- Tin tức > Du lịch > Miền Nam > Ninh Thuận > Phan Rang - Tháp Chàm >
Say lòng trước sắc màu hoài cổ tháp Chàm Ninh Thuận
Nếu bạn mê say những nét kiến trúc độc đáo của văn hóa Chăm, đang lên lịch để chuẩn bị cho chuyến du lịch Phan Rang vào ngày cuối tuần thì hãy cùng Vntrip.vn tham khảo những thông tin hữu ích về tháp Chàm Ninh Thuận dưới đây nhé.
Tháp Chàm – đậm nét Chăm ở Ninh Thuận
Ninh Thuận – mảnh đất đầy nắng và gió và ngay tại đây xưa kia cũng là kinh đô Panduranga của Vương quốc Champa cổ. Tháp Chàm như một đặc trưng mang đậm nét văn hóa của vùng Phan Rang và đây cũng chính là điểm du lịch của Ninh Thuận không thể bỏ qua một khi đã đặt chân đến xứ sở hoa xương rồng này. Hiện nay, ở Ninh Thuận còn lại 3 ngôi tháp, mang 3 phong cách và niên đại khác nhau đó chính là tháp Tháp Po Klong Garai, Tháp Hòa Lai, Tháp Pôrômê.
- Tháp Po Klong Garai
Vững chãi theo năm tháng, tháp Po Klong Garai trên đồi Trầu đã và đang trở thành một điểm du lịch của Ninh Thuận không thể thiếu trong chương trình tham quan du lịch Phan Rang. Không chỉ là một minh chứng của dấu ấn Chăm Pa cổ trên đất Việt mà là nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Chăm. Hơn 600 năm nay, tháp Po Klong Garai vẫn luôn xứng danh ngôi vị tháp Chăm cổ hùng vĩ nhất và đẹp nhất đất Việt.
Người xưa kể lại rằng, vua Shihavaman (Chế Mân – chồng của Huyền Trân công chúa) đã xây dựng trong khoảng từ cuối thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XIV để tỏ lòng biết ơn, tỏ lòng tôn kính và yêu mến của với vị vua Po Klong Garai (1151 – 1205) đã là một đấng minh quân, anh dũng, đã đóng góp nhiều công lao lớn cho đất nước Chăm .
Ngay từ dưới chân của ngon đồi Trầu bạn đã có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp hùng vĩ của cụm tháp cổ kính này. Bước thêm từng bước chân thì bạn đã mở rộng tầm mắt với những đường nét tinh tế, sắc sảo bởi nghệ thuật kiến trúc hoàn hảo, toàn mỹ nhất trong nghệ thuật xây dựng kiến trúc của người Chăm. Về tổng thể, công trình tháp Po Klong Garai bao gồm 6 tháp, tuy nhiên hiện nay chỉ còn 3 tháp nguyên vẹn là: tháp Cổng, tháp Lửa và tháp Chính. Hầu hết các tháp đều được xây dựng từ loại gạch nung đỏ sẫm, kết dính lại với nhau bằng chất keo thực vật địa phương gọi là dầu rái. Ở mỗi tháp khác nhau, bạn sẽ lại được khám phá một hiện vật mới, hiểu thêm một giá trị truyền thống trong kiến trúc, văn hóa và tín ngưỡng Chăm Pa.
Đầu tiên, trong chuyến tham quan khám phá Po Klong Garai bạn nên đi thứ tự tháp Cổng đến tháp Lửa và cuối cùng là tháp Chính. Vì sao lại nên đi theo trật tự như vậy ? Đơn giản là để bạn có thể hình dung và mường tượng ra được lối kiến trúc của cum tháp một các nhanh nhất. Có thể hiểu cụm tháp này được thiết kế như ngôi nhà của chúng ta gồm 3 phần : cửa đón tiếp, khu sinh hoạt và nơi thờ cúng.
Tháp Cổng là cổng ra vào hành lễ, cúng tế và đón tiếp khách của vua có hai cửa thông nhau theo trục Đông – Tây và tên gọi của tháp cũng bắt nguồn theo lối kiến trúc này. Tháp có độ cao khoảng 8.56 m và được chạm trổ hoa văn tỉ mỉ, công phu. Tháp Cổng được xây dựng theo nguyên tắc càng cao càng nhỏ dần, tạo thành đỉnh chóp ở phía trên cùng.
Rời Tháp Cổng bạn đến với tháp Lửa nằm ở phía Nam ngọn đồi Trầu, để tiếp tục chiêm ngưỡng phá kiến trúc độc đáo mang dáng dấp của tín ngưỡng Bà La Môn với lối thiết kế đặc trưng có hai mái cong hình chiếc thuyền, khá giống những mái nhà rông truyền thống của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên. Tháp Lửa cũng chính là nơi cúng tế của các tu sĩ và cũng là nơi để long bào, đai mão, xiêm y và các vật dụng quan trọng của nhà vua Chăm Pa.
