Nội dung chính
Vị trí địa lý
Vũng Tàu tiền thân là đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo là một bán đảo giáp Bà Rịa và huyện Long Điền qua sông Cỏ May, nằm trên bán đảo cùng tên. Vũng Tàu cách Thành phố Hồ Chí Minh 125km về phía Đông Nam theo đường bộ. Nếu nhìn theo chiều Bắc Nam, Vũng Tàu nằm ở khúc quanh đang đổi hướng từ Nam sang Tây của phần dưới chữ S (bản đồ Việt Nam) và nhô hẳn ra khỏi đất liền như một dải đất có chiều dài khoảng 14km và chiều rộng khoảng 6km.
Vũng Tàu là một thành phố biển có 42km bờ biển bao quanh, có núi Lớn (núi Tương Kỳ) cao 245m và núi Nhỏ (núi Tao Phùng) cao 170m. Trên núi Nhỏ có ngọn hải đăng cao 18m, chiếu xa tới 30 hải lý và có tuổi đời trên 100 năm, được coi là ngọn hải đăng lâu đời nhất Việt Nam. Trên núi lớn có Hồ Mây là một hồ nước ngọt lớn và rừng nguyên sinh.Thành phố được bao bọc bởi biển, các cánh rừng nguyên sinh, các ngọn núi cao, ngoài ra còn có sông và nhiều hồ nước lớn giúp khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ ôn hòa, trong thành phố có rất nhiều cây xanh và hoa được trồng ở mọi nơi.
Lịch sử
Trước kia, vùng đất này là bãi lầy, nơi thuyền buôn nước ngoài thường vào trú đậu nên gọi là Vũng Tàu. Các nhà hàng hải Bồ Đào Nha đã lấy tên Thánh Giắc cho mảnh đất này. Do đó, người Pháp gọi nơi này là Cap Saint Jacques (mũi đất mang tên Thánh Giắc), tiếng Việt là Cap Xanh Giắc. Người Việt theo đó gọi là Cấp (gốc tiếng Pháp: Cap) hoặc Ô Cấp (gốc tiếng Pháp: au Cap). Hiện nay mũi đất cực đông của Vũng Tàu có tên gọi là “mũi Nghinh Phong”.
Vũng Tàu cũng từng có tên là Tam Thoàn hay Tam Thắng để ghi lại sự kiện thành lập ba làng đầu tiên ở đây: Thắng Nhất, Thắng Nhị, Thắng Tam. Chữ Tam Thắng là biến âm của Tam Thoàn, tức Ba Thuyền.
Vũng Tàu từng thuộc trấn, sau là tỉnh Biên Hòa thời nhà Nguyễn. Thời vua Gia Long (1761-1820), khi nạn hải tặc Mã Lai hoành hành tại vùng biển này, trở thành mối đe dọa cho các thương nhân vùng Gia Định, vua đã gửi ba đội quân đến dẹp loạn và cho phép ba tướng cầm đầu cùng quân lính ở lại mở đất. Theo sắc của vua Minh Mạng năm 1822, chính 3 ông đội Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc, Ngô Văn Huyền thuộc ba đội binh (Tam Thoàn) đã thành lập ba làng đầu tiên: Thắng Nhất, Thắng Nhị, Thắng Tam.
Ngày 10 tháng 2 năm 1859 tức mồng 8 Tết Kỷ Mùi, quan quân nhà Nguyễn đã khai hỏa lần đầu tiên những khẩu súng thần công đặt ở pháo đài Phước Thắng, cao 30m và cách bờ biển Bãi Trước gần 100m. đội quân đã bắn vào đoàn chiến thuyền của liên quân Pháp – Tây Ban Nha do tướng Rigault de Genouilly chỉ huy trên đường vào xâm lược Nam Kỳ, mở đầu cuộc kháng chiến chống quân Pháp ở Nam Kỳ. Trong trận này Thống chế Trần Đồng, Tổng chỉ huy lực lượng thủy lục quân nhà Nguyễn đã hy sinh.
Năm 1876 Vũng Tàu thuộc tiểu khu Bà Rịa, nằm trong khu vực hành chánh Sài Gòn, theo nghị định phân chia hành chính của thực dân Pháp.
