Lễ hội truyền thống ở mảnh đất vùng cao Sa Pa
Mảnh đất vùng cao Sa Pa không chỉ là thiên đường của cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, những đặc sản địa phương hấp dẫn du khách mà còn là kho tàng của những lễ hội truyền thống muôn đời.
Lễ hội Gầu Tào
Là một trong những lễ hội ở Sa Pa lớn rất quan trọng trong cuộc sống của người đồng bào Mông. Theo ngôn ngữ của người Mông từ Gầu Tào có ý nghĩa là chơi ngoài trời nên cứ đến lễ hội Gầu Tào hàng năm thì người Mông ở các bản làng xung quanh đều đến tham gia rất đông, họ coi đây chính là một nét văn hoá được lưu truyền lại từ thời cha ông cần được bảo tồn và phát huy.
Không chỉ đến để cầu xin các đấng thần linh trên cao ban cho gia đình sức khoẻ, mùa màng bội thu, gia súc đầy đàn, cúng tạ ơn trời đất mưa thuận gió hoà mà tham gia vào lễ hội cũng là dịp giúp bà con nhân dân gần gũi nhau hơn, trò chuyện, trao đổi kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, các đôi trai gái đến tuổi gặp nhau vui chơi, hò hẹn tất cả mang đến một bầu không khí thật tấp nập và nhộn nhịp trong ngày lễ.
Cây nêu đang được dựng tại lễ hội (Ảnh sưu tầm) |
Lễ hội Gầu Tào thường diễn ra vào ngày mồng một đến ngày 15 tháng giêng, trưởng bản sẽ theo như quy định được truyền lại để tổ chức lễ nếu 3 năm liên tiếp đều làm lễ thì mỗi năm làm trong 3 ngày, còn gộp vào 1 năm thì làm lễ trong 9 ngày tại địa điểm du lịch Sa Pa.
Tại mảnh đất rộng nơi sinh sống của đồng bào Mông là địa điểm diễn ra lễ hội, thầy cúng cao tay nhất vùng được mời đến dựng cây nêu có trang trí hoa văn nhiều màu sắc, hình nộm lên như một lời thông báo với mọi người rằng lễ hội sắp bắt đầu tại đây. Sau khi thầy cúng làm xong lễ bái, mọi người tụ tập lại cùng nhau ăn uống, nâng chén rượu ngô cay nồng đậm tình dân bản lên chúc nhau khoẻ mạnh trong tiếng cười râm ran của trẻ nhỏ nô đùa.
Tiếng khèn của các chàng trai vang lên hoà cùng tiếng hát, điệu múa uyển chuyển của những cô gái vùng sơn cước và nhiều trò chơi truyền thống để bà con dân bản vui chơi. Phần cuối để hoàn thành buổi lễ cây nêu được hạ xuống, thầy cúng châm lửa đốt thẻ giấy trong gáo nước, đọc bài khấn tiếng Mông.
Lễ hội Hoa Chuối
Lễ hội Hoa Chuối là lễ hội ở Sa Pa của người đồng bào dân tộc Xa Phó, lễ được diễn ra vào ngày 9- 9 mọi năm với ý nghĩa cầu cho người dân trong bản được cuộc sống ấm no, khoẻ mạnh, mùa màng tốt tươi, gia súc đầy sân…
Cô gái sơn cước tại lễ hội Hoa Chuối (Ảnh sưu tầm) |
Lễ hội do một chủ nhà nào đó trong bản thay phiên nhau tổ chức tại khu đất đầu làng, các gia đình xung quanh trước đó sẽ mang nhiều đồ vật đến để góp lễ chủ yếu là gạo, gà, rượu ngô,… Hương được thắp lên tại mỗi mâm đồ lễ của mỗi hộ, chủ hộ gia đình đó sẽ khấn bái để cảm tạ tổ tiên, trời đất, núi rừng, sông suối, hương cháy hết thì hoá vàng xong là lúc mọi người ngồi vào mâm, có mâm dành cho đàn ông và mâm dành riêng cho phụ nữ, mọi người vừa ăn uống vừa trò chuyện trong không khí vui vẻ.
Tiếp theo chủ hội và các chàng trai bản thực hiện lễ trồng cây chuối có cả hoa chuối màu đỏ rực rỡ với mục đích thay cho sự may mắn đem lại cho người dân, nghi lễ múa cầu mưa cho cây cối sự nảy mầm, sinh trưởng tốt tươi, dâng cúng sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho nơi đây như thịt thú rừng, khoai, ngô, cá suối.
Lễ hội Quét Làng
Tên gọi lễ hội quét làng nghe rất thú vị, lễ hội diễn ra vào thời gian ngày ngọ, mùi tháng hai theo lịch âm của người Xá Phó, họ cho rằng vào tháng hai thì ma đói, ma làn, ma từ rừng, từ sông thường về để làm hại mọi người, nên cứ đến dịp này họ lại quét vôi vào tường nhà, tường làng để xua đi cái ác.
