- Tin tức > Du lịch > Miền Trung > Quảng Nam > Du lịch Hội An >
Tham dự lễ hội truyền thống khi du lịch Hội An
Nội dung chính
Thành phố Hội An không chỉ được biết đến với khung cảnh đẹp nên thơ, ẩm thực phong phú thơm ngon mà còn được nhắc đến là thành phố của lễ hội địa điểm du lịch không thể bỏ qua, đây như một nét đẹp của ý thức hướng về cội nguồn.
Xem thêm: Cao Lầu Hội An có gì đặc biệt ?
1. Lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu
Lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu diễn ra vào 23 – 3 âm lịch hàng năm tại hội quán Phước Kiến thuộc thành phố Hội An của tỉnh Quảng Nam. Lễ có nguồn gốc theo tín ngưỡng của những buôn người Hoa xưa kia, nhằm tưởng nhớ và biết ơn đến vị thần Thiên Hậu Thánh Mẫu thường xuyên cứu giúp cho người dân đi biển khi gặp tai ương, sóng gió, bão biển, mang lại sự bình yên trên biển cả cho tàu, thuyền.
Theo những người có tuổi và am hiểu lịch sử lâu năm còn sinh sống tại nơi đây kể lại rằng bà Thiên Hậu có gốc tích tại huyện Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến tại Trung Quốc, bà mang họ Lâm, tên thường gọi là Mặc Nương sống vào thời nhà Tống, vì có “Nguyên Trưng Bí Pháp” nên tiên đoán được thiên tai, trừ đuổi tà ma, giúp nhân dân có được sự yên bình và thuận buồm xuôi gió khi căng buồm ra khơi đánh bắt hải sản, chính vì vậy bà được nhân dân tôn thờ như vị thánh và gọi là Linh Hiền Thông Nữ.
Vào tiết cửu trùng 9- 9 âm lịch bà phi thăng lên trời rồi từ đó về sau vẫn thường hiển linh cứu giúp nhân dân, đặc biệt những người bị gặp nạn thiên nhiên trên biển. Điều thú vị hơn 2 vị thần được nhắc đến nhiều trong phim ảnh Trung Quốc là Thiên Lý Nhãn(thần nhìn được ngàn vạn dặm) và Thuận Phong Nhĩ(thần nghe xa được hàng ngàn vạn dặm) theo truyền thuyết đều đi theo bà để tấu lại với bà Thiên Hậu và kịp thời cứu nạn.
Khi người Hoa sang sinh sống và làm ăn tại thành phố Hội An liền cho xây dựng hội quán để thờ cúng những vị thần trong đó có Thiên Hậu Thánh Mẫu, vào ngày bà Thiên Hâụ đản sinh xuống nhân gian trong ngày 22 và 23 âm, người dân lại tổ chức lễ hội cúng tế, nếu du lịch Hội An vào thời điểm này, bạn sẽ được hòa mình vào lễ hội.
Tượng bà Thiên Hậu (Ảnh sưu tầm) |
Nghi lễ đầu tiên là lễ mộc dục: dùng nước sạch, khăn mới lau chùi bụi bám vào tượng, thay áo choàng và đeo đồ trang sức, tiếp theo là tổ chức cúng chay. Lễ vật cúng tế thường được bao gồm những thứ coi là tinh hoa trong lương thực của người dân như: kim trư hay còn hiểu là heo quay, bộ tam sênh là cá, thịt, trứng, bánh bao Phúc Kiến, bún xào Phước Kiến, đồ vàng mã, vịt tiềm bát bửu, hoa quả tươi, hương đèn mới…
Buổi lễ chính thức bắt đầu diễn ra vào 9 giờ đến 10 giờ buổi sáng với tiếng ngân nga du dương của ba hồi chuông trống vang vọng ra xa. Du khách sẽ được chứng kiến khung cảnh trang nghiêm của những người tham gia lễ hội xếp hàng tuân thủ theo thứ tự hàng ngũ trước điện bà Thiên Hậu dâng hương, 3 lần quỳ lạy, người có tuổi và kinh nghiệm chức tước, vai vế nhất đứng đầu tiến lên phía trước kiểm tra lễ vật được bày, đọc tế văn, sau đó con cháu và du khách đều được đến thắp hương và thổ lộ ước nguyện cầu xin bà, xin lộc bà, xin săm. Xong xuôi buổi lễ, người ta cắm một con dao lên con heo quay và cho thêm một ít muối, cuối cùng là tiệc chiêu đãi khách ghé thăm thắp hương và đồng hương hội họp.
Du khách ghé thăm lễ hội để tìm hiểu và khám phá thêm những nét văn hoá, phong tục tập quán của người Hoa trong lễ hội.
2. Lễ vía bà Thu Bồn
Lễ hội này được tổ chức hàng năm vào ngày 12 tháng 2 âm lịch tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Du khách đến với lễ hội để thưởng thức không khí nhộn nhịp, tưng bừng từ sáng sớm tinh mơ đến khi trời đã ngả tối. Mục đích của lễ hội mở ra nhằm tưởng nhớ đến bà Thu Bồn hay còn được gọi là Bô Bô phu nhân, người nước Chăm mang lại nghề nông, ngư nghiệp cho người dân nơi đây.
Lễ hội bà Thu Bồn (Ảnh sưu tầm) |
Lễ hội bao gồm: tế lễ, hội thi đua thuyền tranh tài cao thấp, rước cộ, những trò chơi dân gian được tổ chức: hát hò khoan đối đáp tại Thu Bồn Đông, cờ người, thi dội nước, làm bánh, thi gánh nước, kéo co, bắn cung, đi cà keo, mở chợẩm thực với những món ăn dân tộc thơm ngon của dân tộc Chăm, Cơ Tu,…
Du khách đến với lễ hội để hoà mình vào phong tục lễ hội của người dân sinh sống tại vùng đất nơi đây, tham gia vào những hoạt động hấp dẫn như hát tuồng và đốt lửa trại, thả hoa đăng trên sông, rước đuốc.
