- Tin tức > Du lịch > Miền Nam > Lâm Đồng > Du lịch Đà Lạt >
Cảnh đẹp trong huyền thoại Hồ Than Thở nghìn năm ở Đà Lạt
Đặt chân đến thành phố mộng mơ Đà Lạt dù chỉ một lần thôi cũng đủ làm người ta lưu luyến, ấy là hồ Than Thở, một bức tranh sơn thủy hữu tình, một bức tranh huyền thoại nối liền quá khứ với hiện tại và vấn vương mãi trong lòng kẻ ở, người đi.
Hồ bình yên, phẳng lặng giữa Đà Lạt phồn hoa (Ảnh sưu tầm) |
Nép mình bên rặng thông bạt ngàn
Hồ Than Thở mộng mơ nằm ở vị trí gần trường Học viện lục quân, cách trung tâm địa điểm du lịch Đà Lạt khoảng 6 km đường lái xe về hướng Chi Lăng.
Người dân sinh sống lâu năm vẫn thường gọi hồ Than Thở với cái tên Sương Mai bởi vào mỗi buổi sáng sớm, nơi mặt hồ ấy cứ bảng lảng những làn sương khói mờ ảo như mang theo những lời thì thầm của ngàn xưa.
Vào thời kì người Pháp phát hiện ra Đà Lạt, nơi đây còn hoang vu lắm, chỉ có tiếng gió rì rào qua các kẽ lá tựa như bản nhạc không lời buồn đến da diết, thê lương nên người Pháp đặt cho hồ là Lacdes Soupirs với ý nghĩa là tiếng rì rào, than thở. Lời than thở ấy là của trời đất, của thiên nhiên, của lòng người đầy vướng bận, là lời đồng vọng của quá khứ, thấm nhuần trong hiện tại và tương lai.
Phía bắc hồ Than Thở – cảnh Đà Lạt huyền thoại ấy là một đồi thông ngút ngàn, các cây được trồng thưa, cao xấp xỉ nhau nhưng đặc biệt hơn là cái tên “Đồi thông hai mộ”. Chính địa danh ấy đã phủ lên hồ Than Thở không gian đậm màu kí ức.
Tiếng thở than đồng vọng (Ảnh sưu tầm) |
Trước đây, hồ Than Thở vốn chỉ là một hồ nước tự nhiên đơn thuần, dược người Pháp sử dụng làm đập chứa nước, dần dần hồ Than Thở trở thành một cảnh đẹp ở Đà Lạt không thể thiếu của mảnh đất cao nguyên này.
Đến với hồ Than Thở là đến với một không gian ngập tràn sắc xanh của những thảm cỏ tự nhiên xanh mướt, trải dài vô tận, hòa quyện trong bản giao hưởng màu sắc của những loài hoa xứ lạnh, trong ánh nắng nhàn nhạt, trong sắc lóng lánh của mặt hồ xao động…tất cả đều lắng đọng lại trong tâm hồn mỗi người từng đặt chân đến đây.
Một giây lắng đọng trong tâm hồn, một phút tĩnh mịch cô liêu trong câu chuyện tình lãng mạn nhưng đượm buồn, sẽ là những giây phút thư thái cho những tâm hồn đang đi tìm một điểm tựa cho tâm hồn. Xung quanh hồ có dựng những ngôi nhà chồi giản dị hợp với cảnh vật nơi đây giúp du khách nghỉ chân dùng một chút điểm tâm, uống ngụm nước để tiếp thêm năng lượng tiếp tục khám phá Hồ Than Thở. Ngoài ra du khách còn được chụp ảnh kỉ niệm, cưỡi ngựa xung quanh hồ ngắm cảnh với dịch vụ cho thuê ngựa và người dắt ngựa để bảo đảm an toàn cho du khách.
Hồ Than Thở – Điểm tưa tâm hồn (Ảnh sưu tầm) |
Hồ Than Thở – Minh chứng cho tình yêu bất diệt
Đến với hồ Than Thở – địa điểm du lịch Đà Lạt, không chỉ là đến với một bức tranh thiên nhiên hữu tình mà còn là một chuyến hành trình trở về với quá khứ, với câu chuyện tình yêu đã âm vang trong núi rừng ấy.
Thuở ấy, tại mảnh đất này, một mối tình thật đẹp đã nảy nở trong niềm vui, trong hẹn ước lứa đôi giữa chàng trai Hoàng Tùng và nàng Mai Hương. Những tưởng hạnh phúc dài lâu, trọn vẹn.
Vào thế kỷ 18, khi người anh hùng Nguyễn Huệ đánh đuổi quân xâm lược nhà Thanh, trai tráng trong làng đều được kêu gọi tham gia quân đội, chàng Hoàng Tùng cũng tham gia đội quân ấy, đem sức trẻ bảo vệ quê hương, đánh đuổi quân xâm lược.
Huyền thoại soi bóng trên mặt hồ ( Ảnh sưu tầm) |
Thời gian đằng đẵng trôi đi, chợt một ngày, mai Hương nhận được người yêu hi sinh nơi chiến trận, quá đau buồn, nàng đã gieo mình xuống hồ Than Thở, quyên sinh. Chàng Hoàng Tùng trở về từ chiến trường ác liệt, hay tin Mai Hương đã không còn nữa, chàng về bên hồ, than khóc và tự vẫn theo nàng. Tất cả đã khép lại mối mối tình thủy chung, son sắt bên hồ Than Thở.
Ngày nay, Hồ Than Thở đã trở thành một trong những cảnh đẹp ở Đà Lạt nổi tiếng không những vậy câu chuyện tình và cảnh đẹp theo phong cách rất riêng nơi đây đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để rất nhiều nhà thơ cho ra đời những bài thơ, bản nhạc có một không hai như câu thơ ngắn gọn nhưng rất nổi tiếng sau:
“ Đà Lạt có thác Cam Ly
Có Hồ Than Thở người đi sao đành”
Vào năm 1998, Hồ Than Thở – chính thức được công nhận là di tích lịch sử – văn hoá.
Ai đặt nên tên Than Thở? (Ảnh sưu tầm) |
Thời gian vẫn cứ vô tình lướt qua, đem đi tuổi trẻ của biết bao thế hệ con người nơi đây, đem bụi mờ phủ lên trên cảnh vật, nhưng hồ Than Thở – cảnh đẹp ở Đà Lạt vẫn bền bỉ nằm ở đó, vẫn viết nên những trang vàng huyền thoại.
0 bình luận