NFT – ‘cơn sốt’ mới sau Bitcoin
Thay vì Bitcoin, một bộ phận giới đầu tư tiền điện tử đang bỏ ra hàng triệu USD để mua các vật phẩm được đại diện bằng chuỗi mã NFT.
Thương vụ mua bán liên quan đến NFT đình đám nhất thuộc về một bức ảnh được tạo nên từ các bức tranh của họa sĩ Beeple, có tên Everdays: The First 5000 days. Đây vốn là một file ảnh .jpeg, dễ tải trên Internet. Tuy nhiên đã được mua lại với giá hơn 69 triệu USD sau khi có NFT.
Dòng tweet đầu tiên của nhà sáng lập Twitter – Jack Dorsey vỏn vẹn 20 chữ cái: “Just setting up my twttr”. Bất cứ ai cũng có thể đọc được dòng chữ như vậy trên Twitter, nhưng nó cũng vừa có NFT và được mua với giá 2,5 triệu USD.
NFT (Non-fungible token) – chuỗi mã đại diện cho các vật phẩm trên – sử dụng công nghệ blockchain, tương tự nền tảng Bitcoin. Khả năng sử dụng của NFT không nằm ở những vật phẩm, như bức tranh JPG hay dòng Tweet kể trên, mà nằm ở quyền sở hữu độc quyền chúng, được chứng nhận bởi chuỗi mã NFT. Nhờ đó, món hàng trở thành duy nhất.
Việc sở hữu NFT được ví như việc mua một món hàng sưu tầm có một không hai. Nhà đầu tư mua NFT gắn với một sản phẩm nào đó, nhằm biến mình trở thành người sở hữu duy nhất, hoặc kỳ vọng sản phẩm tăng giá và bán kiếm lời. Song song với cơn sốt tiền điện tử, NFT cũng trở thành mặt hàng mới, được giới đầu tư quan tâm thời gian gần đây.
Bức hình trị giá 69 triệu USD của Beeple.
Theo trang CNBC, hàng loạt nhà đầu tư đã kiếm hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD từ cơn sốt này.
NBA Top Shot, một nền tảng liên kết với Liên đoàn bóng rổ Mỹ thu về gần 150 triệu USD trong bảy ngày cuối tháng 2 vừa qua, nhờ mua bán các NFT video của các trận đấu bóng rổ. CryptoPunks – một dự án cung cấp 10.000 bức vẽ NFT, mở đầu cho trào lưu này từ năm 2017, vừa chứng kiến mức doanh thu tăng vọt lên 45 triệu USD trong một tuần. Dù trước đó các bức hình NFT của CryptoPunks từng được cung cấp miễn phí.
Tỷ phú Mark Cuban là một trong những nhà đầu tư nổi tiếng, cũng tham gia thị trường này và thu về những món lời lớn nhờ bán các nội dung số từ đội bóng rổ Dallas Mavericks mà ông đang sở hữu. YouTuber nhiều tai tiếng Logan Paul cũng theo trào lưu này, khi anh bán các NFT video ngắn, cắt từ kênh YouTube của mình và có người đã trả hơn 20.000 USD cho một NFT như vậy.
NFT là gì
NFT là viết tắt của “Non-Fungible Token” – một “token không thể thay thế”, được tạo nên từ blockchain Ethereum. Vì tính chất “không thể thay thế” này, NFT được dùng như một chứng chỉ xác thực quyền sở hữu đối với một sản phẩm nào đó.
Trong thời đại của Internet, các nội dung số như hình ảnh, video và bài hát có thể được phát và chia sẻ miễn phí. Tuy nhiên, nhiều người vẫn mua NFT của hình ảnh, video và bài hát đó, vì tin rằng họ sẽ có thể chứng minh quyền sở hữu các mặt hàng ảo này nhờ blockchain.
“Bạn có thể có một bản sao MP3 bài hát ‘Thriller’ của Michael Jackson, nhưng bạn sẽ không thể thuyết phục mọi người rằng mình sở hữu các bản thu âm chính của ‘Thriller”, họa sĩ Beeple lấy ví dụ, để cho thấy giá trị của NFT.
Tuy nhiên,, NFT không có giá trị hữu hình, bởi bản chất của chúng là các đoạn mã. Đại diện nhà đấu giá Christie, nơi bán tác phẩm của Beeple giá 69 triệu USD, cho biết: “Người mua tác phẩm này về cơ bản sẽ nhận được một mã, là chuỗi dài các con số và chữ cái, kèm theo một file JPG độ phân giải cao của tấm hình trên”. Mã này sẽ được lưu lại trên blockchain của Ethereum, đồng thời được chuyển vào ví tiền điện tử của người sở hữu.
Những hình vẽ của CryptoPunks đơn giản, nhưng có giá hàng nghìn USD nhờ tính “duy nhất” của mình.
Theo CoinDesk, các tính chất tạo nên giá trị của NFT gồm: không thể phá hủy, do các dữ liệu được lưu trữ trên chuỗi khối; có thể xác minh, nhờ blockchain cho phép truy xuất ngược nguồn gốc của sản phẩm mà không cần qua một bên thứ ba. Ngoài ra, khác với tiền điện tử, NFT là duy nhất và cũng không thể sao chép. Các nhà đầu tư NFT sẽ thu lại giá trị từ sự độc nhất này, giống như mua bán các món hàng sưu tầm.
Tuy nhiên, NFT cũng gây ra nhiều tranh cãi về tính bền vững và sự “duy nhất” của mình.
Việc phát triển nóng của các vật phẩm NFT khiến nhiều người liên tưởng đến “bong bóng” Bitcoin năm 2017, khi giá trị của đồng tiền điện tử này được đẩy lên cao bất thường, nhưng cũng nhanh chóng mất đến 70% giá trị trong ít ngày. Ngoài ra, do công nghệ là thứ luôn luôn phát triển, không ai thể bảo đảm giá trị của các đoạn mã token sẽ tồn tại sau vài chục năm tới. Hay nếu chủ sở hữu quên mật khẩu ví, quyền sở hữu vật phẩm sẽ như thế nào.
Ngoài ra, sự tham gia thị trường của những YouTuber nhiều chiêu trò như Logan Paul, khiến nhiều người hoài nghi, liệu người bán có tạo ra hàng trăm bản sao video, từ đó tạo nên hàng trăm NFT trước khi bán hay không. Khi đó, tính duy nhất của vật phẩm đã không còn.
Tương lai của NFT vẫn còn là dấu hỏi lớn. Theo Harrison, một người kinh doanh nghệ thuật tại New York, Mỹ, sự phát triển bùng nổ của NFT giai đoạn này chỉ là bước khởi đầu cho một quá trình chuyển dịch nghệ thuật lên môi trường số, khi các viện bảo tàng, phòng trưng bày phải đóng cửa vì Covid-19. Ngoài ra, nó cũng chịu ảnh hưởng của cơn sốt tiền điện tử thời gian qua. Trên thực tế, hầu hết những nhà sưu tầm vẫn muốn được sở hữu vật phẩm thật thay vì các vật phẩm kỹ thuật số.
Theo Lưu Quý / Vnexpress
0 bình luận