- Tin tức > Du lịch > Miền Trung > Quảng Nam >
Không biết từ bao giờ, người dân xứ Quảng đã luôn truyền tai nhau câu ví: “Nhất trống Lâm Yên, nhì chiêng Phước Kiều” để nói về làng làm trống nổi tiếng bậc nhất miền Trung: Làng trống Lâm Yên.
Xem thêm: 7 homestay Hội An xinh lung linh ‘đốn tim’ khách du lịch
Lâm Yên là tên gọi của ngày trước, là vùng tứ châu của bốn địa giới gộp lại: Lâm Tây, Lâm An, Lâm Ðại và Lâm Trung. Làng trống nay thuộc ấp Nam xã Ðại Minh, huyện Ðại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Dòng họ làm trống Lâm Yên chủ yếu là dòng họ Phan. Cho đến nay, dòng họ này đã ngót nghét bảy đời làm trống. Con cháu bảo nhau rằng, cách đây hơn 200 năm, ông tổ Phan Công Thiên là người Bắc di dân vào khai phá ở Quảng Nam đã dừng chân tại Lâm Yên và phát triển làng nghề làm trống trên mảnh đất này. Từ đó đến nay, đời sau tiếp nối đời trước, con cháu dòng họ Phan đã mang tiếng trống đến với nhiều vùng trên cả nước, làm nên thương hiệu trống Lâm Yên.
Quy trình làm trống
Để phục vụ các lễ hội dân gian, phục vụ cho trường học hay tết Trung thu…, nghề làm trống vất vả tất bật nhất từ tháng giêng đến tháng 8 âm lịch. Một chiếc trống đảm bảo chất lượng thì phải đảm bảo các tiêu chí: tròn, đẹp, và kêu hay. Trống có nhiều loại với nhiều kích cỡ khác nhau. Có trống to như trống chầu, trống nhỏ như trống tổng (đường kính mặt trống 16-17 cm), trống lịnh (đường kính mặt trống 18-25cm), trống nhạc (đường kính mặt trống 27-28cm).
Công đoạn đầu tiên cho một chiếc trống là sự chuẩn bị dăm trống (thân trống). Dăm trống phải bằng gỗ mít và mặt trống phải bằng da trâu chứ không phải là chất liệu nào khác. Gỗ mít sau khi phơi khô, tuỳ theo kích thước của trống, sẽ được người thợ cưa xẻ theo chiều cong của dăm. Trống chầu bao gồm dăm luôn và dăm ghép. Dăm ghép chỉ được làm bằng gỗ mít già. Người thợ sẽ xẻ gỗ mít theo từng chiều dài nhất định, cưa lận dăm, phơi khô để sẵn để đáp ứng từng nhu cầu cỡ trống của khách hàng. Các dăm được niềng thành hình cái trống gọi là tang trống.
Tiếp theo, người làm trống chọn lấy da của con trâu già. Bí quyết làm nên chiếc trống có tuổi thọ cao là ở công đoạn người thợ gọt da trâu trước khi căng. Da trâu sẽ được phơi khô. Mùa nắng phải phơi cho khéo sao cho da khô nhưng không bị ép nắng. Mùa mưa, vì ẩm nên phải xông bằng lửa, nhưng không được để già lửa, nếu không miếng da sẽ bị chín đi, mặt trống sẽ không đẹp và không bền. Da phơi khô hoàn toàn sẽ đem đi ngâm nước. Ngâm được một thời gian, da sẽ được khoan, bào để bỏ đi những phần thừa và chỉ còn lại một độ dày nhất định để bịt trống.
Các công đoạn làm trống đều đòi hỏi ở nghệ nhân làm trống một sự tỉ mỉ và khéo léo từ khâu bắt đầu cho đến khâu kết thúc. Có lẽ nếu ai không tâm huyết với nghề, không nặng tình với chiếc trống thì khó mà có thể tạo nên những sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Trống đạt chuẩn tức là trống khi đánh có tiếng “bầm”, hoặc tiếng “tang” tùy theo từng loại trống. Để nghe được tiếng trống thì đòi hỏi phải có một lỗ tai thẩm âm tốt. Thường thì người trong dòng họ sẽ được nghe và được dạy từ nhỏ thì mới có được tố chất tốt. Nghề trống vì vậy thường khó khăn khi phải dạy cho người ngoài.
Theo Đại đức Thích Như Tín, trụ trì chùa Thái Sơn (quận Ngũ Hành Sơn – TP Đà Nẵng), trống Lâm Yên đã là thương hiệu xưa nay ở xứ Quảng. Để có cái trống đạt yêu cầu, người ta thường đến tận làng để đặt làm, thay vì mua ở ngoài. Làng trống Lâm Yên sống được cũng nhờ lẽ đó. Xã hội hiện đại đồng nghĩa với tiếng trống theo đó cũng một thưa thớt dần đi. Tuy nhiên, với các nhu cầu đời sống tinh thần, nhu cầu văn hóa truyền thống của người Việt thì chiếc trống, tiếng trống vẫn đóng một vai trò quan trọng không thể thay thế.
Xem thêm bài viết:
0 bình luận