Những món ăn tăng sức đề kháng cho trẻ cha mẹ cần biết
Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong thời điểm dịch bệnh thì nâng cao sức đề kháng là biện pháp hữu hiệu nhất. Hãy tạo cho trẻ thói quen ăn uống tốt và chọn những món ăn giúp tăng cường hệ miễn dịch sẽ giúp cơ thể trẻ chống lại được virus và cuộc tấn công của vi khuẩn, tạo nền tảng sức khỏe vững chắc cho tương lai của trẻ.
Sức đề kháng là gì?
Sức đề kháng giúp trẻ chống lại những tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể của trẻ. Đối với cơ thể còn non nớt của trẻ thì sức đề kháng chính là vũ khí bảo vệ trẻ khỏi những virus, vi khuẩn có hại.
Nếu sức đề kháng của trẻ yếu, điều này có nghĩ hệ thống miễn dịch cũng yếu nên nguy cơ trẻ mắc bệnh truyền nhiễm cùng tăng theo, nhất là các bệnh ho sốt, cảm cúm, viêm họng,… thường gặp. Chính vì thế, trẻ cần có sức đề kháng tốt để chống lại bệnh tật, sức khỏe được phát triển toàn diện.
Những món ăn ngon giúp tăng sức đề kháng cho trẻ
Thức ăn hàng ngày tác động lên hệ miễn dịch và sức đề kháng của trẻ. Chính vì vậy, để trẻ có thể tránh được các bệnh liên quan đến cảm cúm, ốm, phát triển một cách khỏe mạnh và toàn diện thì hãy bổ sung các loại thực phẩm giúp tăng sức đề kháng cho trẻ vào khẩu phần ăn mỗi ngày ngay hôm nay. Dưới đây là những món ăn tuyệt vời, dễ thực hiện giúp bé tăng cường sức đề kháng:
Thịt nạc: Trong thịt nạc chứa nhiều các chất dinh dưỡng như protein – giúp duy trì và tăng cường sức khỏe cho trẻ, kẽm – hỗ trợ các tế bào bạch cầu, chống nhiễm trùng tốt. Bạn có thể dễ dàng chế biến thịt nạc thành món chà bông để trẻ ăn kèm với cơm hoặc bánh mì, hoặc xào với các loại rau củ như súp lơ, hành tây, nấm,… để bữa ăn của ngon miệng và đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
Bổ sung đa dạng các loại thịt nạc như thịt bò, thịt lợn, thịt gà trong bữa ăn hằng ngày để tăng sức đề kháng cho trẻ
Động vật có vỏ: Các loại động vật có vỏ có thể kể đến như cua, tôm, sò, ghẹ, trai,… Vừa là những món ăn ngon miệng lại chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp trẻ bổ sung thêm canxi, sắt và những khoáng chất khác có tác dụng cực tốt trong việc giúp các tế bào miễn dịch thực hiện tốt chức năng của nó.
Khi cho trẻ ăn các món ăn từ động vật có vỏ, bạn cần lưu ý cách chế biến vì nếu chưa chín hẳn, trong thực phẩm có thể ẩn chứa các vi trùng và ký sinh trùng đường ruột. Có thể cho trẻ ăn tôm, cua, ghẹ nguyên con dạng hấp và luộc, hoặc nấu cùng với các loại cháo, mì,… cũng khiến trẻ rất thích thú.
Món tôm hấp vừa dễ làm lại có mùi vị cực ngon
Trái cây thuộc họ cam quýt: Bao gồm các loại quả như bưởi, cam, quýt, chanh,… Trong các loại quả này chứa rất nhiều vitamin C vì giúp tăng sự sản xuất bạch cầu nên được coi như chìa khóa để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Vì vitamin C là nhóm chất bão hòa, tan trong nước nên không được dự trữ trong cơ thể, vì vậy việc bổ sung đều đặn hàng ngày là điều vô cùng cần thiết.
Bạn có thể thêm các loại trái cây trên vào khẩu phần ăn mỗi bữa cho trẻ. Ngoài ra, các loại trái cây khác như đu đủ, kiwi, lựu,… cũng rất tốt cho sức khỏe của trẻ mà ba mẹ nên bổ sung thường xuyên vào các bữa ăn.
