Di tích lịch sử Hà Nội: Nơi ẩn chứa thông điệp của thời gian

Phạm Oanh
19.4K

Đừng bỏ qua các khu di tích lịch sử khi đặt chân đến Hà Nội bởi nó gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất này.

Đằng sau mỗi chuyến hành trình là những trải nghiệm mới, là cơ hội để mở rông hiểu biết. Vì thế học hỏi về các tập tục và văn hóa khi đặt chân đến mỗi vùng đất mới luôn là điều nên làm với các vị khách lữ hành.

Thủ đô Hà Nội – mảnh đất nghìn năm tuổi có rất nhiều khu di tích để bạn mở mang tầm mắt về một phần văn hóa, lịch sử khi đặt chân đến đây.

  1.  Hoàng Thành Thăng Long:

Hoàng Thành Thăng Long tọa lạc giữa nội đô, với bốn mặt bao quanh là những con đường đẹp nhất thành phố: Nguyễn Tri Phương (phía Đông), Phan Đình Phùng (phía Bắc) và Hoàng Diệu (phía Tây) và Điện Biên Phủ (phía Tây-Nam). Hoàng Thành là quần thể khu di tích lịch sử Hà Nội gắn liền với những giai đoạn phát triển của kinh thành Thăng Long.

Một phần bên trong Hoàng Thành Thăng Long (ảnh: st)

Là di sản văn hóa thế giới, khu di tích lịch sử này được mở ra để du khách có thể tham quan những Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, khu khảo cổ… và đặc biệt là Cột cờ Hà Nội (Kỳ Đài).

Cột cờ Hà Nội một sớm đầu đông (Ảnh: ST)

Ngoài ra, Hoàng Thành Thăng Long còn được trưng dụng làm địa điểm tổ chức những sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh văn hóa Việt như: Ngày Sách Việt Nam, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa, Festival Áo dài…

Ký ức Hà Nội (ảnh: VOV)

  1. Hồ Hoàn Kiếm đền Ngọc Sơn

Là trái tim Thủ đô, quần thể hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn luôn nằm trong danh sách những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử Hà Nội mà du khách không thể bỏ qua.

Hồ Hoàn Kiếm từ trên cao nhìn xuống (ảnh: Nguyệt Hà)

Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) gắn liền với truyền thuyết về vua Lê Thái Tổ và chiến thắng giặc Minh xâm lược. Quần thể hồ còn có tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn.

Cầu Thê Húc nối ra đền Ngọc Sơn (ảnh: st)

Xung quanh khu vực hồ, nhìn chếch từ tháp Bút sang bên đường, chính là “Thiên Tiên Điện” (Đền Bà Kiệu) thờ công chúa Liễu Hạnh – một vị thánh trong “Tứ bất tử” của văn hóa Việt Nam. Đối diện bên bờ hồ, cạnh Bưu điện Hà Nội chính là tượng đài vua Lý Thái Tổ.

Ngoài ra, bao quanh khu vực bờ hồ là những di tích lịch sử Hà Nội đã đi theo từng giai đoạn phát triển của Thủ đô như tháp Hòa Phong, trụ sở hội Khai Trí Tiến Đức, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục…

Đền Bà Kiệu (ảnh: st)

Đặc biệt hơn, hồ Hoàn Kiếm được trang hoàng bởi ánh sáng lung linh. Từ tối thứ Sáu đến hết ngày Chủ Nhật, không gian xung quanh hồ trở thành phố đi bộ. Đây là cơ hội để du hòa nhịp vào cuộc sống gần gũi của dân bản địa, tham gia những trò chơi dân gian và thưởng thức những món ăn ngon trong khu phố cổ:

Hồ Gươm vào buổi tối lung linh dưới ánh đèn (ảnh: Cao Anh Tuấn)

  1. Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Không xa Hoàng Thành Thăng Long về hướng Nam là quần thể di tích lịch sử Hà Nội: Văn Miếu – Quốc Tử Giám – trường Đại học đầu tiên của Việt Nam.

