Những góc quen của TP HCM trong giãn cách

Luyến Nguyễn
936

Những ngày đầu giãn cách, các con đường trung tâm quận 1 im lìm, trái ngược với cảnh xe cộ đông đúc thường thấy.

Từ 0h ngày 9/7, TP HCM giãn cách xã hội toàn thành phố theo chỉ thị 16 để phòng chống Covid-19. Bức ảnh cầu Điện Biên Phủ, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được tác giả Hải An chụp từ trên cao chụp sáng ngày 10/7, ghi nhận nhiều tuyến đường lác đác xe cộ. Theo anh, đây là khoảnh khắc rất hiếm có và mang đến cảm xúc tươi mới giữa đại dịch.

Vòng xoay Điện Biên Phủ những ngày trước giãn cách là một trong những điểm kẹt xe nhất trong thành phố vào giờ đi làm, tan tầm với dòng người di chuyển chậm chạp, đầy bực dọc. Tuy nhiên trong giãn cách, một vài phương tiện băng qua đây đều đi rất nhanh, tạo thành khung cảnh vắng vẻ hiếm thấy.

Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa là một trong những con đường huyết mạch của thành phố, nối từ sân bay vào trung tâm quận 1. Ngày thường ở đây thường xảy ra tình trạng đông đúc, kẹt xe

Đường Đồng Khởi là một trong những con đường đắt đỏ nhất Sài Gòn. Từ ngã tư trên ảnh rẽ phải sẽ tới UBND thành phố, rẽ trái tới nhà hát và khách sạn InterContinental. Con đường cũng là chứng nhân lịch sử 300 năm của Sài Gòn, tại đây nhiều người dân du khách dạo chơi nhưng nay vắng bóng người.

Nhà thờ Đức Bà vào mỗi sáng đều có người tới cầu nguyện, đi dạo trong khuôn viên nhưng nay chỉ có đàn bồ câu.

Phía trước Bưu điện thành phố gần vòng xoay Công xã Paris. Tòa nhà được xây dựng năm 1886-1891 nằm ở vị trí trung tâm và là điểm đến check-in hút khách bậc nhất Sài Gòn giờ hầu như không có bóng người qua lại.

Trên ảnh là Quảng trường đi bộ (phố đi bộ) Nguyễn Huệ phía trước UBND thành phố khi đã hoàn toàn phong tỏa để tránh tập trung đông người. Quảng trường đi bộ được thành phố khánh thành vào tháng 4/2015, với chiều dài 670 m, rộng 64 m là không gian công cộng lớn nhất thành phố. Con phố hoạt động tất cả các ngày trong tuần, tuy nhiên náo nhiệt nhất vào mỗi tối cuối tuần với các hoạt động biểu diễn văn nghệ, vui chơi thể thao và ngồi quán cà phê ngắm cảnh.

Một góc đường Tôn Đức Thắng trước khách sạn Riverside. Đây cũng là một trong những con đường huyết mạch của thành phố dẫn tới bến cảng Nhà Rồng, nối từ quận 4 tới quận 1 và xa lộ Hà Nội nên ngày thường rất nhiều xe tải, xe đầu kéo qua đây. Trong giãn cách, các cửa hàng, hàng ăn, khách sạn đồng loạt đóng cửa, con đường cũng vắng bóng xe cộ.

Một công nhân ăn sáng phía trước ga ngầm đoạn Nhà hát Thành phố đến Chợ Bến Thành. Thành phố hiện tạm dừng tất cả loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Hải An cho biết, đứng trước khung cảnh rộng lớn mà chỉ có một người còn ngồi lại trên đường khiến anh cảm thấy cô đơn giữa thành phố.

Trước giãn cách, người dân thành phố đổ xô mua gom thực phẩm, tạo cơ hội cho mối buôn hàng tăng giá. Nhiều tiểu phương đồng loạt kêu gọi việc dừng tăng giá cả để hỗ trợ nhau vượt qua mùa dịch. Trên ảnh là biểu ngữ dán trên thùng hàng một tiệm bánh trên đường Hàm Nghi.

Chạng vạng, tấm biển hiệu tuyên truyền chống dịch Covid-19 trước nhà hát thành phố sáng đèn tại hiệu ứng ánh sáng mạnh mẽ, như khắc trong tâm trí người nhìn ý chí để cùng vượt qua.

Thành phố hiện thành lập 12 chốt kiểm soát cấp thành phố và 266 chốt cấp quận huyện để hạn chế người dân ra đường khi không cần thiết. Những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng sẽ bị xử phạt.

Theo Lan Hương / Vnexpress
Ảnh: Ngô Trần Hải An

0 bình luận

    Các khách sạn phù hợp với bạn!