Tết Đoan Ngọ: Sao phải đeo bùa, ăn rượu nếp, đi hái lá…

Luyến Nguyễn
563

Tết Đoan Ngọ được xác lập vào ngày mùng 5-5 Âm lịch, hình thành nên một lễ Tết mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng trong văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Việt cổ.

Nằm trong khu vực được mệnh danh là “châu Á gió mùa”, ở miển Nam nước ta mỗi năm có hai mùa tương đối rõ rệt: Mùa khô và mùa mưa. Gió mùa này tạo thành mùa mưa tập trung, rất thuận lợi cho  nông nghiệp.

Và ngược lại, vào mùa khô sẽ tạo nên thời tiết nóng khắc nghiệt, nắng gắt, đồng ruộng khô cạn, không khí ngột ngạt, dễ sản sinh bệnh tật, đe dọa sức khỏe con người lẫn cây trồng.

Tết Đoan Ngọ được xác lập vào ngày mùng 5-5 Âm lịch, là thời điểm nóng nhất trong năm, hình thành nên một lễ tết mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng trong văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Việt cổ.

Tết Đoan Ngọ cũng được xem là Tết giữa năm, vì theo lịch nguyên thủy, đầu năm tính từ tháng Tý, giữa năm là tháng Ngọ. Tháng Tý là tháng lạnh nhất, tháng Ngọ là tháng nóng nhất. Theo đó, Đoan có nghĩa là khởi đầu, Ngọ là ở giữa, giờ trưa (11-13 giờ), thời tiết nóng, nên “Đoan Ngọ” là khởi đầu cho thời tiết nóng trong năm. Không phải ngẫu nhiên, ngày 5-5 năm nào cũng gần trùng với ngày Hạ chí. Nóng là dương, cho nên Tết này còn gọi là Tết Đoan Dương hay Tết Trùng Dương.

Học giả Nguyễn Văn Huyên cho rằng “Tết Đoan Ngọ là “điểm chính của sự kháng cự”, đánh dấu một trong những thời điểm của mùa hè khi khí dương lên đến đỉnh cao nhất, khí âm cũng đồng thời bắt đầu xuất hiện.

Đoan Ngọ được cử hành vào ngày mùng Năm tháng Năm, tức là khoảng Hạ Chí. Nó còn được gọi là tiết Thiên trung, vì mặt trời vào giờ Ngọ hôm đó đứng ở điểm cao nhất của bầu trời”. Vì thời tiết khắc nghiệt này mà dễ phát sinh bệnh tật, nên người Việt còn gọi là Tết Giết Sâu Bọ.

Theo phong tục xưa, với quan niệm thiên nhân đồng nhất, nếu trời đất (môi trường tự nhiên) có sâu bọ thì trong bản thân con người cũng có sâu bọ, nên từ sáng sớm lúc trẻ con còn ngủ chưa dậy, người ta lén bôi hồng hoàng vào thóp thở, vào ngực, vào rốn để khử trùng, đeo bùa tua, bùa vải bằng chỉ ngũ sắc cho trẻ em.

Bùa túi là những chiếc túi nhỏ đựng bột nhang hay bột các loại cây chanh, lựu, cà, phật thủ… Còn người lớn có tập tục ăn rượu nếp (để cho sâu bọ trong người say) và sau đó ăn quả chua chát (để cho chúng chết). Tương tự, muốn giết được sâu bọ và các tà ma có nguy cơ làm nhiễm độc thức ăn, những người bán thực phẩm treo suốt ngày một gói ớt hoặc một bó xương rồng, bó dứa trên các gánh hàng, quầy hàng của mình. Trong nhà, người ta làm cỗ cúng gia tiên với những sản vật của thời vụ.

Ngoài ra, người Việt còn nhuộm móng tay, móng chân bằng các loại thuốc lá (là móng) để bảo vệ móng và làm đẹp. Đến giữa buổi trưa, vào giờ Ngọ của ngày Đoan Ngọ – lúc dương khí mạnh nhất, người ta đi hái lá mồng 5, ưa chuộng nhất là lá ngải cứu, lá đơn, lá ích mẫu, lá cối xay, lá vối.. đem về phơi khô để dùng làm thuốc trong cả năm. Mọi người cũng tin rằng, tắm bằng nước đun với rễ cây thơm hay với hoa nhài vào ngày này sẽ xua đi những tà khí, mang lại may mắn trong năm.

Ngày mùng 5-5, quà biếu mừng thường là ngỗng với đậu xanh hay dưa hấu với đường

Như vậy, Tết Đoan Ngọ thật sự có ý nghĩa thiêng liêng trong việc chỉ báo đây là thời điểm quan trọng trong năm, đó là thời gian giữa năm, như một lịch biểu nhắc nhở người làm nông nghiệp hãy khẩn trương công việc, tạm tổng kết những việc đã và chưa thực hiện trong năm.

Nhưng đồng thời, đây cũng là cách ứng xử trí tuệ của người xưa đối với môi trường tự nhiên, vừa tận dụng được tự nhiên bằng cách sử dụng các loại cây, thực vật để làm thuốc chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe khi thời tiết khắc nghiệt, vừa đối phó với môi trường tự nhiên một cách hiếu hòa, văn hóa, bằng những tập tục, nghi thức cúng lễ, để tạ ơn, cầu khẩn trời đất mong được bình an, may mắn.

Nó tiếp tục và củng cố thêm chuỗi lễ tết truyền thống của người Việt trong việc định vị giá trị văn hóa Việt Nam trong dòng chảy đương đại.

ThS. Nguyễn Hiếu Tín (Trưởng Bộ môn Du Lịch – Trường Đại học Tôn Đức Thắng) – NLĐO

0 bình luận

    Các khách sạn phù hợp với bạn!