- Tin tức > Du lịch > Miền Trung > Quảng Nam > Du lịch Hội An >
Phở khoai mì – món ăn lạ miệng trong chuyến du lịch Hội An
Huyện Quế Sơn của tỉnh Quảng Nam vốn nổi danh với khu du lịch sinh thái Suối Nước Mát – Đèo Le. Đây là một địa điểm ưa thích của dân đi phượt Hội An. Tuy nhiên, địa phương này còn có một món đặc sản vô cùng độc đáo, thơm ngon và níu chân bao thực khách, đó chính là món phở khoai mì.
Từ lâu, nhiều du khách đã từng biết đến ẩm thực Quảng Nam với những món ăn ngon miệng, đậm đà nhưng vẫn hết sức bình dị và dân dã. Nhiều người thường dẫn chứng những món ăn như mì Quảng, cao lầu, bánh quai vạc để minh họa cho nhận định trên. Tuy nhiên, người dân Quảng Nam cũng có những món ăn độc đáo của riêng mình, mà phở khoai mì là một trong số đó.
Xem thêm: Cao Lầu Hội An có gì đặc biệt ?
Khoai mì tươi – nguyên liệu chính của món phở khoai mì (Ảnh sưu tầm) |
Phở khoai mì có nguồn gốc từ Quế Sơn, một huyện trung du của tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm du lịch Hội An khoảng 30km. Món phở này độc đáo bởi được làm từ bột khoai mì (miền Bắc gọi là củ sắn), chứ không phải bột gạo như phở thông thường.
Muốn chế biến phở khoai mì, người dân địa phương đem khoai mì xắt lát mỏng, phơi khô rồi xay thành bột. Sau đó, bột được cho vào nước lạnh, khuấy đều rồi để lắng. Lúc này, người làm sẽ chắt lớp nước trên mặt bột đi. Họ làm đi làm lại như vậy nhiều lần cho đến khi lớp nước ở trên bột không còn đục nữa. Bột khoai mì khi được lọc nhiều lần như vậy sẽ trắng hơn và được loại bỏ được hết các chất độc, chất đắng.
Phơi khô phở dưới nắng (Ảnh sưu tầm) |
Sau khi lọc xong, bột được cho vào nồi bắc lên bếp. Người làm phở sẽ khuấy đều tay và đun nhỏ lửa để bột chín đều và không bị dính dưới đáy nồi. Khi thấy tay khuấy nặng hơn tức là bột đã chín. Bột chín được cho ra chậu, để nguội rồi đổ vào khuôn.
Lúc này, họ sẽ dùng sức ép lên khuôn để bột bên trong thoát ra các lỗ tròn bên dưới đáy khuôn. Một người khác sẽ lấy tấm vỉ tre mỏng nhanh nhẹn đón lấy sợi phở rồi khéo léo trải bột trên vỉ thành hình mắt cáo. Những tấm phở này sẽ được phơi khô qua một nắng. Phở ngon phải khô giòn và có màu vàng nhạt, trong như gương.
Phở khoai mì sau khi được ngâm nước cho mềm (Ảnh sưu tầm) |
Khi ăn, tấm phở được bẻ ra làm bốn rồi đem ngâm vào nước ấm khoảng 5 phút. Sau khi đã nở mềm, phở được vớt ra để ráo nước. Trong lúc đó, người đầu bếp sẽ thực hiện những công đoạn chuẩn bị đồ gia vị như giã tỏi đem khử dầu phộng, pha sẵn một chén mắm ớt tỏi thật ngon, giã dập đậu phộng rang và sắp sẵn một ít rau chuối, rau thơm như húng, quế, tía tô… Sau khi những thứ ăn kèm đã được chuẩn bị xong, phở được cho vào bát rồi rưới dầu phộng, mắm và bỏ đậu, rau… vào trộn đều. Chỉ đơn giản như vậy mà thực khách đã có một tô phở khoai mì ngon lành không thua kém bất cứ đặc sản ở Hội An.
Phở khoai mì trộn (Ảnh sưu tầm) |
Gắp một miếng vào miệng, vị dai dai, bùi bùi của sợi phở quyện với mùi thơm của tỏi dầu, đậu phộng rang, rau thơm… mang đến cho thực khách một hương vị ngon lạ và rất đậm đà, khó quên. Nếu có bánh tráng gạo nướng bẻ nhỏ bỏ vào bát phở thì độ ngon của món này còn được nâng lên thêm một bậc nữa. Ngày nay, khi chế biến phở khoai mì, nhiều người còn cho thêm cả tôm, thịt nạc băm, nhộng hay cá lóc rồi chan nước dùng nấu từ xương heo, xương cá, tôm lên trên, khiến cho tô phở càng thêm bổ dưỡng.
Phở khoai mì cá lóc thơm ngon và bổ dưỡng (Ảnh sưu tầm) |
Đến bất cứ ngôi chợ lớn nhỏ nào ở huyện Quế Sơn, thực khách đều dễ dàng thưởng thức được món đặc sản phở khoai mì. Nếu đã có dịp đi du lịch tại Hội An, du khách nên dành chút thời gian để tìm hiểu thêm về ẩm thực của xứ Quảng, mà trong đó món phở khoai mì là một đại diện tiêu biểu.
Xem thêm:
0 bình luận