Cù Lao Chàm, kinh nghiệm du lịch từ A đến Z

Phạm Oanh
14.0K

Cù Lao Chàm tọa lạc ở xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Năm 2009, Cù Lao Chàm đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới và dần dần trở thành một điểm đến hấp dẫn trong lòng du khách trong và ngoài nước. Cù Lao Chàm như một hòn ngọc thô, đang dần dần được trân trọng, mài dũa để trở thành một viên ngọc sáng lấp lánh và đắt giá hơn bao giờ hết! Hãy cùng khám phá những kinh nghiệm du lịch Cù Lao Chàm dưới đây:

Xem thêm: Du lịch Hội An – Cẩm nang từ A đến Z

Du lịch Cù Lao Chàm từ A đến Z

Cù Lao Chàm là một địa điểm có tiềm năng du lịch lớn (Ảnh: Sưu tầm)

Thời điểm lí tưởng nhất để du lịch Cù Lao Chàm

Với những vùng biển như Cù Lao Chàm, khoảng thời gian phù hợp nhất để có một trải nghiệm du lịch trọn vẹn là từ tháng 3 – tháng 8. Vào thời điểm này, Cù Lao Chàm biển tĩnh lặng, yên bình, thích hợp cho bạn và gia đình cùng nhau lên lịch trình khám phá vùng đất lí thú này. Những tháng khác biển hay có bão, sóng lớn, thuyền bè không được ra khơi và các đảo gần như sẽ bị cô lập nên chẳng thú vị chút nào nếu đặt chân tới Cù Lao Chàm vào khoảng thời gian đó.

Hãy tới Cù Lao Chàm vào tháng 3 – tháng 8 để có những trải nghiệm vui vẻ nhất (Ảnh: Sưu tầm)

Với những du khách muốn có một chuyến đi kết hợp cả Cù Lao Chàm và phố cổ Hội An thì những ngày rằm âm lịch là lựa chọn sáng suốt nhất. Vào khoảng thời gian ấy, Cù Lao Chàm mang vẻ đẹp nao lòng người còn Hội An lung linh, lấp lánh trong ánh đèn lồng cũng những lễ hội hoa đăng đầy chất thơ, chắc chắn sẽ làm các bạn một khi đã tới sẽ nhớ mãi không nguôi.

Vào những ngày rằm có thể kết hợp du lịch Cù Lao Chàm và phố cổ Hội An (Ảnh: Sưu tầm)

Còn với những người hứng thú với các lễ hội dân gian, truyền thống ở nơi đây thì có thể sắp xếp thời gian tới Cù Lao Chàm vào những dịp lễ hội: Lễ hội cầu ngư (Tháng 3 – 4 hoặc tháng 4 Âm lịch), Lễ giỗ Tổ nghề Yến (Tháng 9, 10, tháng 3 Âm lịch)

Lễ hội truyền thống ở Cù Lao Chàm (Ảnh: Sưu tầm)

Cách di chuyển tới Cù Lao Chàm

Để đặt chân tới Cù Lao Chàm, khách du lịch phải tìm kiếm phương tiện di chuyển tới Đà Nẵng, từ Đà Nẵng tới Hội An rồi từ Hội An mới có thể tiếp tục di chuyển tới Cù Lao Chàm.

Di chuyển tới Đà Nẵng bằng phương tiện gì?

Máy bay

Thành phố Hội An nằm trên địa phận tỉnh Quảng Nam nhưng sân bay gần với Hội An nhất thì thuộc Đà Nẵng. Vé máy bay tới Đà Nẵng rất nhiều và các tuyến bay vô cùng phong phú. Tùy vào điều kiện kinh tế và nhu cầu của bản thân, bạn có thể chọn những chuyến bay của các hàng Vietnam Airlines, Jetstar hay Vietjet Air để phục vụ cho chuyến đi của mình. Để có được mức giá ưu đãi, nên đặt vé trước chuyến đi 3 – 6 tháng nhé.

Với du khách đi máy bay, phải bay tới sân bay Đà Nẵng rồi mới có thể tiếp tục di chuyển vào trung tâm Hội An (Ảnh: Sưu tầm)

Từ sân bay Đà Nẵng đi vào Hội An, bạn sẽ mất tầm 40 phút đi bộ với độ dài quãng đường là 30km. Bạn có thể chọn thuê xe chở khách ở sân bay hoặc taxi với mức giá tương đối cao để tới Hội An. Hoặc một cách tiết kiệm hơn đó chính là lên tuyến xe buýt số 1 đi từ bến xe Đà Nẵng tới bến xe Hội An. Tuy nhiên để có một sức khỏe và trạng thái tốt nhất để di chuyển tới địa điểm tiếp theo thì taxi hoặc xe sân bay vẫn là một lựa chọn khôn ngoan hơn.

Tàu hỏa

Hiện nay có rất nhiều chuyến tàu hỏa với lộ trình Hà Nội – Đà Nẵng hay Sài Gòn – Đà Nẵng với mức giá từ 400.000 – 1.200.000 tùy theo loại ghế ngồi. Để đi từ Hà Nội hoặc Sài Gòn tới Đà Nẵng bạn sẽ mất khoảng 14 – 20 tiếng nên nếu không có sức khỏe tốt hoặc say tàu xe thì bạn nên tìm kiếm những phương tiện phù hợp và thuận tiện với bản thân hơn.

alt

Và để di chuyển từ ga Đà Nẵng tới Hội An bạn cũng có những lựa chọn khác nhau như xe khách, taxi, xe buýt hay thuê xe máy để di chuyển.

