Tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững
Phát triển du lịch bền vững là một trong những trọng tâm hàng đầu không chỉ ở Việt Nam mà còn trên cả toàn thế giới. Đặc biệt là khi Covid-19 bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020 khiến cho hầu hết hoạt động du lịch phải dừng lại, khiến nhiều cộng đồng vốn xem du lịch là hoàn toàn độc lập so với các ngành khác có thời gian nhìn lại để nhận ra những tác động của ngành du lịch lên toàn bộ hệ sinh thái trên toàn cầu.
Nội dung chính
Vậy phát triển du lịch bền vững mang lại những lợi ích gì, và những cá nhân có thể giúp gì cho quá trình phát triển du lịch bền vững? Cùng Vntrip giải đáp nhé!
1. Phát triển du lịch bền vững là gì?
Theo Tổ chức du lịch thế giới – WTO, phát triển du lịch bền vững là sự phát triển quan tâm đến lợi ích kinh tế, xã hội mang tính lâu dài trong khi vẫn đảm bảo sự đóng góp cho bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên, duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa để phát triển hoạt động du lịch trong tương lai; cho công tác bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương.
Phát triển du lịch bền vững là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Hình: Sưu tầm
2. Tại sao cần phát triển du lịch bền vững?
Bảo vệ môi trường sống
Phát triển du lịch bền vững giúp bảo vệ môi trường sống. Bởi vì du lịch bền vững giúp bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên này không chỉ thỏa mãn nhu cầu hiện tại mà còn đảm bảo cho sự phát triển tương lai, bên cạnh đó cũng giảm thiểu các tác động đến môi trường, không bị nhiễm độc nguồn nước, không khí và đất. Từ đó đảm bảo sự hài hòa về môi trường sống cho các loài động thực vật cũng như môi trường sống của con người.
Du lịch bền vững giúp bảo vệ môi trường sống. Hình: Sưu tầm
Phát triển kinh tế bền vững
Phát triển du lịch bền vững còn giúp phát triển kinh tế, đảm bảo sự hoạt động kinh tế tồn tại lâu dài, đóng góp về mặt kinh tế cho cộng đồng. Ví dụ, từ việc khai thác các đặc sản văn hóa của vùng, người dân trong vùng có thể nâng cao đời sống nhờ khách du lịch đến tham quan, sử dụng những dịch vụ du lịch và sản phẩm đặc trưng của vùng miền, của vùng. Ngoài ra, phát triển du lịch bền vững cũng giúp người làm du lịch, cơ quan địa phương, và người dân địa phương có công ăn việc làm.
Trao đổi văn hóa và bảo tồn văn hóa
Việc phát triển du lịch bền vững sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để du khách có thể gặp gỡ với người dân địa phương và tìm hiểu về văn hóa truyền thống. Sự tham gia của cộng đồng bổ sung thêm các giá trị cho các chương trình du lịch bền vững, và trong lúc đó, các cộng đồng truyền thống thường cảm thấy tự hào hơn nhờ những mối quan tâm quan trọng của du khách. Du lịch bền vững luôn đảm bỏ tôn trọng tính trung thực về xã hội và văn hóa của các cộng đồng địa phương, bảo tồn di sản văn hóa và các giá trị truyền thống đã được xây dựng.
3. Nguyên tắc đảm bảo phát triển du lịch bền vững
Khai thác, sử dụng các tài nguyên một cách hợp lý
Phát triển bền vững chủ trương ủng hộ việc lưu lại cho các thế hệ tương lai một nguồn tài nguyên thiên nhiên không kém so với cái mà thế hệ trước đã được hưởng, ngăn ngừa trước những thay đổi mà có thể tránh được đối với những tài nguyên môi trường không thể tái tạo, thay thế. Đồng thời phải giảm tiêu thụ quá mức tài nguyên và giảm chất thải ra ngoài môi trường, không gây suy thoái môi trường mà hậu quả của nó là sự phát triển không bền vững của ngành du lịch nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung.
Phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn tính đa dạng
Ngoài tính đa dạng sinh học thì đa dạng về văn hóa, xã hội cũng là thế mạnh của mỗi quốc gia nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng của du khách về các sản phẩm du lịch. Đa dạng cũng là sự sống còn khi tránh được việc quá phụ thuộc vào một hay một vài nguồn lực sinh tồn. Phát triển du lịch bền vững là phải để lại cho thế hệ mai sau sự đa dạng về tài nguyên nhân văn không ít hơn những gì thế hệ trước được thừa hưởng.
