Động Âm Phủ – Điểm du lịch huyền bí ở Đà Nẵng
Nội dung chính
Nằm dưới chân Thủy Vân Sơn, trong hệ thống hang động kỳ ảo của quần thể Ngũ Hành Sơn, động Âm Phủ là một trong những hang dài, rộng, huyền bí nhất và trở thành địa điểm du lịch Đà Nẵng cực kỳ nổi tiếng.
Đường dài vào cõi âm ti
Động Âm Phủ gây tò mò và tạo chút e dè cho du khách ngay từ giây phút ban đầu. Đến thăm quan khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, không phải ai cũng đủ dũng cảm để xuống động Âm Phủ bởi những truyền thuyết, câu chuyện đậm màu sắc huyền bí. Tuy vậy, nơi đây vẫn trở thành một trong những điểm đến ở Đà Nẵng rất nổi tiếng.
Tương truyền, khi du ngoạn tới Ngũ Hành Sơn, tận mắt chứng kiến sự huyền bí của hang động này, vua Minh Mạng đã đặt cho nơi đây cái tên “động Âm Phủ”.
Để vào động, khách tham quan phải đi vòng phía sau núi. Đầu tiên, bạn đi qua cây cầu Âm Dương để tiến vào trong động. Theo truyền thuyết từ xa xưa, đây là cây cầu bắc trên sông Nại Hà, dành cho linh hồn người chết đi qua. Một lối đi chập chờn sáng tối, tiếng gió luồn vào thi thoảng cất lên vun vút, đôi lúc có một vài con dơi giật mình vỗ cánh phá vỡ sự âm u, tĩnh lặng.
Cầu Nại Hà dẫn vào động Âm Phủ – địa điểm du lịch Đà Nẵng huyền bí (Ảnh sưu tầm) |
Động có hai đường chia làm hai ngả, một ngả lên trời (thiên giới) còn một ngả xuống âm phủ (địa ngục). Đường xuống âm phủ âm u và lạnh lẽo. Đường đi thiên giới lại tiến dần đến ánh sáng với những sắc màu tươi sáng.
Đường lên thiên giới (Ảnh sưu tầm) |
Trung tâm động là tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát. Theo quan niệm Phật giáo, đây là vị bồ tát của chúng sinh dưới địa ngục, cứu độ chúng sinh trong lục đạo luân hồi. Đi tiếp vào bên trong là tượng các vị pháp quan cai quản 9 tầng địa ngục và 12 cửa ngục.
Lối dẫn vào 12 cửa ngục khá hẹp. Khách tham quan phải hơi nghiêng mình để lách qua. Du khách có thể sẽ hốt hoảng, giật mình khi bắt gặp những phù điêu, bức tượng đắp nổi rất sinh động về quỷ đầu trâu, mặt ngựa hành hình… Trong ánh sáng mờ ảo như thực như hư, bạn sẽ cảm thấy như mình đang lạc vào chốn âm ti thực sự.
Hình phạt tàn khốc của cõi âm phủ (Ảnh sưu tầm) |
Động Âm Phủ – Kiệt tác của tự nhiên
Các lối đi, ngóc ngách của động Âm Phủ hoàn toàn do “bàn tay” của tạo hóa kiến tạo. Tất cả chỉ chờ thêm những người thợ đá Non Nước đến và tạc ra những bức tượng muôn hình muôn vẻ, hoàn thành một chốn Âm Phủ đúng như tên gọi mà đức vua Minh Mạng đã đặt.
Từ những tuyệt tác của tự nhiên cùng sự kỳ công của những nghệ nhân làng đá, ngày nay, động Âm Phủ trở thành một địa điểm du lịch Đà Nẵng vô cùng hấp dẫn.
Đường xuống Âm Phủ sâu và lạnh lẽo (Ảnh sưu tầm) |
Vòm động cao, có chỗ lên tới 45 – 50m, đi trong động, du khách sẽ có cảm giác đang đi trong một đường hầm xuyên núi. Trần động có những phiến đá hàng trăm năm tuổi. Bên phải là đường xuống âm phủ, với những bậc đá nhỏ luồn qua những eo khúc khuỷu, quanh co để đến tận cùng đáy hang. Bên trái là đường lên Thiên giới với một đường đi lên cheo leo, có khi là dựng đứng. Nơi cuối cùng là một lỗ thông ra bầu trời, ôm trọn cả cảnh vật của Ngũ Hành Sơn, cả chùa Tam Thai, Linh Ứng.
Nơi của những bài học nhân sinh để con người hướng thiện
Động Âm Phủ không chỉ là một trong những điểm đến ở Đà Nẵng hấp dẫn với vẻ huyền bí và kỳ ảo mà còn là nơi để ta nhận ra những bài học về nhân sinh sâu sắc. Qua đó, mỗi người sẽ nhận ra điều đúng, điều sai và hướng đến cái chân – thiện – mỹ ở đời.
Chiếc cân Thiên Lý, nơi công tội, thiện ác được phân xử rạch ròi (Ảnh sưu tầm) |
Tương truyền, ở âm phủ, Phán Quang Điện với chiếc cân Thiên Lý sẽ căn nhắc giữa công và tội. Một bát nước Vong ưu để rũ sạch những hỉ nộ của kiếp nhân sinh rồi đầu thai làm một kiếp mới.
Phật tích Mục Kiền Liên xuống tận cõi âm ti cứu mẹ là bà Thanh Đề (Ảnh sưu tầm) |
Trong lòng động Âm Phủ, du khách cũng sẽ gặp lại một Phật tích đã lưu truyền và phổ biến ngàn năm qua về đạo hiếu của Mục Kiền Liên Bồ Tát. Theo đó, sau khi tu thành chính quả, Mục Kiền Liên xuống cõi âm ti tìm mẹ. Tuy nhiên, tội nghiệt quá nặng không thể cứu thoát nên ngài đành nguyện tâm tu luyện để chuộc lỗi, cứ ngày Rằm tháng Bảy lại tìm đường xuống địa ngục để báo đáp công sinh thành.
Câu chuyện ấy lưu truyền đến tận hôm nay, để ngày Rằm tháng Bảy hàng năm, mọi người sẽ làm lễ Vu Lan báo hiếu đấng sinh thành.
Động Âm Phủ, kỳ ảo, huyền bí và chứa đựng những triết lý nhân sinh sâu sắc đã trở thành một địa điểm du lịch Đà Nẵng hấp dẫn nhiều du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng và cùng nhau hướng đến cái thiện, cái tốt đẹp trong cuộc sống.
Đừng bỏ lỡ
Các khách sạn phù hợp với bạn!
Bài viết mới nhất
Vntrip tham gia triển lãm sản phẩm và các mô hình, giải pháp công nghệ, ứng dụng dữ liệu, trí tuệ nhân tạo – TPHCM
Vntrip nhận giải thưởng Doanh nghiệp có thành tích xuất sắc nhất quận Tây Hồ
Khoảnh khắc ấn tượng dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô
Sân bay Nội Bài cùng 3 sân bay khác đóng cửa do bão số 3 Yagi
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024 tổ chức giữa tháng 6
0 bình luận