Xe khách

Khi đi từ Hà Nội tới Đà Nẵng có rất nhiều hãng xe bạn có thể lựa chọn như Vũ Lộc, Văn Khôi, Kim Liên, Camel Travel,… với mức giá dao động khoảng 310.000 – 350.000 đồng. Với những khách du lịch di chuyển từ Sài Gòn đến thành phố Đà Nẵng, giá vé xe khách rơi vào khoảng 350.000 – 400.000 đồng với nhiều hãng xe cho bạn lựa chọn.

Xe khách cũng là một lựa chọn thông dụng để di chuyển tới Đà Nẵng (Ảnh: Sưu tầm)

Các cách di chuyển từ Đà Nẵng tới Hội An

Xe buýt

Tuyến xe buýt Đà Nẵng – Hội An được đưa vào hoạt động từ năm 2015 với mức giá cực rẻ: 25.000 đồng cho một chuyến đi từ Đà Nẵng tới Hội An trong khoảng thời gian từ 70 – 80 phút đi đường.

Tuyến xe buýt này hoạt động từ 5h30 đến 18h tối các ngày trong tuần và cách 20 phút sẽ có một chuyến.

Tuyến xe buýt Đà Nẵng – Hội An mới được đưa vào hoạt động để phục vụ cho du lịch (Ảnh: Sưu tầm)

Taxi

Taxi là phương tiện di chuyển nhanh chóng và thuận tiện vô cùng trong tuyến đi Đà Nẵng – Hội An. Tuy mức giá tương đối cao từ 350.000 – 430.000 một chiều đi hoặc 450.000 – 550.000 cho khứ hồi nhưng di chuyển bằng taxi chỉ mất 40 – 50 phút và đảm bảo được chỗ ngồi thoải mái trong suốt quãng đường di chuyển của bạn.

Taxi tuyến Đà Nẵng – Hội An (Ảnh: Sưu tầm)

Taxi Đà Nẵng:

  • Taxi Mai Linh Đà Nẵng: 0511.3.52.52.52
  • Taxi Sông Hàn: 0511.3.72.72.72
  • Taxi Tiên Sa Đà Nẵng: 0511.3.79.79.79
  • Taxi VinaSun Đà Nẵng: 0511.3.68.68.68

Taxi Hội An:

  • Taxi Mai Linh Hội An: 0510.3.92.92.92
  • Taxi Hội An: 0510.3.919.919
  • Taxi Faifo Hội An: 0510.3.91.91.91

Xe máy

Với những du khách muốn trải nghiệm cảm giác tự khám phá và trải nghiệm thì xe máy là một lựa chọn thú vị dành cho bạn khi vừa lái xe vừa có thể ngắm nhìn cảnh vật và có thể dừng chân bắt lấy những khoảnh khắc dọc đường đi bất cứ lúc nào.

Một chuyến đi phượt từ Đà Nẵng về Hội An cũng đáng để thử đó chứ! (Ảnh: Sưu tầm)

Bạn có thể mang theo xe cá nhân hoặc thuê xe máy. Để thuê xe máy cần đó đầy đủ giấy tờ cá nhân nên hãy chuẩn bị thật kĩ lưỡng nhé.

Từ thành phố Đà Nẵng đi về Hội An có hai cách:

+ Bạn có thể đi theo quốc lộ 1 về phía Nam khoảng 27km đến đường Vĩnh Điện rồi rẽ trái thêm 10km là đến Hội An.

+ Con đường thứ hai gần hơn, vắng hơn, đi từ Trung Tâm Đà Nẵng qua cầu sông Hàn, vào tỉnh lộ Đà Nẵng – Hội An, đến Hội An khoảng 30km.

Phương tiện di chuyển từ Hội An tới Cù Lao Chàm

Có hai loại phương tiện di chuyển tới Cù Lao Chàm là Ca nô và tàu gỗ

Ca nô

Nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian hơn cho chuyến đi của mình thì hãy lựa chọn Ca nô làm phương tiện di chuyển tới Cù Lao Chàm bởi quãng đường đi của bạn chỉ mất 20 phút là tới đích. Mức giá khi sử dụng ca nô khá cao: 150.000 đồng/người nhưng rất phù hợp cho những người thích cảm giác mạnh, được lao trên mặt biển với tốc độ cao. Có rất nhiều chuyến ca nô trong ngày xuất phát từ bến Cửa Đại trong ngày, bạn có thể mua vé tại điểm bán hoặc các đại lí trong phố cổ.

Ca nô là phương tiện thích hợp cho những người yêu thích mạo hiểm, cảm giác mạnh (Ảnh: Sưu tầm)

Tàu gỗ

Tàu gỗ có giá vé rẻ hơn nhưng đi với tốc độ chậm hơn, thích hợp với những người thích cảm giác lênh đênh trên biển, ngắm phong cảnh đất trời. Bạn nên đến bến Bạch Đằng vào lúc 7h hoặc bến Cửa Đại vào lúc 8h để mua vé. Giá vé tàu gỗ là 50.000/ người với người Việt Nam và 100.000/ người với du khách nước ngoài. Nếu có mang theo xe máy thì 30.000 đồng/ xe. Tàu chiều về xuất phát ở bến Cù Lao Chàm vào 13 giờ.

Tàu gỗ di chuyển từ Hội An ra Cù Lao Chàm (Ảnh: Sưu tầm)

Di chuyển trong Cù Lao Chàm

Xe máy

Bạn có thể di chuyển trong Cù Lao Chàm bằng xe máy. Đây là phương tiện khá tiện lợi và chủ động, thích hợp với những bạn trẻ có niềm yêu thích với những chuyến chạy xe máy đường dài, chụp ảnh và ngắm phong cảnh trên đường đi.