Bảo tồn tính đa dạng. Hình: Sưu tầm
Phát triển phải phù hợp với tổng thể kinh tế – xã hội
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng cao. Chính vì vậy, mọi phương án khai thác tài nguyên để phát triển phải phù hợp với các quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội của địa phương, của vùng kinh tế. Nếu không kết hợp với các ngành khai thác thông qua quy hoạch có chiến lược thì du lịch sẽ bung ra nhanh chóng và khó kiểm soát được nền kinh tế địa phương.
Chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương
Du lịch phải có sự chia sẻ, phối hợp với các ngành khác và quan tâm đến lợi ích kinh tế chung cũng như quyền lợi của người dân địa phương, tuyệt đối không đẩy người dân địa phương vào thế phải tăng cường khai thác các tài nguyên sẵn có của mình để đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống, dẫn tới sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và sự phát triển kém ổn định, bền vững của địa phương.
Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động du lịch
Người dân địa phương với kiến thức chuyên sâu về văn hóa bản địa, môi trường, lối sống và truyền thống của họ là yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch đến với một điểm du lịch, góp phần làm phong phú thêm các loại hình và sản phẩm du lịch. Hơn nữa, khi cộng đồng địa phương được tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển du lịch thì sẽ xây dựng được tinh thần trách nhiệm chính với tài nguyên và môi trường khu vực mà họ đang sinh sống, tạo khả năng phát triển lâu dài của du lịch.
Khuyến khích người dân địa phương tham gia du lịch. Hình: Sưu tầm
Thường xuyên trao đổi, tham khảo ý kiến với cộng đồng địa phương và các đối tượng liên quan
Để phát triển du lịch một cách bền vững, cần phải thường xuyên tham khảo ý kiến quần chúng nhằm dung hòa giữa phát triển kinh tế với những mối quan tâm lớn hơn của người dân địa phương và tác động tiềm ẩn của sự phát triển du lịch lên môi trường tự nhiên, xã hội và văn hóa. Ý kiến của người dân địa phương là vô cùng cần thiết để đánh giá một dự án phát triển, các biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực và tối đa hóa sự đóng góp tích cực của quần chúng địa phương.
Chú trọng đào tạo, nâng cao nhận thức về thiên nhiên, văn hóa, xã hội
Việc đào tạo đúng mức và nhận thức về tầm quan trọng và tính chất phức tạp của du lịch sẽ giúp cho việc nâng cao lòng tự hào nghề nghiệp và tăng cường sản phẩm du lịch đối với du khách và ngành du lịch. Việc đào tạo không chỉ diễn ra đối với người làm nghề du lịch chuyên nghiệp mà còn cho cả người dân địa phương hoạt động du lịch, trong đó có lồng ghép vấn đề du lịch bền vững vào thực tiễn công việc sẽ làm tăng chất lượng du lịch.
4. Cá nhân nên làm gì để giúp phát triển du lịch bền vững?
4.1. Ưu tiên sử dụng di chuyển bằng đường bộ
Theo tổ chức bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA), có 12% trong tổng lượng khí thải sản sinh từ vận tải bắt nguồn từ máy bay. Lượng khí thải sau mỗi chuyến bay bằng 1/5 tổng lượng khí thải do xe ô tô tạo ra trong một năm và những con số này đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Vì vậy, để góp phần giảm thiểu lượng khí nhà kính thải vào khí quyển, hãy hạn chế các chuyến bay và ưu tiên sử dụng những phương tiện vận tải đường bộ. Dù xe buýt và ô tô chưa phải là giải pháp tuyệt nhất, nhưng lượng khí nhà kính mà chúng thải ra cũng thấp hơn so với máy bay rất nhiều.
Ưu tiên sử dụng phương tiện đường bộ. Hình: Sưu tầm
Đối với việc di chuyển trong thành phố, bạn có thể sử dụng xe đạp để tận hưởng nhiều hơn chuyến du lịch của mình. Giá thuê xe đạp thì luôn rẻ hơn khá nhiều so với phương tiện khác, thậm chí nhiều nơi còn cung cấp miễn phí xe đạp cho bạn tha hồ mà vi vu ngắm cảnh hoặc chui lủi vào những con hẻm nhỏ bé để trải nghiệm. Ngoài ra các tuyến xe bus, metro hay các phương tiện công cộng khác cũng là một ưu tiên lựa chọn của bạn. Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà những chuyến xe, chuyến tàu công cộng này còn là cơ hội để bạn gặp gỡ những người dân địa phương, tìm hiểu thêm đời sống, văn hóa tại điểm đến và đôi khi lại còn kết bạn được với những khách du lịch khác.
