Những điểm tham quan di tích lịch sử ở miền Nam

Luyến Nguyễn
2.9K

Không chỉ là minh chứng cho các phong trào yêu nước, các di tích cách mạng kháng chiến còn được tự hào gọi là những “địa chỉ đỏ” về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng. Sắp tới đây là kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, Thống nhất Đất 30 tháng 4 năm 1975. Hãy cùng Vntrip đi tìm hiểu về những di tích lịch sử, chiến trường xưa ở miền Nam Việt Nam để được sống lại giây phút thiêng liêng ấy.

1. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh – Thành phố Hồ Chí Minh

Nằm trên con đường Võ Văn Tần, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng chứng tích chiến tranh là một bức tranh sống động về đất nước Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh chống lại Mỹ – Ngụy. Những hiện vật, những hình ảnh còn sót lại như những bằng chứng đanh thép tố cáo tội ác của bọn thực dân xâm lược, đồng thời phản ánh ý chí chiến đấu, chiến thắng để giành lại độc lập dân tộc của nhân dân ta.

Bảo tàng chứng tích chiến tranh Hồ Chí Minh. Hình: Sưu tầm

Bảo tàng gồm 3 tầng, mỗi tầng có chủ đề và những hiện vật riêng. Ở tầng 1 của bảo tàng là phòng bán vé, phòng đa năng, phòng thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến. Một trong những điểm dừng chân nổi bật ở tầng 1 đó chính là “Chuồng cọp” – một kiểu giam giữ của nhà tù Côn Đảo. Chuồng cọp được coi là một nơi tra tấn khủng khiếp nhất của quân Mỹ đối với những tù nhân yêu nước. Ở đây, những người cộng sản cách mạng yêu nước bị kìm hãm trong những phòng giam chỉ rộng khoảng 5m2, không có giường nằm, hay cửa sổ lớn. Tầng 1 còn là nơi trưng bày những hiện vật lớn như máy bay, xe tăng hay ngọn pháo của những chiến sĩ hay của quân Mĩ trong những ngày tháng chiến tranh.

Nơi trưng bày tranh ảnh, hiện vật. Hình: Sưu tầm

Hai tầng trệt của bảo tàng là thế giới của những hình ảnh, những dốc mốc lịch sử tải hiện lại cả một quãng thời gian lịch sử đầy máu lửa. Với nhiều chủ đề hấp dẫn như Thế giới với chiến tranh ở Việt Nam hay Câu chuyện của những nạn nhân chất độc màu da cam đã khiến biết bao con người phẫn nộ hay đau xót.

Bên ngoài là nơi trưng bày trực thăng và xe tăng. Hình: Sưu tầm

2. Dinh Độc Lập – Thành phố Hồ Chí Minh

Dinh Độc Lập còn có 2 cái tên khác là Dinh Thống Nhất và Hội trường Thống Nhất, trước kia là nơi ở và nơi làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Vào năm 2009, nơi đây được chính thức xếp hạng là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của cả nước. Đây là những nơi ghi dấu ấn sâu đậm cho ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, thống nhất đất nước, là hình ảnh lịch sử sâu đậm nhất, vẻ vang nhất trong lịch sử giải phóng dân tộc thống nhất đất nước trong ngày 30/4, khi chiếc xe tăng của quân giải phóng húc sập cổng dinh chấm dứt chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Dinh Độc Lập thay đổi qua từng thời kỳ. Hình: Sưu tầm

Trong Dinh được chia làm 3 khu trưng bày chính là khu cố định, khu chuyên đề và khu bổ sung. Khu cố định bao gồm các phòng như phòng khánh tiết, phòng đại yến, phòng các nội, phòng hội đồng an ninh quốc gia; phòng khách của tổng thống, phòng làm việc của tổng thống, phòng làm việc của phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa,… Khu chuyên đề là nơi trưng bày các các chuyên đề như “Từ Hiệp định Paris đến chiến dịch Hồ Chí Minh qua tài liệu dự trữ”, “Đường Hồ Chí Minh qua các tài liệu của chính quyền Sài Gòn” hay các cuộc triển lãm ảnh như “Việt Nam – Bài ca chiến thắng”.

Căn phòng bên trong Dinh Độc Lập. Hình: Sưu tầm

Tại đây, bạn không chỉ nhìn lại được những tấm ảnh sống động thời kì trước mà còn được biết thêm, tìm hiểu thêm về chi tiết lịch sử ẩn sâu trong nó mà không được sách báo nào viết lại. Khu bổ sung là khu trưng bày ảnh được tìm thấy và sưu tập sau này. Những tấm ảnh được người dân lưu giữ từ các thời kháng chiến đến khi độc lập gửi vào Di tích để bảo quản và truyền lại cho con cháu đời sau.