Thuyền

Ngoài ra bạn cũng có thể tham quan Cù Lao Chàm bằng thuyền. Ngồi trên những con thuyền của người dân, dập dành trên sóng nước, tận hưởng khung cảnh biển trời ôm vào lòng và hít bầu không khí trong lành căng tràn lòng người. Giá khi đi tham quan bằng thuyền khoảng 500.000 – 1.500.000 đồng.

Các địa điểm đẹp tại Cù Lao Chàm.

Các bãi biển tại Cù Lao Chàm

Bãi Ông

Đây là bãi biển đông khách du lịch nhất trong các bãi biển ở Cù Lao Chàm. Bãi Ông nằm gần bến tàu Cù Lao Chàm, gần với khu vực Bãi Làng. Đây là nơi có các dịch vụ phát triển nhất với chuỗi các nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ du lịch khác.

Bãi Ông (Ảnh: Sưu tầm)

Bãi Ông chinh phục khách du lịch bởi bãi biển với làn nước xanh như ngọc, bãi cát trắng phau trải dài với những con tàu đậu sát nhau đông vui và tập nập. Tới đây, bạn có thể thoải mãi thư giãn dưới những rặng dừa xanh mát, tận hưởng bầu không khí trong lành và những dịch vụ du lịch tận tình ở nơi đây.

Bãi Làng

Đây là bãi đánh cá chứ không phải bãi tắm cho khách du lịch. Đến với Bãi Làng bạn sẽ bắt gặp bức tranh lao động của những người dân chài lưới nơi đây, nơi những chiếc tàu cá san sát, nhấp nhô theo sóng biển. Từ thuyền gỗ tới những chiếc thuyền thúng nhỏ xinh nổi bật trên nền xanh biếc của nước biển.

Bãi Làng với hình ảnh những chiếc thuyền (Ảnh: Sưu tầm)

Bãi Làng có cầu càng là nơi tập trung của những con tàu ca nô, du lịch. Đối diện với biển là rừng nguyên sinh với mật độ cây rất dày, nhìn từ xa không khác gì một thảm thực vật khổng lồ nguyên sinh, tươi mát.

Bãi Chồng

Bãi Chồng là một trong những bãi tắm đẹp nhất ở Cù Lao Chàm. Thiên nhiên bãi Chồng nổi bật với bãi cát trắng mịn, bãi biển trong lành, thảm thực vật xanh mượt với khe nước tự nhiên đổ từ trên núi xuống tạo nên những khe đá với hình thù lí thú.

Bãi Chồng với vẻ đẹp nao lòng (Ảnh: sưu tầm)

Vì có nhiều khách du lịch chọn bãi Chồng làm địa điểm nghỉ dưỡng, thư giãn nên du lịch ở đây cũng được đề cao và phát triển. Nhà nghỉ tập thể, nhà hàng, chỗ nghỉ chân, phòng tắm nước ngọt,… đều được xây dựng để phục vụ cho nhu cầu thăm quan du lịch của các bạn.

Bãi Chồng (Ảnh: Sưu tầm)

Bãi Hương

Đây không phải là bãi lí tưởng cho việc tắm biển bởi ở đây thuyền bè neo đậu nhiều nhưng khách du lịch thường tìm đến đây vì những món hải sản tươi ngon, hấp dẫn vô cùng.

Bãi Hương với những con tàu san sát nhau (Ảnh: Sưu tầm)

Đến với Bãi Hương, khách du lịch còn có thể đi thăm quan các di tích lịch sử nổi tiếng như Miếu Tổ nghề Yến. Hằng năm vào 10/3 âm lịch, dân làng ở đây tổ chức lễ cúng linh đình rồi đi khai thác tổ Yến.

Bãi Xếp

Thiên nhiên bãi Xếp mang một vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc. Không nổi tiếng như Bãi Chồng, Bãi Làng, Bãi Ông,… nhưng bãi Xếp mang đến những ấn tượng tốt đẹp về những những con sóng nhỏ nhẹ nhàng, dập dìu xô bờ và những bãi san hô tuyệt đẹp. Bãi Xếp không được đầu tư về du lịch bởi đây là địa điểm chủ yếu cho khách du lịch lặn biển ngắm san hô. Thông thường, khách du lịch khi đến với Cù Lao Chàm thường được đi ngắm san hô ở đây trước rồi sẽ ghé các bãi biển để tắm và nghỉ dưỡng.

Bãi Xếp mang một vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí (Ảnh: Sưu tầm)

Du khách đến bãi Xếp để trải nghiệm ngắm san hô (Ảnh: Sưu tầm)

Ngoài những bãi biển kể trên, Cù Lao Chàm còn có những bãi như Bãi Bìm với những bãi đá tự nhiên kì thú, Bãi Bắc với những hang động tự nhiên ít người đặt chân tới,..

Các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nên ghé tới

Nhà bảo tàng biển Cù Lao Chàm

Đây là điểm dừng chân đầu tiên khi Ca nô vừa cập bến tại Cù Lao Chàm. Sau khi lênh đênh trên sóng biển trong vài chục phút đồng hồ, tấm biển “Cù Lao Chàm kính chào quý khách” hiện lên trước mắt như một lời đón tiếp nồng nhiệt của những người dân nơi đây. Phía bên trong căn nhà gắn tấm biển chào đó chính là Nhà bảo tàng biển Cù Lao Chàm.