3. Lễ hội làng gốm Thanh Hà
Làng gốm Thanh Hà là một điểm đến Hội An nổi bật, nơi không chỉ chứa đựng những màu sắc làng nghề truyền thống mà còn sở hữu những nét văn hóa đa dạng.
Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch hàng năm, mọi người khắp nơi đều đổ về Thanh Hà – làng gốm nổi tiếng để tỏ lòng thành kính giỗ tổ mong cho chư thần, tổ nghề ban cho một năm bình an, làng nghề phát triển, kinh tế của người dân đi lên.
Lễ hội gốm Thanh Hà (Ảnh sưu tầm) |
Ngay từ buổi sáng sớm, phần nghi lễ chính tế tổ với đoàn rước thần chủ đã diễu hành qua khắp các ngả đường. Đội hình lân, sư tử, nghi trượng, dàn bát âm, kiệu thần chủ, kiệu lư hương gốm đi kề bên là 100 nam phụ lão ấu đi từ miếu Nam Diêu về đình Thanh Chiêm tế lễ, đây là nơi thờ tự, tôn vinh tưởng nhớ đến công đức to lớn của các vị tổ nghề. Sau khi phần tế lễ hết, mọi người cùng nhau vui chơi các trò chơi vui nhộn như: cõng nàng về dinh, lái buôn xuất sắc, thi chuốt gốm, làm con thoi đất nung, nấu cơm bằng nồi đất, bịt mắt đánh trống…
Du khách khi đến du lịch Hội An thường ghé thăm lễ hội làng gốm Thanh Hà để có những giờ phút vui chơi, thư giãn thú vị.
4. Hội Cầu Bông
Du lịch Hội An vào mùng 7- 1 âm lịch hàng năm tại làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam, du khách sẽ được tham dự lễ hội Cầu Bông. Với ý nghĩa giống như nghi lễ cầu cho một năm mới mùa rau bội thu, mưa thuận gió hoà, bình an, ấm no hạnh phúc cho người dân làng. Lễ vật dâng tế nhất thiết phải có 1 con gà trống thiến miệng ngậm hoa, trên lưng cắm một con dao bằng tre, năm đĩa xôi màu đỏ rực rỡ của gấc chín cắm năm bông hồng và một ly rượụ trắng.
Hội Cầu Bông (Ảnh sưu tầm) |
Bên cạnh việc tế lễ còn rất nhiều hoạt động vui chơi như: thi cuốc đất trồng rau thi làm món tôm với ray thơm Trà Quế món ăn đặc trưng mà người dân nơi đây thường dùng đểđãi khách từ ngoài ghé thăm làng, hội thi vớt rong, bón gốc rau.
Lễ hội Cầu Bông tại làng rau Trà Quế ngày nay đã trở thành điểm thu hút đông khách du lịch với sự độc đáo về văn hoá làng nghề, mang đến sự hoà thuận cho dân làng nơi đây.
5. Lễ rước Long Chu
Lễ hội được tổ chức vào ngày 15- 7 âm lịch tại làng biển thuộc thị xã Hội An, đây là dịp đểcác cư dân sinh sống tại làng tống ôn dịch và bệnh tật vào lúc chuyển mùa. Lễ hội có tục rước Long Chu (thuyền rồng), một biểu tượng oai linh để trừ ôn dịch bệnh được làm bằng tre, giấy vải từđình đến bến nước, đẩy bè, thuyền trôi ra biển khơi.
Rước Long Chu (Ảnh sưu tầm) |
Trước ngày lễ, thầy pháp sư đặt hương án và yểm bùa nơi có ma quỷ, đi theo sau làđoàn nam nữ trai gái tay cầm giáo mác được lau mới tinh tươm, phát quang hết các bụi ở đường làng, miệng hát hò vui vẻ đối đáp tạo một bầu không khí tươi sang, nhộn nhịp. Bước vào ngày lễ chính thầy cả tế lễ và rước thuyền rồng đi trừ ma dịch tế quanh làng. Trong lễ hội có hát bộ, hát hò khoan, xô cô và nhiều trò chơi dân gian.
6. Giỗ tổ nghề Yến
Hàng năm cứ vào ngày 9 và 10 tháng 3 âm lịch người dân xã đảo Tiên Hiệp- Cù Lao Chàm tại Hội An lại tổ chức lễ hội nhằm tế lễ cầu mong cho trời yên sóng lặng và tưởng nhớ đến những người tiền bối đời trước có công lao to lớn với ngành khai thác yến sào.
Giỗ tổ nghề yến (Ảnh sưu tầm) |
Ngày lễ với nhiều hoạt động phong phú như: tế tổ nghề Yến, vui hội làng chài, kéo co bằng thuyền trên biển, đua ghe ngang, bịt mắt đập nồi, đêm hội Cù Lao, chợẩm thực với rất nhiều món ăn ngon đặc sản tại Cù Lao Chàm, du khách đến thăm quan lễ hội còn có thể được thưởng thức các loại rượu ngâm từ trứng yến, sản vật biển quý giá hải sâm, bào ngư thơm ngon.
Đến với lễ hội tại thành phố Hội An để có những kỉ niệm đẹp không thể quên, trau dồi thêm những kiến thức hiểu biết về phong tục tập quán lễ hội dân gian khi xưa kia, chắc chắn sẽ là điểm ấn tượng trong chuyến du lịch Hội An của bạn.
0 bình luận