Khám phá vẻ đẹp mùa hoa gạo tháng 3

Luyến Nguyễn
4.4K

Tháng 3, mùa hoa gạo thắp sáng cả vùng quê.

“Lập loè cây gạo ra hoa

Nghe trong sâu thẳm cây đa, đình làng

Ẩn trong tiềm thức mơ màng

Một vùng quê, một mùa vàng bội thu”

Tác giả: Hồ Viết Bình

Hoa gạo nở vào tháng 3

Khi nghĩ đến làng quê Việt Nam chúng ta liền liên tưởng đến ngay bức tranh yên bình, đồng lúa bạt ngàn một màu xanh ngát hay trở sắc vàng mỗi khi vào vụ mùa, lúa chín nặng trĩu từng cành đung đưa trong gió. Có người lại nhớ đến câu thơ quen thuộc thời thơ ấu đã được học: “Quê hương là chùm kế ngọt cho con trèo hái mỗi ngày.” Nhưng còn một đặc trưng rất quen thuộc mà chúng ta không thể bỏ qua ở làng quê mà Vntrip muốn nhắc tới đó là mùa hoa gạo nở đỏ rực vào dịp tháng 3, khiến những ai đi xa càng nhớ nhung da diết cảnh sắc quê hương mình.

Hoa gạo gắn liền với khung cảnh miền quê

Bạn biết gì về hoa gạo?

Chẳng giống đa số loài hoa khác ra hoa quanh năm, chỉ cần gieo hạt và chăm bón cẩn thận là chúng ta có thể ngắm nhìn bất kỳ lúc nào. Có những loài hoa lại chỉ ra hoa đúng một lần trong năm. Làm những con người yêu hoa luôn có cảm giác phải chờ đợi, trong lòng nôn nao khó tả để rồi mỗi độ hoa nở họ lại sung sướng ngất trời khi được chìm đắm trong sắc hoa. Dường như ông trời rất ưu ái cho tiết trời tháng 3, là dịp trổ bông của những loài cây đầy thơ mộng như mùa hoa phượng Đà Lạt và bây giờ lại là mùa hoa gạo, mùa hoa gắn liền với làng quê dọc trên mọi miền đất nước.

Hoa gạo khoe sắc rực rỡ cả một khoảng trời

Nguồn gốc cây hoa gạo

Hoa gạo thuộc họ Bombacacaea, có tên gọi khác giản dị không kém là mộc miên, ở vùng Tây Nguyên thường gọi là Pơ Lang. Nói về nguồn gốc của loại cây này có lẽ bắt nguồn từ Ấn Độ, một đất nước đa dạng về sắc tộc và tôn giáo. Loài hoa này du nhập và được trồng nhiều ở các nước như Indonesia, Trung Quốc, Đài Loan và rồi khi vào đến nước ta, nó được trồng nhiều ở các làng quê gắn liền với đồng lúa và con những con người mộc mạc. Cứ như vậy đến tận ngày nay hoa gạo trở thành “linh hồn” biểu tượng mỗi khi chúng ta nhắc về làng quê Việt Nam.

Ngắm nhìn cận cảnh vẻ đẹp hoa gạo

Đặc trưng hoa gạo và những ký ức xưa cũ

Cây hoa gạo trưởng thành có dáng thẳng, cao khoảng 15 – 20 m, thuộc loại thân gỗ với lớp ngoài sần sùi ngã màu xám nâu. Những cành non hơn thường có một lớp gai nhọn bao bọc, đây cũng chính là một cách bảo vệ tự nhiên của cây gạo trước sự tấn công của các loài vật. Tán cây xoè rộng tạo bóng mát.

Chính vì thế gốc cây gạo là một nơi che nắng tuyệt vời vào những trưa hè oi ả, ngồi tựa lưng ở gốc cây uống một cốc nước mát, nghỉ ngơi lấy sức khi đi đồng áng, cũng là lúc nhìn hoa gạo với nỗi niềm chất chứa lo cho vụ mùa chuẩn bị thu hoạch có được như hy vọng rằng sẽ là vụ mùa bội thu bù lại cho những ngày lương thực cạn kiệt khi giáp mùa hay không.

