Kinh nghiệm leo núi, trekking cho người mới bắt đầu

Luyến Nguyễn
1.2K

Trekking không phải là điều dễ dàng, trekking là những chuyến trải nghiệm dài ngày, có cả yếu tố mạo hiểm, nhiều khi phải băng rừng, vượt suối, đi qua những nơi địa hình vô cùng hiểm trở, điều kiện sinh hoạt lại thiếu thốn. Tuy nhiên, đây vẫn là loại hình được nhiều bạn trẻ yêu thích, đặc biệt là những bạn muốn thử thách bản thân. Vậy, với người mới bắt đầu trekking thì cần những kinh nghiệm gì?

1. Tìm hiểu kỹ về điểm đến, lộ trình

Dù là trekking lần đầu hay không thì việc tìm hiểu kỹ càng về điểm đến, lên kế hoạch rõ ràng trước chuyến đi vẫn luôn là lưu ý quan trọng nhất. Việc tìm hiểu giúp bạn nắm rõ mọi thông tin về điểm đến như địa hình, khí hậu, thời tiết,… cũng như giúp bạn đánh giá được mức độ nguy hiểm của cung đường, chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để đối mặt với những thử thách chẳng may xảy ra trong hành trình. Bạn nên lựa chọn đi theo các tour có leader uy tín, biết rõ cung đường và có nhiều kinh nghiệm đi trek. Nếu không, bạn cũng có thể nhờ 1 người địa phương nắm rõ địa hình ở đó để hỗ trợ.

Tìm hiểu kỹ về điểm đến. Hình: Sưu tầm

Thời tiết cũng là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến chuyến trekking, leo núi của bạn. Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, tuỳ vào thời gian trong năm và khu vực cụ thể sẽ mang những nét đặc trưng riêng. Thời tiết không chỉ quan trọng vì nó ảnh hưởng đến mức độ an toàn của chuyến đi, mà còn chất lượng ảnh chụp và những vật dụng cần thiết mang theo.

2. Trang bị đầy đủ đồ dùng cần thiết

Bên cạnh việc có đầy đủ thông tin về điểm đến thì việc chuẩn bị các trang thiết bị an toàn cần thiết cũng là điều quan trọng trong hành trình leo núi hay trekking. Những vật dụng cần thiết cho một chuyến trekking giúp bạn đảm bảo an toàn giữa thiên nhiên bao gồm:

2.1. Trang phục

Chọn trang phục nhẹ, có độ co dãn tốt, thấm mồ hôi, thoát mồ hôi nhanh, có tính năng chống nắng, khử mùi. Giày thể thao (hoặc giày leo núi) có độ bám tốt, độ ma sát tốt, thoải mái cho chân và không gò bó, có lớp lót êm và độ đàn hồi để giảm nguy cơ bị phồng rộp chân do di chuyển nhiều. Ngoài ra bạn cũng nên chuẩn bị thêm một đôi dép tổ ong hoặc dép đi mưa.

Chọn trang phục trekking thoải mái. Hình: Sưu tầm

2.2. Nước và lương thực

Nếu là người mới bắt đầu leo núi, trekking, bạn sẽ khó có thể biết bạn cần bao nhiêu thức ăn và nước uống. Bạn có thể ăn khoảng 200 – 300 calo mỗi giờ và khoảng nửa lít mỗi giờ hoạt động vừa phải ở nhiệt độ vừa phải là đủ. Mức độ ăn uống này phụ thuộc rất nhiều vào một số yếu tố, chẳng hạn như cường độ đi bộ, thời tiết, tuổi tác, khả năng đổ mồ hôi và loại hình thể của bạn. Khi bạn có được nhiều kinh nghiệm hơn, bạn sẽ có cảm giác tốt hơn cho việc bạn cần bao nhiêu. Thay vì các món nấu nướng kềnh càng, mất thời gian, bạn có thể ăn các loại thực phẩm năng lượng cao như socola, bánh snicker hay lương khô, vừa nhanh vừa dễ mang theo bên người.

