Nội dung chính
Từ lâu Thành cổ Sơn Tây đã in đậm trong tâm trí người dân Việt Nam bằng những câu thơ bài hát hào hùng về lịch sử dân tộc: “Thành Sơn cổ kính lừng danh – Vọng cung Võ miếu tường thành hiên ngang”. Là một trong những thành trì lớn nhất còn tồn tại ở Hà Nội, Thành cổ Sơn Tây là điểm đến thu hút nhiều du khách đến tham quan khám phá vẻ đẹp lịch sử và công trình kiến trúc độc đáo của nó. Hãy cùng VNTRIP.VN tìm hiểu thêm về Thành cổ Sơn Tây nổi tiếng Hà Nội này bạn nhé!
Đến Thành cổ Sơn Tây như thế nào?
Nằm ở phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, Thành cổ Sơn Tây không quá xa trung tâm thành phố Hà Nội. Du khách có thể dễ dành đi xe khách, xe ô tô, xe bus hoặc xe máy để đến thành cổ. Nếu di chuyển bằng xe bus, bạn có thể bắt xe số 70, 71 hoặc 77. Đối với các bạn trẻ ưa du lịch khám phá, xe máy là lựa chọn thích hợp nhất cho chuyến đi phượt ngắn này. Lái xe dọc theo tuyến quốc lộ 32, chạy thẳng thị xã Sơn Tây khoảng chừng 42 cây số thì Thành cổ Sơn Tây đã hiện ra trước mắt. Bạn có thể thỏa thích tham quan vẻ đẹp cổ kính của thành cổ vỏn vẹn trong một ngày.
Nguồn gốc lịch sử
Thành cổ Sơn Tây là một dấu ấn còn sót lại của lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm thời cha ông ta. Được xây dựng vào đời vua Minh Mạng lần thứ 3 năm 1822, Thành cổ Sơn Tây là chứng tích lịch sử đầu tiên và duy nhất được xây bằng đá ong với tổng diên tích 16 hecta rộng lớn. Thành vốn là thủ phủ của vùng Tam tuyên gồm ba tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang thời nhà Nguyễn.
Giữa kháng chiến chống Pháp đầy cam go và khắc nghiệt, thành bị thất thủ vào ngày 16 tháng 12 năm 1883. Đến khi kháng chiến kết thúc, dân tộc ta giành được độc lập tự do, Thành cổ Sơn Tây là địa điểm thường xuyên tổ chức cuộc họp của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1994, thành cổ được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc Việt Nam.
Công trình kiến trúc Thành cổ Sơn Tây
Nằm xa thủ đô xa hoa tấp nập, Thành cổ Sơn Tây hiện lên trong khung cảnh núi non hùng vĩ nên thơ, làm lay động lòng người. Không chỉ mang trong mình dấu ấn lịch sử nước nhà, thành cổ còn gây ấn tượng du khách bởi vẻ đẹp tráng lệ, nguy nga của công trình kiến trúc cổ vô cùng độc đáo và tinh tế.
Theo sử sách ghi lại, Thành cổ Sơn Tây có chu vi 326 trượng 7 thước tương ứng với 1306,8 mét. Chu vi mặt nước rộng lớn bao quanh thành với 448 trượng (1792 mét), rộng 26,8m và sâu 4m. Tường thành được xây dựng cao 1 trượng 1 thước (4,4m). Mới chỉ nhìn từ xa thôi, khách du lịch đã bị choáng ngợp bởi không gian rộng lớn mà thành cổ bao phủ, nổi bật giữa cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.
Nằm cách sông Hồng thơ mộng tầm 2 km, thành được xây dựng theo lối kiến trúc Vauban. Thành được thiết kế kiểu hình vuông canh 500m, gạch đắp cao lên đến 5m. Xung quanh thành được bao phủ bởi hào nước rộng khoảng 20m, với con đường làm bằng gạch đá ngăn cách giữa hào nước và tường thành. Du khách có thể thích thú khám phá ra trên mỗi bức tường đều có một họa tiết hình bán nguyệt đường kính 30m với nhiều lỗ châu mai tinh xảo. Đấy chính là lỗ quan sát và ngắm bắn của lính bảo vệ thành mỗi khi có giặc xâm phạm. Mỗi bức tường thành cùng lỗ châu mai cũng là địa điểm ẩn nấp phổ biến của quân đội dùng để thăm dò mọi tung tích và hành động của kẻ thù.
