Nội dung chính
- Tình trạng trẻ em đuối nước dịp hè vẫn cứ tiếp diễn
- Cách phòng ngừa đuối nước ở trẻ em
- Cho trẻ học bơi sớm nhất có thể
- Trang bị cho con đầy đủ kiến thức khi đi bơi
- Hãy luôn ở bên cạnh con trong chuyến du lịch
- Nên cho trẻ bơi ở khu nước cạn
- Lựa chọn thời điểm bơi phù hợp
- Không cho trẻ bơi khi biển có sóng lớn, sông có dòng chảy siết, thác chảy
- Chọn các bãi tắm có cứu hộ
- Trang bị kỹ năng cấp cứu cho người đuối nước
- Một số lưu ý khi đi du lịch hè cần thiết cho trẻ em
Cứ vào mỗi dịp hè hàng năm, nhất là giai đoạn kết thúc năm học, tin tức trẻ em đuối nước do tắm sông hồ hay biển xuất hiện thường xuyên hơn làm nhiều bậc phụ huynh hoang mang. Dẫu biết là việc không may nhưng thực trang này hàng năm vẫn cứ diễn ra đòi hỏi bố mẹ, gia đình cần phải đặc biệt quan tâm đến các bé khi đi du lịch hè. Đặc biệt, trang bị cho bản thân lẫn chính con những mẹo phòng ngừa đuối nước ở trẻ hữu ích để tránh tình huống bất ngờ xảy ra.
Tình trạng trẻ em đuối nước dịp hè vẫn cứ tiếp diễn
Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội đưa ra số liệu thống kê cho biết trong cả nước mỗi năm có đến gần 7.000 ca tử vong do đuối nước, trẻ em chiếm tỉ lệ 35%. Trong số đó, đa phần các trường hợp trẻ gặp nạn do đuối nước thường xảy ra vào dịp cao điểm du lịch hè, khoảng thời gian nghỉ hè, cuối mỗi năm học hằng năm.
Ngoài ra, tình trạng trẻ em bị đuối nước dịp hè đa phần xảy ra ở những vùng có nhiều sông hồ, các vùng ven biển đòi hỏi bậc phụ huynh lẫn các cấp chính quyền cần có những biện pháp đúng đắn hơn nhằm hạn chế vấn nạn này.
Theo số liệu năm 2019, mỗi năm trên cả nước có gần 7.000 trường hợp tử vong do đuối nước. Ảnh: Internet
Cách phòng ngừa đuối nước ở trẻ em
Cho trẻ học bơi sớm nhất có thể
Bơi chính là một kỹ năng sinh tồn mà bất cứ mọi người cần biết, nhất là tại một quốc gia có chiều dài bờ biển hàng ngàn km, nhiều sông hồ như Việt Nam. Nhiều chuyên gia khuyên rằng trẻ em cần được học bơi song song với thời điểm bắt đầu học kiến thức, tức từ 4 đến 5 tuổi để có thể tự bảo vệ chính mình trong trường hợp cần thiết.
Ngoài việc trang bị kỹ năng phòng vệ cho trẻ khi ở dưới nước, bơi lội còn là bộ môn thể thao rất tốt cho cơ thể, hệ xương khớp của trẻ em. Chính vì vậy, bạn nên cân nhắc đưa trẻ đến các lớp dạy bơi ngay từ bây giờ.
Cho trẻ đi học bơi sớm nhất có thể vì đây là khả năng sinh tồn cần thiết. Ảnh: Internet
Trang bị cho con đầy đủ kiến thức khi đi bơi
Trong các lớp dạy bơi, thầy cô và các chuyên viên chắc chắn sẽ nhắc nhở trẻ khi đi bơi, vui chơi trên thuyền, mọi người đều phải mặc áo phao để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, khi về đến nhà, nhất là trước mỗi chuyến du lịch, hãy nhắc nhở bé thường xuyên hơn về việc trang bị áo phao trước khi xuống nước.
Ngoài ra, trang phục đi bơi cũng phải gọn gàng, ôm sát, không rườm rà, trọng lượng nhẹ để không cản trở quá trình di chuyển trong nước.
Nhắc nhở con không được bơi khi đi đến hồ, sông, biển một mình mà bên cạnh chẳng có hướng dẫn viên, bố mẹ, thầy cô giáo, người lớn vì rất dễ bị lạc, đuối nước, mất tích.
Hãy luôn ở bên cạnh con trong chuyến du lịch
Khi dắt theo con nhỏ đi du lịch, dù có bơi ở hồ, biển hay không, việc để mắt và luôn quan sát bé là vô cùng cần thiết vì có thể hạn chế được các tình huống bất trắc xảy ra. Đặc biệt, với môi trường nước nông sâu thất thường, cát lún và có sóng vỗ như biển, bạn phải bơi cùng con với khoảng cách tối đa 1 sải tay. Tốt nhất, luôn kề bên trẻ vì lơ là con sẽ bị tính tò mò kích thích mà cố tìm ra vùng nước sâu, vắng người để khám phá.
Tóm lại, luôn bên cạnh trẻ là một trong những cách hạn chế đuối nước ở các bé nhỏ trong chuyến du lịch hè.
