Cá thính Lập Thạch món ngon dẫn dã Vĩnh Phúc
Nội dung chính
Nói đến món ngon đất Bắc, người ta không thể bỏ qua cá thính – đặc sản Lập Thạch. Chua thơm, béo ngậy, cá thính làm xiêu lòng bất cứ khẩu vị khó tính nào. Từ dân dã, cá thính Lập Thạch từng bước ghi tên mình vào hàng sơn hào hải vị, hấp dẫn khó quên.
Ra đời từ nghèo khó
Ngon lạ là thế, ít ai biết món cá thính xuất nguồn từ đời sống nông dân bần hàn. Mùa cấy lúa chiêm, khi đầm hồ cạn nước, cá xuất hiện nhiều nên không thể ăn hết ngay. Ngày ấy đến điện còn hiếm, làm sao có tủ lạnh để bảo quản cá. Từ khó khăn ấy, người dân nghĩ cách muối chua cá để ăn lâu dài qua mùa vụ mới. Chẳng ai ngờ cá muối lên vừa chua ngọt vừa béo ngậy, thơm ngon lạ kỳ. Thật chẳng ngoa khi nói cá thính là kết tinh của thiên nhiên trù phú và công sức lao động vất vả mà nên.
Chế biến cầu kỳ mà tinh tế
Nguyên liệu làm cá là bất cứ loại cá nào, cả có vảy lẫn da trơn. Nhưng quen thuộc và ngon nhất vẫn là cá mè, cá trắm. Cá bắt buộc phải tươi ngon, to và chắc. Sơ chế qua bằng cách bỏ lòng, đánh vảy, để nguyên con hoặc cắt khúc với cá to. Từ ruộng đồng, những chú cá trở thành món cá thính Vĩnh Phúc nổi tiếng khắp miền.
Thứ không thể thiếu nữa là thính, làm từ ngô, gạo nếp hoặc đậu tương. Thính được rang vàng, giã nhỏ, giần lấy hạt thính li ti để bám vào thịt cá mà không bết vào cá. Giờ chỉ cần thêm ít muối hạt là đã có thể chế biến cá thính.
Nguyên liệu đơn giản là thế nhưng công đoạn chế biến lại rất cầu kỳ. Phải giàu kinh nghiệm như các bà, các mẹ vùng Lập Thạch xưa mới tạo ra những miếng cá tròn vị nhất. Cá ướp muối một ngày một đêm, muối được nhồi cả vào bụng cá. Sau đó lấy cá ra ép cho chảy hết nước rồi để se thịt lại. Xát thính quanh miếng thịt cá và nhồi cả vào bụng rồi xếp vào hũ. Mỗi lớp cá được cách bởi một lớp thính nâu vàng. Sau cùng, người ta xếp lớp thính trên cùng dày nhất và bao kín miệng hũ, lót rơm dày.
Trong suốt quá trình ủ cá, luôn phải theo dõi để thêm nước nếu cạn hoặc đổ bỏ nước. Sau 3 – 4 tháng, cá đã đạt đến vị thơm ngon nhất là lúc gỡ ra để dùng.
Cá thính Lập Thạch ngon lành từ sự dân dã
Món cá thính đạt chuẩn khi gỡ có thịt đỏ au hoặc màu hổ phách. Từng thớ thịt thấm đẫm vị thơm, chua ngọt, béo ngậy và đậm vị muối là hoàn hảo. Cá chỉ ngon khi được nướng trên than hồng, nguyên vị mà không bị cứng. Không nên chiên cá thính vì dầu mỡ sẽ khiến miếng cá không còn dai và đậm đà nữa.
Mâm cơm của người Vĩnh Phúc những ngày mùa vụ xưa không thế thiếu dĩa cá thính. Vị chua ngọt rất đưa cơm, ngày thường hay lễ tết đều phù hợp. Mùa đông, tuyệt vời sao khi cả nhà được quây quần bên mâm cơm có món cá thính nóng hổi, dai ngọt. Cá thính kết hợp ăn khớp với rất nhiều món ăn thường ngày. Chẳng những vậy, vài miếng cá thính nướng giòn dai nhấm nháp với chút rượu đế nồng nàn mới thật hoàn hảo. Khách tới nhà, người dân đất Bắc dọn ra bữa cơm có món cá thính đặc sản Lập Thạch thì quả là quý hoá. Cá ăn hết, thính sót lại trong hũ cá đem rang với mỡ ăn cũng rất ngon.
Chất chứa hồn người xứ Bắc
Chế biến Cá Thính đã trở thành một phương pháp bảo quản thực phẩm độc đáo và hiệu quả. Mùi vị cá đã trở thành biểu tượng cho những đặc sản ngon nhất nhì đất Bắc. Chẳng những vậy, món cá thính còn là sự giao hòa hoàn hảo giữa nhiều yếu tố. Đó là sự trù phú, ngọt lành từ ruộng đồng, thiên nhiên. Là sự chăm chỉ, mộc mạc của người nông dân Bắc Bộ. Là sự cầu kỳ, chu đáo của các mẹ, các chị. Và là kết tụ của tinh hoa đất trời trong từng miếng thịt cá. Nếm vị cá chua ngon, ta như cảm được cả tâm hồn của những người dân Vĩnh Phúc chân chất, thân thương.
Ấy vậy nên bất cứ ai đến mảnh đất này, không thể bỏ qua món cá thính Lập Thạch. Dần dà món ăn đã trở thành nét văn hoá và là một phần không thể thiếu trong những câu chuyện khi mà người ta nói đến ẩm thực của vùng đất Vĩnh Phúc này.
0 bình luận