- Tin tức > Du lịch > Miền Trung > Quảng Nam > Du lịch Hội An >
Làng rau Trà Quế – điểm đến thú vị trong chuyến du lịch Hội An
Từ lâu đã nghe nói ở Trà Quế, Hội An có làng trồng rau sạch, rau thơm nổi tiếng nên trong chuyến du lịch Hội An của mình, tôi quyết định dành thời gian để đến thăm địa điểm này.
Ngoài rau, Làng Rau Trà Quế còn nổi danh với tư cách là một làng du lịch sinh thái. Rất nhiều người nước ngoài có sở thích thuê xe đạp rồi tự mình đi qua chặng đường khoảng 4km từ khu phố cổ Hội An đến đây chỉ để cùng bà con Trà Quế lao động dưới nắng mưa, tự tay gieo trồng từng cây rau, rồi sau đó thưởng thức những đặc sản dân quê.
Xem thêm: Khám phá Làng bích họa Tam Thanh
Làng quê bình dị
Vừa bước chân vào làng, tôi đã cảm nhận được trong gió mùi hương thơm dịu. Một giọng hò xứ Quảng của một bà mẹ ru con vang lên:
“Ầu ơ!
Ai về Trà Quế thì về
Trà Quế có nghề rấm giá đậu xanh.
Buổi mai đi bán củ hành
Buổi chiều đi tưới năm canh chưa nằm”
Tôi chợt thấy bồi hồi, nhớ lại những câu hát của làng rau húng Láng mình từng được nghe:
“À ơi!
Ai đâu mà chẳng biết ta
Ta ở xóm Láng, vốn nhà trồng rau.
… Quang song tám dẻ cho bền
Chọn người lịch sự gánh lên kinh kỳ”
Ở Hà Nội, làng rau Láng là nơi chuyên canh để làm nên miếng ngon của miền Bắc. Còn Trà Quế thì sao? Phải chăng do đô thị Hội An thủa xưa cũng có nhu cầu ẩm thực cao? Phải chăng do sự giao lưu văn hóa qua con đường buôn bán nên người dân ở đây xuất đi các sản phẩm địa phương rồi du nhập vào các loài rau lạ? Hay tại nơi đây có thổ nhưỡng và nguồn nước ngầm đặc biệt nên có hương vị rau khác hẳn các vùng?
Ruộng rau của làng Trà Quế (Ảnh sưu tầm) |
Tôi xắn cao ống quần, bỏ dép để đi chân đất, bước qua những luống rau đang vươn mầm non tươi rói. Trên ngọn lá mồng tơi xanh mướt lấm tấm những hạt nước long lanh. Không rõ là sương sớm còn đọng lại hay là nước mà người dân Làng Rau Trà Quế vẫn ngày ngày miệt mài chăm tưới? Lác đác trong vườn là những bể dùng để chứa nước ngầm được bơm từ dưới đất lên. Nếu như trước kia, người nông dân phải nhọc nhằn đào giếng thì giờ máy bơm điện đã giúp họ giải phóng sức lao động.
Nền đất trơn ẩm vì vừa được tưới đợt nước đầu ngày. Vừa đi vừa bấm mười đầu ngón chân xuống đất cho khỏi trượt ngã, hơi mát lạnh truyền vào lòng bàn chân tạo cho tôi cảm giác thích thú hơn hẳn những khi phải đi giày cao gót hay giày thể thao.
Đang lom khom bên luống rau, một người phụ nữ ngẩng đầu lên cười với tôi rồi cùng tôi xách rổ đi cắt rau cho kịp buổi chợ.
Sau nhát cắt, hương thơm của tinh dầu rau é dậy lên. Tôi đưa một nắm lên mũi ngửi. Lạ quá! Cây rau gia vị này tôi chưa thấy bao giờ. Thoạt nhìn, rau é khá giống rau thơm, cọng rau cũng xanh nhưng lá nhỏ hơn và hương thơm thì khác hẳn.
Mì Quảng dọn cùng rau Trà Quế (Ảnh sưu tầm) |
Đứng giữa vườn rau nhìn quanh, tôi thấy vườn rau chiếm một vùng không gian khá rộng dọc theo hai bên đường cái. Xa xa phía ngoài kia là những cụm nhà ở bao bọc lấy khu vườn. Người chủ vườn cho tôi biết, mảnh vườn này mới được thành lập khoảng chục năm nay. Địa phương đã quy hoạch nhà dân ra phía ngoài, để dành vùng đất màu mỡ này trồng rau xanh.
Tôi nhận thấy, người dân Trà Quế đang cố hết sức giữ đất và nâng niu gìn giữ nghề gia truyền của cha ông. Ngày nay, người dân nơi đây cũng đã có cuộc sống sung túc hơn nhờ những cây rau mang thương hiệu của quê hương mình và cả chương trình du lịch “Một ngày làm cư dân Trà Quế” mà chính tôi đang tham gia.
Học làm nông dân
Mỗi du khách khi vào làng sẽ được nông dân ở đây dạy cách chăm bón rau xanh. Giờ giải lao, mọi người được ngồi nghỉ mát trong những chòi tranh vừa uống bát nước chè xanh vừa nhìn ngắm luống rau mới trồng. Đến bữa, bạn lại được thưởng thức những món ngon Hội An nổi tiếng được chế biến từ rau Trà Quế.