Những chiếc xe tăng được trưng bày trong khuôn viên Dinh Độc Lập. Hình: Sưu tầm

3. Địa đạo Củ Chi – Thành phố Hồ Chí Minh

Địa đạo Củ Chi nằm cách trung tâm Sài Gòn khoảng 70 km. Đây là nơi thu nhỏ lại trận đồ biến hóa của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến chống suốt 30 năm đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc.

Địa đạo Củ Chi. Hình: Sưu tầm

Địa đạo Củ Chi có chiều dài lên đến khoảng 250 km, từ đường “xương sống” địa đạo tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất. Hệ thống địa đạo bao gồm hệ thống đường ngầm,phòng làm việc, bệnh xá, các phòng ở, nhà bếp và kho chứa. Trong thời kỳ chiến tranh, đường hầm là nơi trú của người dân trong các cuộc bố ráp càn quét của thực dân Pháp, cũng đồng thời là hệ thống đi lại, liên lạc giữa các ấp để hỗ trợ lẫn nhau. Cuộc chiến càng khốc liệt thì địa đạo càng trở nên quan trọng, trở thành nơi sinh sống, cứu thương, hội họp, chứa vũ khí và hỗ trợ cho các trận đánh lớn. Nhờ vào kiến trúc chằng chịt, biến hóa linh hoạt nơi đây đã che chở cho biết bao cán bộ, nhân dân Sài Gòn trong thời kì kháng chiến chống giặc.

Khám phá địa đạo Củ Chi. Hình: Sưu tầm

Ngoài di tích lịch sử đặc biệt địa đạo Củ Chi, ở đây còn có nhiều hoạt động vui chơi khác hấp dẫn như: bắn súng thể thao quốc phòng, bắn súng sơn, bơi lội, chèo thuyền trên hồ hay thuê xe đạp vòng quanh địa đạo.

Bắn súng thật tại Địa đạo Củ Chi. Hình: Sưu tầm

4. Di tích Nhà tù Phú Quốc

Nhà tù Phú Quốc nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, thuộc tỉnh Kiên Giang. Với diện tích khoảng 500km2, di tích nhà tù Phú Quốc là nơi tái hiện lên hàng trăm hình thức tra tấn man rợ mà thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đày đọa các chiến sĩ cách mạng ta. Đây là nơi giam giữ các chiến sĩ cộng sản với khoảng 40.000 tù binh.

Nhà tù Phú Quốc. Hình: Sưu tầm

Sự tồn tại 6 năm cùng với những mất mát đau thương, hàng trăm người chết và hàng nghìn người bị thương, nhà tù Phú Quốc là điểm đến để lại nhiều cảm xúc cho du khách. Tại đây, nếu để ý kĩ, du khách sẽ thấy từ cửa nhìn vào là mỗi phân khu đề phòng làm việc riêng cho giám thị phân khu. Trong phòng này là nơi để rất nhiều dụng cụ lao động làm việc như: dao làm bếp, búa hay cuốc xẻng,.. Mỗi phân khu các phòng và dãy cách nhau khoảng 5m và thường không có hàng rào mà được thiết kế kèo sắt, vách tôn và nóc tôn. Ngoài ra còn có phòng thẩm vấn hay biệt giam trong mỗi phân khu và một phòng dùng làm nhà bếp cho tù binh tự nấu cơm ăn.

Hình ảnh mô phỏng đày đọa chiến sĩ cách mạng ta. Hình: Sưu tầm

Ngày nay nhà tù còn được xây thêm khu trưng bày trong nhà và ngoài trời với nhiều hiện vật còn nguyên giá trị lịch sử càng bộc lộ rõ nét những năm tháng ấy.

Nhà tù Phú Quốc là điểm tham quan không thể bỏ qua dành cho ai yêu thích lịch sử. Hình: Sưu tầm

5. Rừng U Minh Thượng – Kiên Giang

U Minh Thượng thuộc địa phận của các huyện An Biên, An Minh và Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang. Nơi đây không chỉ gợi lên một vẻ đẹp hùng vĩ, nguyên sơ của thiên nhiên xanh mát với nguồn tài nguyên động thực vật đa dạng, phong phú mà còn là vùng đất gắn liền với nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Rừng U Minh Thượng – Kiên Giang. Hình: Sưu tầm

U Minh Thượng là một trong những khu căn cứ địa cách mạng trải qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ ở khu vực Tây Nam Bộ. Đây còn là nơi thành lập các lực lượng quan trọng như: chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, Văn phòng Trung ương Tây Nam, Đảng ủy miền Nam, Quân khu 9,… Có thể nói, U Minh Thượng đã đi cùng nhân dân ta qua những giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc.

