- Tin tức > Du lịch > Du lịch Việt Nam >
Gợi nhắc đặc sản miền Tây mùa nước nổi
Nội dung chính
Miền Tây nổi bật với nền văn hoá sông nước, phù sa bồi đắp quanh năm nên hệ động thực vật rất đa dạng, tạo nên những địa hình trải nghiệm thú vị và những đặc sản miền Tây mùa nước nổi từng làm xao xuyến lòng người.
Miền Tây mùa nước nổi (Ảnh sưu tầm) |
1. Cá linh bông điên điển
Mỗi mùa nước lên, cá linh từ vùng Biển Hồ mênh mông đổ về các nhánh sông, kênh, rạch chằng chịt, trở thành nguồn thực phẩm dồi dào, tươi ngon, tạo nên các món đặc sản miền Tây hấp dẫn.
Bông điên điển (Ảnh sưu tầm) |
Đến miền Tây mùa này, bạn sẽ được mặc lên người chiếc áo bà ba mềm mại, quấn khăn rằn, xắn ống quần và lội bùn, bắt cá, trong tiếng xào xạc của cây vườn miền Tây, trong làn gió đem theo mùi ngai ngái của bùn, của nước đặc trưng. Và thành quả nhận được sẽ là những chú cá tươi rói để chuẩn bị cho bữa ăn dân dã mà đầy trải nghiệm. Lẩu cá linh bông điên điển hay canh chua cá linh bông điên điển là những món ăn đặc trưng, tròn vị bởi chứa đựng trong đó nhiều màu sắc ẩm thực đặc sản miền Tây mùa nước nổi.
Lẩu cá linh (Ảnh sưu tầm) |
Canh chua điên điển (Ảnh sưu tầm) |
Những nhánh bông điên điển vàng óng ả, chấp chới trên mặt nước vào mùa bên những bóng áo bà ba tha thướt như gợi nhắc một khoảng trời kí ức với mỗi người con đã từng sinh ra trên mảnh đất này. Cá linh bông điên điển từ lâu đã là món ăn quen thuộc của người dân miền Tây và là đặc sản miền Tây Nam Bộ không thể chối từ với mỗi du khách.
2. Bông súng mắm kho
“Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm”
Từ xa xưa, bông súng mắm kho đã là món ăn quen thuộc của những người dân miền Tây mỗi mùa nước lên. Cũng giống như bông điên điển, bông súng bừng nở một góc trời, từ súng trắng đến súng tím đua nhau khoe sắc, không chỉ làm đẹp cho đất trời mà còn là món ăn dân dã, độc đáo của người dân nơi đây đã trở thành một phần của đặc sản miền Tây Nam Bộ.
Bông súng (Ảnh sưu tầm) |
Bông súng sau khi hái về được rửa sạch, ngắt thành cọng nhỏ để ráo nước. mắm kho là mắm cá sặc ngâm trong hũ sành có màu đỏ thẫm và mùi thơm quyến rũ. Mắm kho làm ba lần để trong và ngấm gia vị cùng với thịt ba chỉ bùi ngọt, ăn cùng bông súng giòn giòn hoặc một số loại rau tạo nên các món ăn đặc sản miền Tây.
Bông súng mắm kho (Ảnh sưu tầm) |
Bông súng mắm kho dân dã, bình dị nhưng không vì thế mà mất đi hương vị đặc trưng, hấp dẫn, là một trong những đặc sản mùa nước nổi thu hút.
3. Chuột nướng lu
Duy chỉ có ở miền đất sông nước này mới có món chuột nướng lu độc đáo, cuốn hút. Vùng đất màu mỡ miền Tây với phù sa bồi đắp, những cánh đồng thẳng tít tắp; hoa quả, lúa gạo hay hoa màu là thức ăn chính nên chuột đồng rất sạch, là những đặc sản miền Tây mùa nước nổi hấp dẫn.
Chuột nướng lu (Ảnh sưu tầm) |
Ngoài các món ăn quen thuộc như chuột hấp, chuột nướng mỡ chài, chuột khìa nước dừa,… chuột nướng lu được du khách quan tâm hơn cả. Chuột được làm sạch, cắt móng, để ráo nước và ướp gia vị rồi đem quay trong lu khoảng 1 tiếng là vừa chín tới và ngon. Chuột lúc này thơm nức, vàng bóng, rất bắt mắt, bạn sẽ không còn cảm giác sợ sệt ban đầu khi nhìn thấy chúng nữa.