Mỗi khi lễ hội ở Sa Pa quét làng đến, người dân lại nô nức chuẩn bị đồ đến góp lễ đủ các loại như gạo, gà, rượu, chó, dê…
Người dân nhảy múa (Ảnh sưu tầm) |
Ngày lễ thầy cúng giỏi nhất làng tay cầm kiếm làm bằng gỗ, tay cầm cành cây đến những ngôi nhà trong làng để làm lễ quét nhà, một đoàn những thanh niên trai tráng khoẻ mạnh đi theo sau để khi thầy cúng cho phép họ sẽ dùng vôi, chổi giúp chủ nhà quét lại tường nhà, tường bếp, tường chuồng gia súc, cổng. Sau khi hoàn tất việc quét nhà, các lễ vật đã được chuẩn bị sẵn như thịt gia súc bốn chân, gạo, rượu, xôi ngũ sắc được bày lên mâm đồng quay hướng về phương thầy cúng sắp đặt, chọn lựa từ trước cùng với tám đôi đũa, tám chiếc bát, tám chén rượu.
Để kết thúc ngày lễ toàn bộ dân làng ngồi lại với nhau chung vui, trò chuyện cùng thưởng thức đồ ăn và nhâm nhi bên chén rượu cay nồng. Trong ba ngày sau đó người Xá Phó kiêng không cho người ngoài vào nhà, sau ba ngày đó sinh hoạt của người Xá Phó mới trở lại về với cuộc sống lao động bình thường.
Lễ hội Tết Nhảy
Đây là một lễ hội ở Sa Pa mang đậm nét văn hoá riêng của người Dao đỏ ở Tả Van thuộc Sa Pa. Lễ được tổ chức vào ngày mùng 1 và mùng 2 tết cổ truyền của cả nước ta. Có 1 điều rất thú vị đó là lễ hội tết nhảy chỉ được tổ chức tại nhà ông trưởng họ bản Tà Phìn và do ông làm chủ trì.
Những thanh niên trai, gái trong bản sẽ lần lượt trình diễn 14 điệu nhảy để mở đầu, mời gọi để đưa đón ông cha, các vị thần linh ở trên cao, ở núi rừng về đón Tết cùng con cháu. Để đón chào cha mẹ, ông bà đã về nơi chín suối, họ nhảy bằng một chân, cúi đầu, giơ lên cao ngón tay trỏ.
Điệu nhảy trong tiếng khèn (Ảnh sưu tầm) |
Để mời các bà tiên, nàng tiên giáng xuống trần gian, đó là điệu nhảy giống như cánh của loài chim cò đang giang rộng đôi cánh bay đến phương trời xa, rồi quy tụ cùng nhau tìm chỗ nghỉ ngơi trên mặt đất. Điệu nhảy mời gọi thần linh về trong ngày Tết là những bước chân theo nhịp đồng đều, thư thái khoan thai nhưng lại mang theo sức mạnh của loài chúa sơn lâm ngự trị nơi sâu thẳm rừng xanh của địa điểm du lịch Sa Pa.
Cuối buổi lễ hội toàn thể dân bản cùng nhau nhảy múa điệu rước tượng tổ tiên được chạm khắc mặc trang phục có những nét hoa văn thiên nhiên, động vật, bàn tay tượng có cầm thẻ bài khắc tên, họ. Những bức tượng này đều được mỗi gia đình giữ gìn, bảo quản thành kính, gần đến ngày lễ mới đem ra dùng nước nấu từ lá thơm hái ở rừng về tắm cho bức tượng. Ngoài ra tham gia vào ngày lễ hội này du khách còn được nghe những điệu hát, tiếng nhạc cụ rất độc đáo của người Dao đỏ nhằm tỏ lòng biết ơn về cuội nguồn.
Lễ hội Hát giao duyên
Cứ đến thời gian đầu tháng Giêng hàng năm, mọi người dân tại xã Tả Phìn lại nhộn nhịp mở hội hát giao duyên. Tham gia vào lễ hội SaPa hát giao duyên du khách sẽ có thêm nhiều hiểu biết về những nét văn hóa truyền thống thú vị của người đồng bào dân tộc Dao đỏ tại Sa Pa.
Lễ hội hát giao duyên (Ảnh sưu tầm) |
Đúng ngày lễ, người Dao đỏ từ khắp các bản làng gần xa đỏ về tấp nập từ sáng sớm tinh mơ để có thể tham gia buổi hội trọn vẹn, các cô gái xúng xính trong những bộ váy được thêu dệt hoa văn tỉ mỉ, các chàng trai thì diện những bộ quần áo mới cổ đeo vòng bạc sáng loáng, tay cầm them chiếc khèn, chiếc lá để thổi.
Các cuộc thi truyền thống tại lễ hội ở Sa Pa được tổ chức vui nhộn và đầy sức mạnh như kéo co, thi bắn nỏ, bịt mắt bắt dê, ném còn, leo núi cắm cờ… Ngày nay Lễ hội hát giao duyên của người Dao thu hút được rất đông khách du lịch trong nước và cả những vị khách quốc tế đến tham gia, hoà mình vào không khí lễ hội đầu năm mới.
Đến với Sa Pa là đến với lễ hội cùa bà con dân tộc các vùng miền sinh sống tại đây, du khách sẽ được khám phá thêm những điều chưa biết về mảnh đất nơi đây, vui chơi nhảy hát cùng bà con bản làng.
Đừng bỏ lỡ
Các khách sạn phù hợp với bạn!
Bài viết mới nhất
Vntrip tham gia triển lãm sản phẩm và các mô hình, giải pháp công nghệ, ứng dụng dữ liệu, trí tuệ nhân tạo – TPHCM
Vntrip nhận giải thưởng Doanh nghiệp có thành tích xuất sắc nhất quận Tây Hồ
Khoảnh khắc ấn tượng dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô
Sân bay Nội Bài cùng 3 sân bay khác đóng cửa do bão số 3 Yagi
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024 tổ chức giữa tháng 6
0 bình luận