4.2. Ủng hộ ẩm thực và các sản phẩm của địa phương
Đối với những thực phẩm không có nguồn gốc tại địa phương thì sẽ phải vận chuyển bằng xe tải, xe lửa hoặc đường hàng không. Do khoảng cách địa lý phải tiêu hao nhiều nhiên liệu cũng như chi phí bảo quản, việc vận chuyển này đã vô tình gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường. Vì vậy, khi tìm món ăn trong thời gian du lịch, hãy ưu tiên chọn lựa những món ăn có nguồn gốc địa phương nhé. Việc làm này không chỉ ủng hộ việc sản xuất của người nông dân mà còn giúp bạn có thêm cơ hội trải nghiệm văn hóa và các món ăn đặc sản nơi đây. Ngoài ra, vệc mua sắm các sản phẩm tại địa phương cũng góp phần tăng thu nhập cho người dân, góp phần ổn định cuộc sống cũng như gìn giữ các ngành nghề truyền thống của địa phương.
Ủng hộ ẩm thực địa phương. Hình: Sưu tầm
4.3. Tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường và động vật hoang dã
Hiện nay có một vài hoạt động như tham quan rừng, cho voi, cho cá sấu ăn được tổ chức để thu hút du khách, tuy nhiên nếu không được tổ chức một cách chu đáo và chuyên nghiệp, những hoạt động này có thể đang hủy hoại sức khỏe cung như hệ sinh thái nơi mà những loại động vật này đang sống đấy. Vì vậy, hãy thể hiện ý thức và trách nhiệm của mình bằng việc tìm hiểu thông tin kĩ càng về môi trường, hệ sinh thái cũng như các hoạt động du lịch tại nơi mình sắp du lịch đến.
Tham gia các hoạt động tình nguyện. Hình: Sưu tầm
Hơn nữa, nếu bạn là người yêu thích các hoạt động cộng đồng, bạn có thể tham qua vào các chương trình du lịch kết hợp tình nguyện góp phần bảo vệ môi trường. Những hoạt động tích cực được lồng ghép vào các chuyến đi du lịch này mang không chỉ mang đến cho bạn những trải nghiệm độc đáo mà còn có ý nghĩa sâu sắc. Vừa giúp mọi người hiểu biết hơn về những tác hại của môi trường, nâng cao ý thức tự giác, không xả rác bừa bãi. Bên cạnh đó, tham gia vào các chương trình tình nguyện bảo vệ môi trường còn kêu gọi cộng đồng cùng chung tay làm theo để người khác nhìn vào học tập. Có sức lan tỏa vô cùng lớn đối với xã hội, nhất là khi ô nhiễm rác thải đang ngày càng gia tăng ở khắp mọi nơi, đặc biệt là các địa điểm du lịch đông đúc.
4.4. Nghỉ dưỡng bền vững
Hiện nay, rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ có thiết kế mô hình thân thiện với môi trường đã xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Đó là một sự lựa chọn rất tuyệt vời để giảm lượng khí thải khi bạn đang đi du lịch. Những nơi này thường sẽ: sử dụng điện, lò sưởi, chế biến từ thực phẩm organic, tiết kiệm và tận dụng lượng nước thải ra hằng ngày…
Resort thân thiện môi trường. Hình: Sưu tầm
Ngoài ra, nếu bạn thích một cảm giác mới lạ và đặc biệt khi đi du lịch, hãy cân nhắc việc lưu trú nhờ tại nhà của người dân địa phương. Bằng cách này, bạn se có được những trải nghiệm thú vị cùng gia chủ khi có thể được ngồi chung mâm cơm hay cùng tham gia vào các hoạt động sinh hoạt và lao động hằng ngày.
Phát triển du lịch bền vững đòi hỏi nhiều yếu tố và nhiều bên liên quan cùng tham gia thực hiện, trong đó mỗi cá nhân cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến quá trình này. Hãy du lịch có trách nhiệm hơn để hướng đến phát triển du lịch bền vững cho hôm nay và mai sau nhé!
0 bình luận