Và cuối cùng bạn sẽ đến với tháp Chính – kiến trúc trọng tâm của công trình tháp Po Klong Garai và mang đậm sắc màu văn hóa kiến trúc Chăm Pa. Có thể nói rằng đây là ngọn tháp Chăm đẹp nhất trên đất Việt vẫn còn nguyên vẹn qua bao thăng trầm của dòng chảy thời gian. Tháp Chính là nơi thờ tượng vua Po Klong Garai với biểu tượng Mukha – Linga được thiết kế khá độc đáo, cao khoảng 20,5m được xây nhiều tầng, xung quanh các góc tháp đều tạc tượng thần chỉ có 1 cửa chính mái vòm ở hướng Đông, được điêu khắc hình ảnh thần Siva và có hai trụ đá lớn đỡ lấy mái được khắc chữ Chăm cổ. Ngoài ra, tháp này còn có 3 cửa giả tỏa ra 3 hướng Tây – Nam – Bắc, trụ ốp gạch lồi, lõm được tạc tượng thần ở phía trong.
Khi đến tham quan tháp Po Klong Garai bạn không chỉ được ” tận tay tận mắt ” nhìn thấy những minh chứng của lịch sử mà còn được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa ở bảo tàng văn hóa dân tộc Chăm. Đây là nơi lưu giữ, bảo tồn và trưng bày sách ảnh, những vật dụng của người Chăm từ thuở sơ khai của mảnh đất này. Bạn cũng có thể chọn mua một vài món quà thổ cẩm nhỏ xinh làm quà lưu niệm trong hành trình du lịch Phan Rang đấy!
- Tháp Pôrômê
Không kém cạnh tháp Po Klong Garai thì tháp Pôrômê cũng là một trong những tháp Chăm có lối kiến trúc độc đáo và vẫn con khá nguyên vẹn với thời gian. Tọa lạc trên một ngọn đồi tại huyện Ninh Phước cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 25km được người Chăm xây dựng vào thế kỷ XVII để thờ vua Pôrômê, vị vua có công phát triển nông nghiệp và thủy lợi cho đất nước Chăm Pa. Khác với tháp Po Klong Garai được xây theo 3 cụm thì tháp Pôrômê được thiết kế gồm 4 tầng, có một cửa chính có cấu trúc dạng vòm trở thành tiền sảnh, phía trên có gắn phù điêu thần Siva. Ba tầng còn lại, khắp 4 mặt đều có những vòm cung, có gắn tượng người tương tự ở tầng dưới để trang trí đồng thời tạo cho tháp một vẻ uy nghiêm, trầm mặc. Ở 4 góc của 4 đỉnh có gắn những phù điêu hình ngọn lửa, lên tầng trên là những tượng thú vật nhô ra. Đỉnh tháp là một tảng đá lớn tạc theo hình một Linga
- Tháp Hòa Lai
Cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 15km về phía Bắc cụm tháp Hòa Lai nằm sát quốc lộ 1A rất tiện cho bạn nếu như có ý định tham quan. Đây là cụm tháp được xây dựng từ thế kỷ 9. Đây là một quần thể rất có giá trị về kiến trúc và điêu khắc của người Chăm, gồm 3 tháp: tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam, tuy nhiên tháp Giữa xây dở dang nên hiện nay chỉ còn nền tháp.
Du lịch Phan Rang – Tháp Chàm bạn có thể đi bất kỳ vào ngày nào mùa nào trong năm. Nhưng Vntrip.vn khuyên bạn nên đi vào tháng 7 sẽ có những ngày lễ hội truyền thống của người Chăm tại Ninh Thuận, bạn sẽ được hòa mình vào không khí tưng bừng, nhộn nhịp của các nghi thức lễ hội, hoạt động vui chơi thú vị cùng người dân địa phương. Trong đó, lễ đầu năm, lễ cầu mưa, lễ hội Kate, lễ Chabun,… đều là những ngày lễ quan trọng được tổ chức ở tháp Po Klong Garai.
Để nói về văn hóa Chăm Pa thông qua kiến trúc của những cụm tháp chàm thì cũng chưa thật sự là đầy đủ nhưng rất mong rằng, bài viết trên sẽ hỗ trợ cho bạn đọc một số thông tin về tháp Chàm nơi lưu giữ tinh hoa của đất nước Chăm Pa nhỏ bé đã từng tồn tại trong những thế kỷ trước.
0 bình luận