Chuột nướng vàng ruộm (Ảnh sưu tầm) |
Mùa nước nổi, chuột có nhiều ở khắp các cánh đồng, lũ trẻ lại tíu tít gọi nhau đi bẫy chuột, tiếng cười nói vang vọng, tiếng chuột chít chít lao xao vang động một khoảng trời chiều.
4. Gỏi sầu đâu cá sặc
Gỏi sầu đâu cá sặc quyện hoà trong hương vị thơm ngon của cá sặc, béo bùi của thịt ba chỉ và chút đắng nơi đầu lưỡi của lá sầu đâu. Cây sầu đâu là đặc sản miền sông nước mênh mông với hoa trắng nhỏ, vị đắng, nếu chưa quen cũng có phần khó ăn khi đến khám phá ẩm thực miền Tây.
Sầu đâu miền Tây (Ảnh sưu tầm) |
Gỏi sầu đâu cá sặc là một trong những đặc trưng của nền văn hoá ẩm thực Khơ me, được lưu truyền từ Camphuchia sang. Món gỏi gồm có thịt ba chỉ, cá sặc, tôm, dưa chuột, xoài, rau thơm,.. nhưng đặc biệt nhất vẫn là nước chấm me chua ngọt rưới lên hỗn hợp nguyên liệu, khơi dậy mùi vị, cuốn hút thực khách.
Sầu đâu cá sặc (Ảnh sưu tầm) |
Gỏi có thể ăn chơi như các món gỏi của người miền Bắc, có thể ăn kèm với cơm nóng ấm bụng mỗi khi trời đổi gió hay những cơn mưa bất chợt.
5. Cá lăng kho khóm
Một đặc sản miền Tây mùa nước nổi không thể không kể đến màu này là món cá lăng kho khóm, khóm ở đây chính là trái dứa. Cá lăng là loài cá sống chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, là loại cá da trơn và thường xuất hiện nhiều trong mùa nước. Đến miền tây dịp này, du khách sẽ bắt gặp những chiếc ghe, xuồng thả lưới bắt cá nhộn nhịp, cả một khoảng nước xôn xao.
Cá lăng (Ảnh sưu tầm) |
Cá lăng ngọt nước, chở nặng sư tinh tuý của một vùng sông nước Cửu Long mênh mang, quyện hoà với vị chua thanh của dứa, thêm chút hành phi, gia vị đậm đà đã mang đến một đặc sản hấp dẫn.
Cá lăng kho khóm (Ảnh sưu tầm) |
Ghé miền Tây, mải mê với những miệt vườn xanh mượt nhưng đừng quên thưởng thức cá lăng kho khóm gợi thương gợi nhớ, đặc sản miền sông nước hữu tình.
6. Rau dại miền Tây
Nói đến rau mùa này ở miền Tây phải kể đến rau mác, rau dừa, rau sầu đâu,… ngợp trời nước; những bông điên điển, những bông súng khoe sắc, khoe hương, khắc tạc vào không gian.
Rau mác (Ảnh sưu tầm) |
Chèo thuyền dọc các bờ sông, bờ kênh rạch chằng chịt, du khách sẽ bắt gặp những khóm rau dại sà ngang mặt nước, loại nào cũng có tên gọi riêng, hương vị riêng và sự tươi ngon không đâu có được. Từ ăn sống, đến nấu chung với các nguyên liệu khác đều không làm mất đi hương vị vốn có của các loại rau dại nơi đây.
Rau mác cùng họ với lục bình, có thể ăn kèm với rau muống, rau lang, nấu canh chua hay bông súng; rau dừa nấu cùng diếp cá không chỉ ngon mà còn giúp thải độc; bông súng kho mắm;… đều làm nên những đặc sản không thể quên của miền Tây và cũng là một trong những đặc sản miền Tây làm quà rất thú vị.
Rau dừa (Ảnh sưu tầm) |
Mùa nào thức ăn, đa dạng và độc đáo chính là điểm khác biệt của những đặc sản miền Tây mùa nước nổi.
0 bình luận