Nên cho trẻ bơi ở khu nước cạn
Trước khi cho bé xuống nước, người lớn nên xuống trước để chắc chắn rằng đây là vùng nước cạn, không có sỏi đá hay chướng ngại vật bên dưới lòng nước để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Sau đó, nắm tay trẻ từ từ bước xuống và trải nghiệm cảm giác sảng khoái của vùng biển mát lành. Nên nhớ phải bơi cạnh con cho đến khi bé lên bờ, tuyệt đối không nên để bé bơi một mình.
Hạn chế luôn trường hợp vì bản thân bơi giỏi mà đứa trẻ cùng ra chỗ nước sâu vì nếu có sơ xuất xảy ra sẽ rất nguy hiểm cho cả hai.
Luôn ở bên cạnh trẻ khi đi bơi trên bãi biển rộng. Ảnh: Internet
Lựa chọn thời điểm bơi phù hợp
Không nên cho trẻ em bơi giữa lúc trưa nắng gắt vì rất dễ say nắng, cảm nắng và mệt mỏi sau khi về nhà. Cũng không nên cho con bơi vào buổi tối quá 9h tối vì rất dễ nhiễm lạnh, nhiễm nước rất hại cho sức khỏe, hệ miễn dịch. Tốt nhất nên cho bé bơi vào buổi sáng từ 6 đến 9 giờ, buổi chiều từ 4 đến 7 giờ.
Khi đi du lịch trúng dịp mưa gió, bạn cũng hạn chế ra biển mà nên bơi trong khu vực hồ của khách sạn hay nhà nghỉ.
Không cho trẻ bơi khi biển có sóng lớn, sông có dòng chảy siết, thác chảy
Cơ thể của bé rất yếu ớt, sức bơi của chúng cũng không thể chống chọi lại dòng nước mạnh mẽ và dễ bị cuốn trôi nếu sóng lớn, nước chảy siết và thác đổ từ trên cao. Vì vậy, khi đi du lịch đến các vùng nước có đặc điểm này, chỉ nên cho trẻ ngồi trên bờ để ngắm chứ không nên bơi để tránh nguy hiểm.
Chọn các bãi tắm cạn, không có sóng lớn. Ảnh: Internet
Chọn các bãi tắm có cứu hộ
Phòng ngừa đuối nước cho trẻ, đồng thời cũng đảm bảo an toàn khi bơi cho người trưởng thành là điều hoàn toàn cần thiết trong mỗi chuyến du lịch biển. Nhiều trường hợp vì cứu trẻ hay nạn nhân đuối nước, người hỗ trợ cũng gặp nạn vô cùng thương tiếc. Do đó, hãy chọn các bãi tắm lớn có cứu hộ với kiến thức, kỹ năng cứu người đuối nước tốt, đạt chuẩn.
Trang bị kỹ năng cấp cứu cho người đuối nước
Khi bị đuối nước, người gặp nạn sẽ bị chèn ép ống khí quản, phổi vì uống nước quá nhiều, ngạt thở dẫn đến tử vong. Khi đưa nạn nhân lên bờ, người cứu hộ phải nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo để khai thông lại khí quản giúp người bị đuối nước có thể thở lại. ngay sau đó, bạn cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cứu thương đến kịp thời.
Một trong những phương pháp mà bố mẹ, mọi người cần phải biết cách sơ cứu đuối nước, hô hấp nhân tạo cho người ngạt nước phòng khi cần dùng đến cho trẻ em hay bất cứ nạn nhân nào trước mặt.
Học cách hô hấp nhân tạo cho người đuối nước để kịp sơ cứu khi cần thiết. Ảnh: Internet
Một số lưu ý khi đi du lịch hè cần thiết cho trẻ em
- Nhắc nhỏ trẻ không tự ý tìm đến biển, hồ, sông, suối để bơi hay tắm một mình mà chưa hỏi ý kiến của phụ huynh.
- Hướng dẫn con cách kêu cứu trong trường hợp không may xảy ra.
- Ngoài đuối nước, hãy trang bị cho con kiến thức về giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với người lạ khi đi du lịch dịp hè sắp đến.
- Luôn dặn dò trẻ không được cởi áo phao, đồ bảo hộ trong lúc đang bơi vì rất dễ bị chìm, sóng vỗ cuốn xuống dưới lòng nước.
- Nên cùng con bơi trong phạm vi an toàn được cấm cờ ở mỗi bãi biển công cộng, và luôn nằm trong tầm mắt của nhân viên cứu hộ bãi biển, hồ bơi.
- Bố mẹ có thể tham gia các lớp tập huấn về cách sơ cứu, kỹ năng phòng ngừa đuối nước cho trẻ trong dịp hè của Bộ Y tế, các cấp chính quyền tổ chức để có đầy đủ kiến thức, thực hành được khi tình huống thật xảy ra.
Áp dụng các cách phòng ngừa đuối nước ở trẻ em trong dịp du lịch hè trên đây bạn sẽ ngăn chặn được tối đa các trường hợp không may xảy ra. An toàn luôn là điều cần đặt lên trên hết trong mỗi chuyến đi. Hãy trang bị cho chính mình lẫn trẻ em những kiến thức cần thiết để giữ an toàn khi bơi ở biển, sông hoặc hồ.
0 bình luận