Góc cây gạo trong làng là nơi lưu giữ cả khoảng trời ký ức

Hay là nơi của lũ trẻ rủ nhau ra vui đùa, chơi các trò chơi dân gian vào buổi chiều mát mẻ, có lúc lại là địa điểm “tập kết” trốn ba mẹ len lén ra gốc cây ngồi đọc truyện tranh…Đó còn là nơi đôi lứa hẹn hò, dưới tán cây gạo rực sắc, “thắp lửa” cả bầu trời như tâm trạng rạo rực nồng cháy của những người yêu nhau. Cô gái e lệ được chàng trai ôm vào lòng, nhặt bông hoa gạo cài lên mái tóc suông mềm của người thương cùng nói những lời hò hẹn và nghĩ đến viễn cảnh tương lai hạnh phúc. Có lẽ đối với du khách khi ngắm nhìn hoa gạo sẽ cảm thấy xao xuyến ngất ngây, còn đối với những người dân thôn quê lại là cả một vùng trời ký ức tươi đẹp mãi chẳng bao giờ quên.

Thời gian thay lá – Thân cây trơ trọi

Đông về, là thời gian cây gạo trút lá. Cây gạo trơ trọi sừng sững vươn cao vượt qua cả mái nhà, lặng lẽ gồng mình trong giá rét. Cũng chình thời gian đó cây gạo tích tụ, chờ đợi để chuẩn bị cho mùa ra hoa. Mùa xuân là mùa trăm hoa đua nở đâm chồi nảy lộc nhưng cây gạo lại vẫn giữ thân xác trơ trọi xám ngắt giữa trời xuân, không tranh giành cũng chẳng tham gia, nó chỉ đứng yên ngắm nhìn các loài hoa khác khoe sắc. Cây gạo không buồn, vẫn nhẫn nhịn, tiếp tục chờ đến thời gian thuộc về chính mình, ấy là khi cây gạo ra hoa đỏ rực làm chủ một cả một vùng trời.

Thân cây sơ xác vào mùa đông

Mùa hoa gạo giản dị mà đặc biệt

Mỗi dịp tháng 3, cây gạo ra hoa khoe sắc thắm. Giờ đây thân cây trơ trọi đã không còn cô đơn nữa mà khoác lên mình lớp áo mới với sắc đỏ nồng nàn. Màu đỏ của hoa càng trở nên nổi bật khi được màu xám trầm của thân cây làm nền. Hoa gạo khi nở có kích thước lớn, gồm năm cánh, cánh hoa uốn cong nhẹ nhàng ra bên ngoài, đỏ mọng như cánh môi thiếu nữ. Nhuỵ hoa mỏng manh nhưng thẳng tắp, trên đầu có chấm đỏ như những tia lửa sắp sửa bùng cháy.

Hoa gạo – Vẻ đẹp say đắm lòng người

Đến khi vào mùa, hoa trổ đầy cành, nhìn từ xa giống như những đốm lửa rực rỡ tràn đầy sức sống làm bật lên khung cảnh làng quê yên bình. Chỉ cần ngắm nhìn những bông hoa gạo khoe sắc thắm kia tâm trạng của bạn dù có buồn đến đâu cũng bị vẻ đẹp hoa gạo chinh phục khiến lòng người chẳng mấy chốc trở nên rạo rực vui vẻ.

Vòng đời hoa gạo

Có một điều đặc biệt ở hoa gạo đó là tuy rằng vòng đời của hoa vô cùng ngắn ngủi chỉ kéo dài vài ngày, nhưng khi rụng xuống bông hoa vẫn giữ được màu sắc đỏ rực nguyên vẹn không hề phai tàn hay héo úa như những loại hoa khác. Chẳng những vậy hoa gạo không rơi rớt từng cánh trong sự lẻ loi tàn tạ mà rụng nguyên cả một bông giữ vững sự kiêu ngạo quyến rũ của riêng mình. Trên cành hoa tươi đua nhau khoe sắc thắm, dưới gốc từng hoa rụng xuống lại điểm xuyến, tô vẻ cho cả một vùng đất quanh mình.