Bên trong Căn cứ U Minh Thượng. Hình: Sưu tầm

Nếu bạn là người yêu thích lịch sử, trong chuyến tham quan rừng U Minh Thượng nhất định không nên bỏ qua các điểm di tích như: Di tích Lịch sử – Văn hóa thời kỳ Óc Eo: Đền Vua, Kèo Một, Cạnh Đền, Nền Vua,…; Di tích Lịch sử – Văn hóa Khmer Xẻo Cạn; Di tích Lịch sử – Cách mạng Căn cứ U Minh Thượng: Bia chiến thắng Bàu Môn, bia chiến thắng Xẻo Rô,.. Di tích Lịch sử – Cách mạng Căn cứ Ban An Ninh Khu 9

6. Nhà tù Côn Đảo

Côn Đảo ngày xưa được mọi người biết đến với biệt danh là “địa ngục trần gian”, bởi vì tại đây có một hệ thống nhà tù được người Pháp xây dựng để giam giữ những tù phạm đặc biệt nguy hiểm cho chế độ thực dân Pháp. Trong vòng 100 năm, tại nhà tù Côn Đảo đã có tới hơn 20.000 chiến sĩ yêu nước bị tra tấn và hy sinh. Sở dĩ thực dân Pháp xây dựng nhà tù ở Côn Đảo, vì có vị trí ở xa đất liền và khó khăn khi di chuyển khiến cho tù nhân không thể thoát ra ngoài được.

Nhà tù Côn Đảo. Hình: Sưu tầm

Khi đến thăm quan các trại tù, bạn sẽ cảm thấy rùng mình và ghê sợ khi được tận mắt nhìn thấy những căn phòng nóng bức và ngột ngạt. Ở trong đó là những hình thức lao động khổ sai, với những công cụ tra tấn rùng rợn và phi nhân tính nhất. Và cho đến nay, nhờ có sự nỗ lực của người dân trên đảo cùng với các cấp chính quyền đã biến nơi này trở thành một địa điểm du lịch vô cùng hấp dẫn và nổi tiếng của Việt Nam.

Những khung cảnh rùng mình bên trong nhà tù Côn Đảo. Hình: Sưu tầm

Hiện nay nhà tù Côn Đảo trở thành điểm tham quan lịch sử nổi tiếng. Hình: Sưu tầm

7. Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi – Bến Tre

Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre có mô hình sa bàn tái hiện tóm tắt diễn biến của phong trào Đồng Khởi, mô hình thể hiện quá trình triển khai kế hoạch nổi dậy của Tỉnh ủy Bến Tre xuống địa phương, tái hiện cuộc đấu tranh chính trị bắt đầu từ ngày 1/4/1960 trong cuộc tản cư ngược diễn ra trong 12 ngày đêm của lực lượng quần chúng từ 3 xã Phước Hiệp, Bình Chánh, Định Thủy và các vùng phụ cận về thị trấn Mỏ Cày (Bến Tre).

Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre. Hình: Sưu tầm

Khi đến khu di tích, bạn có thể hình dung rõ nét về các sự kiện, hoạt động đã diễn ra trong phong trào Đồng Khởi lịch sử năm xưa qua những chiếc mõ dừa, thanh mã tấu, súng ngựa trời, bom mìn tự tạo, những mũi chông cau, mô hình làng chiến đấu. Những vũ khí thô sơ ấy cộng với khí thế nổi dậy hừng hực như nước vỡ bờ đã làm cho kẻ thù kinh hoàng và hoảng sợ… Phong trào Đồng khởi ở Bến Tre đã đi vào lịch sử truyền thống cách mạng Việt Nam, một mốc son chói lọi trong cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Những hình ảnh về phong trào Đồng Khởi năm xưa. Hình: Sưu tầm

Trên nóc bảo tàng di tích, các nhà thiết kế đã xây dựng hình tượng “Ngọn lửa đồng khởi”  gây ấn tượng cho khách tham quan, đồng thời tạo vẻ mỹ quan cho di tích. Xung quanh có những thảm cỏ xanh, khoảng sân rộng với những bồn hoa và cây cảnh làm tăng thêm vẻ đẹp của khu di tích.

