Món ngon ngày Tết của Hà Nội

Luyến Nguyễn
5.7K

Tết âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm đối với người dân Việt Nam, là dịp để người người nhà nhà dâng lên tổ tiên những sản vật quý nhất, ngon nhất. Đối với những người sống ở Hà Nội thì mâm cỗ Tết cũng luôn chứa đựng tất cả những tinh hoa ẩm thực, những món ngon Hà Nội.

Vào ngày Tết, những người Hà Nội kĩ tính thường ưa dùng các loại mứt cổ truyền, đó là mứt quất còn tê tê vị vỏ quả, là mứt mận tím thẫm, là mứt bí đọng li ti những tinh thể đường trắng ngần hay là mứt phật thủ – loại quả quý được bày trên mâm ngũ quả…

Ngày Tết không thể thiếu mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên (Ảnh sưu tầm)

Vì vậy mà trong suốt thế kỉ 19 sang đầu thế kỉ 20, ngay từ đầu tháng mười một, mười hai âm lịch, những nhà làm mứt trên phố Hàng Đường, phố Huế đã tấp nập chuẩn bị Tết trước mọi nhà: mọi người răm rắp ai vào việc nấy, người nấu bí, người ninh sen, người trông bếp, rồi ngào đường, rọc giấy… Thời đó, mỗi cân (loại cân ta, tương đương 600g) mứt được gói bằng giấy bản làng Bưởi, ngoài là giấy bóng kính đỏ, nhãn hiệu dán bằng hồ bột khảo, mua về để ăn Tết cũng đẹp, mà để làm một món quà tặng Hà Nội cũng vẫn sang trọng.

Mứt Tết cổ truyền của người Hà Nội (Ảnh sưu tầm)

Có một món ăn đặc sản Hà Nội thật ngon nhưng không phải người Hà Nội nào cũng làm được, mà phải là những người phụ nữ có tuổi, khéo tay, có nhiều thời gian và kiên nhẫn mới nấu được: đó là món chè kho. Có hai cách nấu: nấu đỗ thổi hoặc nấu đỗ rang. Chỉ là đỗ xanh và đường hoa mai, nhưng linh hồn của món này lại từ rừng đại ngàn về, một thứ quả khô, nhăn nheo vì nắng mưa, tên nó là thảo quả, dân dã gọi là quả tò ho. Thảo quả nướng cháy vỏ, lấy nhân bên trong đem giã mịn, mùi thơm lan ra cả phố. Chè kho có hương thảo quả, khác chè đỗ đãi có hương vani. Nhón một ngón tay cầm miếng chè kho, chẳng cần dao dĩa, hình như hương vị mùa xuân đã thấm qua da tay vào cơ thể ta.

Chè kho (Ảnh sưu tầm)

Mâm cỗ Tết của người Hà Nội không cần đầy tú hụ, mà trái lại gây ấn tượng nhờ sự hài hòa màu sắc như bức tranh của một họa sĩ tài hoa. Đĩa thịt gà trống thiến vàng óng, được rắc lên những sợi lá chanh thái chỉ nhỏ như tơ; thêm bát bóng thả, miếng bóng vàng mờ, khoanh cà rốt đỏ, mảnh đậu Hà Lan xanh, mấy sợi rau mùi, củ hành chín trong suốt… cộng với đĩa hành nén ngoài vàng chanh, bên trong trắng muốt mang tới cho ta vị mặn xen lẫn chua, hương thơm hòa tiếng giòn giòn thích thú hàm răng; thêm khoanh giò thủ với miếng sụn trắng, mộc nhĩ đen. Rồi những giò nem ninh mọc, những luộc rán, kho xào… Và tất nhiên không thế thiếu bánh chưng. Các món ăn đều được trình bày cho đôi mắt được no nê trước khi cái lưỡi được thưởng thức, tấm tắc trước những món ăn ở Hà Nội.

Mâm cỗ Tết (Ảnh sưu tầm)

Hình như mâm cỗ cổ truyền ngày Tết của người Hà Nội ít khi có mặt những món ăn ngoại lai. Hầu như rất ít người ăn bánh mì pa-tê, giăm-bông trong ngày Tết. Cũng không ai bày đĩa củ cải muối bên cạnh chiếc bánh chưng đã bóc sẵn xanh dền óng ánh. Không ai bày cá hộp cạnh khoanh giò hồng hồng như má cô thiếu nữ. Cũng ít người tráng miệng bằng cà phê sữa mà thay vào đó là chén trà thơm, miếng mứt, hạt dưa…

Những món ăn gợi nên hương vị ngày Tết (Ảnh sưu tầm)

Món ăn ngày Tết của người Hà Nội chính là tập hợp đầy đủ nhất của những món ngon Hà Nội, là minh chứng đầy thuyết phục cho nền văn hóa ẩm thực Hà thànhvốn đã vang danh từ lâu.

0 bình luận

    Các khách sạn phù hợp với bạn!