Mang theo đầy đủ nước và lương thực. Hình: Sưu tầm

2.3. Thuốc và dụng cụ y tế

Đừng quên mang theo những vật dụng y tế thông dụng như: băng keo cá nhân, gạc, băng keo y tế, khăn giấy ướt khử trùng, nhíp, kéo nhỏ, thuốc mỡ kháng khuẩn,…Các loại thuốc như thuốc đau đầu, đau bụng, hạ sốt, chống muỗi,… Đặc biệt, đi trekking bạn sẽ rất dễ bắt gặp vắt, bạn có thể dùng thuốc chống vắt bôi bên trong cả bàn chân cho đến gối (khi thời tiết khô), thậm chí cả phần đùi cho đến hông (khi có mưa), tai, cổ và vai, cánh tay, nách, đồng thời bôi thuốc chống vắt bên ngoài ở các khe buộc giây, cổ giày, tất, phần ống quần, vai áo, mũ.

Thuốc và dụng cụ y tế. Hình: Sưu tầm

2.4. Balô

Bạn nên lựa chọn loại balô có kích cỡ vừa đủ và phù hợp với thể trạng của mình. Tránh trường hợp mang balô quá rộng, dẫn đến việc nhét thêm thật nhiều đồ dùng không cần thiết trong một chuyến leo núi, trekking, làm bạn dễ bị đuối sức. Balô nên có thanh đỡ lưng, đai bụng, đai ngực và nhiều ngăn, để có thể để nhiều đồ đạc và dễ tìm kiếm khi cần thiết.

Chọn balô phù hợp với thể trạng. Hình: Sưu tầm

2.5. Các vật dụng khác

  • Bộ dụng cụ sinh tồn: dụng cụ lọc nước, tạo lửa, la bàn, còi sinh tồn, vòng tay sinh tồn, đèn pin, dao đa năng
  • Kem chống nắng, mũ, kính râm, găng tay, tay áo chống nắng. Áo mưa bộ tiện lợi, túi nilon để bọc balo, đồ điện tử phòng trường hợp mưa.
  • Sạc đầy pin điện thoại, cục sạc dự phòng, máy ảnh, camera hành trình để ghi lại những trải nghiệm

3. Trang bị những kỹ năng cần thiết

3.1. Chống gậy để lấy đà

Khi leo núi, để lấy đà về phía trước bạn nên dùng gậy trek để chống và kết hợp với việc bám vào các mô đá, thân cây để leo lên. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm và phân bổ sức lực một cách hiệu quả cũng như đảm bảo phía trước không có chướng ngại vật nào. Khi xuống dốc, bạn nên để lòng bàn chân đi theo hướng nghiêng, khom người và giữ cho trọng tâm của balo nằm phía trước chân đế. Nếu đi thẳng người, trọng tâm balô sẽ nằm phía sau chân, dễ bị trượt té.

Sử dụng gậy để lấy đà. Hình: Sưu tầm

Nếu dốc khá đứng, bạn nên xoay người lại đối diện với vách núi, sử dụng luôn cả hai tay để bám chịu mà leo xuống. Khi leo xuống, lúc nào cơ thể các bạn cũng phải chịu trên 3 điểm tựa, một tay với hai chân hay một chân với hai tay. Sử dụng tay hay chân còn lại để tìm điểm tựa thấp hơn.

3.2. Giữ vững thăng bằng

Đối với những bạn mới bắt đầu trekking, rèn luyện kỹ năng giữ vững thăng bằng để di chuyển về phía trước luôn là một điều quan trọng. Một khi giữ vững thăng bằng thì bạn có thể hoàn toàn chinh phục các chướng ngại vật trên đường đi mà không cần lo lắng đến các tai nạn ngoài ý muốn như trật chân, vấp ngã do dẫm phải đá.

