- Tin tức > Du lịch > Miền Tây > Kiên Giang > Hà Tiên >
Nội dung chính
Khách du lịch đến Hà Tiên không chỉ để tham quan những danh lam thắng cảnh mà còn thưởng thức những món ăn ngon. Đặc sản Hà Tiên với những món ngon như: nước mắm Phú Quốc, cà xỉu, canh ghẹ, nấm tràm, xôi xiêm… thường làm du khách nhớ mãi sau khi nếm thử lần đầu tiên
Du lịch Hà Tiên (ảnh ST)
Các món đặc sản Hà Tiên Kiên Giang
1. Bún kèn
Địa chỉ: đường Chi Lăng, đường Trần Hầu
Bún kèn là món ăn rất riêng của Hà Tiên với cách chế biến cầu kỳ, nhiều công đoạn khiến hầu hết du khách đến đây đều muốn thưởng thức. Món bún có nguồn gốc từ Campuchia, nước lèo được nấu từ nước luộc cá, bột cà ri, nước cốt dừa, màu điều đỏ tươi. Bún Kèn Hà Tiên được chế biến bằng một số loại cá biển như: cá đưng, cá nhồng, cá rựa và ngon nhất là cá lẹp vàng…chính vì thế đã tạo nên mùi vị tươi ngon riêng cho bún Kèn Hà Tiên.
Bát bún kèn thơm ngon ở Hà Tiên (ảnh ST)
Tô bún khi được bày ra thường rất bắt mắt với một lớp tôm khô, cá giã nhuyễn rắc lên trên cùng các loại rau thơm. Thêm chút chanh, ớt, nước mắm trộn vào, du khách sẽ cảm nhận được mùi thơm của rau, độ giòn từ những cọng giá, vị béo bùi nước cốt dừa và vị chua cay nhờ chanh ớt.
Món ngon Hà Tiên (Ảnh ST)
2. Cà xỉu
Có dịp đến với Hà Tiên, du khách nào cũng được giới thiệu một món ăn rất độc đáo của xứ này là món cà xỉu. Vẻ bề ngoài của cà xỉu khá giống những loài hải sản hai mảnh vỏ, nhưng cũng giống cả loài côn trùng với cái râu thật dài và to, sống tập trung ở môi trường sông, cửa biển, nước lợ, có nhiều ở vùng đầm Đông Hồ, thị xã Hà Tiên. Khi bắt được cà xỉu, người dân thường đem muối, ăn với cơm nóng rất ngon. Cà xỉu ngày nay được chế biến thành nhiều món như gỏi xoài, gỏi cóc.
Cà xỉu – món ăn độc đáo của Hà Tiên (ảnh ST)
Vị chua, mặn, ngọt và cay của món ăn thường tạo cho khách cảm giác thích thú. Người ta đem cà xỉu muối tương tự như muối ba khía, cứ một lớp cà xỉu rắc một lớp muối lên, chất lượng của mắm cà xỉu ngon hay không cũng nhờ vào cách muối này. Cà xỉu muối được chần sơ qua nước nóng để giảm mặn, băm xoài thành sợi nhuyễn, trộn với rau răm rồi rưới nước giấm đường, pha thêm chút nước mắm Phú Quốc để tạo vị đậm đà rồi rắc đậu phộng rang, hành phi để tạo thêm hương vị cho món ăn
Cà xỉu muối nổi tiếng Hà Tiên (ảnh ST)
3. Gỏi cá trích
Gỏi cá trích vốn là đặc sản vùng biển, rất nhiều điểm du lịch biển như Phú Quốc, Vũng Tàu, Lý Sơn,…có món này chứ không riêng gì Hà Tiên. Nhưng gỏi cá trích vẫn là một trong những món ngon đặc sản Hà Tiên không thể bỏ qua bởi cá trích được khai thác quanh năm với lượng cá dồi dào từ thiên nhiên ban tặng và cách chế biến món gỏi độc đáo của người Hà Tiên.
