Được đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng Công viên Văn hóa Đất nung ở Hội An, sau 4 năm, nơi đây đã trở thành công viên gốm lớn nhất Việt Nam với khuôn viên có diện tích rộng gần 6.000 m2. Từ trước đến nay, khi nhắc đến du lịch Quảng Nam, người ta sẽ nghĩ ngay đến phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn hoặc hai bãi biển đẹp ngất ngây là An Bàng và Cửa Đại. Nhưng cách Trung tâm thành phố Hội An chỉ hơn 5km còn một điểm đến thú vị và hấp dẫn mà ít người biết, đó là công viên Đất nung Thanh Hà, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn.
Công viên Đất nung ở Làng gốm Thanh Hà được đầu tư gần 22 tỷ đồng trong suốt 4 năm
Công viên Đất nung, hay còn được gọi là Công viên gốm Thanh Hà, được khởi công xây dựng cách đây 4 năm tại Làng gốm Thanh Hà 500 năm tuổi, thuộc địa bàn phường Thanh Hà, thành phố Hội An.
Công viên gốm này được kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên thiết kế và làm chủ bao gồm hai tòa nhà chính biểu trưng cho hai loại lò nung gốm của Thanh Hà. Tòa nhà bên trái biểu trưng cho “lò úp” dùng để trưng bày lịch sử, các hiện vật cổ của làng gốm Thanh Hà với ý nghĩa bảo tồn và giữ gìn truyền thống. Tòa nhà bên phải biểu trưng cho “lò ngửa” – nơi trưng bày và triển lãm các sản phẩm gốm Thanh Hà và của một số làng nghề khác như Bát Tràng, Phù Lãng, Vĩnh Long…
Nơi đây được xem là Công viên gốm lớn nhất Việt Nam
Tại đây, du khách có thể tham quan, chụp ảnh hoặc ngồi thư giãn trong không gian của đất
Công viên Đất nung Thanh Hà được đánh giá là công viên gốm lớn nhất, đồng thời cũng là Bảo tàng gốm “độc” nhất cả nước. Không gian công viên được cấu trúc gồm 9 khu riêng biệt: khu lò gốm, khu Bảo tàng làng nghề, khu sản phẩm làng, khu chợ đất nung, khu thế giới thu nhỏ, khu vườn sắp đặt, khu trại sản xuất, khu gốm Sa Huỳnh – Chăm, khu các làng nghề truyền thống, và khu triển lãm.
Ảnh minh họa
Giữa công viên là một hồ nước bao quanh khoảnh sân tròn – biểu trưng cho chiếc bàn chuốt. Một cây cầu gỗ bắc ngang thế hiện cho việc người xưa đã lợi dụng sức nước, kết củi thành mảng và chuyển về làng nung gốm
Những kỳ quan thế giới cũng được tái hiện tại đây. Trong ảnh là Nhà hát Opera Sydney (còn được gọi là Nhà hát Con Sò) của nước Úc.
Đền Taj Mahal, niềm tự hào của đất nước Ấn Độ, biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu, đồng thời là một trong 7 kỳ quan thế giới
Tượng Nữ thần Tự do – một tác phẩm điêu khắc theo phong cách tân cổ điển ở New York cũng được tái hiện tại công viên này
Du khách đến đây luôn bị thu hút bởi màu đỏ của gạch, màu vàng của đất nung, màu xanh của cây cỏ hòa cùng nhau
Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn
Rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng của Việt Nam và kỳ quan trên thế giới đã được tái hiện lại một cách đầy sinh động trong công viên này
Khu bảo tàng gốm trưng bày các hiện vật liên quan đến quá trình phát triển của các làng nghề gốm…
0 bình luận