Khám phá những món ăn đặc sản Huế ngày Tết
Nội dung chính
Dù bạn là người “sành ăn” hay không thì đều sẽ mê mẩn với những món ăn Huế ngay từ lần đầu tiên. Món ăn Huế có hương vị rất rõ ràng và đậm đà, từ mặn, ngọt, béo, bùi đến chua, chát, đắng, cay, vị nào luôn rõ vị ấy. Những món ăn ngày Tết ở Huế cũng phong phú và đặc biệt không kém. Cùng Vntrip khám phá những món ăn đặc sản Huế ngày Tết ngay dưới đây nhé!
1. Bánh chưng, bánh tét
Từ lâu, bánh chưng, bánh tét là món ăn không thể thiếu của người Việt trên mâm cỗ ngày tết. Tùy phong tục tập quán, thói quen, văn hóa mà mỗi nơi có cách gói, nấu bánh chưng, bánh tét khác nhau. Riêng bánh chưng, bánh tét của người Huế có độ dày vừa phải, không quá to. Nhân gồm thịt ba chỉ và đậu xanh được nấu chín, xay nhuyễn, nêm nếm gia vị vừa ăn.
Bánh tét làng Chuồn. Hình: ST
Ngon nhất ở Huế là bánh tét làng Chuồn – đòn bánh hình trụ tròn thon thon, nếp được trồng trên ruộng của làng, gọi là gạo nếp Tây có vị thơm đặc trưng riêng, nhân đậu xanh vàng ươm thơm phức, lát thịt mỡ béo ngậy ngon lành. Bánh chưng thì có bánh chưng Nhật Lệ, nổi tiếng từ xưa đến giờ, chiếc bánh nhỏ vừa đủ một người có thể ăn hết một cái mà không bị ngán và thường được buộc thành cặp với nhau.
Một bí quyết để bánh chưng Nhật Lệ thơm ngon và để được lâu chính là cách chuẩn bị gạo nếp. Gạo không được ngâm như những chỗ khác mà được đãi rất kĩ, sau đó để ráo hết nước mới được đem đi gói, giúp bánh không bị lên men.
Bánh chưng Nhật Lệ. Hình: ST
Bánh chưng nhỏ, vừa đủ một người ăn. Hình: ST
2. Dưa món
Dưa món là món ngon truyền thống mỗi dịp Tết đến của người miền Trung nói chung, và của Huế nói riêng. Đây là món được ăn cùng với bánh tét hoặc cơm đều giúp cân bằng vị giác và giải ngán các món nhiều dầu mỡ.
Dưa món. Hình: ST
Nguyên liệu chính để làm dưa món Huế gồm đu đủ, cà rốt, củ kiệu, củ hành và ớt trái. Đủ đủ, cà rốt được cắt mỏng và tỉa thành hình như hoa mai trông rất đẹp mắt. Tất cả nguyên liệu được ngâm và rửa sạch với nước muối pha loãng, nước này phải là nước sôi để nguội, sau đó trộn đều rồi cho vào hũ.
Dùng vài thanh tre đan chéo chèn lên bề mặt để dưa món không nổi lên trên. Đổ nước mắm ngập dưa rồi đậy kín hũ. Dưa món ngon hay không đều phụ thuộc vào cách pha nước mắm. Vị mặn mặn, ngọt ngot của nước mắm sẽ làm cho món dưa giòn giòn đậm đà, khi kết hợp với các món ăn cùng không chỉ giảm ngán mà còn giúp kích thích vị giác.
Dưa món giúp kích thích vị giác. Hình: ST
3. Nem
Nem là món ăn bạn có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trên khắp Việt Nam. Tuy nhiên nem ở mỗi vùng miền lại có một đặc trưng riêng và nem Huế cũng không ngoại lệ. Nem Huế khác với nem miền Bắc, miền Nam ở cách nêm gia vị với vị chua thanh của thịt lên men kết hợp cùng vị giòn dai của da heo, vị ngọt của đường phèn và thơm lừng mùi tỏi, tiêu.
Nem chua Huế. Hình: ST
Nguyên liệu làm nem chua Huế gồm thịt nạc, da heo, tỏi, ớt, đường phèn, gia vị… và lá ổi, lá chuối. Nem chua ngon hay không là do khâu chọn thịt và nêm nếm gia vị. Thịt làm nem là thịt nạc, được giã hoặc xay nhuyễn rồi nêm nếm gia vị, đường phèn cho vừa.
Da heo luộc chín, để ráo rồi thái nhỏ, cho vào hỗn hợp thịt trộn đều tay, sau đó đem đi gói. Lá gói trước đó phải được lau sạch, không bị dính ướt. Để gói được những chiếc nem vừa độ, vị đậm đà thì thịt phải dẻo, tươi; gia vị nêm vừa đủ và lá gói phải sạch.
Nem được gói thành từng xâu. Hình: ST
Với người dân Huế, nem chua không chỉ là món ăn ưa thích hàng ngày mà nó còn dùng trong các ngày quan trong như cưới hỏi, giỗ chạp, đặc biệt là vào những ngày Tết, không gây cảm giác ngán ăn.
4. Tré
Tré là một món ăn có hình dáng tương tự như nem chua nhưng lại khác hoàn toàn nem chua ở khâu chế biến. Tré làm từ da và thịt đầu, tất cả được luộc chín và thái lát mỏng một cách đều đặn. Gia vị trộn tré cũng rất đa dạng nào là nước mắm kho, ớt trái, ớt bột, tỏi, mè rang, củ riềng thái sợi và không thể thiếu thính gạo hoặc thính nếp rang. Lá để gói tré gồm lá ổi hoặc lá đinh lăng, lá chuối hoặc lá dong.