Hoa gạo rụng đỏ cả một góc sân

Mùa hoa gạo thường kéo dài khoảng một tháng, đến khi hoa tàn, lại đến mùa của những lá non đâm chồi và quả gạo xuất hiện. Bên trong quả gạo có những sợi bông nhỏ êm êm thường được sử dụng trong lớp giữ nhiệt của áo khoác hay làm ruột gối.

Hoa gạo cái tên đầy ý nghĩa

Mỗi cái tên đều có ý nghĩa riêng của nó và hoa gạo cũng vậy. Không phải vì hoa của chúng có hình dáng hay màu sắc của những hạt gạo, nhắc về cái tên này ý nghĩa của hoa gạo có nhiều cách giải thích khác nhau gắn liền với câu chuyện mang hơi hướng dân gian.

Theo truyền thuyết mà người xưa kể lại. Rất lâu trước đây khi trần gian mưa gió thất thường, có một chàng trai đã dũng cảm lên tận thiên đình hỏi ý kiến ngọc hoàng về chuyện này, và rồi chàng đã được ngọc hoàng vô cùng hài lòng giữ lại làm thần mưa trong khi đó người yêu của chàng ở hạ giới ngày đêm một lòng chung thuỷ chờ đợi trông ngóng chàng về.

Biết chuyện ngọc hoàng đã cho phép người yêu của chàng hoá thân và trở thành loài hoa có nét đẹp mộc mạc mà quyến rũ đó chính là hoa gạo. Nàng chọn hoá thân thành hoa gạo cũng chính vì màu đỏ của hoa giống như màu khăn mà chàng đã trao tặng nàng trước khi lên đường, nàng muốn chàng có thể nhận ra mình thông qua màu sắc rực rỡ mà nồng nàn như tình yêu của nàng dành cho chàng vậy.

Hoa gạo – Cái tên đầy ý nghĩa

Một các giải thích khác gần gũi hơn nhiều, đó chính là hoa gạo có ý nghĩa tượng trưng cho niềm tin, hy vọng về một mùa vụ bội thu. Hoa gạo nở đúng vào tháng 3, khi lương thực vụ mùa cũ đã dần cạn kiệt lại chưa đến mùa thu hoạch mới, người dân bắt đầu lo lắng trăn trở. Mỗi lần nhìn hoa gạo nở người nông dân chân chất đầy bình dị lại muốn gửi gắm nỗi niềm chất chứa trong lòng, mong những điều tốt đẹp sẽ đến, lúa thóc đầy bồ.

Cây hoa gạo và công dụng trong đông y

Cây hoa gạo không chỉ là nét đẹp gần gũi đặc trưng cho vùng quê Việt Nam, hay đơn thuần là loài cây khoe sắc thắm, là dịp khoe sắc cho du khách ngắm nhìn mỗi dịp tháng 3 khi mùa hè về. Mà cây hoa gạo còn có tác dụng chữa bệnh, được sử dụng nhiều trong các bài thuốc dân gian. Theo đông y vỏ và thân cây có vị chát, tính mát có tác dụng thanh nhiệt. Người ta thường dùng rễ và thân trong những bài thuốc trị viêm loét dạ dày, lưu thông khí huyết, bổ máu. Hoa gạo không chỉ đẹp mà cũng có tác dụng tiêu viêm kháng khuẩn cũng được sử dụng để làm đẹp da, trị mụn nhọt…

Ngỡ ngàng vẻ đẹp hoa gạo dưới ánh nắng mùa hạ

Ngắm nhìn hoa gạo ở đâu đẹp nhất?

Cây hoa gạo mọc mở mọi miền nước ta từ đồi núi đến đồng bằng nhưng có lẽ nhiều nhất vẫn là ở miền bắc bộ, gắn liền với cảnh sắc yên ả của miền quê.

