Khám phá Cầu Nhật Tân – cầu thép dây văng lớn nhất Việt Nam

Luyến Nguyễn
16.0K

Cùng với cầu Thăng Long, cầu Long Biên, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Đông Trù thì Cầu Nhật Tân cũng ghi danh là một trong 7 cây cầu huyết mạch của Thủ đô Hà Nội. Đây là cây cầu thép dây văng lớn nhất Việt Nam, được coi như một biểu tượng mới của Hà Nội.

Cầu Nhật Tân biểu tượng mới của Hà Nội (Ảnh: ST)

1. Giới thiệu về cầu Nhật Tân

Cầu Nhật Tân có tổng chiều dài là 9,17 km trong đó phần cầu chính là 3,9 km (đoạn cầu vượt sông Hồng chiếm 1,5 km) và phần cầu dẫn dài 5,27 km. Đường trên cầu thông thoáng đi chỉ mất 10 – 15 phút là sang bên bờ bên kia.

Cây cầu này nối huyện Đông Anh bên kia sông với quận Tây Hồ bên này sông. Có điểm đầu từ phường Phú Thượng quận Tây Hồ đến xã Vĩnh Ngọc huyện Đông Anh. Cầu Nhật Tân là một trong những dự án trọng điểm quốc gia có mức tổng số vốn đầu tư lên đến 13.626 tỉ đồng. Sau khi khởi công xây dựng vào tháng 3 năm 2009 phải hết gần 6 năm cây cầu mới hoàn thành (tháng 1 năm 2015).

Đường lên cầu Nhật Tân từ phía Đông Anh (Ảnh: ST)

Kết cấu của cây cầu thuộc loại hiện đại của thế giới, được thi công bởi các chủ thầu uy tín đến từ Nhật Bản. Cây cầu có 5 trụ tháp chính kết nối các nhịp dây văng nâng đỡ toàn bộ phần chính của cây cầu, năm trụ tháp này tượng trưng cho 5 cửa ô cổ kính của Hà Nội.

5 trụ tháp nâng đỡ cầu Nhật Tân (Ảnh: ST)

Cầu Nhật Tân được xây dựng có nhiều ý nghĩa quan trọng trong lưu thông phát triển kinh tế của Thủ đô. Việc xây cầu Nhật Tân kết nối với tuyến đường Nhật Tân tạo nên tuyến huyết mạch thống nhất giữa sân bay quốc tế Nội Bài và trung tâm Thành phố Hà Nội. Đồng thời giúp giảm áp lực giao thông cho nhiều cây cầu khác đặc biệt là cầu Thăng Long, cũng như rút ngắn thời gian di chuyển. Trước khi có cầu Nhật Tân thì cầu Thăng Long giữ vai trò chính là tuyến giao thông ngắn nhất giữa Nội Bài và trung tâm Hà Nội.

Cầu Nhật Tân kết nối với sân bay Nội Bài (Ảnh: ST)

Có nhiều ý kiến liên quan đến tên của cây cầu, ban đầu khi lập dự án và khảo sát khu vực cây cầu được xây trên khu vực nổi tiếng nghề trồng đào ở phường Phú Thượng cũng như vườn đào Nhật Tân. Nên đoàn khảo sát đặt tên dự án xây cầu là Nhật Tân, nhắc đến một làng nghề nổi tiếng, một thương hiệu hoa đào nổi tiếng mỗi dịp tết. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến yêu cầu đổi lại tên cầu cho xứng với tầm vóc lịch sử văn hóa của Hà Nội, tương xứng với các cây cầu lớn như Thăng Long. Cầu Thăng Long được đặt theo tên kinh đô nước Việt thời nhà Lý, tại sao không đặt cây cầu này là Đông Đô, hay Cổ Loa cho xứng tầm với vị trí cũng như ý nghĩa lịch sử văn hóa của mảnh đất.

Tên cây cầu trùng với tên vườn đào nổi tiếng Hà Nội (Ảnh: ST)

2. Khám phá vẻ đẹp của cầu Nhật Tân

Cầu Nhật Tân như tăng thêm sức hấp dẫn lôi cuốn cho Hà Nội, là điểm nhấn mạng tính thẩm mỹ khiến mọi người thêm ấn tượng khi đến đây. Trên cầu Nhật Tân được lắp đặt hệ thống chiếu sáng vô cùng hiện đại đẹp mắt. Đêm xuống cây cầu khoác lên mình một bộ áo mới đa sắc màu, ánh sáng thay đổi nhịp nhàng sáng rực cả một khúc sông.