Nếu trẻ không thích ăn, bạn có thể chế biến thành món nước ép để trẻ uống mỗi ngày
Rau màu xanh đậm: Những loại rau có màu xanh đậm như rau chân vịt, súp lơ xanh, rau cải, rau ngót,… cung cấp dồi dào các chất vitamin C, carotene, protein và các loại khoáng chất như canxi, phốt pho, sắt,… có tác dụng tăng cường sức đề kháng.
Ngoài ra chúng còn hỗ trợ phòng chống được các bệnh truyền nhiễm và giúp bé phát triển một cách toàn diện. Nên làm chín rau bằng hơi sẽ giúp bảo toàn được dưỡng chất có trong rau và giữ được mùi vị của rau. Ngoài ra, trong nước rau cũng chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất hòa tan nên hãy giữ lại để làm nước sốt hoặc nước sốt dầu giấm nhé!
Món súp lơ xanh xào dầu hào vừa bổ dưỡng lại ngon miệng nhờ độ giòn hấp dẫn
Sữa chua: Thành phần chính của sữa chua có chứa probiotic – là vi khuẩn có lợi cho đường ruột, cải thiện khả năng tiêu hóa thực phẩm. Không những thế lợi khuẩn còn có vai trò tăng sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại bệnh tật.
Bác sĩ khuyên các bậc phụ huynh nên cho trẻ ăn sữa chua đều đặn để giảm nguy cơ bị cảm, bị các bệnh viêm nhiễm như viêm tai giữa, viêm họng, viêm đường hô hấp… Tuy vậy, không phải cho trẻ ăn sữa chua vào thời điểm nào cũng tốt, hãy cho trẻ dùng sau bữa ăn từ 1 – 2 giờ để lợi khuẩn phát triển tốt nhất hoặc vào thời điểm xế chiều giúp cơ thể tăng sức đề kháng, giảm căng thẳng, mệt mỏi và chống bức xạ từ các thiết bị điện tử.
Nên nhớ không nên cho trẻ ăn sữa chua khi đói vì thời điểm này, độ PH trong dạ dày của trẻ khá thấp nên các lợi khuẩn sẽ bị tiêu diệt
Mật ong: Thành phần của mật ong có tính kháng khuẩn, kháng viêm rất cao, có tác dụng trong việc ngăn ngừa và điều trị các triệu chứng liên quan đến đường hô hấp. Pha mật ong với nước ấm cho trẻ uống sẽ khiến giấc ngủ được ngon hơn, tăng sức đề kháng. Cho bé uống hỗn hợp nước ngâm mật ong với quất hoặc chanh đào để phòng chống các chứng bệnh ho suyễn, khạc đờm,… Món trứng gà hấp cùng mật ong là món ăn giúp bé tăng cân đều hơn.
Mặc dù mật ong có rất nhiều tác dụng nhưng các bậc phụ huynh lưu ý không cho trẻ dưới 1 tuổi sử dụng mật ong vì hệ tiêu hóa chưa được ổn định sẽ dẫn đến những vấn đề không mong muốn.
Mật ong được nhiều bố mẹ lựa chọn như loại kháng sinh tự nhiên, an toàn cho trẻ trên 1 tuổi
Quả óc chó: Hàm lượng axit béo omega3 cao ở trong quả óc chó tăng cường khả năng chống lại bệnh tật cho cơ thể. Thành phần này cũng làm giảm các nguy cơ gây nhiễm trùng đường hô hấp, giúp trẻ duy trì huyết áp ở mức bình thường, thúc đẩy hoạt động của tế bào não, tăng cường trí nhớ cho trẻ.
Nên cho trẻ ăn từ 4 – 6 quả óc chó/ngày, bằng cách ăn kèm sữa chua hoặc chế biến các món trong khẩu phần ăn như salad, bánh mì… để trẻ có thể hấp thụ được hoàn toàn chất dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe, phát triển toàn diện và thông minh hơn. Ngoài ra, nếu trong gia đình của bạn có tiền sử dị ứng quả óc chó thì nguy cơ các gen gây dị ứng có thể đến với trẻ nên hãy chú ý cho trẻ khi sử dụng.
