Bị cảm cúm làm thế nào nhanh khỏi?
Vào thời điểm giao mùa, mọi đối tượng từ người lớn đến trẻ em đều có nguy cơ mắc phải triệu chứng cảm cúm, nhất là những người có sức đề kháng kém.
Nội dung chính
Cảm cúm đem đến hàng loạt các triệu chứng gây khó chịu cho người mắc bệnh như sốt, ho, nghẹt mũi đến đau họng, nhức đầu,…Đặc biệt trong thời điểm “nhạy cảm” khi dịch Covid vẫn đang hoành hành, không ai muốn mình bị cảm cúm, ho sốt bởi sẽ gây hoang mang cho bản thân và cả những người xung quanh, chưa kể nếu di chuyển đến công ty, văn phòng hay các nơi công cộng sẽ phải kiểm tra nhiệt độ, di chuyển xe khách hay xe cá nhân đi qua địa phương khác sẽ rất không nên và không tránh khỏi phiền toái.
Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi: bị cảm cúm làm thế nào nhanh khỏi với những biện pháp đơn giản tại nhà giúp nhanh chóng hồi phục trong những trường hợp bệnh cúm từ mức độ nhẹ đến trung bình nhé!
1. Nguyên nhân gây ra cảm cúm
Cảm cúm do một loại virus truyền nhiễm tên Influenza từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Cảm cúm có thể dễ dàng lây nhiễm nếu tiếp xúc gần với người bị bệnh ho, hắt hơi hoặc chạm vào bề mặt nơi có chứa dịch tiết ra từ người bệnh như nắm cửa, điện thoại, táy vịn cầu thang,…
Một số triệu chứng điển hình mà cảm cúm gây ra thường là đổ mồ hôi, sốt cao, đau đầu, khó thở, đau nhức toàn thân, ớn lạnh, ho, khản tiếng,…
2. Cách chữa cảm cúm tại nhà đơn giản và hiệu quả
Khi nhận thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng của cảm cúm, bạn hãy thử thực hiện những cách trị cảm cúm sau nhé! Mặc dù những cách này đơn giản nhưng đã được rất nhiều người áp dụng thành công.
Uống nhiều nước
Cảm cúm có thể khiến người bệnh bị nôn mửa và tiêu chảy nên cơ thể bị mất nước khá nhiều
Bạn cần cung cấp đủ nước bằng cách uống nước lọc, nước ép trái cây, canh hay nước súp,… Các loại nước ép trái cây tốt cho sức khỏe có thể kể đến nước cam, nước chanh, nước ép dưa hấu, nước ép cà chua,… vừa giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể lại nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
Không những thế, nước ép trái cây còn có công dụng làm loãng dịch như đờm để người bệnh có thể ho ra, nếu các chất nhầy tích tụ trong thời gian dài sẽ dẫn đến viêm nhiễm. Ngoài ra, trong thời gian bị cảm cúm, người bệnh nên hạn chế uống nước lạnh quá hoặc những loại thức uống chứa cồn, chất kích thích như rượu, bia, nước ngọt, cà phê, trà,…
Giữ gìn vệ sinh cá nhân
Việc giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ giúp quá trình điều trị cảm cúm hiệu quả hơn, bạn cần lưu ý những điều sau:
● Hãy thường xuyên tắm rửa sạch sẽ và súc miệng bằng nước muối. Sau khi hắt xì hoặc ho, hãy rửa sạch tay để tránh virus lây bệnh cho những người xung quanh. Nếu người bệnh thường xuyên ho, hắt hơi, sổ mũi thì hãy sử dụng khăn giấy để che miệng và vứt ngay vào thùng rác để tránh nguy cơ lây cúm cho người xung quanh.
Rửa sạch tay của bạn trước khi chúng có cơ hội lây nhiễm virus sang người khác
● Không khí ẩm sẽ có tác dụng lớn trong việc giảm nghẹt mũi và đau họng, người bệnh có thể sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc máy xông hơi trong nhà. Một cách khá đơn giản là người bệnh có thể sử dụng nước nóng để chúng bay hơi và ngồi trong phòng kín như nhà tắm để hít thở hơi ẩm, sẽ giúp thông mũi khá hiệu quả.
Để vệ sinh sạch sẽ khoang mũi, người bệnh có thể sử dụng dụng cụ xịt rửa mũi hoặc nước muối sinh lý. Cách thực hiện đơn giản như sau: xịt nước muối vào một bên khoang mũi, để dịch chảy ra bên ngoài và lau sạch chúng. Cách làm này sẽ giúp làm giảm hiện tượng nghẹt mũi, chảy nước mũi gây khó chịu và hạn chế nguy cơ nhiễm trùng xoang.