8. Di tích đồi Tức Dụp – An Giang

Khu Di tích lịch sử cách mạng Đồi Tức Dụp thuộc địa phận xã An Tức, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Địa hình Tức Dụp cao 216m, với diện tích trên 2.200m, là sản phẩm thiên nhiên độc đáo được tạo hóa ban tặng, với chu vi hình cánh cung dài khoảng 3km.

Khu Di tích lịch sử cách mạng Đồi Tức Dụp. Hình: Sưu tầm

Đến với Tức Dụp, ngoài thám hiểm những điều kì thú từ thiên nhiên, bạn còn được sống lại những phút giây lịch sử thông qua các hình ảnh, nhân chứng và thiết bị vũ trang được trưng bày trong căn nhà Truyền thống. Tiến vào phòng Sa bàn, bạn sẽ hiểu rõ hơn về diễn biến trận đánh 128 ngày đêm lừng lẫy trong lịch sử, khi quân địch với một lực lượng hùng hậu gồm bộ binh, máy bay, pháo binh, nhưng chúng vẫn không thể đánh thắng được ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân ta. Tính ra, riêng sự mất mát về phương tiện chiến đấu, bom đạn, giặc Mỹ đã chi vào ngọn đồi này hơn 2 triệu USD nên Tức Dụp có thêm tên gọi  mới “Đồi hai triệu đô”. Bọn lính ngụy trong vùng thời đó hậm hực gọi là đồi “Tức Chết”.

Bên trong đồi Tức Dụp. Hình: Sưu tầm

Nếu đến đồi Tức Dụp trong các dịp lễ hội, bạn còn có cơ hội hòa mình vào các trò chơi dân gian vui nhộn như đu dây, kéo co, xem ca múa nhạc tổng hợp, thưởng thức chương trình đờn ca tài tử Nam bộ,…Hiện nay, Tức Dụp đã mở rộng các con đường để khách du lịch có thể di chuyển dễ dàng cũng như xây dựng thêm nhiều nhà hàng, nhà nghỉ, và quầy lưu niệm để phục vụ du khách.

Nơi tái hiện lại cuộc chiến 128 ngày đêm lừng lẫy trong lịch sử. Hình: Sưu tầm

9. Khu bảo tồn Sóc Bom Bo – Bình Phước

Sóc Bom Bo ngày nay thuộc ấp 1 xã Bình Minh huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước. Qua chiến tranh và thời gian, Sóc Bom Bo đã có nhiều biến đổi nhưng vẫn giữ nhiều nét đặc trưng riêng của đời sống đồng bào người S’Tiêng. Sóc Bom Bo được hình thành từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi quân địch càn quét dã man khiến quân ta thiếu lương thực, đồng bào trong Sóc đã huy động hết sức người sức của không kẻ gái, trai, già, trẻ ngày đêm giã gạo nuôi quân với những chiếc chày, cối thô sơ bên cạnh bếp lửa hồng.

Khu bảo tồn Sóc Bom Bo – Bình Phước. Hình: Sưu tầm

Để lưu giữ, tái hiện một số làng nghề truyền thống và đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào S’tiêng phục vụ khách tham quan, đến nay, đã có 18 hộ dân S’tiêng vào sinh sống ổn định trong tổng số 20 nhà duy trì làng nghề truyền thống tại khu bảo tồn. Ngoài ra,  khi đến Sóc Bom Bo vào mùa lễ hội, bạn sẽ được cùng người dân nơi đây đắm chìm trong men rượu cần bên bếp lửa hồng ăn thịt heo rừng gác bếp hay những ống cơm lam ngọt lịm trong ống nứa, và cùng người dân hồi tưởng lại những năm tháng hào hùng trong điệu nhạc, điệu cồng chiêng vang lên trong màn đêm tĩnh mịch, êm lắng của núi rừng.

Tái hiện lại đồng bào ngày đêm giã gạo nuôi quân. Hình: Sưu tầm

Nơi lưu giữ truyền thống. Hình: Sưu tầm

10. Di tích chiến thắng Ấp Bắc – Tiền Giang

Di tích lịch sử Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cách trung tâm TP. Mỹ Tho khoảng 20 km. Đây là nơi diễn ra trận đánh lớn nhất miền Nam kể từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ vào ngày 2-1-1963, báo hiệu sự sụp đổ của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” mà Mỹ áp dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Do thất bại nặng nề trong trận đánh, giặc cho pháo và máy bay ném bom vào trận địa Ấp Bắc, làm cháy nhiều nhà dân. Mặc dù vậy, các mẹ, các chị vẫn nấu cơm tiếp tế cho bộ đội.

