Chuyển đổi số mang lại cơ hội cho ngành du lịch phát triển
Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh, chuyên đề chuyển đổi số, động lực phát triển bền vững do Tổng cục Du lịch, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp vừa diễn ra tại Hà Nội.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc áp ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch đã được một số đơn vị du lịch triển khai khi hội nhập quốc tế. Nhất là những khách sạn, resort cao cấp, các đơn vị lữ hành lớn để phục vụ chính công tác quản lý của họ. “Nếu những năm trước câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, địa phương có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính, thì nay chính “sóng thần” Covid-19 lại đẩy tất cả buộc phải lựa chọn đó là chuyển đổi số hay là không tồn tại nữa”- ông Phòng nói.
Dịch COVID-19 cũng được nhấn mạnh chính là phép thử, là đòn bẩy cho du lịch thực sự chuyển mình giống như một cuộc “lột xác”, để toàn ngành có bước đệm phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới đây. Theo ông Hoàng Quang Phòng, chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp du lịch thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường.
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch
Tại diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia công nghệ thông tin, du lịch, doanh nghiệp du lịch đều chung nhận định chuyển đổi số là xu thế tất yếu do thói quen của khách du lịch thay đổi. Ngày càng có nhiều du khách lựa chọn đặt các dịch vụ du lịch qua mạng. Trước đây, doanh thu từ đặt dịch vụ, du lịch qua mạng chỉ chiếm khoảng 10-15% thì nay lên tới 40-50% và thậm chí còn hơn. Do đó, xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp là con đường không chỉ doanh nghiệp du lịch mà các điểm đến cũng đang triển khai để bắt kịp xu thế.
Các đại biểu, chuyên gia công nghệ thông tin, du lịch, doanh nghiệp du lịch đều chung nhận định chuyển đổi số là xu thế tất yếu.
“Có thể thấy, ngành du lịch đang chủ động chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Hoàng Quang Phòng cho biết.
Theo bà Đỗ Hồng Xoan-Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, tại các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, họ đã thực hiện chuyển đổi số từ lâu và đã trở thành chuyên môn hóa của tất cả các doanh nghiệp, chỉ cần ngồi một chỗ có thể làm việc với toàn thế giới từ đặt phòng, đặt tour, tìm hiểu về điểm đến… ngay cả khi chưa tới đó.
Các doanh nghiệp đã áp dụng số hóa từ trong quản lý, điều hành, các khâu thực hiện đón tiếp khách để mang đến những trải nghiệm trọn vẹn nhất cho khách hàng.
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, chuyển đổi số đang là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm hàng đầu trong ngành du lịch. Đây là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những ảnh hưởng sâu sắc của dịch bệnh COVID-19. Chuyển đổi số mang lại cơ hội cho ngành du lịch có thể phát triển bền vững hơn.
Theo ông Nguyễn Lê Phúc, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh tạo “sân chơi chung” cho các địa phương, doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch gồm: Xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; Thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; Ứng dụng công nghệ góp phần đảm bảo du lịch an toàn, phát triển các ứng dụng hỗ trợ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch như “ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn”, “ứng dụng Hướng dẫn Du lịch Việt Nam”, “hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19”; Hỗ trợ các địa phương, điểm đến chuyển đổi số, năm 2021 bắt đầu triển khai hỗ trợ Hà Giang, Thanh Hóa xây dựng điểm đến thông minh.
Theo Bảo Châu / PLVN
0 bình luận