Bây giờ, tôi cũng đang gánh gàu đi tưới rau. Vai oằn xuống bởi sức nặng của hai chiếc thùng, tôi cong người cố gánh, bấm chân đi chậm chạp trên những luống rau rồi nghiêng vai cho dòng nước chảy xuống. Khối nặng trên vai nhẹ dần… Lòng tôi dâng lên một niềm vui khó tả.
Cùng nhau ra ruộng (Ảnh sưu tầm) |
Khi nắng lên cao, các luống rau đã được tưới thẫm nước, tôi lại cầm cuốc theo một người làng đi xới đất để chuẩn bị gieo hạt mới. Lần đầu tiên cầm cán cuốc, tôi vụng về nhấc lên rồi cố sức bổ từng nhát xuống lòng đất, xới lên một vạt đất mềm. Cúi xuống nhìn, tôi mới biết đất ở đây mịn và xốp vô cùng. Thì ra người dân ở đây làm theo kinh nghiệm cha ông, lấy rong rêu dưới lòng sông lên để bón cho đất thêm màu mỡ.
Luống đất cũng đã xới xong, mọi người ra chòi lá uống bát nước chè, ăn cái bánh đậu xanh nhân thập cẩm – một món ăn ở Hội An ngon có tiếng. Lân la hỏi thăm, tôi mới biết vườn rau Trà Quế có hai vụ mùa: vụ đông từ tháng 11 đến tháng 3 và vụ hè từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm.
Đến giờ ăn, người chủ vườn bê ra chòi món hến trộn cùng bánh tráng gạo nướng giòn. Xen giữa những con hến Cẩm Nam là những hành, răm, ớt… vừa được hái trong vườn, còn tươi roi rói. Mùi hến trộn thơm nức mũi, đưa vào miệng lại cay xé lưỡi. Vậy mà chỉ một loáng, thực khách đã dùng hết. Đúng là lao động mệt nhọc xong được ăn thì cảm giác ngon miệng hơn rất nhiều.
Thử làm những công việc của người nông dân (Ảnh sưu tầm) |
Nhìn những người ngoại quốc bên cạnh mình nhai rào rạo miếng bánh tráng nướng rồi xuýt xoa vì món hến cay nhưng khuôn mặt lại hừng lên niềm vui, tôi chợt nghĩ đến món mầm đá trong truyện Trạng Quỳnh. Quả thật khi phải trải qua sự lao động nặng nhọc thì con người sẽ có cảm giác giá trị sản phẩm làm ra được tăng lên nhiều lần.
Kiểu du lịch để vừa làm vừa học đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhưng có lẽ Trà Quế là địa điểm đầu tiên áp dụng hình thức này ở Việt Nam. Du khách tới đây sẽ được học về lối sống, lối lao động của người dân và hiểu được giá trị của lao động.
Làng rau trà quế gắn kết đậm đà tình yêu
Người đầu bếp khi chế biến cao lầu – một món ăn đặc sản Hội An sẽ không thể quên bốc một nhúm nhỏ rau sống vào bát trước khi chan nước xốt để làm dậy lên hương vị đặc trưng của món ăn này. Hương vị thơm ngon của mì Quảng hay bê thui Cầu Mống một phần đến từ sự phối hợp những loại rau được trồng trong vườn rau Trà Quế.
Cây rau trên đất Trà Quế do có thổ nhưỡng thích hợp và nguồn nước lấy từ mạch nước ngầm giàu chất khoáng nên mang hương vị rất riêng mà nếu đem sang trồng ở vùng khác sẽ không thể giống được. Nếu làng Láng nổi danh nhờ rau húng thì Trà Quế cũng tự hào vì những câu rau é, diếp cá… hương vị có một không hai.
Bê thui Cầu Mống ăn kèm với rau sống Trà Quế (Ảnh sưu tầm) |
Những ngọn rau bình dị ấy vang danh đã lâu. Theo như lời kể của những cụ già trong làng, từ hàng trăm năm trước, khi các thuyền viễn dương của Pháp, Hà Lan, Ả Rập, Trung Quốc… cập bến Hội An, rau Trà Quế đã được mua dự trữ cho các chuyến hành trình dài trên biển. Ngày nay, những thứ rau ấy vẫn được nhiều siêu thị lớn thu mua quanh năm vì đạt tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đi quanh các khu vườn, tôi thử tìm luống rau húng Láng nhưng không thấy. Hỏi thăm người chủ vườn tôi mới biết mọi người đã trồng thử nghiệm nhưng không thành công vì giống cây ấy không phù hợp với đất đai, khí hậu ở đây. Cả cây thìa là đem vào từ vườn làng Láng cũng không phát triển. Thế mới biết thiên nhiên ban tặng cho mỗi vùng đất một điều kì diệu khác nhau, để mỗi vùng miền lại có một sản vật riêng… tạo nên sự phong phú và độc đáo của mỗi địa phương.
Một ngày làm cư dân Làng Rau Trà Quế tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ cho tôi thấy tình yêu sâu đậm của người dân với cây cỏ trên mảnh đất này. Nghề nông vốn vất vả, nhưng họ vượt qua tất cả để ngày nay ngành du lịch Hội An có thêm một nét hấp dẫn rất riêng biệt. Nếu có cơ hội, chắc chắn tôi sẽ trở lại nơi này.
Xem thêm bài viết:
0 bình luận