Tượng đài ở Di tích lịch sử Ấp Bắc. Hình: Sưu tầm

Đến với khu di tích, bạn sẽ được đi trong quần thể rộng lớn với 2 phân khu chức năng. Khu vực 1 gồm có tượng đài, nhà mộ 3 chiến sĩ gang thép, 3 hồ sen lớn, nhà trưng bày xe tăng, máy bay, công viên với nhiều loại cây kiểng. Khu vực 2 gồm có nhà trưng bày hiện vật, phía dưới là hồ sen, bên trái là quảng trường và công viên được trồng cây cảnh; phía sau là những mô hình được phục chế tái hiện cảnh dân quân tải thương, nấu cơm, trảng xê, hầm bí mật. Ở phía xa bên ngoài cánh đồng rộng lớn là những biểu tượng máy bay, xe tăng địch bị bốc cháy.

Bên ngoài là nơi trưng bày máy bay, xe tăng. Hình: Sưu tầm

11. Khu căn cứ Tà Thiết – Bình Phước

Tà Thiết là một sóc nhỏ nằm sâu trong cánh rừng nguyên sinh rộng lớn thuộc ấp Cần Dực, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.  Đây là khu căn cứ chỉ huy của Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh giải phóng, nơi tập trung cho tâm lực, trí tuệ xuất sắc nhất cho giai đoạn nóng bỏng của cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam.

Điểm đón khách của khu căn cứ Tà Thiết. Hình: Sưu tầm

Căn cứ Tà Thiết được xây dựng từ năm 1973, đây là một tổng thể hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn, hội trường ngầm, nhà ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và quân đội ta. Các hạng mục trong căn cứ đều được xây dựng theo lối nửa chìm nửa nổi, cách nhau từ 50-200m, nép mình dưới những tán cây lớn và bụi le đan cài chằng chịt. Người dân trong vùng thời ấy quen gọi nơi này là “rừng Chính phủ”.

Những căn nhà bên trong căn cứ Tà Thiết. Hình: Sưu tầm

Đến đây, bạn không chỉ được chứng kiến những hình ảnh, hiện vật, tư liệu sinh động của một thời chiến tran mà còn được thưởng thức những món ăn mang tính đặc trưng của thời kỳ kháng chiến như cơm nắm muối vừng, canh thục cơm lam, canh chua lá giang, măng rừng đọt mây, khoai mì nướng…

Bộ chỉ huy ở căn cứ Tà Thiết. Hình: Sưu tầm

12. Rừng Kiến An – Bình Dương

Cách thành phố Thủ Dầu Một 20km, nằm trên địa bàn xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, rừng Kiến An là khu rừng lịch sử trải rộng với diện tích 245 ha. Kiến An là một khu rừng già, nằm giữa hai con sông Sài Gòn và Thị Tính, đã được chọn làm căn cứ cánh mạng từ thời Pháp thuộc, trở thành vị trí chiến lược, có tầm quan trọng về mặt quân sự trên cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn, làm bàn đạp cho các cuộc tiến công của quân ta lúc bấy giờ.

Khu di tích lịch sử rừng Kiến An. Hình: Sưu tầm

Đặt chân đến đây, chúng ta không khỏi bồi hồi và xúc động bởi những vết tích của chiến trường xưa vẫn còn đây, với những căn hầm công sự, giao thông hào, những mái nhà lá ẩn hiện giữa khu rừng. Những hố bom B52 nay không còn rõ nét do bị cây rừng che bớt, nhưng vết tích của nó đã được ghi lại bằng những bảng tên cắm rải rác khắp khu rừng như một minh chứng về một thời kỳ chiến tranh ác liệt.

Rừng Kiến An là một trong những “địa chỉ đỏ” về lịch sử. Hình: Sưu tầm

Không chỉ dịp kỷ niệm 30/4, Chúng ta – những con người ở thế hệ mới và cả con cháu, cha ông của chúng ta nếu có dịp hãy ghé thăm những nơi này, đến và cảm nhận lịch sử hào hùng của dân tộc, của thời kỳ khó khăn nhưng oanh liệt tại những địa điểm trên đây nhé!

0 bình luận

    Các khách sạn phù hợp với bạn!