lạp xưởng
Đây có lẽ chính là món ngon ngày Tết miền Tây có độ “phủ sóng” rộng rãi nhất tại nước ta trong dịp đầu năm. Vì không riêng gì miền Tây, lạp xưởng được rất nhiều người dân mua về để ăn, làm mâm cỗ cúng hay chiêu đãi khách đến nhà trong dịp Tết Nguyên đán. Cứ khi nào thấy trong nhà có nhiều lạp xưởng và giò chả thì không khí Tết cũng đã ngập tràn.
Muốn ăn lạp xưởng đúng vị thì nhất định phải tìm mua chính gốc từ miền Tây, vì đây là nơi sản sinh ra món ăn mà khi nướng hay chiên lên lại tỏa ra hương thơm chẳng thể chối từ.
Hiện nay, lạp xưởng rất đa dạng, nhiều loại như lạp xưởng tươi, lạp xưởng khô, lạp xưởng tôm, lạp xưởng cá… để phù hợp với khẩu vị của nhiều người hơn.
Nhắc đến lạp xưởng thì cũng nên kể đến món ăn có cách chế biến khá tương đồng chính là giò chả, chả thủ, chả lụa…. đều được làm từ nguyên liệu chính là thịt heo. Vì để được lâu, dễ ăn nên món ngon ngày Tết miền Tây này có mặt trong mọi gia đình, cứ có khách đến chơi là có ngay món ngon để chiêu đãi.
Thấy lạp xưởng là thấy Tết đến. Ảnh: Internet
Khổ qua nhồi thịt
Người dân miền Tây Nam bộ, thậm chí là trải dài ra hết Nam Trung bộ, vào những ngày đầu năm của Tết cổ truyền, cả gia đình nhất định phải ăn món khổ qua nhồi thịt vì họ quan niệm rằng món ăn này sẽ mang đến may mắn.
Cũng chính vì vậy mà món canh có vị đắng và béo ngậy đặc trưng này phải có mặt trong danh sách các món ngon ngày Tết ở miền Tây.
Khổ qua được lấy hết ruột bên trong, rửa sạch để ráo nước, quả phải giữ được màu xanh để mang đến hương vị thơm ngon đúng chuẩn.
Thịt băm, nấm mèo, bún tàu được trộn đều với nhau cùng gia vị theo khẩu vị từng gia đình rồi được nhồi hết vào từng quả khổ qua. Khổ qua nhồi thịt mang hầm đến khi chín trong nước, thêm một ít hành củ, rau mùi là có thể thưởng thức.
Ngày Tết với nhiều món ăn béo, ngọt, giàu calo, được giải tỏa với một bát canh khổ qua nhồi thịt và mộc nhĩ vừa thanh tao, đăng đắng sẽ giúp bạn cảm thấy vô cùng thoải mái. Hơn nữa món canh này cũng rất tốt cho sức khỏe.
Canh khổ qua nhồi thịt. Ảnh: Internet
Khô nhái An Giang
Văn hóa ẩm thực miền Tây nổi tiếng với sự mộc mạc, dân dã và giản dị, minh chứng là người dân tại đây luôn chọn lựa các loại nguyên liệu rất quen thuộc, cách nấu cũng không cầu kỳ và tỉ mỉ.
Một trong những món ngon ngày Tết miền Tây hội tụ đủ các yếu tố này chính là khô nhái An Giang. Món ăn này có tên gọi hết sức mỹ miều là “mỹ nữ chân dài”.
Nhái sau khi bắt ngoài đồng về sẽ được làm sạch, ướp bằng mật ong rừng nguyên chất, một ít mắm rồi mang đi phơi khô. Nhái khô được bảo quản kỹ để ăn trong một thời gian dài, và mâm cỗ ngày Tết ở miền sông nước không thể thiếu món đặc sản này.
Đặc sản vũ nữ chân dài. Ảnh: Internet
Mứt chuối phồng
Miền tây còn được biết đến là thủ phủ của nhiều loại trái cây, trong đó có chuối, nhất là chuối cau. Nhắc đến món ngon miền Tây ngày Tết dùng để uống trà hay tráng miệng, mứt chuối phồng chính là lựa chọn mà ai cũng yêu thích.
Chuối được tẩm ướp với gừng, mè để tăng hương thơm sau đó nghiền nhuyễn, xào chín với đường để tạo độ dẻo. Khi chuối đã đúng độ chín dẻo, người thợ sẽ để nguội rồi thêm đậu phộng vào để giảm độ ngọt, tăng hương vị cho mứt chuối phồng.
Mứt
Mứt chuối phồng ngọt thanh. Ảnh: Internet
Mâm cổ ngày đầu năm với các món ngon ngày Tết miền Tây độc đáo, dân dã nhưng thơm ngon chắc chắn sẽ giúp bạn có thêm nhiều trải nghiệm về ngày Tết trên khắp mọi miền đất nước.
0 bình luận