- Tin tức > Du lịch > Miền Trung > Đà Nẵng >
Bánh mướt Đà Nẵng – món ngon ăn rồi nhớ mãi
Các món ăn đến từ nhiều nơi khác nhau như Huế, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đều được tụ hội ở Đà Nẵng làm nổi bật nét văn hóa ẩm thực miền Trung; món bánh mướt cũng là một món ăn như thế xuất phát từ xứ Nghệ, giản dị, bình dân nhưng ai đã thử một lần hẳn sẽ khó lòng quên được.
Khi đến Đà Nẵng món Bánh mướt đã được biến tấu theo một cách riêng mà vẫn giữ được nét đặc trưng của món ăn và trở thành món ngon Đà Thành.
Bánh mướt là món bánh đặc trưng xứ Nghệ (Ảnh sưu tầm) |
Bánh mướt là món bánh mà thoạt nhìn ai cũng nghĩ nó giống với bánh cuốn Thanh Trì của người Hà Nội. Nhưng thực tế chúng là hai món bánh khác nhau. Nếu bánh cuốn Thanh Trì dùng bột gạo tám thơm thì bánh mướt lại được làm từ gạo tẻ.
Bánh mướt là món bánh chế biến đơn giản nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn, đợi chờ. Bánh mướt không hoa mỹ, cầu kỳ nhưng lại làm vừa lòng biết bao thực khách sành ăn, khó tính. Để làm được bánh mướt, người ta phải đem gạo tẻ ngâm hàng giờ trong nước lạnh cho hạt gạo mềm, bở, ngậm nước. Sau đó người ta đem gạo đi xay. Gạo xay phải nhuyễn, mịn màng. Ngày trước, người ta thường xay gạo bằng cối đá, miệt mài, tỉ mẩn đến hàng giờ. Gạo xay càng mịn càng nhuyễn bao nhiêu thì bánh ra lò càng thơm ngon bấy nhiêu. Giờ đây, với máy móc hiện đại, việc xay xát dễ dàng hơn nhưng thời gian ngâm gạo vẫn cần được đảm bảo.
Gạo làm bánh phải được ngâm nước, xay mịn bột (Ảnh sưu tầm) |
Xuất xứ của bánh mướt là từ xứ Nghệ – vùng đất nghèo khó, thiên tai bão lũ quanh năm. Nó là món ăn quen thuộc hàng ngày bởi chất liệu bình dân, món dễ ăn, vị ngon dễ nhớ. Vì vậy, bánh mướt đi vào tuổi thơ của những đứa trẻ nơi đây tự nhiên như lời hát ru của mẹ. Gồng gánh gánh gồng, bánh mướt đi một hành trình dọc dài khắp miền Trung. Bánh mướt cứ vậy vào đến Huế rồi Đà Nẵng. Đến với Đà thành, biến tấu theo khẩu vị người dân nơi đây, bánh mướt trở thành món ngon Đà Nẵng.
Bánh mướt – món ngon Đà Nẵng (Ảnh sưu tầm) |
Bánh mướt Đà Nẵng là món bánh được làm từ bột gạo, pha với bột lọc theo một tỉ lệ nhất định. Mỗi quán hàng lại có một bí quyết pha bột riêng của mình giúp cho miếng bánh khi ra lò trắng mịn, mỏng, mềm nhưng dai bột và thơm. Bột gạo nước pha để làm bánh, chủ quán chưa dùng ngay mà phải để lắng trong vài giờ rồi mới đem hấp bánh. Chủ hàng đun một nồi nước lớn, lửa to, căng miếng vải lên mặt nồi để lấy nhiệt từ hơi nước bốc lên. Kế đến, người ta tráng một lớp bột lên bề mặt vải và chờ bánh chín. Lớp bột tráng phải mỏng và đều tay. Khi bánh chín, người ta dùng một chiếc đũa tre để lấy bánh, rải lên thúng úp ngược, cuộn lại thành cuộn dài tròn, to bằng ngón tay rồi xếp ngay ngắn lên thúng lá chuối.
Bánh mướt được xếp trong thúng lá chuối (Ảnh sưu tầm) |
Bánh mướt Đà Nẵng thường không có nhân như bánh cuốn miền Bắc. Chiếc bánh cũng nhỏ tròn chứ không to đậm, dày thân. Người ta thường phi thơm hành cho đến khi chín ruộm, vàng ươm, thơm nức mũi, rồi đem rắc đều lên bánh. Những chiếc bánh được chấm với mắm pha để tăng thêm vị đậm đà. Mắm chấm được pha từ tỏi, ớt, đường, nước cốt chanh, nước lọc với tỉ lệ nhất định. Bánh trắng, dẻo, thơm, nóng hôi hổi được chấm ngập trong mắm ngọt ngọt, chua cay.
Bánh mướt chấm với nước mắm pha đậm đà, thơm ngon (Ảnh sưu tầm) |
Ăn bánh mướt Đà Nẵng phải ăn khi còn nóng, khi bánh mới ra lò. Món ngon Đà Nẵng này không khó tìm, khó mua. Bạn hoàn toàn có thể tìm thấy tại một quán quà vặt bên đường hay trong những cụm chợ chiều. Trong các món ăn Đà Nẵng thì bánh mướt là món khiến cho thực khách cảm thấy vừa lạ vừa quen. Dân Bắc ăn bánh mướt lại nhớ đến bánh cuốn nhưng chợt lắc đầu cười vì không phải hương vị bánh cuốn thường ăn, nó lạ miệng, vừa ăn đủ no nhưng không ngấy. Người miền Trung ăn thấy thân thương, quen thuộc, thấy nhớ hình ảnh quê xưa nơi chiều chiều chờ đón mẹ về với món bánh mướt trên tay…
Nếu có cơ hội đến với Đà Nẵng, bạn hãy thử một lần ngồi lại quán ven đường, gọi một đĩa bánh mướt nhỏ xinh để cảm nhận vị thơm ngon của thức quà miền Trung này nhé!
0 bình luận