Nội dung chính
Chùa Tam Chúc thuộc siêu dự án quần thể du lịch tâm mới được hình thành ở Hà Nam. Chùa Tam Chúc cũng được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất thế giới với hệ thống cảnh quan cùng nhiều bảo vật quý hiếm. Mời bạn hãy cùng Vntrip tận mắt tham quan những điều đặc biệt của ngôi chùa hoành tráng này nhé.
Chùa Tam Chúc hết sức rộng lớn nhìn từ trên cao
Chùa Tam Chúc ở đâu?
Chùa Tam Chúc tọa lạc tại thị trấn Ba Sao, xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, thuộc tỉnh Hà Nam. Từ đây cách trung tâm Hà Nội mất khoảng 60km. Ngôi chùa này có một vị trí hết sức đặc biệt có thể xem như cầu nối chùa Hương và chùa Bái Đính ở Ninh Bình. Tọa lạc ở một vị trí vô cùng đắc địa về mặt tâm linh khi phía sau chùa là Thất Tinh còn mặt trước là hồ Lục Nhạc, trong hồ có 6 hòn đảo mà theo tương truyền đây tượng trưng cho 6 chiếc chuông được trời ban.
Chùa Tam Chúc nằm ở vị trí “tam giác vàng” du lịch tâm linh
Hiện nay hệ thống giao thông kết nối giữa Hà Nội và Hà Nam hết sức thuận lợi. Chùa Tam Chúc cách chùa Bái Đính khoảng 30Km và cách chùa Hương 4,5Km tạo nên một quần thể “tam giác vàng” trong hoạt động du lịch tâm linh.
Có gì đặc biệt ở chùa Tam Chúc
Toàn bộ đại dự án quần thể khu du lịch Tam Chúc rộng đến 5000 ha, bao gồm nhiều cảnh quan như hồ nước rộng lớn, núi đá, thung lũng tạo nên sự kỳ vĩ, tráng lệ. Công trình chùa Tam Chúc vẫn đang trong quá trình xây dựng và người ta ước tính cần thêm 30 năm nữa để hoàn tất toàn bộ quần thể này.
Chùa Tam Chúc sau khi hoàn thành tất cả hàng mục sẽ là ngôi chùa lớn nhất thế giới. Ảnh: Nguyễn Anh Trâm
Chùa Tam Chúc được xây dựng trên nền của ngôi chùa cổ trước đó, mà theo các nhà khảo cổ ngôi chùa này đã có niên đại hơn 1000 năm trước. Trải qua thời gian cùng nhiều biến cố lịch sử nơi này chỉ lưu lại những vết tích cổ xưa như cột đá, xà đá, và nhiều hiện vật vùi lấp ngàn năm.
12000 bức tranh từ đá núi lửa
Chùa Tam Chúc được xây dựng lại với 12000 bức tranh đá miêu tả các sự tích của Đức Phật, các tác phẩm này được những người Hồi Giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa đưa sang Việt Nam.
Các bức phù điêu tạc bằng đá núi lửa
Các công trình nổi bật tại quần thể này có thể kể đến là: Chùa Ngọc, Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ, Điện Quan Âm, Cổng Tam Quan, Phòng họp Quốc tế.
Chùa Ngọc
Chùa Ngọc trên đỉnh Thất Tinh
Chùa Ngọc hay còn được biết đến là Đàn Tế Trời đây là một trong những hạng mục quan trọng nhất của quần thể chùa Tam Chúc. Chùa Ngọc được xây dựng tận trên đỉnh của ngọn núi Thất Tinh. Từ chân núi, du khách phải leo 200 bậc thang bằng đá để đến được chùa Ngọc. Trong chùa Ngọc hiện đang lưu giữ những bảo vật vô cùng quý giá đó là 3 bức tượng Phật bằng đá Granite từ Ấn Độ và một pho tượng Phật bằng ngọc quý hiếm. Bảo tháp này không chỉ gây ấn tượng với thiết kế độc đáo mà còn cất giữ thêm bảo vật đặc biệt là thiên thạch mặt trăng có trọng lượng 5,5kg với tên gọi là “The Moon Puzzle” được đấu giá từ trung tâm RR Auction, bang Boston (Mỹ).
Điện Tam Bảo
Điện Tam Bảo uy nghi tráng lệ
Điện Tam Bảo là công trình đầu tiên du khách có thể thưởng lãm ngay khi bước chân vào từ cổng chùa Tam Chúc. Diện tích Điện Tam Bảo rộng đến 5100m2, có thể chứa cùng lúc đến 5000 người, rộng lớn thuộc hàng bậc nhất Việt Nam. Bên trong điện du khách có thể nhìn thấy 3 pho tượng Phật Tổ bằng đồng đen khổng lồ, mỗi pho tượng nặng gần 80 tấn, sau lưng là cánh sen dát vàng được chạm khắc vô cùng tinh xảo .
Điện thờ Pháp Chủ Thích Ca Mâu Ni
Điện Pháp Chủ với tượng Phật khổng nặng 200 tấn
Nội điện Pháp Chủ có thờ một tượng Phật nặng 200 tấn, đây cũng chính là bức tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm bây giờ.
Tiếp theo là Điện Quan Âm với pho tượng Quan Âm bằng đồng nguyên khối nặng tới 100 tấn.
Vườn Cột Kinh
Vườn cột kinh lớn nhất thế giới ở chùa Tam Chúc
Vườn Cột Kinh được dựng với 1000 cột đá cao 13,5m nặng hơn 200 tấn, trên những chiếc cột to lớn này người ta chạm khắc các bài kinh để du khách chiêm bái và cầu nguyện. Hiện công trình vẫn đang được xây dựng và dự kiến sẽ là vườn cột kinh lớn nhất thế giới khi hoàn thành.
Đình Tam Chúc
Đình Tam Chúc nằm trên một hòn đảo nổi giữa hồ
Đình Tam Chúc là nơi thờ phượng hoàng hậu đời nhà Đinh tên là Dương Thị Nguyệt. Theo sử sách tương truyền Đinh Bộ Lĩnh trước đây trong cuộc chinh chiến dẹp loạn 12 sứ quân đã đến nơi đây chiêu binh mãi mã đến khi chiến thắng trận và lên ngôi hoàng đế đã sai lệnh xây đình thờ tại đây.
Quần thể di tích du lịch tâm linh chùa Tam Chúc xứng đáng là một điểm đến hấp dẫn cho các Phật Tử trên khắp thế giới đến hành hương cũng như du khách trong, ngoài nước thưởng ngoạn, chiêm bái cầu may mắn, bình an nhất là dịp các tháng sau Tết Nguyên Đán. Ngôi chùa là sự kết hợp hoàn hảo của nét cổ kính linh thiêng nơi di tích ngàn năm tuổi cùng với cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ, bao la. Chùa Tam Chúc hiện tại và trong tương lai chắc chắn sẽ là điểm đến hấp dẫn và được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển đột phá kinh tế – xã hội cho tỉnh Hà Nam
0 bình luận