● Vệ sinh môi trường xung quanh hoặc sử dụng máy lọc không khí để nấm mốc không thể phát triển, tránh ô nhiễm không khí trong nhà.
● Khi phải đi ra ngoài, hãy bịt khẩu trang để tránh khói bụi và hít phải những không khí ô nhiễm.
● Xúc miệng với nước muối giúp long đờm và những chất nhầy tích tụ ở cổ họng, có hiệu quả nhất khi bạn ngửa cổ lên để súc miệng.
Xông hơi
Triệu chứng ngạt mũi khiến đường thở không được thông thoáng nên gây ra cảm giác cực kỳ khó chịu, bạn chỉ cần đun một ít nước sôi để xông mũi sẽ đỡ hơn rất nhiều đấy!
Để xông hơi toàn bộ cơ thể, bạn cần chuẩn bị các loại lá gồm lá tre, lá sả, lá hương nhu, lá bưởi, lá ngải cứu, lá bạc hà, lá tía tô, mỗi loại lá từ 10 – 20g. Cho tất cả loại lá(trừ lá bạc hà) vào nồi xâm xấp nước, đun lửa sôi khoảng 10 phút, sau đó mới cho lá bạc hà vào đun tiếp từ 1 – 2 phút, múc riêng một cốc nước để uống khi xông xong để đề phòng cảm lạnh.
Nếu không có các loại lá, bạn có thể sử dụng các loại tinh dầu để thay thế
Khi xông, hãy cởi quần áo và trùm chăn kín người rồi từ từ mở nồi lá để cơ thể thích nghi, xông trong khoảng thời gian từ 5 – 10 phút. Cuối cùng lấy nước đã xông để nguội tắm nhanh rồi lau khô, uống nước xông rồi nghỉ ngơi. Trong quá trình xông phải cẩn thận, đề phòng bỏng, xông trong không gian kín gió và không xông quá lâu.
Giữ cho cơ thể được thoải mái nhất
Khi bị cảm cúm, để tránh khiến cơ thể bị mệt mỏi trầm trọng hơn nên xin nghỉ làm hay nghỉ học một vài ngày. Điều này giúp cơ thể bạn được nghỉ ngơi triệt để cũng như tránh lây nhiễm virus cho những người xung quanh.
Để cơ thể được nghỉ ngơi, hãy ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái bằng cách đọc sách, xông hơi, ngâm chân,… Những việc này giúp hệ miễn dịch của bạn được tăng cường, chống lại cảm cúm và nhanh phục hồi sức khỏe. Chú ý mang quần áo thoải mái để cơ thể được tỏa nhiệt dễ dàng, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng khi mặc quần áo quá nhiều.
Uống thuốc điều trị cảm cúm
Đây là phương pháp được rất nhiều người lựa chọn vì giúp nhanh khỏi bệnh, tuy nhiên hãy đến bệnh viện để được bác sĩ kê thuốc và hướng dẫn sử dụng. Không tự ý uống thuốc để tránh xảy ra những điều bất lợi không mong muốn.
3. Bị cảm cúm nên ăn uống gì để mau khỏi?
Thật ra không có một loại đồ ăn hay nước uống nào có thể khiến cảm cúm biến mất hoàn toàn mà chỉ giúp bạn nhanh chóng phục hồi. Hãy cùng tìm hiểu một số loại thực phẩm giúp giảm các triệu chứng cảm cúm và tăng cường hệ miễn dịch cho bạn ngay sau đây.
Nước chanh mật ong
Nước nóng làm dịu cổ họng, trong trái chanh chứa rất nhiều vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, mật ong chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho cơ thể với đặc tính sát khuẩn, kháng khuẩn cao tiêu diệt các tác nhân gây bệnh.
Nước chanh mật ong rất dễ uống và tốt cho sức khỏe
Cách dùng rất đơn giản: pha 1 thìa mật ong và nước chanh cùng ly nước ấm và uống 2 lần/ngày. Thời điểm uống tốt nhất và vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy, với lượng nước chanh ít để không làm ảnh hưởng đến dạ dày bạn nhé.
