- Tin tức > Du lịch > Miền Trung > Khánh Hòa >
Đền thờ Trần Quý Cáp được xây dựng để tưởng nhớ về vị chí sĩ yêu nước đã có đóng góp to lớn trong phong trào Duy Tân. Là người đi đầu trong phong trào lãnh đạo và kêu gọi quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh chống lại thực dân Pháp.
Xem thêm: Cẩm nang đi du lịch Nha Trang (mới nhất)
Đền thờ Trần Quý Cáp hay còn được nhắc đến với tên Trung Liệt Điện, nằm trên gò Chết Chém, ngay sát cầu Sông Cạn, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Khi tới cây cầu bạn sẽ thấy một cây đa nhỏ có tán rộng, nằm ngay sau đó chính là đền thờ.
Đền thờ này được xây dựng năm 1970 năm Canh Tuất, không mang những nét kiến trúc cổ đặc trưng như miếu Trịnh Phong hay các ngôi miếu khác trong vùng, đền thờ Trần Quý Cáp Diên Khánh mang đậm nét tân thời, là sự kết hợp khéo léo giữa lối kiến trúc đền đài pha lẫn hiện đại.
Nơi này được xây theo lối cổ lầu, khá nhỏ và thấp, phần mái được xây quanh về 4 phía khác nhau. Bốn góc mái của cổ lầu và mái hạ đều được đắp trang trí bằng các họa tiết rồng trầu theo kiểu cách tân. Lối vào chính điện của đền được xây nhìn về hướng Đông, ngay phía dưới là sông Cạn. Khoảng sân nhỏ trước đền là một cột cờ được xây cao chừng 3,5m, phần đế này là một bồn nước xây hình lục giác. Bên hông của cột cờ có hai “Lư vọng liệu” xây cao 1,5m, với ba chân đứng vững chắc được dựng theo hình móng cọp đặt trên một bệ tròn. Nơi này cũng được chọn làm nơi đốt các bài vị trong những ngày lễ.
Đền thờ Trần Quý Cáp có diện tích 12m2, toàn bộ nền đều được lát đá hoa. Khi vào bên trong bạn sẽ thấy một tấm bảng lớn có ghi dòng chữ “Trung nghị cảm nhận” được hiểu đơn giản là cảm phục người trung, bên cạnh đó là các câu đối cùng được đặt xung quanh vị trí này. Có rất nhiều câu đối ở đây được viết với ý nghĩa ca ngợi ý chí anh hùng, vì nước quên thân của những liệt sĩ.
Những câu đối ở phía sau khám thờ được viết riêng cho Trần Quý Cáp để ca ngợi một người liệt sĩ quả cảm, một nhà giáo dục lớn, có công với đất nước. Tại chính điện có khắc tên 3 vị liệt sĩ: Ở chính giữa là Quảng Nam Sung Tân Định Giáo thọ Trần Quý Cáp; Phía phải là Diên Khánh Cần Vương tham tán quân vụ Nguyễn Khanh; Phía trái là Khánh Hòa Cần Vương, nghĩa quân đại vương Trịnh Phong.
Vào mỗi dịp 17/5 âm lịch hằng năm, cũng chính là ngày mất của chí sĩ Trần Quý Cáp, toàn thể người dân từ người già đến trẻ nhỏ, cho đến các cấp chính quyền từ Thị Trấn đến cấp huyện ở Diên Khánh đều tới đây thắp hương, tưởng nhớ đến người chí sĩ yêu nước đã hi sinh trên mảnh đất Diên Khánh-Khánh Hòa.
Đền thờ Trần Quý Cáp Khánh Hòa đã được Bộ văn hóa thông tin công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1991. Chắc hẳn, với mỗi người dân của mảnh đất Diên Khánh thì đây là niềm tự hào về truyền thống yêu nước, lịch sử đấu tranh, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.
Cho đến nay, việc tôn tạo và bảo vệ di tích đền thờ Trần Quý Cáp không còn là trách nhiệm mà nó còn xuất phát từ tình cảm của người dân nơi đây với mong muốn gìn giữ và phát huy truyền thống quý báu từ đời xưa để lại, và nó còn thể hiện sự biết ơn đối với những bậc cha anh đã hi sinh cho độc lập dân tộc.
Nếu có dịp du lịch tới mảnh đất Khánh Hòa xinh đẹp, ngoài những địa điểm du lịch hấp dẫn bạn có thể bớt chút thời gian ghé thăm đền thờ Trần Quý Cáp, thắp nén hương để thể hiện lòng thành kính và biết ơn đến một vị chí sĩ yêu nước đã hy sinh cho độc lập, tự do cho dân tộc.
Xem thêm bài viết:
0 bình luận