Cuối năm đầu xuân đi lễ đền Bà Chúa Kho Bắc Ninh
Nội dung chính
Đền Bà Chúa Kho từ lâu đã nổi tiếng là ngôi đền thờ mẫu linh thiêng của Bắc Ninh. Đặc biệt trong những ngày đầu xuân, người người nườm nượp đến đền Bà Chúa Kho xin lộc, mong một năm tốt lành và nhiều thuận lợi trong công việc buôn bán làm ăn.
Lịch sử đền Bà Chúa Kho
Bà Chúa Kho sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm, xã Hòa Long, TP Bắc Ninh. Sau khi lấy vua Lý, Bà đã xin vua cho về lại làng chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng đất hoang hóa. Nhân đó nhà vua giao cho Bà trông coi kho quân lương thực tại Núi Kho (Bắc Ninh). Năm Đinh Tỵ 1077, Bà bị giặc giết trong lúc phát lương cứu đỡ dân làng. Để tưởng nhớ công ơn của bà đã hết lòng chăm lo cho dân ấm no, khai khẩn đất hoang, nhân dân đã lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi Bà với một niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho, đền thờ bà được sắc phong là “Chủ khổ linh từ” (Đền thiêng thờ Bà Chúa Kho).
Đầu thế kỷ XX, người Pháp xây dựng nhà máy giấy Đông Dương với quy mô lớn bao trùm gần như toàn bộ núi Kho và có ý định phá bỏ ngôi đền nhưng đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của người dân địa phương.
Năm 1967, giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, TP Bắc Ninh là một trong những trọng điểm bị dội bom tàn phá ở nhiều nơi nhưng đền vẫn còn giữ được nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Năm 1989, đền Bà Chúa Kho được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và được tỉnh Bắc Ninh trùng tu tôn tạo, mở rộng với quy mô lớn như hiện nay.
Tượng Bà Chúa Kho (Ảnh: Sưu tầm)
Kiến trúc đền Bà Chúa Kho
Đền Bà Chúa Kho tọa lạc trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cô Mễ, Phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đền Bà Chúa Kho ngày nay mang kiến trúc thời Nguyễn theo kiểu chữ Nhị, gồm 3 gian tiền tế và 3 gian hậu cung nhìn về hướng nam. Các công trình kiến trúc chính của đền có cổng tam quan, sân đền, hai dải vũ, tiền tế, công đệ nhị và hậu cung. Tất cả tạo nên một quần thể thống nhất, trang nghiêm. Sau hậu cung đền Bà Chúa Kho vẫn còn một đường hầm có kết cấu hình mái vòm nằm lùi sâu trong chân núi, đào xuyên qua lòng núi Kho sang phía sông Cầu. Tương truyền đường hầm này do Bà Chúa Kho xây dựng trong cuộc kháng chiến chống quân Tống. Hiện nay, đền còn lưu giữ rất nhiều cổ vật có giá trị lịch sử cao, đó là 2 đạo sắc phong niên hiệu Khải Định, tượng đồng, trâm bạc, lục bình sứ cổ,…
(Ảnh: Sưu tầm)
(Ảnh: Sưu tầm)
(Ảnh: Sưu tầm)
(Ảnh: Sưu tầm)
Lễ hội đền Bà Chúa Kho và phong tục “vay-trả” đầu xuân
Hàng năm, vào ngày 14 tháng Giêng, Đền Bà Chúa Kho chính thức khai hội. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu xuân năm mới kéo dài hết cả tháng Giêng, rất đông người đổ về đền Bà Chúa Kho dự lễ. Đi lễ Bà Chúa Kho đã trở thành một thói quan hàng năm với nhiều người. Người cầu an, cầu lộc cho gia đình nhưng phần lớn là giới kinh doanh đến để “vay vốn” Bà Chúa Kho, mong cho một năm vốn liếng dồi dào, làm ăn thuận lợi. Bởi người ta quan niệm rằng Bà Chúa Kho là người cai quản kho lương, là người ban phát “nguồn sống” cho mọi người.
Nghi thức “vay – trả” cũng rất rõ ràng, người ta ghi trong sớ là vay bao nhiêu, làm gì, và bao lâu sẽ trả. Thậm chí có người còn hứa là vay 1 trả 3, trả 10,… Với quan niệm “đầu năm đi vay, cuối năm đi trả”, nên dù có làm ăn tốt hay không, người ta vẫn giữ đúng lời hứa, cuối năm tạ lễ ở đền Bà Chúa Kho, mang trả số “vốn” để cảm ơn Bà đã phù hộ trong suốt một năm.
Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội du khách sẽ được hòa mình trong không khí trang nghiêm của các nghi lễ tế truyền thống cùng các trò chơi dân gian truyền thống náo nhiệt như chọi gà, kéo co,… thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách.
(Ảnh: Sưu tầm)
(Ảnh: Sưu tầm)
Trong những ngày diễn ra lễ hội, xung quanh đền có hàng trăm cửa hàng bán đồ cúng lễ, nườm nượp người vào ra. Mâm lễ được khách hành hương mua sắm tùy tâm từ đơn giản là thẻ hương, tiền âm và hoa tươi cho đến những mâm lễ hết sức cầu kỳ gồm con gà đĩa xôi, giò lụa hay một mâm ngũ quả đầy, chủ yếu là thành tâm cầu khấn.
(Ảnh: Sưu tầm)
(Ảnh: Sưu tầm)
Đền Bà Chúa Kho là một trong những di tích gắn liền với hàng ngàn năm lịch sử, một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của vùng đất Kinh Bắc mỗi độ cuôi năm xuân về. Từ lâu, ngôi đền đã đi vào tín ngưỡng dân gian linh thiêng “sở cầu đắc cầu, sở nguyện đắc nguyện” của mỗi người dân Việt Nam.
0 bình luận