Tấm biển chào khi du khách vừa đặt chân tới Cù Lao Chàm (Ảnh: Sưu tầm)

Khu bảo tàng được chia thành hai phần chính: Gian thứ nhất đặt chiếc Sa Bàn để tái hiện lại toàn bộ địa hình địa thể với những hòn đảo khác nhau ở Cù Lao Chàm. Tới đây du khách sẽ được nghe thuyết minh về lịch sử hình thành cũng như cấu trúc, cuộc sống, con người nơi đây.

Những đồ vật được trưng bày ở bảo tàng (Ảnh: Sưu tầm)

Ở gian thứ hai của bảo tàng là nơi trưng bày các mẫu sinh vật biển đang được bảo tồn ở Cù Lao Chàm như Cua Đá, Rùa Biển, San Hô, Tôm hùm,… Ngoài ra gian phòng còn trưng bày những vật dụng công cụ liên quan đến đời sống thường ngày của những người dân chài nơi đây. Qua đó ta có thể hiểu thêm về cuộc sống, công việc lao động của những con người ở Cù Lao Chàm.

Những mẫu sinh vật biển ở bảo tàng Cù Lao Chàm (Ảnh: Sưu tầm)

Giếng cổ Chăm

Đây là giếng nước ngọt duy nhất trên cùng đảo này, bằng chứng là khi người dân đào giếng ở những vị trí khác thì không tìm thấy nguồn nước ngọt nào. Năm 2006, giếng cổ Chăm đã được xếp hạng trở thành di tích quốc gia.

Nằm trên con đường ngã ba của khu dân cư xóm Cấm, giếng cổ làng Chăm là nguồn cũng cấp nước nước dồi dào cho những người dân trong làng với nguồn nước không khi nào cạn kiệt. Giếng có cấu trúc giống với nhiều giếng cổ Chăm ở Hội An, hình ống tròn, miệng tròn, đáy vuông, mỗi góc có các trụ vuông với độ sau khoảng 5m.

Giếng cổ Chăm là biểu tượng của người dân Cù Lao Chàm (Ảnh: Sưu tầm)

Giếng cổ Chăm từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa đặc sắc của những con người nơi đây. Có rất nhiều điều “bí mật” thú vị được về giếng cổ được người dân tiết lộ. Khi du khách tới đây, những ai bị say sóng sau khi uống một ngụm nước giếng sẽ ngay lập tức khỏe mạnh và tỉnh tảo trở lại ngay. Nước Giếng cổ Chăm còn có một “phép nhiệm màu” là khi người dân uống nước giếng có thể sinh con theo ý muốn của mình. Với những chàng trai cô gái đang có ý định tìm người yêu thì con gái uống 7 ngụm, con trai uống 9 ngụm thì sẽ tìm được đối tượng như ý.

Du khách tới đây ai cũng muốn uống thử một ngụm nước giếng cổ Chăm (Ảnh: Sưu tầm)

Cũng bởi vậy nên du khách khi đến đây, ai cũng muốn được uống thử thứ nước giếng nhiệm màu ấy, với hy vọng có được sự suôn sẻ thuận lợi trong đường tình duyên cũng như đường con cái hay chỉ đơn giản là một cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ hơn.

Chùa Hải Tạng

Chùa Hải Tạng nổi tiếng là một nơi vô cùng linh thiêng, là nơi thờ Phật kết hợp với thờ thánh nhằm đáp ứng nhu cầu của những người dân trên đảo. Chùa được xây dựng từ năm 1758 ở chân núi phía Tây đảo Hòn Lao, từ lâu đã trở thành một địa điểm không thể không ghé qua mỗi khi du lịch tới Cù Lao Chàm.

Chùa Hải Tạng đẹp cổ kính giữa nền cây rừng xanh mát (Ảnh: Sưu tầm)

Đây là nơi người dân, khách du lịch tới để cầu tài lộc, buôn bán suôn sẻ, nhiều tài nhiều lộc. Ngay từ phía xa, đập vào mắt ta là bức tượng của Phật Bà Quan Âm được thờ ngay giữa cổng chùa. Tiếp đến là cổng tam quan với ba lối vào chùa chính. Bên trong chùa còn lưu giữ nhiều nét nguyên vẹn với những bộ hoành phi, những câu đối đỏ, nổi bật là ba bức tượng Phật làm bằng gỗ lớn với nét mặt hiền từ, từ bị, độ lượng. Một kiến trúc nổi bật của chùa Hải Tạng là chiếc chuông đồng, một di vật hiện diễn cho lịch sử, văn hóa thời bấy giờ. Cũng chính vì lẽ đó, chùa Hải Tạng là nơi cung cấp thông tin về lịch sử hình thành cũng như những nét văn hóa nổi bật của người dân nơi đây.

 

Chùa Hải Tạng (Ảnh: Sưu tầm)

Chợ Tân Hiệp

Chợ Tân Hiệp nằm sát bên cầu cảng cạnh Bãi Làng. Các sản phẩm nổi bật ở đây là hải sản tươi sống, đặc sản rừng và đồ lưu niệm cho khách du lịch. Khách du lịch khi tới với Cù Lao Chàm chắc chắn phải ghé qua nơi đây, vừa có thể chọn lựa hải sản ngon lành nhất, vừa có thể mua quà về cho người thân và bạn bè. Các mặt hàng ở đây vô cùng phong phú, đặc sắc, giá cả cũng không quá đắt đỏ, hơn thế nữa đây là khu chợ duy nhất ở trên đảo nên lúc nào cũng tấp nập người qua lại mua bán.

