Từ “Chân Ái” khám phá nét văn hóa đặc sắc của người Hoa ở Sài Gòn
Nội dung chính
“Chân Ái” là MV đánh dấu sự trở lại của Orange sau thời gian “im hơi lặng tiếng”, ca khúc là sáng tác của Châu Đăng Khoa và có sự góp giọng của Khói như một khách mời âm nhạc. Trên nền âm nhạc đương đại, MV Chân ái là câu chuyện mang đậm sắc màu sân khấu kinh kịch truyền thống. Nhân tiện mời bạn cùng theo chân khám phá những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Hoa ở TP.HCM nói chung và khu vực Chợ Lớn nói riêng.
- Một cảnh trên sân khấu trong MV Chân Ái
Khám phá nghệ thuật hát Tiều ở Nam bộ
Theo các nghệ nhân người Hoa, Trung Quốc có ba dòng kịch chính, đó là Kinh Kịch – loại kịch của Bắc Kinh, được hát bằng tiếng Quan Thoại (phổ thông ngữ); Việt Kịch của hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, hát tiếng Quảng (hát Quảng); Triều Kịch là sân khấu của Triều Châu, hát tiếng Tiều (hát Tiều). Tại Chợ Lớn và các tỉnh miền Tây Nam Bộ đa số người Hoa là gốc Quảng Đông và Triều Châu, không biết tiếng Quan Thoại (phổ thông ngữ) nên họ chỉ thích hát Tiều, hát Quảng và không thích Kinh Kịch.
Hát Tiều xuất hiện tại Nam Bộ nói chung và Chợ Lớn nói riêng vào đầu thế kỷ 20, do những đoàn Triều Kịch lưu diễn đến từ các tỉnh Nam Trung Quốc. Trong quá trình lưu diễn, một số diễn viên của các đoàn Triều Kịch vì nhiều lý do, hoàn cảnh khác nhau đã ở lại Việt Nam rồi nhớ nghề mà lập nên những gánh hát Tiều tại Nam Bộ và Chợ Lớn. Cũng như một số loại hình nghệ thuật khác của người Hoa ở Chợ Lớn, hát Tiều được phân làm hai loại đó là loại sang và bình dân. Đối với loại bình dân thì thường được tổ chức biểu diễn ở các ngôi chùa, miếu; còn loại sang hơn thì được gánh hát thuê hẳn những rạp hát mà biểu diễn.
Ban nhạc trong gánh hát Tiều thường được chia thành hai đội, đó là đội tùa lò cấu gồm các loại trống và thanh la, đại la, đại bát, tiểu bát, thâm ba, nguyệt la được bố trí ngay phía trên sân khấu. Đây là đội có nhiệm vụ đánh những bản nhạc mang tính tâm linh nhưng rất sôi động, tạo sự hào hứng để mở màn làm sạch sân khấu, đuổi tà ma, sự xui xẻo, hoặc đánh trong các đoạn vở diễn có cảnh rượt đuổi, để chuyển cảnh, màn diễn mới. Đội 2, được gọi là đội hí gồm các loại nhạc cụ thuộc bộ dây như đàn nguyệt, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn tam, đàn nhị, đại sô na, tiểu sô na, tần cầm, tiêu, thập lục, như huyền, trúc huyền, bàn hồ được bố trí phía bên phải của sân khấu, đây là dàn nhạc chính, đánh các bài bản theo từng vai diễn.
- Những tiết mục hát Tiều trên sân khấu Trung tâm Văn hóa quận 5 (TPHCM)
Đặc điểm của hát Tiều là diễn luôn một mạch từ 7 giờ tối hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau, với phần mở màn bao giờ cũng là tiết mục “Bát tiên chúc thọ”, do xuất phát từ quan niệm cát tường hý, nhằm phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của giới quý tộc thời phong kiến. Nói chung diễn xuất trong hát Tiều cũng na ná như Kinh Kịch, Việt Kịch và có nhiều điểm giống với diễn tuồng, hát bội của Nam bộ, nghĩa là diễn viên vừa ca, vừa diễn xuất điệu bộ…
Dừng chân ở Chợ Lớn
Ở khu vực Chợ Lớn (chủ yếu ở quận 5 ngày nay), từ những năm 60 của thế kỷ trước, những người Hoa gốc Triều Châu, đã tập hợp các nghệ nhân, nghệ sĩ hát Tiều và những người yêu thích nghệ thuật truyền thống Trung Hoa, để thành lập ra các ban nhạc Xã, gọi nôm na là ban nhạc nghiệp dư như: Đông Phương, Ỷ Vân, Tân Nghệ, Dương Minh Huyền, Ngọc Tuyết.
Trong quá trình hoạt động, vì đặc trưng ngôn ngữ của người Hoa gốc Quảng Đông và người Hoa gốc Triều Châu có sự khác nhau, nên Đoàn Ca kịch Thống Nhất Quảng Triều được chia thành hai đoàn nghệ thuật riêng và mỗi đoàn có ngôn ngữ, phong cách biểu diễn riêng.
Đoàn Ca kịch Quảng Đông diễn theo tiếng Quảng Đông (hát Quảng), có lối diễn nhẹ nhàng theo phong cách tự sự, trữ tình với những điệu bộ rất uyển chuyển và hóa trang mang đậm sắc thái của Kinh Kịch. Đoàn Ca kịch Triều Châu thì mang đậm phong cách kịch hiện đại, tả thực và hóa trang theo sắc thái giống với cải lương của người Việt.
Nguồn tham khảo: Lương Định / giaoducthoidai.vn
0 bình luận