Món chay Huế- nét văn hóa đẹp gắn liền với đất Thần Kinh

Luyến Nguyễn
3.3K

“Ra đi mà chẳng đành lòng/Nón che tay ngoắc chạnh lòng quay lui”, câu ca dao xứ Huế đã không còn để chỉ riêng tình cảm giữa người với người. Văn hóa ẩm thực Huế cũng có cái sức cuốn hút mãnh liệt như vậy, dẫu chỉ là món chay, cũng đủ để níu chân du khách. Món chay Huế không chỉ phong phú, tinh tế, mà còn thấm đượm màu sắc văn hóa của mảnh đất, con người nơi đây.

Lịch sử ẩm thực chay Huế

Ẩm thực chay gắn liền với đời sống người dân cố đô ( Ảnh: Vân Anh – Vntrip.vn)

Món ăn chay trong đời sống ẩm thực Huế không đơn giản chỉ là những bữa ăn với đậu phụ, rau củ như nhiều nơi, người Huế coi trọng việc ăn chay đến độ chế biến món chay cũng kì công và tinh tế như chế biến món ăn thông thường, từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến, đến việc thưởng thức.

Ẩn sau nét văn hóa ẩm thực Huế rất đẹp ấy, là cả một chiều dài lịch sử gắn liền với những biến động của dân tộc. Ẩm thực chay Huếbắt nguồn từ sự du nhập của đạo Phật ở Thừa Thiên- Huế vào năm 1558, khi Quận Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, ông cũng là người đã cho xây dựng chùa Thiên Mụ – biểu tượng của phật giáo Huế ở làng Hà Khê ( An Ninh, Hương Trà, Huế). Phật Giáo trở thành Quốc giáo từ thời nhà Nguyễn, ẩm thực cung đình Huế– nét đặc sắc và tinh túy nhất của ẩm thực Huế cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nếp ăn của người theo đạo Phật. Việc ăn chay cũng gắn liền với nhiều lễ nghi trang trọng cùa triều Nguyễn, như trước lễ tế đàn Nam Giao…

Có một chiều dài lịch sử gắn với ẩm thực chay xứ Huế ( Ảnh: Vân Anh- Vntrip.vn)

Cầu kì nét ẩm thực chay Huế

Bún bò Huế trứ danh cũng có thể trở thành món chay hấp dẫn ( Ảnh: ST)

Ngày nay, Huế có hơn 500 ngôi chùa, số lượng Phât tử ở đây lên đến 85% dân số, không lạ khi việc ăn chay trở nên thân thuộc như vậy đối với đời sống người dân Huế. Ở đất cố đô, người ăn chay ít thì vào ngày rằm, mùng một hàng tháng, có nhiều người ( đặc biệt là người lớn tuổi) hay Phật tử tu tập trong chùa thì ăn chay trường, ăn chay thường gắn với nếp ăn của cả một gia đình, cũng vì thế, các mệ, các bà ở Huế đều nắm được bí quyết chế biến các món ăn chay xứ Huế. Như một truyền thống, công thức và những sáng tạo không ngừng nghỉ trong việc chế biến và thưởng thức món chay đươc các thế hệ nữ công trong gia đình truyền lại cho con cháu, nét đẹp ấy cũng chính là nét đẹp văn hóa ẩm thực Huếnói riêng và nét đẹp văn hóa Huếnói chung.

Dù là món chay cũng không thể thiếu món phụ đi kèm ( Ảnh: Vân Anh- Vntrip.vn)

Vốn chú trọng và có phần cầu kì đối với ẩm thực, người Huế chế biến món chay cũng kì công không kém các món ăn khác, món mặn ở Huế có gì, các món bánh như bánh bèo-nậm-lọc.. có đa dạng đến đâu, cũng đều có thể chế biến thành món chay, đó là cái tài, cái hay của ẩm thực chay Huế.

Ngoài những món chay chế biến từ nguyên liệu chay quen thuộc như đậu phụ, rau củ, nấm… ở Huế, ta còn bắt gặp những món chay độc đáo với nguyên liệu vốn có thể tìm thấy ngay ở vườn nhà: nào gỏi mít, nào mít xào mè, nào gỏi vả trộn, nào canh vả, nào bánh cuốn chấm sốt lạc. Phong vị thanh đạm, tự nhiên và muôn vẻ được tạo nên dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ Huế đã biến món chay trở thành niềm vui mỗi lần thưởng thức.

Kì công và tinh tế- món chay Huế ( Ảnh: ST)

Ngày nay ở Huế, bạn có thể thưởng thức món chay Huế vào bất cứ thời điểm nào , giá cả cũng khác nhau, đắt hơn cầu kì hơn thì ở các nhà hàng chay , còn rẻ hơn thì có một số nhà hàng bình dân hay ngay trong chợ Đông Ba. Thậm chí ngày rằm, mùng 1, buffet chay được phục vụ ở các nhà hàng chay có tiếng, hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm ẩm thực lí thú trong chuyến du lịch Huế của bạn.

Một số quán ăn chay ngon ở Huế:

  • Quán chay Bồ Đề ( có phục vụ buffet chay) – 11 Lê Lợi
  • Quán chay Thanh Liễu ( nhà hàng bình dân ưa thích của người dân địa phương, món chay đơn giản ngon miệng) – 50 Nguyễn Công Trứ
  • Quán chay Liên Hoa – 3 Lê Quý Đôn
  • Quán chay Thiền Tâm ( 110A Lê Ngô Cát)

0 bình luận

    Các khách sạn phù hợp với bạn!