Chợ Tân Hiệp nằm ngay cầu cảng Cù Lao Chàm (Ảnh: Sưu tầm)

Chợ Tân Hiệp gồm hai khu chính: Khu ngoài trời trên cầu cảng bán những loại hải sản tươi ngon vừa được chuyển lên từ những tàu cá đầy ăm ắp cá tôm. Các loại hải sản khách du lịch tìm kiếm nhiều nhất là đặc sản Cua đá Cù Lao Chàm, tôm hùm, sò điệp, cua ghẹ, mực khô,…Đến với khu chợ ngoài chơi, khách du lịch có thể thoải mái chọn lựa những con mà mình ưng ý nhất, thậm chí còn được nếm thử trước khi mua. Khu chợ trời tràn ngập mùi vị của biển khơi và tiếng nói xôn xao của người mua kẻ bán.

Vô số hải sản tươi ngon được bày bán (Ảnh: Sưu tầm)

Mực khô cũng là một món ăn được khách du lịch “săn lùng” nhiều (Ảnh: Sưu tầm)

Khu trong chợ Tân Hợp là thế giới của những nhu yếu phẩm hằng ngày đến những món đồ lưu niệm đầy chất miền biển.

Những món đồ lưu niệm nhiều màu sắc được bày bán rộng rãi (Ảnh: Sưu tầm)

Một nét đặc biệt của khu chợ này đó chính là “Ngôi chợ duy nhất không dùng túi ni lông”. Theo lời của một người bán hàng trong khu chợ, người dân trong làng không dùng túi ni lông để gói đồ mà thay vào đó là dùng giấy báo, giấy vở để gói thành túi đựng. Đây là một hình ảnh đẹp, một hiệu quả mạnh mẽ của chiến dịch nói không với túi ni lông được phát động năm 2008. Từ một hòn đảo có nhiều rác thải, túi ni lông dọc các bờ biển mà giờ đây, mỗi người dân Cù Lao Chàm đều có ý thức không sử dụng túi ni lông, họ đi chợ bằng chiếc làn nhựa do thành phố cấp phát chứ không gói bằng túi ni lông như trước nữa.

Miếu Tổ nghề Yến

Miếu Tổ nghề Yến nằm ở bãi Hương, Cù Lao Chàm, được xây dựng vào đầu thế kỉ 19 để thờ cúng ông tổ nghề làm Yến và các vị thần bảo hộ nghề Yến. Sở dĩ ở Cù Lao Chàm xuất hiện nghề nghiệp đặc biệt này là do đây là nơi duy nhất ở tỉnh Quảng Nam có loài chim Yến hàng.

Toàn cảnh Miếu Tổ nghề Yến (Ảnh: Sưu tầm)

Nghề Yến từ lâu đã trở thành một nét văn hóa, lao động đặc trưng ở Cù Lao Chàm. Cứ mỗi ngày 10/3 Âm lịch, người dân lại tổ chức lễ cúng linh đình để chuẩn bị bắt tay cho một vụ mùa khai thác Yến. Đây là một lễ hội lâu đời, truyền thống để tri ân những người đã có công sáng lập và duy trì nghề làm Yến đồng thời cầu an cho năm mới, một vụ Yến bội thu và nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của người dân nơi đây.

Miếu Tổ nghề Yến đẹp cổ kính sau những tán cây xanh (Ảnh: Sưu tầm)

Để tưởng nhớ công ơn của những người tạo nên nghề làm Yến, cư dân ở đây đã xây dựng lên miếu để bảo quản, tu bổ và cho khách du lịch thăm quan.

Người dân chuẩn bị cho lễ Giỗ Tổ nghề Yến (Ảnh: Sưu tầm)

 

Miếu Tổ nghề Yến cung cấp nhiều kiến thức về việc xây dựng và trang trí theo màu sắc đậm chất dân gian. Nghề Yến truyền thống được mệnh danh là “vàng trắng xứ Quảng”, một niềm tự hào của người dân Cù Lao Chàm.

Lễ Giỗ Tổ nghề Yến (Ảnh: Sưu tầm)

Các hoạt động tại Cù Lao Chàm

Ngắm san hô

Đảo Cù Lao Chàm là nơi có rất nhiều giống san hô đẹp và vô cùng phong phú về hình dáng cũng như chủng loại. Du khách đến với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm sẽ có cơ hội được trải nghiệm đi bộ dưới đáy biển và ngắm san hô. Nơi có nhiều san hô nhất ở Cù Lao Chàm là Hòn Dài với những tảng đá lớn, xếp đè lên nhau tạo nên một kè đá vững chắc.

Ngắm san hô là hoạt động du lịch không thể thiếu khi tới Cù Lao Chàm (Ảnh: Sưu tầm)

Có hai hình thức ngắm san hô ở Cù Lao Chàm là lặn nông và lặn sâu. Khách du lịch sẽ được trang bị đầy đủ áo phao, ống thở, kinh lặn. Với hình thức lặn nông, du khách sẽ được quan sát san hô ở độ sâu 3m, chỉ cần úp mặt xuống mặt nước là có thể chiêm ngưỡng được bức tranh thiên nhiên dưới đáy biển đầy màu sắc.

Ngắm san hô dưới đáy biển (Ảnh: Sưu tầm)

Còn với những ai muốn trải nghiệm cảm giác thật hơn, mạo hiểm hơn thì có thể chọn hình thức lặn sâu  với độ sâu 6m so với mực nước biển. Mỗi người sẽ có một người hướng dẫn đi kèm và được dạy những động tác ra hiệu cần thiết trong trường hợp gặp sự cố dưới nước. Khi lặn sâu xuống đáy biển, bạn có thể tận tay chạm vào san hô, tận hưởng cảm giác nổi bồng bềnh trong nước với những đàn cá bơi lội xung quanh mình và hơn thế nữa có thể trực tiếp đi bộ dưới đáy biển nữa!