Cá trích được phi lê (Ảnh ST)
Người ta lấy thịt phi lê cá trích ướp nước cốt chanh hoặc giấm trong vài phút rồi bỏ nước, sau đó thêm mắm nhĩ, đường, gừng, ớt, hành tây xắt nhỏ và dừa khô nạo sợi vào trộn đều, ăn kèm với bánh tráng, rau non và nước chấm đậu phộng đậm đà. Những mùi vị cùng quyện chặt vào những cuốn gỏi sẽ tạo nên hương vị riêng của xứ Hà Tiên và hẳn sẽ làm thực khách thích mê và nhớ mãi món gỏi cá trích.
Gỏi cá trích (ảnh ST)
4. Xôi Hà Tiên
Xôi Hà Tiên có cả xôi mặn và xôi ngọt đều được nấu rất khéo cực ngon dù rất giản dị. Quá trình nấu xôi từ khâu ngâm gạo, đến khi thêm nước cốt dừa đều không có bí quyết nào quá đặc biệt, thế nhưng cách làm kỹ lưỡng và cẩn thận của người Hà Tiên đã khiến xôi nếp bình dị thêm thơm ngon hơn rất nhiều. Xôi mặn Hà Tiên rất ít gia vị, chỉ có tôm khô giã rắc trên mặt xôi nhưng vị đậm đà đến lạ lùng.
Xôi xoài Hà Tiên (ảnh ST)
Với xôi ngọt, thực khách có thể thưởng thức xôi xoài hay xôi hột gà. Để có món xôi xoài, người ta chỉ rắc thêm lên mặt xôi trắng lớp đậu xanh cà đã giã nhuyễn và rang vàng, rồi đến lớp xoài chín mềm đã cắt thành từng lát nhỏ mỏng. Món xôi xoài ăn khá lạ miệng có vị vừa béo, vừa ngọt lẫn một chút chua và thơm nức mùi xoài. Với món xôi hột gà, ngoài lòng đỏ trứng gà, người ta còn sử dụng cơm sầu riêng vừa có độ dẻo vừa thơm và rất ngậy.
Xôi mặn Hà Tiên (ảnh ST)
5. Hủ tiếu hấp
Có dịp đến du lịch Hà Tiên, chắc chắn bạn sẽ được giới thiệu về món hủ tiếu hấp khá đặc trưng của xứ này. Món hủ tiếu hấp là một món ngon trong ẩm thực Hà Tiên, dẫu cho món ăn này không phải là món ăn bản xứ. Món ăn có thành phần chính là hủ tiếu tươi được hấp cách thủy, dùng với nước cốt dừa cùng bì trộn thính, thịt heo nạc thái sợi, chả giò kèm theo chút rau thơm, đậu phụng và nhiều nơi còn cho thêm chút cà rốt muối chua.
Sợi hủ tiếu được làm khéo léo mềm và trắng (ảnh ST)
Hủ tiếu hấp Hà Tiên ngon ở chỗ vị đa dạng nhưng vẫn mang nét đặc trưng của người miền Tây. Bất cứ ai thưởng thức một lần món hủ tiếu hấp Hà Tiên, đều khó lòng quên vị dai vừa của từng sợi hủ tiếu hấp nóng ấm, vị béo của nước cốt dừa thắng khéo nêm vừa, vị bùi từ khoai trong chả giò, vị thơm phảng phất của thính trộn trong bì thái mỏng,…
Hủ tiếu hấp nổi tiếng ở Hà Tiên (ảnh ST)
6. Nước mắm Phú Quốc
Nước mắm Phú Quốc là một trong các loại nước mắm không những nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được biết ở nhiều nước trên khắp thế giới. Bất cứ loại cá nào cũng có thể sử dụng để làm nước mắm, nhưng người sản xuất nước mắm Phú Quốc chỉ sử dụng duy nhất loại cá cơm làm nguyên liệu. Vùng biển xung quanh đảo Phú Quốc có nhiều rong biển và phù du làm thức ăn cho các loài cá cơm, cho nên có nguồn lợi cá cơm rất lớn.
