- Tin tức > Dịch Corona >
Mánh khoé lừa đảo du lịch trong đại dịch
Vaccine ngày càng phổ biến, hạn chế đi lại được nới lỏng, nhiều người chuẩn bị du lịch trở lại và những kẻ lừa đảo cũng có kế hoạch đón đầu.
Tổ chức hỗ trợ người tiêu dùng Better Business Bureau cảnh báo ngày càng gia tăng những kẻ lừa đảo giả danh đại lý du lịch, phòng vé máy bay… tiếp cận người khao khát đi du lịch qua các cuộc điện thoại.
Theo dữ liệu từ RoboKiller, ứng dụng chặn cuộc gọi spam và nhắn tin, ước tính các cuộc gọi tiếp thị du lịch, với nội dung như miễn, giảm giá phòng khách sạn tăng một cách đáng kinh ngạc. Ở Mỹ, riêng năm 2021, con số đó là 4,9 tỷ cuộc gọi, tăng 80% so với năm 2020. Các tin nhắn rác hứa hẹn về những chuyến nghỉ dưỡng miễn phí cũng gia tăng, với 2,25 tỷ tin nhắn liên quan đến chủ đề du lịch được gửi, tăng 300% so với năm ngoái.
Một “chiến thuật” phổ biến khác của những kẻ lừa đảo là xuất hiện lên nhiều trang web giả mạo các hãng hàng không, công ty lữ hành uy tín. Sau đó, chúng lừa khách hàng sơ ý vào đặt phòng, vé hay tour du lịch, thanh toán… Tất nhiên, rất nhiều khách hàng đã ôm kết đắng vì mất tiền oan, mà không hề được cung cấp dịch vụ.
Giulia Porter, Phó chủ tịch mảng tiếp thị của TelTech, Công ty sở hữu RoboKiller, cho biết những kẻ lừa đảo nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng. Chúng có xu hướng đánh trúng vào những điều mà khách hàng mong muốn hàng ngày, từ đó tạo niềm tin cho khách hàng và họ sập bẫy. “Chúng tôi chứng kiến rất nhiều trò lừa đảo du lịch vì mọi người đang tiêm phòng và họ muốn đi du lịch trở lại”.
Một trong những chiêu lừa đảo tinh vi là chúng sử dụng các lời giới thiệu được ghi âm trước từ các thương hiệu du lịch nổi tiếng như một hãng hàng không, một trang web đặt phòng uy tín hay một khách sạn 5 sao. Với cách này, chúng tạo được lòng tin từ rất nhiều du khách.
Trước đại dịch, các bẫy du lịch phổ biến diễn ra khi du khách đang đi nghỉ. Hiện tại, các mánh khóe lừa đảo xuất hiện nhiều hơn từ trước khi chuyến đi bắt đầu, như các lời chào mời về giá vé máy bay, phòng… hấp dẫn. Ảnh: Eslland
Bên cạnh đó, những kẻ lừa đảo này còn tập trung tấn công vào thẻ tín dụng của khách hàng. Ví dụ, bạn nhận được cuộc điện thoại yêu cầu cung cấp thông tin thẻ tín dụng để khắc phục một số sự cố nào đó phát sinh. Bạn cần cung cấp thông tin để chứng minh là mình không phạm pháp, nếu không sẽ phải đối mặt với rắc rối pháp lý.
Mục tiêu cuối cùng của những kẻ lừa đảo đều giống nhau: lấy thông tin cá nhân của khách hàng để sử dụng thẻ của họ bất hợp pháp. Porter cho biết, cách để bạn phát hiện ra một vụ lừa đảo là khi bạn bỗng dưng nhận được một lời đề nghị đi du lịch quá “hời”, đến mức khó tin.
Theo dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, người tiêu dùng thiệt hại tổng cộng 26 triệu USD vì những hành vi gian lận du lịch chỉ trong 3 tháng đầu năm. Trung bình, khách hàng mất khoảng 1.100 USD trong một vụ lừa đảo.
Khách du lịch nóng lòng lên đường trở lại sau khi đã tiêm vaccine, các lệnh hạn chế được nới lỏng. Ảnh: The Australian
Lừa đảo cũng gia tăng ở châu Âu, khi nhiều nước đang dần nới lỏng các hạn chế về du lịch nhằm đón khách trong mùa hè năm nay. Các nhà chức trách cảnh báo người dân cẩn trọng với những lời chào mời thuê phòng ảo, hộ chiếu vaccine giả và các lịch trình tour hấp dẫn khó tin tràn lan trên mạng.
Một yếu tố khiến nhiều người mắc bẫy là người đi du lịch hiện nay vẫn tìm kiếm khuyến mại vé máy bay, phòng khách sạn. Đây vốn là những thứ rất phổ biến trong đại dịch, khi ngành du lịch tung ra nhiều khuyến mại để kích cầu. Nhưng giờ đây, nhu cầu đi du lịch tăng mạnh trở lại, giá cả đã thay đổi. Một số dịch vụ như cho thuê xe du lịch tự lái đang rơi vào tình trạng cầu vượt cung tại các thị trường như Hawaii, Florida… Nhiều người tiêu dùng vẫn muốn săn dịch vụ giá rẻ, và họ bỏ qua nhiều công ty lữ hành uy tín để “chốt đơn” với các đơn vị nhỏ hơn, ít tiếng tăm và thậm chí là mới thành lập. Do đó, rất nhiều người mất tiền oan.
“Bây giờ là thời điểm quan trọng cho những kẻ lừa đảo, vì chúng cung cấp nhiều dịch vụ giá rẻ hơn. Khi mọi người không biết mình đang mua gì, là lúc họ trở thành nạn nhân”, Charlie Leocha, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ du khách Travelers United có trụ sở tại Washington, D.C. cho hay.
Những kẻ lừa đảo cũng ngày càng am hiểu công nghệ hơn. Ngoài giả mạo các trang web uy tín với hình thức, tên gọi gần giống nhau, chúng còn biết cách đánh vào tâm lý mua hàng của khách với những từ khóa nổi bật như “cho thuê xe giá rẻ” cùng với điểm đến lý tưởng.
Theo Scott Keyes, người sáng lập Scott’s Cheap Flight, một trang web chuyên về vé máy bay, người tiêu dùng nên bỏ qua những lời gợi ý quá hấp dẫn và hãy tỉnh táo vì không phải dịch vụ nào họ cung cấp cũng là thật.
Anh Minh (Theo CNN) / Vnexpress
0 bình luận