Đầu tiên, vệ sinh đôi bàn tay sạch, đây là biện pháp đơn giản mà rất hiệu quả phòng dịch. Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch. Các thời điểm rửa tay cần thiết là sau khi ho, hắt hơi; sau khi cầm, nắm, tiếp xúc với các vật dụng có nguy cơ như nút bấm thang máy, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can…; sau khi đi vệ sinh; sau khi vệ sinh cho trẻ; trước khi ăn; khi bàn tay bẩn, trước khi vào và sau khi ra khỏi khu dịch vụ.
Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch, có thể dùng dung dịch sát khuẩn tay đã được Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành; hoặc dung dịch cồn y tế chứa ít nhất 60% cồn.
Tránh dùng các sản phẩm được quảng cáo là nước rửa tay khô có khả năng diệt khuẩn chưa được phép lưu hành. Khi đó, có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh và gây phản ứng phụ tại chỗ như viêm da kích ứng, dị ứng thậm chí gây độc hại khi dung dịch bay vào mắt, mũi, miệng hoặc thức ăn. Chỉ sử dụng nước rửa tay trong trường hợp không có nước và xà phòng, tuyệt đối không lạm dụng.
Hạn chế đưa tay sờ lên mặt, mũi, miệng. Không vào khu dịch vụ nếu có các biểu hiện sốt, ho, khó thở, mệt mỏi hoặc đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.
Luôn che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải, khăn giấy rồi vứt bỏ vào thùng rác và rửa sạch tay. Không được khạc nhổ bừa bãi. Sử dụng khẩu trang đúng cách khi đến khu dịch vụ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và bỏ khẩu trang sau khi sử dụng vào thùng rác.
Khử khuẩn nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật trong phòng, gian bán hàng, khu chơi của trẻ em, khu vệ sinh chung, ít nhất một lần mỗi ngày.
Trong thời gian ở khu dịch vụ, nếu có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở, đau họng, thông báo ngay cho người làm việc tại khu dịch vụ để được hướng dẫn và hỗ trợ.
Ban quản lý khu dịch vụ, du lịch, trung tâm thương mại cần vệ sinh khu dịch vụ hàng ngày bằng các chất tẩy rửa thông thường như chai xịt tẩy rửa đa năng dùng sẵn. Có thể pha dung dịch tẩy rửa bồn cầu gia dụng (chứa khoảng 5% sodium hypochlorite) theo tỷ lệ 10 ml dung dịch tẩy rửa với một lít nước, lau các bề mặt.
Vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy, tay vịn lan can: khử khuẩn ít nhất 2 lần một ngày.
Bố trí dung dịch rửa tay khô tại sảnh đón tiếp, lối vào, sảnh chờ. Đảm bảo đủ nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch rửa tay, giấy vệ sinh tại nhà vệ sinh.
Tăng cường thông khí tại các phòng, gian bán hàng, khu vui chơi… của khu dịch vụ bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ hoặc các giải pháp phù hợp khác; hạn chế sử dụng điều hòa.
Bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy, hàng ngày thu gom chất thải và đưa đi xử lý. Cung cấp đầy đủ khẩu trang cho người làm việc có tiếp xúc với khách hàng. Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khu dịch vụ.
Đặc biệt, đối với người trở về từ Đà Nẵng, không thuộc nhóm cách ly tập trung, phải khai báo y tế và tự cách ly tại nhà. Thời gian là 14 ngày, kể từ ngày nhập cảnh, ngày tiếp xúc cuối cùng với ca nhiễm hoặc nghi nhiễm nCoV, từ ngày rời khỏi xã, phường có trường hợp bị bệnh.
Nếu người nghi nhiễm nCoV được chẩn đoán không mắc bệnh, thì những người cách ly do tiếp xúc gần với người này sẽ kết thúc cách ly.
Thùy An/ Vnexpress
0 bình luận