Giữ thăng bằng khi trekking. Hình: Sưu tầm

Để luyện tập kỹ năng này, trước tiên bạn hãy kê cho mình một vật cứng chắc chắn cao khoảng từ 5 – 10cm cạnh cửa sổ. Sau đó, đứng lên vật cứng đó bằng mũi chân của mình. Nói cách khác bạn sẽ phải kiễng chân sao cho đứng thăng bằng trên vật cứng đó. Hãy dựa tay vào thành cửa sổ nếu bạn cảm thấy khó khăn trong những ngày đầu. Hãy chăm chỉ rèn luyện trong 10 ngày liên tục, mỗi ngày chỉ cần 10 – 15 phút là đủ.

Sau khi đã quen với tư thế đứng kiễng chân, bạn hãy chuyển sang tập tư thế thăng bằng trong không gian mà không cần dựa bám vào vật gì. Đồng thời, tiến hành xoay sang trái, sang phải để thay đổi hướng nhìn. Việc thay đổi này sẽ giúp cho phần cơ ở gang bàn chân và cổ chân sẽ co giãn linh động hơn.

3.3. Sử dụng vật dụng sinh tồn một cách hiệu quả

Bên cạnh việc chuẩn bị thì học cách sử dụng những vật dụng sinh tồn cũng là một trong những kỹ năng cần thiết dành cho người mới bắt đầu. Không có gì là đảm bảo an toàn 100% trong mỗi chuyến trekking hay leo núi. Hãy thử tưởng tượng bạn bị lạc khỏi đoàn, giữa núi đồi hoang vu, không có ánh đèn, không nước uống… Đêm xuống, bạn không biết xung quanh có những gì, thú giữ đang rình rập ở đâu. Lúc này bộ dụng cụ sinh tồn chính là “anh hùng” giúp bạn ứng phó với mọi chuyện.

Học cách sử dụng vật dụng sinh tồn. Hình: Sưu tầm

3.4. Cầm máu đơn giản

Khi di chuyển trên địa hình phức tạp, có nhiều vật cản dưới chân thì việc bị thương là điều khó mà tránh khỏi, đặc biệt là với những người mới bắt đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm. Một khi gặp phải các tình huống, tai nạn ngoài ý muốn, bạn không nên quá lo lắng và cuống quýt mà nên xem xét vết thương và kiểm tra độ sâu cũng như xử lý đơn giản để tránh bị nhiễm trùng, uốn ván. Nếu bị chảy máu thì bạn hãy cầm máu ngay lập tức bằng cách lau sạch miệng vết thương dùng băng che và băng ép. Nếu không có băng thì bạn có thể sử dụng những chiếc khăn quàng cổ.

Học kỹ năng cầm máu cơ bản. Hình: Sưu tầm

3.5. Phân bổ sức khỏe một cách hợp lý

Trong những chuyến trekking hay leo núi, điều quan trọng không phải là bạn đi thật nhanh để đến đích, mà quan trọng là phải giữ sức bền để đi xuyên suốt hành trình. Bạn nên đi với tốc độ bình thường, di chuyển từ từ và dùng sức lực vừa phải để có thể giữ vững nền tảng thể lực tốt nhất. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn khi gặp phải thử thách khó nhằn và tốn sức. Lưu ý, nếu gặp trường hợp cảm thấy quá sức và không thể di chuyển được nữa. Bạn hãy dừng lại nghỉ ngơi một lát. Nhưng đừng nghỉ ngơi quá lâu bởi vì điều này sẽ khiến cơ bị lạnh dễ bị chuột rút, căng cơ nhé.

Phân bổ sức khỏe hợp lý. Hình: Sưu tầm

4. Những cung trekking dành cho người mới bắt đầu

4.1. Núi Chứa Chan

Núi Chứa Chan thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, núi cao 837m so với mực nước biển, sườn dốc 30-35 độ, núi này có đôi chỗ là vách dựng đứng. Núi Chứa Chan một cung đường dễ vì có rất nhiều cách để chinh phục đỉnh núi, và hầu hết đều tương đối dễ chịu bởi đây là cung đường phổ biến nhiều đoạn đã trở thành đường mòn.