Nước trà
Các triệu chứng liên quan đến đường hô hấp khi bị cảm cúm như nghẹt mũi rất khó chịu, sử dụng đồ uống nóng giúp lưu thông đường thở rất tốt. Vì vậy, hãy sử dụng nước trà xanh vì trong đó có chứa lượng chất oxy hóa cao, giúp tăng sức đề kháng. Bạn có thể pha thêm một ít mật ong sẽ làm dịu đau họng và giảm ho đáng kể. Ngoài ra, các loại trà khác như trà gừng, trà thảo mộc, trà hoa nhài,… cũng có hiệu quả rất cao trong việc làm giảm các triệu chứng của bệnh cảm cúm.
Cháo hoặc súp nóng
Người bệnh thường chán ăn hoặc khó ăn khi bị cảm cúm nên các loại đồ ăn nóng, lỏng như cháo hoặc súp sẽ dễ ăn hơn, dễ tiêu hóa và chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết
Trong cháo và súp thường có đầy đủ thịt, nước, rau củ,… nên có thể cung cấp được lượng nước và muối đã bị mất đi, bổ sung thêm vitamin, protein và các loại khoáng chất cần thiết, tăng sức đề kháng và lấy lại được sức khỏe nhanh chóng. Ngoài ra, nếu dùng các món này khi nóng còn có thể giúp nới lỏng chất nhầy ở khoang mũi, giảm cảm giác khó chịu của người bệnh.
Thực phẩm giàu kẽm
Người bị cảm cúm rất cần được bổ sung kẽm. Các loại thực phẩm như thịt bò, tôm, sò, gà, ngũ cốc, yến mạch,… chứa rất nhiều kẽm nên có thể dễ dàng bổ sung trong thực đơn của người bệnh. Trong đó, thịt bò được xem là nguồn kẽm tuyệt vời, ngoài ra loại thịt này còn giúp bạn bổ sung thêm những năng lượng cần thiết như protein và vitamin B.
Trái cây nhiều vitamin C
Trên thực tế, lượng vitamin C được hấp thụ từ thực phẩm mang lại hiệu quả cao hơn so với lượng vitamin C đến từ chất bổ sung. Chính vì vậy, ăn các loại trái cây chứa loại vitamin này sẽ là một cách bổ sung vitamin C hiệu quả và an toàn nhất.
Các loại trái cây chứa nhiều vitamin C bao gồm cam, quýt, bưởi, chanh, dâu tây,…
Rau xanh
Các loại rau xanh như rau cải, rau mồng tơi, súp lơ xanh,… có vai trò quan trọng trong việc tăng sức đề kháng cho cơ thể nhờ vào lượng vitamin C và vitamin E dồi dào. Với rau xanh bạn có thể chế biến thành rất nhiều cách như làm salad, nấu canh, luộc hoặc mix cùng nhiều loại trái cây khác để làm món sinh tố ngon miệng, dễ hấp thu.
4. Phải làm thế nào khi trẻ bị cảm cúm?
Phải làm gì khi con bạn bị cảm cúm?
Có thể nói việc điều trị cảm cúm ở trẻ em rất khác so với người lớn, tùy thuộc nhiều vào tình trạng và mức độ của triệu chứng. Một số biện pháp mà cha mẹ có thể áp dụng khi chăm sóc trẻ bị cúm bao gồm:
● Cho trẻ mang quần áo thoải mái và rộng rãi, chườm ấm khi trẻ có biểu hiện sốt cao.
● Theo dõi thân nhiệt và nhịp thở, giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh.
● Mua nước muối sinh lý tại tiệm thuốc tây để vệ sinh mắt, mũi, miệng cho trẻ.
● Bổ sung nước, các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng cần thiết, dễ nuốt và dễ tiêu hóa cho trẻ như cháo, bột, sữa, nước ép chứa nhiều vitamin C,… Hãy cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày thay vì chỉ ăn các bữa chính để đảm bảo chế độ dinh dưỡng.
Các biện pháp trên chỉ áp dụng với trẻ có triệu chứng nhẹ, có thể theo dõi, chăm sóc và điều trị tại nhà. Ngoài ra, với những trường hợp có triệu chứng nặng, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Vậy bạn đã biết được bị cảm cúm làm gì nhanh khỏi. Hy vọng bài viết vừa rồi đã đem đến cho bạn những thông tin hữu ích trong việc chăm sóc và chữa trị cảm cúm. Tuy nhiên, nếu áp dụng các biện pháp trên sau 7 ngày vẫn không thuyên giảm thì người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất vì có thể bị bội nhiễm khuẩn và những biến chứng nguy hiểm khác.
0 bình luận