Phí lặn ngắm san hô là 150.000 – 400.000 đồng/ khách.

Bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh đầy màu sắc của thế giới dưới lòng đại dương (Ảnh: Sưu tầm)

Đi dạo Cù Lao Chàm bằng xe máy

Với một khung cảnh thiên nhiên đẹp mộng mơ với những khu sinh thái bạt ngàn cây xanh thì bạn không thể bỏ lỡ cơ hội được đi phượt Cù Lao Chàm bằng xe máy. Những đoạn đường trên Cù Lao Chàm khá xóc nên hãy tìm cho mình một tay lái vững vàng cho chuyến đi nhé. Bạn có thể lái xe máy lên những ngọn đồi, ngọn đèo, ngắm nhìn mặt biển xanh trong với những con sóng vỗ trên bờ cát trắng, những chiếc thuyền đậu san sát nhau trên cầu cảng hay những rặng dừa rì rào trong gió. Đứng từ trên cao ngắm nhìn cả Cù Lao Chàm thu gọn lại trong tầm mắt của bạn quả thật là một cảm giác thú vị và sảng khoái.

Phượt Cù Lao Chàm bằng xe máy là một trải nghiệm thú vị (Ảnh: Sưu tầm)

Ngắm Cù Lao Chàm từ trên cao (Ảnh: Sưu tầm)

Hoàng hôn buông xuống trên bờ biển Cù Lao Chàm tạo nên một bức tranh thiên nhiên kì thú (Ảnh: Sưu tầm)

Đi vòng quanh các đảo bằng thuyền

Với hệ thống các hòn đảo và bãi biển đẹp, du khách có thể chọn cách đi tham quan Cù Lao Chàm bằng thuyền. Lênh đênh trên vùng biển rộng lớn, tận hưởng cảm giác thiên nhiên bốn phía ôm lấy mình và thư giãn trong bầu không khí trong lành, dễ chịu.

Các bạn có thể chọn đi tham quan Cù Lao Chàm bằng thuyền (Ảnh: Sưu tầm)

Một thuyền chở được 10 người, giá tiền đi một tour trong buổi sáng hoặc chiều là 600.000 đồng. Tour khám phá Cù Lao Chàm bằng thuyền sẽ đi theo lộ trình thăm quan Hòn Bà, Đảo Yến, lặn san hô và đi tắm biển.

Có một trò chơi cũng hết sức thú vị đó là đi thuyền thúng ở Bãi Hương. Ở đây bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác ngồi trên thuyền thúng, một chiếc thuyền quen thuộc của người dân Cù Lao Chàm! Với những ai chưa từng được đi thuyền thúng thì đây là một hoạt động cần thử trong lịch trình du lịch của bạn.

Trải nghiệm đi thuyền thúng giữa biển khơi (Ảnh: Sưu tầm)

 

Đi Đảo Yến

Cù Lao Chàm được mệnh danh là xứ sở của loài chim Yến. Nếu như Khánh Hòa là xứ  trầm biển Yến thì một địa danh nữa cũng gắn liền với loài chim này đó chính là Cù Lao Chàm. Đảo yến được mệnh danh là vương quốc của loài chim Yến. Chỉ mất vài phút đi Ca nô, bạn đã có cơ hội được đặt chân tới đảo Yến và được tận mắt chứng kiến những chú chim yến đi kiếm mồi, làm tổ. Tổ yến được thu hoạch để làm yến sào hay tai yến, giàu chất dinh dưỡng và rất có lợi cho sức khỏe.

Khách du lịch đến thăm quan đảo Yến (Ảnh: Sưu tầm)

Tổ yến dùng làm yến sào, tai yến, có nhiều giá trị dinh dưỡng (Ảnh: Sưu tầm)

Ăn gì ở Cù Lao Chàm?

Cua đá

Cua đá là một đặc sản nổi bật ở Cù Lao Chàm mà bất kì khách du lịch cũng muốn được thử qua. Tại sao cua đá lại đặc biệt đến vậy? Nhìn bề ngoài, cua đá giống những loại cua bình thường khác nhưng điểm đặc biệt nhất của nó nằm ở môi trường sống. Cua đá không sống ở dưới nước mà sống ở những vùng rừng núi ở Cù Lao Chàm, thức ăn hằng ngày của chúng là lá và rễ cây. Sống ở trên rừng như vậy nhưng khi đến mùa sinh sản, cua đá lại kéo nhau xuống biển, đến những vùng bãi đá để đẻ trứng, và khi trứng nở, cua con sẽ lại cùng nhau lên bờ sinh sống như những con cua khác. Để bắt được những chú cua này, người dân phải khéo léo đi săn bắt vào ban đêm khi cua bắt đầu đi kiếm ăn và bán ở các chợ cầu cảng vào sáng sớm.

Loài cua đá sống ở trên rừng rất khỏe và nhanh nhẹn (Ảnh: Sưu tầm)

Cua đá là cua có rất nhiều gạch, thịt chắc, béo ngậy. Càng cua to bự, đầy thịt, gạch cua chắc 100%. Những con “cua cụ” nặng 300 – 500g/con khó gặp hơn, thông thường ở chợ sẽ bán những con cua đá nặng khoảng 100g/con.

