“Bleisure travel” – xu hướng du lịch cho người bận rộn
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhiều người đã và đang thay đổi hành vi, thói quen và quyết định đi du lịch của mình. Từ đó, các hoạt động du lịch truyền thống cũng dần dần thay đổi và thay vào đó bằng những loại hình du lịch sáng tạo, độc đáo khác, nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, khám phá những vùng đất mới của các tín đồ du lịch.
Nội dung chính
Trong số đó phải kể đến “bleisure travel”, tuy không phải là loại hình du lịch mới nhưng được dự đoán sẽ trở thành xu hướng trong thời gian sắp tới.
1. “Bleisure travel” là gì?
Bleisure là từ ghép của “business (công việc)” và “leisure (giải trí)”. Vì vậy, nói ngắn gọn, “bleisure travel” là hình thức đi công tác kết hợp du lịch, giải trí. Với hình thức du lịch này, du khác sẽ nán lại nơi công tác vài ngày, tranh thủ thời gian này để nghỉ ngơi, giải trí, tham gia các hoạt động tại điểm đến như tham quan, trekking, thưởng thức ẩm thực địa phương, tham gia sự kiện nhằm tìm hiểu, khám phá điểm đến ngoài thời gian làm việc của mình. Đây là hình thức được nhiều doanh nhân và công ty lựa chọn để kết hợp với chuyến công tác.
Du lịch kết hợp công việc đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Hình: Sưu tầm
Dù không phải là xu hướng du lịch mới hình thành mà với thế hệ quyết định chi tiêu chính hiện nay – Millennials (hay còn gọi là thế hệ Y) thì việc kéo dài chuyến công tác để nghỉ ngơi, giải trí rất được yêu thích và đón nhận nhiệt tình. Hơn nữa, thế hệ Y vốn đánh giá cao những trải nghiệm thực tế trong cuộc sống, vì vậy thường tận dụng tất cả cơ hội để trải nghiệm nhiều hơn, họ có thể chấp nhận mức lương thấp hơn chỉ để có một công việc với nhiều cơ hội di chuyến đi đến các thành phố và quốc gia khác nhau nhằm giúp mình vừa có thể kiếm thu nhập mà vừa có thể khám phá những vùng đất mới, khiến loại hình du lịch này trở nên phổ biến hơn.
2. Lợi ích của “bleisure travel”
2.1. Tiết kiệm thời gian
Thông thường, nếu muốn một chuyến du lịch thuần túy, bạn phải gác lại công việc bận rộn, xin nghỉ phép thì mới thật sự có thể dành trọn thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Tuy nhiên, với hình thức “du lịch kết hợp công việc” này, bạn có thể xóa bỏ ranh giới giữa công việc và du lịch, bạn không cần phải căng thẳng bàn giao lại công việc, mà chỉ cần tận dụng khoảng thời gian cuối tuần trước hoặc sau chuyến công tác để khám phá điểm đến.
2.2. Tiết kiệm chi phí
Một trong những lợi ích hàng đầu của “Bleisure travel” đó là giúp du khách giảm thiểu chi phí, nhất là chi phí di chuyển đến và từ điểm đến. Ngoài ra, ngày nay nhiều khách sạn cũng đang hướng đến đối tượng khách bleisure, vì vậy họ sẽ có nhiều ưu đãi cho những khách hàng đặt thêm ngày lưu trú hay các chương trình khách hàng thân thiết dưới hình thức tích lũy điểm thưởng nếu khách bleisure gia hạn thêm ngày thuê phòng cho chuyến công tác của mình.
Bleisure travel giúp tiết kiệm thời gian, chi phí. Hình: Sưu tầm
2.3. Chăm sóc sức khỏe
Không đơn thuần là tận dụng thời gian và tiết kiệm chi phí, xét về phương diện sức khỏe, bleisure travel cũng mang lại lợi ích nhất định. Thay vì bắt một chuyến bay ngay lập tức trở về nhà sau chuyến công tác vất vả, mệt mỏi, trí óc phải hoạt động cao độ, bạn có thể lưu lại điểm đến vài ngày để thư giãn, nghỉ ngơi, nạp thêm năng lượng trong khách sạn hoặc đưa gia đình, bạn bè cũng đi tìm hiểu văn hóa, khám phá ẩm thực địa phương.
2.4. Gia tăng giá trị công việc
Những chuyến du lịch kết hợp với công việc sẽ một phần giúp giá trị và hiệu quả công việc. Không gian làm việc thoải mái, linh động, ít bị gián đoạn hơn sẽ mang lại cho các nhân viên nhiều thời gian hơn để tập trung và mang đến giá trị hiệu quả hơn trong công việc. Ngoài ra, nhân viên có thể sẵn sàng đi công tác vào cuối tuần hoặc thậm chí vào dịp lễ, giải quyết công việc năng suất để có thể tận dụng thời gian du lịch, khám phá điểm đến.
Không gian làm việc thoải mái, linh động giúp tăng hiệu quả công việc. Hình: Sưu tầm
2.5. Tăng khả năng phát triển của điểm đến
Đối với các chủ khách sạn nói riêng và các nhà cung cấp dịch vụ du lịch nói chung tại điểm đến, bleisure traveler sẽ giúp tạo cơ hội tăng doanh thu nhờ kéo dài thời gian lưu trú của mình. Khách sạn có thể giới thiệu những điểm du lịch, dịch vụ du lịch của địa phương đến với khách hàng. Điều này không chỉ giúp tăng doanh số của khách sạn, giúp địa phương phát triển du lịch, kinh tế mà còn giúp khách hàng hứng thú hơn. Từ đó nâng cap khả năng tái ghé thăm điểm đến về sau tiếp tục cuộc khám phá mà khách hàng đã bỏ dở vì không có nhiều thời gian.
Góp phần phát triển kinh tế cho điểm đến. Hình: Sưu tầm
Trong thời điểm mà dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng đến cuộc sống, những chuyến đi bleisure travel càng được ưa chuộng hơn. Những chuyến công tác xa kết hợp với du lịch lúc này sẽ là khoảng thời gian thích hợp để bạn tranh thủ xả hơi, nghỉ ngơi và thư giãn.
0 bình luận