Nước mắm Phú Quốc thơm ngon đậm vị (Ảnh ST)
Sự khác biệt chính yếu của nước mắm Phú Quốc là màu cánh gián đặc trưng, hoàn toàn tự nhiên chứ không bằng cách pha màu như những nơi khác. Màu cánh gián này có được nhờ cách ướp tươi còn máu trong thân cá và thời gian ủ trong thùng gỗ tới 12 tháng. Người ta trộn 2 hay 3 phần cá với 1 phần muối rồi để đến 1 năm, càng để lâu hàm lượng đạm càng cao nhưng nước mắm ít thơm và màu bị sậm hơn. Người ta còn chôn nước mắm vài ba năm, lúc đó màu nước mắm thành đen gọi là nước mắm lú
Những mẻ cá cơm tươi để làm nước mắm (Ảnh ST)
7. Bánh thốt nốt
Đến Hà tiên mà du khách không ăn bánh thốt nốt thì quả thật đáng tiếc. Bánh thốt nốt có hương vị thơm nồng, ngọt thanh của trái thốt nốt chín, mùi thơm của hạt gạo, vị béo của nước cốt dừa. Nguyên liệu làm bánh thốt nốt có 4 loại chính: đó là bột gạo, bột trái thốt nốt chín, đường thốt nốt, một ít nước cốt dừa và cọng dừa nạo. Trái thốt nốt chín, lột vỏ rồi mài vắt lấy bột.
Bánh thốt nốt Hà Tiên (Ảnh ST)
Sau đó trộn chung với bột gạo, đường thốt nốt; để trong nửa giờ đồng hồ cho bột dậy lên mới đem ra gói bánh. Bánh thốt nốt chín có màu vàng ươm, phản phất mùi hương của bột thốt nốt, vị béo của nước cốt dừa và vị ngọt thanh của đường thốt nốt. Khi bánh vừa được lấy ra từ xửng hấp, bánh chín vàng đều, mùi hương ngào ngạt lan tỏa làm thực khách chỉ muốn ăn ngay.
Màu vàng ruộm, mùi thơm phảng phất khiến du khách phát thèm (ảnh ST)
8. Bánh tằm bì
Bánh tằm bì là một loại hủ tíu hấp khá đặc biệt, được làm từ bột gạo tẻ, người ta khuấy trùng hay còn gọi là hồ bột – một khâu quan trọng nhất để hình thành những hương vị rất riêng của bánh tằm bì rồi se sợi bánh bằng tay, rồi hấp lại cho chín hẳn. Để làm hoàn chỉnh món bánh tầm bì nhất định phải có nước cốt dừa được thắng, đã trở nên hơi sệt bởi có chút bột bắp hay mì tinh và được nêm nếm chút đường chút muối cho đậm vị.
Bánh tằm bì Hà Tiên (ảnh ST)
Bên cạnh đó, da heo người ta luộc chín, thái sợi thật mỏng, cùng thịt nạc heo ướp gia vị chiên vàng cũng thái nhỏ rồi trộn chung với thính gạo, tỏi giã giập, cùng gia vị vừa ăn. Để dùng bánh tằm bì, người ta phải dùng đến loại đĩa sâu lòng, bỏ bánh tằm bì vào, thêm bì vàng, ít hành lá thái nhuyễn, chút rau thơm, đậu phụng giã giập, rồi chan nước cốt dừa lên. Trước khi thưởng thức sẽ thêm chút nước mắm chua ngọt hơi cay và có ít đồ chua để làm tăng thêm gia vị hấp dẫn cho món bánh.
Nguyên liệu làm món bánh tằm bì (ảnh ST)
Tin liên quan:
0 bình luận