Cua đá được bày bán nhiều ở chợ hay tại các nhà hàng ở Cù Lao Chàm (Ảnh: Sưu tầm)

Cua đá chỉ cần hấp bia đơn giản, ăn kèm với rau rừng và chấm muối tiêu chanh là có thể cảm nhận đầy đủ vị ngon của cua. Cua đá khi sống có màu tím, sau khi được nấu chín sẽ chuyển thành màu đỏ gạch ngon mắt vô cùng. Thịt cua đá có vị ngọt, thanh và dai hơn những loại cua biển khác. Ngoài hấp bia có thể rang muối, xào me, hấp xả,…mỗi cách chế biến đều đem tới một hương vị mới mẻ riêng nhưng nổi bật hơn cả vẫn là hương vị đặc biệt thơm ngon của loài cua sống trên rừng này.

Thịt cua đá rất chắc và nhiều gạch cua (Ảnh: Sưu tầm)

Mực một nắng

Nếu ghé thăm các khu chợ ở Cù Lao Chàm, bạn sẽ thấy mực một nắng được bày bán rất nhiều và được nhiều khách du lịch ưa chuộng.

Mực được phơi đúng kĩ thuật sẽ có vị ngon hơn (Ảnh: Sưu tầm)

Người ta chọn những con mực vẫn còn tươi ngon từ biển về sau đó phơi duy nhất một lần nắng giòn. Mực phơi một nắng để hút bớt nước, có hương vị của mực được phơi khô nhưng vẫn ở dạng tái nên khi ăn vẫn cảm nhận được sự tươi ngon của mùi vị biển khơi.

Mực một nắng thịt thơm ngon (Ảnh: Sưu tầm)

Mực một nắng ngon nhất khi được nướng lên trên bếp than hồng. Mực nướng vừa chín tới, còn nóng hổi trên tay, xé ra chấm với tương ớt thì ngon hết xảy! Ngồi ở bãi biển ăn mực nướng uống với chút bia thì không còn gì tuyệt vời bằng phải không nào?

Ngồi bên bờ biển ăn mực nướng chấm tương ớt thì còn gì tuyệt vời hơn (Ảnh: sưu tầm)

 

Bào ngư

Bào ngư là một loại ốc cực hiếm, rất giàu chất dinh dưỡng, thơm ngon và có thể chế biến theo nhiều kiểu khác nhau. Để bắt được bào ngư phục vụ cho bữa ăn của bạn, những người dân chài phải lặn thật sâu xuống đày biển, tìm kiếm và tách những con bào ngư bám chặt nơi những tảng đá.

Bào ngư thơm ngon được chế biến vô cùng hấp dẫn (Ảnh: Sưu tầm)

Tùy theo khẩu vị và nhu cầu ăn của từng người mà bào ngư được chế biến theo nhiều cách khác nhau như luộc, xào, hấp,… Thịt bào ngư giòn, thơm ngon, ăn kèm vơi muối tiêu chanh đơn giản, dân dã nhưng mùi vị vô cùng lạ miệng và hấp dẫn.

Bào ngư Cù Lao Chàm (Ảnh: Sưu tầm)

Một món ăn rất đang để thử đó là bào ngư nướng. Bào ngư được tẩm với các loại gia vị như gừng, tỏi, tiêu, ớt,..rồi đem nướng trên bếp than hồng cho đến khi miệng ốc sôi sục và tỏa hương thơm lừng là có thẻ thưởng thức được.

Ốc vú nàng

Sở hữu một tên gọi rất đặc biệt, Ốc vú nàng có dạng hình chóp lệch, trên đỉnh có một cái núm nhỏ và vỏ ốc màu đen xám như ốc xà cừ. Ốc càng lớn, vỏ ốc càng có màu hồng đậm.

Ốc càng lớn càng có màu hồng đẹp mắt (Ảnh: Sưu tầm)

Quá trình đánh bắt ốc xà cừ vô cùng phức tạp và khó khăn. Những người dân biển phải lặn và ngâm mình xuống nước trong vài giờ đồng hồ, dùng dao tách từng chú ốc bám chặt ở những tảng đá dưới đáy biển. Một đĩa ốc thơm ngon, hấp dẫn là thành quả lao động hàng giờ đồng hồ của biết bao người dân chài vùng biển.

Thịt ốc vú nàng thơm ngon, hấp dẫn (Ảnh: sưu tầm)

Ốc vú nàng có nhiều cách chế biến khác nhau, đơn giản nhất là ốc luộc. Khi luộc ốc cũng không cần quà nhiều nước mà tự thân nước trong ốc cũng đủ để luộc chín ốc rồi. Khi ốc chín, thịt co lại và chuyển qua màu vàng. Người ta ăn kèm ốc với muối tiêu chanh, khi ăn không chỉ thưởng thức thịt ốc, mà còn húp hết nước trong ốc nữa.

Một cách chế biến thú vị và ngon miệng không kém đó chính là ốc nướng. Ốc nướng ăn khi vừa chín tới là ngon nhất, nếu để quá tai thịt ốc bị săn lại, ăn không được tươi và ngon nữa.

Ốc vú nàng nướng cũng là một món ăn hấp dẫn và đáng thử (Ảnh: Sưu tầm)

Rau rừng Cù Lao Chàm

Rau rừng là thức ăn duy nhất của những người dân Cù Lao Chàm trong những ngày tháng còn đói nghèo, khó khăn. Rau rừng Cù Lao Chàm mọc lên ở những chân núi, bờ khe, phiến đá,…Với vị ngon đậm đà khó quên, rau rừng Cù Lao Chàm đi vào những bữa ăn của người dân nơi đây cũng như là khách du lịch như một phần không thể thiếu trên mâm cơm.

