Du lịch bền vững là gì?
Trong những năm gần đây, thuật ngữ “bền vững” trở nên phổ biến trong mọi lĩnh vực kinh tế – đời sống – xã hội. Và chắc hẳn bạn cũng đã từng nghe qua khái niệm “du lịch bền vững” rồi đúng không, đặc biệt trong thời kì dịch bệnh Covid, loại hình du lịch này lại càng được chú ý hơn. Vậy du lịch bền vững là gì? Các yếu tố chính của du lịch bền vững là gì? Cùng Vntrip tìm hiểu tất tần tật những điều cần biết về du lịch bền vững trong bài viết dưới đây nhé.
Nội dung chính
1. Du lịch bền vững là gì?
Theo khái niệm về du lịch bền vững của Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO) đưa ra tại hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hiệp quốc tại Riode Janeriro năm 1992: “Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và quan tâm đến người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thoả mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hoá, đa dạng sinh học, sự phát triển của hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống con người”.
Du lịch bền vững trở thành một khái niệm phổ biến trong ngành du lịch hiện nay. Hình: Sưu tầm
Nói một cách dễ hiểu hơn, du lịch bền vững là du lịch giảm thiểu các chi phí và nâng cao tối đa các lợi ích của du lịch cho môi trường thiên nhiên và cộng đồng địa phương, được thực hiện lâu dài nhưng không ảnh hưởng xấu đến nguồn sinh thái mà du lịch phụ thuộc vào.
2. Các yếu tố của du lịch bền vững
2.1. Về môi trường
Du lịch bền vững là hình thức giúp bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá bằng cách sử dụng tối ưu các tài nguyên môi trường này, đồng thời giảm thiểu các tác động đến môi trường (động vật, các sinh cảnh sống, nguồn lợi sống, sử dụng năng lượng và ô nhiễm…).
Du lịch bền vững đảm bảo bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Hình: Sưu tầm
2.2. Về văn hóa và xã hội
Du lịch bền vững là không gây hại đến các cấu trúc xã hội hoặc văn hóa của cộng đồng nơi mà hoạt động du lịch được thực hiện. Mà thay vào đó là phải tôn trọng tính trung thực về xã hội và văn hóa của các cộng đồng địa phương, bảo tồn di sản văn hóa và các giá trị truyền thống đã được xây dựng.
Bảo tồn văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương. Hình: Sưu tầm
Khuyến khích các bên liên quan (các cá nhân, cộng đồng, nhà điều hành chương trình du lịch và quản lí chính quyền) trong tất cả các giai đoạn của việc lập kế hoạch, phát triển và giám sát, giáo dục các bên liên quan về vai trò của họ.
2.3. Về kinh tế
Du lịch bền vững bảo đảm sự hoạt động kinh tế tồn tại lâu dài, đóng góp về mặt kinh tế cho cộng đồng và tạo ra thu nhập tới tất cả những người hưởng lợi và được phân bổ một cách công bằng, bao gồm cả những nghề nghiệp và cơ hội thu lợi nhuận ổn định và các dịch vụ xã hội cho các cộng đồng địa phương, và đóng góp vào việc xóa đói giảm nghèo.
Đảm bảo ổn định kinh tế địa phương. Hình: Sưu tầm
3. Mục tiêu của du lịch bền vững là gì?
Bảo vệ môi trường: Cần quản lý việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên sao cho không chỉ thỏa mãn nhu cầu hiện tại mà còn phải đảm bảo cho nhu cầu phát triển du lịch trong tương lai. Bên cạnh đó trong quá trình phát triển du lịch, các tác động của hoạt động du lịch đến môi trường sẽ được hạn chế đi đôi với những đóng góp cho nỗ lực tôn tạo tài nguyên, bảo vệ môi trường. Duy trì và nâng cao chất lượng của cảnh vật, kể cả ở nông thôn cũng như thành thị, tránh để môi trường xuống cấp.
Bảo tồn các giá trị văn hóa: Tôn trọng và tăng cường giá trị các di sản lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống và những bản sắc đặc biệt của cộng đồng dân cư địa phương tại các điểm du lịch.
Sử dụng hiệu quả các nguồn lực: Nguồn lực ở đây được xem là thiên nhiên, nhân lực, văn hóa,… được khai thác và sử dụng một cách hợp lý để có thể phục vụ cho việc phát triển ngành du lịch một cách lâu dài và bền vững
Du lịch bền vững cần biết cách sử dụng hợp lí các nguồn lực. Hình: Sưu tầm
Hiệu quả kinh tế: Đảm bảo tính hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh để các doanh nghiệp và các điểm du lịch có khả năng tiếp tục phát triển và đạt lợi nhuận lâu dài.
Đáp ứng sự thỏa mãn của khách du lịch: Cung cấp những dịch vụ an toàn, chất lượng thỏa mãn tối đa các nhu cầu của du khách.
Phát triển cho địa phương: Tăng tối đa đóng góp của du khách và các hoạt động du lịch đối với sự phát triển của nền kinh tế địa phương tại các điểm du lịch, khu du lịch.