Trekking núi Chứa Chan. Hình: Sưu tầm

Bạn có thể đi cáp lên đến chùa, sau đó chinh phục đỉnh núi với 2/3 đoạn đường còn lại, hoặc leo bằng đường cột điện,…Thông thường bạn sẽ mất khoảng 3-4h để chinh phục đỉnh núi và khoảng 2-3h để đi xuống núi.

4.2. Núi Bà Đen

Bên cạnh núi Chứa Chan thì núi Bà Đen là cái tên phổ biến được nhiều người chọn làm điểm đến cho chuyến trekking đầu tiên của mình. Núi Bà Đen thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 110 km. Gồm 3 dãy núi là núi Heo, núi Phụng và Núi Bà Đen. Đỉnh Bà Đen cao nhất với 986m – Đỉnh núi cao nhất Đông Nam Bộ. Có nhiều cách để chinh phục đỉnh Bà Đen như là leo Đường Chùa, leo đường cột điện, leo hướng núi Phụng,…

Trekking núi Bà Đen. Hình: Sưu tầm

4.3. Hang Én

Nếu bạn thuộc team vừa đam mê trekking, vừa đam mê hang động thì Hang Én (Quảng Bình) chính là lựa chọn không nên bỏ qua. Xét về đường đi thì địa hình của cung Hang Én không được gọi là bằng phẳng, dễ đi cụ thể là để chinh phục Hang Én bạn phải vượt qua 22km băng rừng, 3km thám hiểm hang và khoảng 500m leo dốc. Tuy nhiên, bởii vì cung này có đơn vị tổ chức tour bài bản, hướng dẫn bạn kỹ năng, hướng dẫn cách trang bị từ đầu đến chân, có porter hỗ trợ nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm về độ an toàn.

Trekking Hang Én. Hình: Sưu tầm

4.4. Lảo Thẩn

Lảo Thẩn (Lào Cai) là cung trekking hợp lý dành cho người mới bắt đầu với độ khó chỉ khoảng 4/10, đường lên đỉnh chủ yế là những đồi cỏ thấp, các đoạn đường mòn thoai thoải. Chính vì vậy, chinh phục Lảo Thẩn là điều gần như ai cũng có thể làm được. Với lộ trình 2 ngày 1 đêm, bạn có thể thong thả dạo chơi ngắm nhìn thiên nhiên mà không lo bị kiệt sức. Cảnh quan ở Lảo Thẩn chủ yếu là đồi trống với view 360 độ, bạn sẽ được nhìn ngắm những nương ngô, những thửa ruộng bậc thang, cả khoảng trời rộng bao la mà ở thành phố bạn không thể nào thấy được.

Trekking Lảo Thẩn. Hình: Sưu tầm

4.5. Tà Chì Nhù

Tà Chì Nhù (Yên Bái) có lẽ là cung khó nhất trong danh sách cung trekking dành cho người mới bắt đầu. Chinh phục Tà Chì Nhù không khó nhưng đòi hỏi bạn phải có sức khỏe và sức bền bởi quãng đường này dài đến 24km gồm nhiều con dốc đứng nối tiếp nhau và không có cây cối nên gió ở đây rất lớn.

Mặc dù là cung đường khó nhất trong danh sách này, nhưng đây lại là thiên đường mây mà hiếm nơi đâu có được. Chỉ cần đứng trước biển mây bồng bềnh, nhìn những con “sóng mây” dưới chân là bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến hết luôn đấy.

Trekking Tà Chì Nhù. Hình: Sưu tầm

Giờ thì chờ gì nữa mà không lên kế hoạch cho một chuyến trekking thử thách bản thân thôi nào!

Xem thêm bài:

 

0 bình luận

    Danh mục: Dã ngoại

    Các khách sạn phù hợp với bạn!