Rau rừng Cù Lao Chàm xanh, sạch và tươi (Ảnh: Sưu tầm)

Rau sống có thể cuộn với hải sản, cuộn trong lớp bánh tráng rồi chấm với mắm tạo một sự kết hợp hoàn hảo giữa vị ngọt, thơm của hải sản với vị thanh mát của rau xanh. Rau rừng Cù Lao Chàm còn có thể đem luộc, xào với tỏi, tạo nên những món ăn vừa đậm đà vừa thơm ngon nhưng vẫn đậm đà hương vị quê hương.

Rau xào tỏi là món ăn đậm đà mà dân dã vô cùng (Ảnh: Sưu tầm)

Yến sào

Cù Lao Chàm nổi tiếng với tên gọi là vương quốc của loài chim Yến nên Yến sào trở thành một món ăn đặc sản ở nơi đây. Yến sào làm tăng sức đề kháng cho con người, bổ khí huyết, tráng dương, ổn định thần kinh, chống lão hóa. Sợi yến mới nhả có màu trắng phớt, mềm và dai nhưng do tác động của không khi nên nhanh chóng đông lại, chuyển thành màu trắng đục.

Yến sào là một món ăn bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe (Ảnh: Sưu tầm)

Bởi vì những lợi ích, công dụng của nó, yến sào có giá thành khá cao. Với yến được thu hoạch từ đảo Yến, giá sẽ giao động trong khoảng 8.000.000 – 12.000.000/100gr, còn với yến được thu hoạch tại nhà yến thì sẽ có giá khoảng 3.000.000 – 6.000.000/100gr.

Yến sào có thể dùng để nấu chè yến (Ảnh: Sưu tầm)

Ở đâu tại Cù Lao Chàm?

Truy cập Khách sạn ở Cù Lao Chàm để đặt phòng, thường trên Vntrip luôn có mã giảm giá đặt phòng rất hấp dẫn. Dưới đây là các gợi ý chỗ ở lý tưởng:

Cu Lao Cham Homestay Hoi An

Địa chỉ: Bãi Ông, Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam

Homestay nằm cách Cù Lao Chàm 1,8km, có nhà hàng ngay trong khuôn viên khách sạn. Khách sạn có phòng ốc sạch sẽ, một số phòng có tầm nhìn ra biển, núi non, … Khách sạn cung cấp wifi miễn phí và dịch vụ khách sạn 24/24h đảm bảo tạo nên những trải nghiệm thoái mái và tiện nghi nhất cho bạn khi tới du lịch tại Cù Lao Chàm.

(Ảnh: Sưu tầm)

 

Hammock Homestay

Địa chỉ: Bãi Lăng, Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam

Hammock Homestay cách bãi biển chỉ 3 phút đi bộ. Nhà nghỉ có sân, quầy Bar, dịch vụ BBQ. Khách sạn có một không gian bãi biển riêng và chỗ thuê xe máy. Khách du lịch có thể tổ chức nhiều hoạt động vui chơi trong khu vực biển này như lặn ngắm san hô hay đạp xe quanh bãi biển. Đây được đánh giá là một trong những khách sạn đáng tiền nhất ở đây, rất phù hợp với các cặp đôi tới đây nghỉ dưỡng.

Hammock Homestay (Ảnh: Sưu tầm)

Hammock Homestay (Ảnh: sưu tầm)

 

Hong Van Homestay

Địa chỉ: Ấp Bãi Ông, Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam

Khách sạn có một số phòng có view nhìn ra biển, ra núi rừng tuyệt đẹp. Ở đây cung cấp wifi free 24/24h, ngoài ra có sân riêng, chỗ để xe miễn phí và có chỗ thuê xe máy.

Hong Van Homestay (Ảnh: Sưu tầm)

 

Island Smile Homestay

 

Địa chỉ: Bãi Hương, Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam.

Khách sạn ở đây có bãi đỗ xe miễn phí và thuê xe máy, cách Bãi Hồng 100m, tiện lợi cho việc tổ chức cái hoạt động vui chơi trên biển như ngắm san hô, tắm biển,…

Island Smiles Homestay (Ảnh: Sưu tầm)

Island Smiles Homestay (Ảnh: Sưu tầm)

Những lưu ý khi du lịch tại Cù Lao Chàm

  • Chú ý giữ gìn vệ sinh môi trường: Người dân ở đây rất chú trọng tới việc bảo vệ môi trường và phong cảnh biển nên những khách du lịch khi đặt chân tới đây cũng phải giữ thói quen không xả rác bừa bãi, hạn chế sử dụng túi ni lông, hạn chế vứt rác trên đảo.
  • Không bẻ san hô khi đi thăm quan: Để có thể bảo tồn giữ gìn cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên, các bạn khi trải nghiệm hoạt động ngắm san hô cần có ý thức giữ gìn tài nguyên thiên nhiên này, không được nghịch bẻ hay làm hỏng san hô hoặc mang san hô về đất liền làm kỉ niệm.
  • Điện trên đảo chỉ có vào ban đêm: Ban ngày ở Cù Lao Chàm không có điện ở nhiều nơi nên hãy chuẩn bị đèn pin, sạc dự phòng hoặc thiết bị chiếu sáng nhỏ gọn bên mình trong những trường hợp cần sử dụng tới nhé!

Xem thêm:

Tìm hiểu thêm về Cù Lao Chàm trên Wikipedia

0 bình luận

    Các khách sạn phù hợp với bạn!