Chính vì thành phần gia vị đặc biệt và lạ lẫm như vậy cho nên tré Huế cũng có một hương vị đặc trưng mà không một món ăn nào có được.
Tré Huế. Hình: ST
Khi ăn, bóc vỏ tré ra, dùng đũa đánh tơi các miếng thịt rồi bày ra đĩa. Hương vị đầu tiên chắc chắn phải kể đến đó là độ cay nồng từ ớt bột và riềng, đi kèm với vị giòn từ da và béo từ thịt.
Có thể nhâm nhi tré như nem chua hoặc cuốn với bánh tráng và rau thơm, dưa leo, chuối chát, chấm nước mắm ớt tỏi, xua tan cảm giác ngán ăn rất hiệu quả. Hơn nữa, ngày Tết mà thưởng thức tré với chút rượu cay nồng thì đúng là không còn gì bằng luôn đấy.
Tré Huế có vị cay nồng. Hình: ST
5. Hành ngâm giấm
Hành ngâm giấm là món ăn có tác dụng kích thích vị giác, chống ngấy trong những ngày Tết, cũng tương tự như món dưa muối hay dưa hành của miền Bắc vậy. Cách làm món hành ngâm giấm vô cùng đơn giản, hành củ được phơi nắng cho héo rồi ngâm với giấm đường trước Tết vài hôm, khi ăn còn được trộn thêm cùng ớt và tỏi.
Bên cạnh món hành ngâm giấm, nhiều gia đình ở Huế cũng làm thêm củ kiệu chua ngọt, hành tím muối, hành tỏi chua ngọt, dưa muối chua…làm cho bữa cơm gia đình ngày Tết trở nên hấp dẫn hơn.
Hành ngâm giấm. Hình: ST
Hành ngâm có tác dụng kích thích vị giác. Hình: ST
6. Mứt gừng
Phong phú nhất trong các món ăn ngày Tết Huế là món mứt. Nhưng nổi bật nhất vẫn là hương vị cay nồng của món mứt gừng. Mứt gừng xứ Huế được làm từ 2 nguyên liệu chính là gừng và đường, không sử dụng bất kỳ chất phụ gia nào, cay và thơm hơn mứt gừng trong Nam hay ngoài Bắc.
Buổi sáng đầu năm, dưới cái khí trời se lạnh, ngậm một lát mứt gừng và nhâm nhi chén trà thì đúng là một trải nghiệm đáng giá.
Mứt gừng. Hình: ST
Những củ gừng Huế trồng ở đất đồi nên củ nhỏ, màu vàng, không trắng như gừng nơi khác. Tuy nhìn đơn giản, nhưng để làm được những mẻ mứt gừng thật ngon thì phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ. Khâu đầu tiên là cạo sạch vỏ, rửa sạch, đưa vào bào, bào xong đưa ra xả cho đến khi nước trong, rồi đưa vào luộc, sau đó xả tiếp cho thật sạch, rồi đưa vào rim. Khâu nào cũng quan trọng nhưng quan trọng nhất là 2 khâu luộc và rim.
Nếu đứng rim mà sơ ý là mứt cháy, khê là xem như bỏ. Công đoạn cuối cùng là đảo đều gừng khi đổ ra khay. Nhờ công đoạn này, từng miếng mứt gừng duỗi thẳng đẹp mắt và được tách ra, không đóng cục với nhau. Mứt gừng ráo khô một cách tự nhiên, trở nên giòn rụm và cay nồng.
Các công đoạn làm mứt gừng. Hình: ST
7. Các món chay
Bên cạnh những món ăn ngon khá tiêu biểu như món nem, tré, dưa món… thì món chay là cũng là những món ngon được nhiều gia đình ưa chuộng dịp Tết về. Nghe có vẻ lạ, nhưng khá nhiều người Huế chuẩn bị các món chay cho đầu năm.
Các món chay ngày Tết ở Huế. Hình: ST
Xưa nay ai cũng biết đến Huế đã từng có một thời gian dài Phật Giáo trở thành quốc giáo. Cả một lớp quý tộc ăn chay nên các món ăn chay ở Huế rất phong phú, lên đến 125 món. Với tài sáng tạo và bàn tay khéo léo của người phụ nữ Huế, họ đã dùng các nguyên liệu thật bình thường như hoa chuối, nấm rơm, hạt sen, đậu phộng, tàu hũ, nước dừa, củ đậu… để chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, lạ miệng, từ nem công, chả phượng, giò lụa, thịt gà đến tôm hùm, cá rán rất đẹp mắt, nhưng đều được chế tác từ thực vật.
Món chay hấp dẫn và đa dạng. Hình: ST
Mâm cơm ngày Tết là bữa cơm sum họp gia đình lớn nhất trong năm, dù ai đi ngược về xuôi cũng về với gia đình để cùng nhau thưởng thức những món ngon ngày Tết nhé!
Xem thêm:
- 10 món bánh ngon nổi tiếng xứ Huế
- Kinh nghiệm du lịch Huế từ A-Z cho người mới
- Ngày Tết ở Huế có gì thú vị?
Đừng bỏ lỡ
Danh mục: Đời sống
Các khách sạn phù hợp với bạn!
Bài viết mới nhất
Bay Bangkok mê say cùng Vntrip và Bamboo!
Vntrip tham gia triển lãm sản phẩm và các mô hình, giải pháp công nghệ, ứng dụng dữ liệu, trí tuệ nhân tạo – TPHCM
Vntrip nhận giải thưởng Doanh nghiệp có thành tích xuất sắc nhất quận Tây Hồ
Khoảnh khắc ấn tượng dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô
Sân bay Nội Bài cùng 3 sân bay khác đóng cửa do bão số 3 Yagi
0 bình luận