Cách xử lý say nắng ‘thông minh’ phải biết khi du lịch hè

Phạm Oanh
336

Cách xử lý say nắng bằng cách làm mát thân nhiệt, nước mát, dùng quạt để làm thoáng không khí… là những phương pháp bạn có thể áp dụng dễ dàng.

Đi du lịch vào những ngày hè nắng nóng như thế này khiến chúng ta rất dễ gặp phải tình trạng say nắng vô cùng khó chịu. Bệnh nhân bị say nắng nếu không có biện pháp cấp cứu kịp thời và đúng cách sẽ gặp nhiều nguy hiểm đến sức khỏe và cả tính mạng.

Vì vậy, bạn cần biết những cách phòng tránh và xử lý say nắng cơ bản dưới đây để áp dụng cho kỳ nghỉ hè sắp tới nhé.

1. Dấu hiệu nhận biết người bị say nắng

Say nắng là tình trạng cơ thể bị sốc nhiệt (heat stroke) khiến cho thân nhiệt tăng lên nhanh chóng. Kéo theo đó, những hoạt động của cơ quan thần kinh, tuần hoàn, hô hấp… đều bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân chính gây ra sốc nhiệt là do nhiệt độ bên ngoài môi trường thay đổi đột ngột hoặc nhiệt độ quá cao do nắng nóng kéo dài liên tục. Thế nên, khi đi du lịch vào mùa hè, chúng ta rất dễ gặp phải tình trạng say nắng ở những mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Khi đó, bạn có thể dựa vào một số những dấu hiệu nhận biết sau đây để có biện pháp xử trí say nắng hiệu quả nhất:

  • Khi bị say nắng, thân nhiệt của chúng ta sẽ tăng lên rất cao (>400C);
  • Các triệu chứng thường gặp khi say nắng là: Tim đập nhanh, da đỏ lên, hoa mắt chóng mặt, thậm chí còn cảm thấy buồn nôn vô cùng khó chịu;
  • Khi tình trạng say nắng trở nặng có thể gây tụt huyết áp, rối loạn các chức năng thần kinh, rối loạn chức năng đa cơ quan… và dẫn đến hôn mê;
  • Nếu nhiệt độ cơ thể cao hơn mức 42,50C, có thể khiến protein bị đông vón và gây nên tình trạng suy đa tạng vô cùng nguy hiểm.

2. Cách xử lý say nắng nhanh và hiệu quả

Trong trường hợp xuất hiện dấu hiệu say nắng nhẹ như tăng thân nhiệt, chóng mặt, khó chịu trong cơ thể… bạn cần tìm ngay bóng râm hoặc chỗ mát mẻ để tránh nóng ngay lập tức.

Nếu tình trạng trở nên nặng hơn, người bị say nắng cần phải được làm mát hạ thân nhiệt ngay lập tức. Cần chú ý đặt người bệnh ở nơi thoáng mát, sau đó cởi bớt quần áo trên người bệnh ra, lấy nước mát tưới lên cơ thể. Nếu không có gió thiên nhiên cần kết hợp với quạt để làm thoáng và giúp hạ thân nhiệt tốt hơn.

Nếu có thể, hãy chuẩn bị thêm nước có pha ít muối và đường cho người bệnh uống. Khi tình trạng không khả quan hơn, như xuất hiện tình trạng hôn mê hay co giật, cần gọi cấp cứu và đưa ngay người bị say nắng đến bệnh viện.

3. Phòng tránh say nắng như thế nào khi đi du lịch?

Để tránh bị say nắng trong các chuyến đi ngày hè, bạn cần chú ý cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể mỗi ngày. Bởi vì nhiệt độ cao có thể làm cơ thể mất nước nhanh chóng. Cần hạn chế hoạt động lâu dưới trời nắng gắt, bởi điều đó là nguyên nhân khiến cơ thể bạn bị sốc nhiệt đấy.

Trước khi đi du lịch, bạn cần chuẩn bị các phụ kiện chống nắng như mũ, ô, áo khoác… Ngoài ra, bạn cần nhớ rằng, không nên mặc những loại quần áo quá phông phanh, mà hãy ưu tiên quần áo rộng rãi và có thể tránh được nắng.

Mong rằng những cách phòng tránh và xử lý say nắng trên đây sẽ giúp được bạn ít nhiều trong chuyến du lịch hè sắp tới. Đừng mải vui chơi dưới ánh nắng rực rỡ mà quên đi việc bảo vệ sức khỏe của bản thân nhé.

0 bình luận

    Các khách sạn phù hợp với bạn!