Ngoài những tác dụng trên, quả óc chó còn giúp trẻ phát triển cân đối, duy trì cân nặng, hạn chế nguy cơ mắc bệnh béo phì
Hạt hạnh nhân: Hạt hạnh nhân có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe, điển hình là giúp bé cải thiện trí thông minh. Thành phần riboflavin và L-carnitine giúp kích thích hoạt động của trí não, loại bỏ nguy cơ suy giảm trí nhớ. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa hỗ trợ nâng cao hệ miễn dịch, giúp cơ thể trẻ loại bỏ được độc tố, một số axit béo giúp chống viêm và giúp trẻ có một sức khỏe tốt.
Bạn có thể làm món sinh tố hạnh nhân thơm ngon hoặc cho hạnh nhân vào sữa, nấu cháo hạnh nhân, nấu chè hạnh nhân hạt sen… để trẻ dùng, các món này rất thơm ngon và dễ ăn.
Tuy rằng loại hạt này rất tốt đối với sức khỏe của trẻ nhưng bạn cần theo dõi xem liệu trẻ có bị dị ứng với hạt hạnh nhân không nhé!
Khoai lang: Khoai lang là loại củ dễ ăn chứa nhiều beta-carotene, vitamin E và C giúp trẻ tăng cường miễn dịch, bảo vệ trẻ chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn và virus, chống oxy hóa mạnh mẽ. Ba mẹ thường xuyên cho trẻ ăn khoai lang còn giúp trẻ chống được táo bón, giúp nhuận tràng. Các món ăn từ khoai lang rất đa dạng và dễ chế biến, các mẹ có thể làm món canh khoai lang, chè khoai lang, khoai lang hầm xương, khoai lang luộc,… để giúp trẻ tăng sức đề kháng.
Khoai lang kết hợp cùng các nguyên liệu khác để nấu thành món chè khoai lang ngọt bùi cực hấp dẫn
Tỏi: Tỏi là loại gia vị vô cùng tốt đối với sức khỏe của trẻ, tăng cường sức đề kháng tốt và ngăn ngừa bệnh rất hiệu quả, trị được các bệnh về đường hô hấp, ho, sổ mũi, nghẹt mũi,… Có nhiều trẻ không thích mùi của tỏi nên để trẻ có thể ăn được, mẹ hãy khéo léo chế biến cùng các loại thực phẩm khác để trẻ có thể ăn ngon miệng hơn.
Ngoài ra, trên thị trường có bán tinh dầu tỏi, bố mẹ có thể cho con dùng 1-2 giọt/ngày để tăng cường sức đề kháng, chống lại các nguy cơ mắc bệnh cảm cúm, cảm lạnh vào mùa đông.
Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên đã có thể bắt đầu ăn tỏi để tăng cường sức khỏe
Nấm: Nếu bổ sung nấm vào chế độ ăn của trẻ, các lợi ích mà trẻ nhận lại rất nhiều như cải thiện sức khỏe gan, tăng cường miễn dịch, giúp trẻ tránh khỏi nguy cơ thiếu máu,… Các món làm từ nấm rất ngon miệng và hấp dẫn, mẹ có thể tham khảo món súp nấm gà, cháo gà nấm hương, nấm xào,…
Khi chế biến các món ăn từ nấm, chỉ nên dùng một loại duy nhất chứ không nên dùng lẫn lộn, phải luộc sôi nấm trước khi xào nấu để phòng có độc tính
Có thể thấy, việc bổ sung các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng trên là rất cần thiết để tạo cho trẻ một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Hệ thống miễn dịch mạnh có thể giúp trẻ giảm nguy cơ nhiễm virus, vi khuẩn, tăng tốc quá trình phục hồi sau khi bị nhiễm trùng.
Ngoài chế độ dinh dưỡng phù hợp, cha mẹ cần cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất phù hợp với lứa tuổi, tiêm chủng đầy đủ, uống nhiều nước,… để trẻ có một cơ thể khỏe mạnh và phát triển toàn diện.
Hy vọng bài viết vừa rồi đã cung cấp những thông tin hữu ích về những món ăn tăng sức đề kháng cho trẻ, giúp các bậc phụ huynh trong quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ. Chúc các con luôn khỏe mạnh và an toàn trong mùa dịch.
0 bình luận