Hệ thống chiếu sáng trên cầu Nhật Tân (Ảnh: ST)

Ánh sáng huyền ảo liên tục thay đổi (Ảnh: ST)

Vào các dịp lễ, kỷ niệm trọng đại hệ thống đèn led được chiếu sáng mỹ thuật trang trí cho toàn bộ các trụ, thành cầu và dây văng trên cầu. Số lượng đèn led được sử dụng vô cùng lớn lên đến 1280 chiếc. Đến đây vào các dịp lễ như: Quốc khánh 2/9, Kỷ niệm giải phóng Thủ đô, tết Dương lịch, tết Nguyên Đán… bạn sẽ được thưởng thức bữa tiệc ánh sáng siêu hoành tráng và đã mắt.

Màn đêm buông, cầu lên đèn (Ảnh: ST)

Bữa tiệc ánh sáng siêu rực rỡ (Ảnh: ST)

3. Cầu Nhật Tân địa điểm hấp dẫn giới trẻ Hà Nội về đêm

Cầu Nhật Tân cũng là địa điểm các bạn trẻ ở Hà Nội hay lui tới hóng gió vào khi đêm xuống. Khung cảnh trên cầu ban đêm vô cùng lung linh, ánh đèn từ các tòa nhà trong nội thành làm sáng cả một vùng trời. Đứng trên cầu gió lộng mát, lắng nghe tiếng sóng vỗ chân cầu, thỉnh thoảng nghe tiếng phà từ xa xa chạy lại. Mặt sông Hồng ban đêm kỳ bí lạ thường, chỉ thấy lấp ló ánh đèn giao thông thủy chỉ đường cho tàu bè đi trong đêm.

Địa điểm hóng gió của các bạn trẻ Hà Nội (Ảnh: ST)

Khung cảnh ban đêm vô cùng lung linh (Ảnh: ST)

Hóng gió trên cầu (Ảnh: ST)

Nơi thể hiện kỹ năng phơi sáng tuyệt vời (Ảnh: ST)

4. Đến cầu Nhật Tân như thế nào?

Ban ngày các phương tiện giao thông qua lại trên cầu tấp nập. Cầu Nhật Tân có hai chiều tách biệt mỗi chiều có 4 làn xe, tổng cộng có 8 làn xe qua lại với tổng chiều rộng mặt đường khoảng 33 m.

Giao thông tấp nập trên cầu (Ảnh: ST)

Mỗi chiều có 4 làn xe (Ảnh: ST)

Các phương tiện đi lại trên cầu (Ảnh: ST)

Để lên cầu Nhật Tân có hai cách (từ phía Tây Hồ sang Đông Anh), nếu bạn đi đường Yên Phụ, Âu Cơ, An Dương Vương có thể đi đến nút giao với tuyến nhánh 1C đi chuyển lên cầu. Nếu đi hướng đường Hoàng Quốc Việt, Lạc Long Quân có thể đến nút giao vành đai 2 với Xuân La để đi lên.

Lưu ý các phương tiện như: Xe kéo, xe súc vật, người đi bộ không được phép đi lên cầu. Còn xe đạp, xe thồ, xe đạp điện được phép hoạt động trong trên cầu trong khung giờ từ 22:00 pm đến 5:00 am. Tất cả các phương tiện phải đi đứng làn, đúng tuyến quy định để đảm bảo an toàn giao thông trên cầu.

Cầu Nhật Tân thực sự trở thành một điểm nhấn nổi bật của Thủ đô, là niềm tự hào của người dân Hà Nội. Có ý nghĩa quan trọng trong giao thông đi lại cũng như nét đẹp văn hóa mới. Bạn có thể tham quan một số điểm gần đó như: Bãi đá sông Hồng, vườn đào Nhật Tân …

Vườn hoa bãi đá sông Hồng (Ảnh: ST)

Vườn đào Nhật Tân ngày cận Tết (Ảnh: ST)

Ngoài ra bạn có thể đến thăm nhiều cây cầu khác ở Hà Nội, chẳng hạn như ghé qua cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử, một cây cầu mang nét đẹp cổ điển. Hay cất công dạo lên cầu Thăng Long để hiểu thêm mối tình hữu nghị mà nước Nga xinh đẹp đã giúp Việt Nam.

Cầu Thăng Long (Ảnh: ST)

Cầu Long Biên cổ kính (Ảnh: ST)

Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích về địa điểm cầu Nhật Tân. Chúc bạn có những chuyến đi vui vẻ và lưu giữ nhiều hình ảnh đáng nhớ.

Có thể bạn quan tâm:

0 bình luận

    Các khách sạn phù hợp với bạn!