Hấp dẫn phiên chợ trong tour du lịch Hội An – Mỹ Sơn

Luyến Nguyễn
4.2K

Không đầy màu sắc như những phiên chợ vùng cao Tây Bắc, cũng không lênh đênh sông nước như những khu chợ nổi miền Nam, nhưng những khu chợ quê trên cung đường của tour du lịch Hội An – Mỹ Sơn vẫn có sức thu hút du khách bởi sự thuần hậu của riêng mình.

Xem thêm: Làng bích họa Tam Thanh tuyệt đẹp

Chợ chiếu Bàn Thạch

Thay vì đi từ Hội An lên quốc lộ 1A rồi đến Mỹ Sơn như thường lệ, du khách có thể thuê một chiếc xe đạp, lên đò ở bến sông Hội An. Chỉ sau khoảng 10 phút lênh đên trên sông Hoài, du khách đã tới được xã Cẩm Kim – nơi còn mang đậm nét nông thôn của xứ Quảng. Trên con đường làng chạy dài giữa những đồng lúa xanh ngắt, du khách có thể thong dong đạp xe, tận hưởng không khí dịu mát của vùng ngoại ô và hòa cùng dòng những người phụ nữ mang chiếu từ các làng quê Cẩm Kim, Duy Vĩnh, Duy Hải, Duy Nghĩa về chợ Bàn Thạch.

Phiên chợ chiếu bắt đầu một ngày nhộn nhịp và đầy màu sắc từ 4 giờ sáng mỗi ngày và kết thúc vào khoảng 8 giờ. Phiên chợ có tuổi đời hàng vài trăm năm này nằm ở phía đông của huyện Duy Xuyên. Từ sau khi cầu Cửa Đại hoàn thành, vùng đất này được nối liền với Hội An và tour Hội An – Bàn Thạch – Mỹ Sơn đã trở thành tuyến du lịch sinh thái, làng nghề mới đầy hấp dẫn với khách du lịch.

Phiên chợ chiếu Bàn Thạch (Ảnh sưu tầm)

Đến Quảng Nam, trên cung đường thăm quan 2 di sản thế giới là Hội An và Mỹ Sơn, du khách sẽ có dịp ghé thăm những phiên chợ độc nhất vô nhị của xứ Quảng để khám phá nét văn hóa riêng biệt của vùng thôn quê Quảng Nam.

Chợ heo con Bà Rén

Từ quốc lộ 1A, chỉ cần đi thêm một đoạn là tới phiên chợ Bà Rén – phiên chợ heo con lớn nhất của miền Trung. Đến đây, ngoài tiếng kêu inh ỏi của những chú heo bụ bẫm, tiếng mặc cả ồn ã của người mua kẻ bán, du khách hẳn sẽ ngạc nhiên trước một nghề đảm bảo “độc” và “lạ” – nghề bồng heo ra tiền, bởi cũng giống như phiên chợ chiếu, chợ heo Bà Rén dường như chỉ dành cho những người phụ nữ. Hàng chục phụ nữ ở chợ heo con này sống nhờ vào việc bồng những chú heo vào chợ, bồng heo để cân.

Khi những chú heo trong rọ được người mua và người bán lựa chọn, trả giá xong, những người phụ nữ ấy sẽ ôm heo đứng lên bàn cân để heo không vùng vẫy làm lệch kim cân. Người ta cân cả người và heo, sau đó trừ đi trọng lượng của người bồng sẽ biết heo nặng bao nhiêu kí. Xong xuôi, các chị lại bắt heo từ rọ của người bán sang rọ của người mua. Mỗi rọ heo như vậy, các chị đều được trả công.

Phiên chợ heo con Bà Rén (Ảnh sưu tầm)

Đến thăm mảnh đất trăm nghề

Ngoài những phiên chợ trên, trên cung đường của tour đi Hội An – Mỹ Sơn còn có rất nhiều phiên chợ vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp của vùng quê xứ Quảng khi xưa như chợ Lai Nghi, chợ Võ, chợ Phú Đa, chợ Kiếm Lâm…

Khi những phiên chợ đã tan, du khách có thể thong dong thăm quan vùng sông nước hữu tình của vùng quê Quảng Nam, hoặc theo chân người dân về nhà để khám phá cuộc sống thường nhật của họ. Hầu hết các phiên chợ xứ Quảng đều nằm gần một làng nghề truyền thống, nên khách thăm quan có thể ghé vào các làng nghề để xem người dân tiến hành các công đoạn sản xuất.

Nơi trưng bày sản phẩm mộc Kim Bồng (Ảnh sưu tầm)

Ở làng nghề Bàn Thạch, khách du lịch có thể xem dân làng dệt chiếu, thu hoạch đay, lác. Hay khi ghé vào làng mộc Kim Bồng nổi tiếng, du khách sẽ được nhìn ngắm những người thợ thủ công chạm khắc nên những tác phẩm mộc tinh xảo từ những phiến gỗ to xù, thô ráp. Ghé chợ Lan Nghi, du khách có thể vào làng gốm Thanh Hà – làng nghề đã có tuổi đời hàng trăm năm. Điều thú vị nhất ở Thanh Hà chính là người dân ở đây vẫn lưu giữ nguyên vẹn kĩ thuật làm gốm cổ truyền bằng bàn xoay và tay giữa một không gian dung dị của làng nghề.

Gốm được phơi ở làng Thanh Hà (Ảnh sưu tầm)

Từ Hội An đến Mỹ Sơn, du khách còn đi ngang qua Điện Bàn – nơi được mệnh danh là vùng đất trăm nghề. Đến nay, hầu hết các làng nghề ở đây vẫn còn giữ được đầy đủ nét truyền thống. Vùng đất này còn nổi danh với những làng nghề ẩm thực của Quảng Nam như bê thui Cầu Mống, mì Quảng Phú Chiêm. Điện Bàn còn là mảnh đất có dinh trấn Thanh Chiêm khi xưa, có tháp Bằng An rêu phong cổ kính, có dấu tích của thành cũ La Qua. Nơi đây là một điểm kết nối ấn tượng, là một điểm dừng chân thú vị của nhiều người trên hành trình Hội An – Mỹ Sơn.

Tháp Chăm cổ Bằng An (Ảnh sưu tầm)

Đến với Hội An, thay vì những tour du lịch đã trở nên quen thuộc, du khách hãy thử một lần tự trải nghiệm chuyến đi qua những phiên chợ quê của vùng đất di sản và cảm nhận cuộc sống bình dị đời thường của người dân nơi đây. Chỉ với lòng nhiệt tình, ham khám phá, mỗi người đều có thể tự lên kế hoạch và thực hiện một tour du lịch Hội An của riêng mình.

Xem thêm:

0 bình luận

    Các khách sạn phù hợp với bạn!