Hà Giang đồi núi trập trùng

Một trong những nơi du khách có thể ngắm nhìn mùa hoa gạo đẹp nhất đó chính là Hà Giang. Tại đây cây hoa gạo mọc rải rác khắp nơi trên triền dốc, uốn lượn dọc theo những con đường dẫn vào bản làng. Hoa gạo hoà quyện vào cảnh sắc yên bình của Hà Giang làm nổi bật lên vùng núi hùng vĩ với tiết trời dịu nhẹ, điểm xuyến cho bức tranh Hà Giang thêm tươi tắn, rực rỡ dưới sắc trời tháng 3 trong xanh. Du khách có ngắm hoa gạo Hà Giang  trên đường đến Mèo Vạc, đường từ Cần Ty đến xã Đông Hà, hoa gạo mọc ven những con đường này phát triển vô cùng tươi tốt, tạo nên khung cảnh lãng mạn vô cùng.

Hoa gạo tô thắm vẻ đẹp hoang sơ ở Hà Giang

Thôn Đoan Nữ yên bình mùa hoa gạo

Hoa gạo có mặt khắp nơi, nhưng có lẽ một trong những nơi trồng nhiều hoa gạo nhất vẫn là thôn Đoan Nữ thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Hoa gạo đã gắn bó với mảnh đất và người dân thôn Đoan Nữ từ rất lâu, nơi đây có cả những cây hoa gạo cổ thụ với tuổi thọ trên một trăm năm. Mỗi độ tháng 3 về, hoa gạo nở rực rỡ trải dài trên những con đường làng quanh co, bóng cây cao to hơi nghiêng mình, in bóng xuống dòng sông tĩnh lặng, từng bông hoa trôi nhẹ nhàng trên mặt nước. Dạo quanh đường làng ngắm nhìn hoa gạo khoe sắc bạn sẽ cảm nhận vẻ đẹp rất riêng của làng quê Việt Nam.

Cây hoa gạo trồng nhiều ở đường làng thôn Đoan Nữ

Hoa gạo bên cạnh chùa Thầy cổ kính

Dân gian có câu “Thần cây đa, ma cây gạo” để nói về các thế lực siêu nhiên, ở chùa Thầy bạn có thể cảm nhận hoa gạo với màu sắc rất khác mang hơi hướng tâm linh.

Hoa gạo khoe sắc trước sân chùa Thầy

Chùa Thầy cách Hà Nội chừng 20 km về phía tây nam, là một trong những ngôi chùa cổ kính nổi tiếng nhất của mảnh đất thủ đô, gắn liền với những giá trị văn hoá và tâm linh. Chùa được xây dựng từ rất lâu tính đến nay trên 1,000 năm tuổi. Khi những vạt nắng vàng tươi chiếu xuống, len qua tán cây hoa gạo trồng trước sân chùa, càng làm những bông hoa gạo trở nên lấp lánh phản chiếu cả một góc chùa Thầy. Từng bông hoa rơi lã chã trên nền nhà rêu phong, say lòng du khách ghé thăm. Những nhánh hoa gạo cố vươn mình ra xà xuống cạnh thuỷ đình trên hồ, càng tô đậm nét trữ tình cổ kính cho ngôi chùa Thầy.

Ngắm nhìn hoa gạo trước hoàng hôn

Chẳng ai có thể làm ngơ được trước vẻ đẹp rực rỡ của hoa gạo. Màu sắc đỏ rực bừng sáng cả một khoảng trời mùa hạ khiến lòng người bồi hồi mê đắm. Mùa hoa gạo không quá dài lại khiến người ta càng trở nên trân quý loài hoa này. Nếu có cơ hội du khách đừng nên bỏ qua dịp được ngắm nhìn hoa gạo loài hoa gắn liền với miền quê yên bình với cái tên đầy ý nghĩa về câu chuyện tình yêu đẹp đẽ hay là cả nỗi niềm chất chứa của người nông dân mỗi khi vào vụ mùa. Và rồi đừng quên lưu lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp bên hoa gạo nhé.

0 bình luận

    Các khách sạn phù hợp với bạn!