Thành bao gồm bốn cửa chính hướng về Đông, Tây, Nam, Bắc với những cái tên tương ứng như cửa Tả, cửa Hữu, cửa Tiền và cửa Hậu. Cửa Tả hướng ra phố Phùng Khắc Khoan (chợ Nghệ cũ), cửa Hữu hướng ra phố Trần Hưng Đạo. Còn cửa Tiền nhìn ra phố Quang Trung trong khi cửa Hậu hướng thẳng bờ sông Hồng. Thành bao gồm trục chính và thành ngoài. Trục chính của tòa thành là trục nối liền cửa Tiền và cửa Hậu, tạo nên một thành trì vững chắc, với vị trí địa lý thuận lợi để quan sát bốn phương tám hướng. Cửa Tiền và Cửa Hậu cũng chính là địa điểm có hào nước bao quanh, gồm đường voi nối liền hai cửa. Thành ngoài còn được gọi là La thành, được đắp bằng đất hình ngũ giác, với vô số lũy tre thẳng tắp bao bọc.
Thành chính bên trong được xây dựng một kỳ đài to lớn hình tháp 8 cạnh, cao 18 mét với nhiều ô cửa sổ nhỏ hứng trọng ánh nắng mặt trời mỗi sớm. Kỳ đài vừa là tháp canh vừa là cột cờ của thành trì, là địa điểm quan sát cao nhất của lính An Nam. Phía bên trong tháp là một cầu thang đá với kiểu kiến trúc xoáy trôn ốc với 50 bậc đá dài. Vào năm 1940, đỉnh tháp được lắp đặt hệ thống âm thanh thu phát tín hiệu để báo giờ hoặc thông báo tình hình mỗi khi có bất trắc xảy ra. Dưới chân tháp, du khách có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh hai giếng nước to lớn, đầy ắp sắc màu xanh ngát, trong suốt, tạo nên vẻ đẹp lãng mạn, yên bình.
Công trình kiến trúc nổi bật nhất ở trong thành phải kể đến Điện Kính Thiên và cổng Vọng Cung (Đoan Môn cổ). Đây là khu vực an tọa, nghỉ ngơi và đi lại của nhà vua vào các ngày lễ tế, lễ bái long trọng, uy nghiêm. Ngoài các chiến lũy với hệ thống thông hào chằng chịt, lũy tre xanh thẳng tắp rợn ngợp, thành còn được bố trí ba khẩu đại bác to lớn ở 3 mặt tiền phục vụ cho mục đính tấn công và phòng thủ, bảo vệ sự an toàn của nhà vua và thành trì. Bên trong thành được trang bị đầy đủ lương thực, súng đạn, thuốc men ở mỗi dinh thự và doanh trại, phục vụ cho cuộc kháng chiến trường kỳ gian nan của dân tộc. Với quy mô rộng lớn và vị trí địa lý đặc địa, thành cổ hiện lên là một thành trì vững chắc, tráng lệ, được mệnh danh là nơi phòng thủ vĩ đại nhất trong lịch sử nước nhà.
Qua gần 200 năm, phần lớn Thành cổ Sơn Tây đã bị phá hủy. Những dấu tích còn sót lại chủ yếu là đoạn tường thành, cổng thành, giếng nước, khẩu súng thần công và một số chi tiết nhỏ trong Vọng cung, Điện Kính Thiên… Tuy nhiên, Thành cổ Sơn Tây vẫn hiện lên với vẻ đẹp nguy nga tráng lệ, đắm say lòng người. Vào những ngày nghỉ lễ, đừng quên ghé thăm di tích lịch sử nổi tiếng của dân tộc bạn nhé.
> Có thể bạn quan tâm:
0 bình luận