Tạo ra việc làm và nâng cao mức thu nhập: Tăng cường số lượng và chất lượng việc làm cho người dân tại địa phương do hoạt động du lịch tạo ra.
An sinh xã hội: Duy trì và tăng cường chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, bao gồm cơ cấu tổ chức xã hội và cách tiếp cận các nguồn tài nguyên, hệ thống hỗ trợ đời sống, tránh làm suy thoái và khai thác quá mức môi trường cũng như xã hội dưới mọi hình thức.
4. Các loại hình du lịch hướng đến du lịch bền vững
4.1. Du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng thường được hiểu là hoạt động của một cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch, hay nói cách khác đây là loại hình du lịch trong đó cộng đồng địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng và quản lý du lịch. Loại hình này được phát triển trên cơ sở văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi.
Du lịch cộng đồng mang lại lợi ích cho cộng đồng trong việc bảo tồn tài nguyên và di sản. Hình: Sưu tầm
Với hình thức du lịch cộng đồng, người dân địa phương sẽ mời du khách đến cộng đồng của mình, cung cấp chỗ ở cho họ và tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa với những sinh hoạt rất đời thường và những món ăn dân dã đậm chất địa phương, giúp du khách khám phá và tìm hiểu về các giá trị truyền thống khác của mình. Song song với đó, họ có thể kiếm thu nhập với tư cách là người quản lý đất đai, doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ, sản xuất hoặc nhân viên. Hơn nữa, nguồn thu từ chi tiêu của khách du lịch cũng sẽ được sử dụng để mang lại lợi ích cho cộng đồng trong việc bảo tồn tài nguyên và di sản bên cạnh việc giúp đỡ cư dân địa phương duy trì cuộc sống đơn thuần.
4.2. Du lịch sinh thái
Đây là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển bền vững. Du khách tham quan sẽ tìm hiểu về nét bản sắc văn hóa và xã hội của địa phương đồng thời quan tâm tới vấn đề môi trường tại đây.
Du lịch sinh thái mang đến cho du khách không chỉ là những trải nghiệm và khám phá thiên nhiên độc đáo mà còn tăng sự hiểu biết và ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên một cách tích cực, nâng cao tầm quan trọng của các giá trị thiên nhiên, hiểu rõ hơn về sự tác động qua lại giữa hệ sinh thái và chất lượng sống của con người.
Du lịch sinh thái giúp tăng sự hiểu biết và ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên. Hình: Sưu tầm
Hơn thế nữa, nếu có phương pháp quản lý tốt thì du lịch sinh thái sẽ giúp bảo tồn nguồn lợi thiên nhiên, mở rộng cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đặc biệt là những vùng còn chưa phát triển những lại sở hữu cảnh quan thiên nhiên độc đáo, có tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái. Du lịch sinh thái thân thiện với môi trường, giảm áp lực lên môi trường, tạo tiền đề phát triển bền vững mà vẫn đảm bảo lợi ích của con người và tự nhiên.
4.3. Du lịch tình nguyện
Du lịch tình nguyện là những chuyến du lịch có sự kết hợp tham quan, nghỉ ngơi, khám phá với các hoạt động từ thiện, tình nguyện như bảo vệ môi trường, phòng chống và khắc phục thiên tai, đóng góp vật chất để duy trì các hoạt động giáo dục hay xây dựng cơ sở vật chất như trường học, nhà ở…Điều này đồng nghĩa với việc, người tham gia chuyến hành trình sẽ vừa là 1 du khách, vừa là một tình nguyện viên.
Với đặc trưng như vậy, điểm đến của hình thức du lịch thiện nguyện thường sẽ là những địa phương có lợi thế về cảnh đẹp, văn hoá địa phương và đồng thời còn có những khó khăn về đời sống sinh hoạt, chưa phát triển du lịch hoặc những thành phố du lịch nhưng bị tàn phá bởi thiên tai.
Du lịch tình nguyện góp phần phát triển kinh tế, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn giá trị tự nhiên, văn hóa của địa phương. Hình: Sưu tầm
Các hoạt động du lịch tình nguyện giúp góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế địa phương, huy động được nguồn vốn, vật chất từ các cá nhân, tập thể, tổ chức để hỗ trợ cải thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư vào du lịch của vùng, tạo công ăn việc làm cho người dân, đồng thời giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, với việc tham gia vào du lịch tình nguyện, bạn sẽ giúp cộng đồng dân cư cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, nhận thức về bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên điểm đến, bảo tồn sự đa dạng sinh học, bảo tồn những giá trị tự nhiên, nhận định được vai trò của mình trong việc bảo tồn những giá trị tự nhiên, văn hóa của địa phương.
Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, du lịch bền vững đã dần trở thành cốt lõi hiện nay. Du lịch theo hướng bền vững chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời, khi vừa có thể đi du lịch, vừa góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn thiên nhiên và gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc.
0 bình luận