Khuê Văn Các (ảnh: st)

Được xây dựng từ năm 1070, dưới thời vua Lý Thánh Tông, Văn Miếu gồm nhiều di tích như: Hồ Văn, Khu vực bia tiến sĩ, Khuê Văn Các…

Vào những ngày lễ Tết đầu năm, các sĩ tử thường đến dâng hương tại khu di tích này để cầu may mắn. Đây cũng là nơi vinh danh, trao giải cho những “trạng nguyên” xuất sắc làm rạng danh đất nước.

  1. Thăng Long tứ trấn

Thăng Long tứ trấn là bốn ngôi đền thiêng trấn giữ bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành, gồm: Đền Bạch Mã (trấn Đông), đền Voi Phục (trấn Tây), đền Kim Liên (trấn Nam) và đền Quán Thánh (trấn Bắc).

Đền Bạch Mã (ảnh: st)

Đền Voi Phục (ảnh: st)

Đền Kim Liên (ảnh: st)

Đền Quán Thánh (ảnh: st)

Vào các dịp lễ Tết, người dân Thủ đô thường đến đây, dâng lên nén hương, giọt dầu để cầu cho quốc thái dân an. Có thể nói, Thăng Long tứ trấn đã ăn sâu vào tiềm thức, đời sống tâm linh của người dân Hà Nội, trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa và lịch sử của mảnh đất này.

  1. Thành Cổ Loa (Huyện Đông Anh – Hà Nội)

Khác với các di tích lịch sử Hà Nội trên, Thành Cổ Loa tọa lạc ở vùng ven đô, cách trung tâm Thủ đô khoảng 20km về phía Bắc.

Trước thành Cổ Loa (ảnh: st)

Thành Cổ Loa được xây theo hình vòng xoắn ốc (theo truyền thuyết là chín vòng nhưng đã bị thời gian tàn phá ít nhiều). Chính vì thế mà người dân địa phương còn đặt cho khu di tích này một cái tên khác là “thành Ốc”.

Sơ đồ xoắn ốc của Thành Cổ Loa (Ảnh: ST)

Với kiến trúc độc đáo, địa điểm di tích lịch sử Hà Nội này có những địa điểm nổi tiếng như: am Mị Châu, tượng Cao Lỗ, giếng Ngọc, đền thờ An Dương Vương, đền thờ Cao Lỗ…

Có thể nói, thành Cổ Loa là một trong di tích lịch sử Hà Nội có giá trị văn hóa lớn và cần được bảo tồn và phát huy giá trị theo thời gian.

Quần thể khu di tích (ảnh: st)

  1. Chùa chiền ở Hà Nội

Là một đất nước Á Đông với nền Phật giáo phát triển rực rỡ, Việt Nam có rất nhiều đền, chùa trải dọc theo chiều dài đất nước. Mảnh đất kinh kỳ Thăng Long cũng không phải một ngoại lệ.

Xây dựng từng năm 1049 với lối kiến trúc độc đáo, Chùa Một Cột đã trở thành điểm đến lịch sử đặc biệt dành cho du khách trong và ngoài nước.

Chùa Một Cột – một di tích lịch sử lâu đời tọa lạc trong khuôn viên lăng Bác (ảnh: st)

Bên cạnh đó, Hà Nội còn có chùa Trấn Quốc thuộc quần thể Tây Hồ, chùa Quán Sứ, chùa Hà, chùa Kim Liên…

Chùa Trấn Quốc bên bờ Hồ Tây (ảnh: st)

Nhắc đến Hà Nội vào một ngày đầu Thu và đi dạo trên những con phố cổ trải đầy lá vàng, bạn có thể sẽ “phải lòng” mảnh đất này. Nhưng để tìm hiểu kỹ văn hóa và lịch sử nơi đây, các du khách chắc chắn không thể bỏ qua những di tích lịch sử đầy ắp những thông điệp thời gian của Hà Nội.

0 bình luận

    Các khách sạn phù hợp với bạn!