Ngày 1 tháng 5 năm 1895 Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định tách thị xã Cap Saint Jacques ra khỏi tiểu khu Bà Rịa để lập thành phố tự trị Cap Saint Jacques. Đến ngày 20 tháng 1 năm 1898, Cap Saint Jacques hợp nhất trở lại với tiểu khu Bà Rịa, đến năm 1899 lại tách ra thành hai đơn vị hành chính độc lập. Ngày 14 tháng 1 năm 1899 thành phố tự trị Cap Saint Jacques thành lập tổng Vũng Tàu gồm 7 xã.
Năm 1901, dân số Vũng Tàu là 5.690 người, trong đó có gần 2.000 người di cư từ miền Bắc vào, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy hải sản.
Ngày 1 tháng 4 năm 1905 theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương, Cap Saint Jacques không còn là thành phố tự trị và trở thành địa lý hành chính thuộc tỉnh Bà Rịa.
Năm 1929 Cap Saint Jacques trở thành tỉnh riêng, rồi đến năm 1935 tỉnh Cap Saint Jacques lại hạ cấp xuống thành thành phố. Năm 1947 tái lập tỉnh với tên Vũng Tàu gồm cả quận Cần Giờ của tỉnh Gia Định nhập vào, nhưng đến năm 1952 lại giải thể tỉnh, hạ thành thị xã. Ngày 22/10/1956 giải thể thị xã Vũng Tàu, chuyển thành quận thuộc tỉnh Phước Tuy. Đến 08/09/1964 thành lập thị xã Vũng Tàu trực thuộc chính quyền trung ương cho đến 30/04/1975.
Văn hóa – con người
Yếu tố địa – văn hóa
Yếu tố địa – văn hóa là phong thổ của vùng đất, là những đặc điểm và ưu thế riêng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên tác động trực tiếp và để lại dấu ấn trong đời sống văn hóa của cư dân. Văn hóa của cư dân Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) chứa đựng những dấu ấn phong thổ không phải chỉ vì sự gắn bó lâu dài của cư dân với vùng đất, mà còn vì ngay từ buổi đầu đến định cư và khai hoang mở đất, những đặc điểm địa lý riêng của vùng đất đã có những tác động nhất định đến cuộc sống của họ…
Là vùng đất địa đầu có những cửa biển kín gió rất thuận lợi về giao thông, BR-VT là nơi lưu dân người Việt từ miền Trung vào sớm nhất và được khai phá sớm nhất ở Nam Bộ vào khoảng thế kỷ XVII. Từ đó cho đến giữa thế kỷ XIX, bộ mặt của vùng đất BR-VT đã có những biến đổi sâu sắc. Từ một nơi hoang vu, trước mặt là biển cả, ven biển chỉ có những bãi bồi và rừng ngập mặn; sau lưng là đồi núi, rừng rậm đã trở thành ruộng đồng, làng mạc trù phú. Tài nguyên của đất, của biển, của rừng được dày công khai thác để phục vụ cuộc sống ngày càng sung túc hơn của con người.
BR – VT là nơi đặt chân và khai phá sớm nhất ở Nam Bộ, vì vậy, nơi đây đã trở thành cửa ngõ để tiếp nhận và là bàn đạp để các lớp lưu dân sau đó tiến sâu vào đất liền và tiến về phương Nam. Trong một chừng mực nào đó, quá trình trung chuyển dân cư cũng chính là quá trình trung chuyển các yếu tố văn hóa của các vùng miền để rồi không ít yếu tố văn hóa đã ngưng đọng/chuyển hóa và trở thành nét riêng trong sự tổng hòa văn hóa trên vùng đất này…
Yếu tố văn hóa biển
Trong buổi đầu khai phá (thế kỷ XVII), phần lớn đất đai BR-VT bị núi rừng che phủ, vùng đồng bằng có nhiều cỏ dại mọc. Những lưu dân người Việt đầu tiên đến sinh sống trên vùng đất BR-VT đã khai thác tài nguyên thiên nhiên của rừng và biển vốn rất dồi dào và khai phá đất đai, xây dựng xóm làng. Phần lớn cư dân kết hợp nghề nông với khai thác lâm thổ sản, hoặc kết hợp nghề nông với việc đánh bắt thủy hải sản. Họ sinh sống chủ yếu ở ven biển phía Đông và phía Nam vùng đất BR-VT.
Theo thời gian, cư dân đông đúc, ruộng đồng phì nhiêu, ngành nghề phát triển và có sự phân công lao động theo nghề nghiệp. Có những nhóm dân cư sống chủ yếu bằng nghề nông, nghề đánh bắt thủy hải sản, nghề làm muối, nghề thủ công (đúc đồng, dệt vải, làm giấy, đan lát, làm bún, làm bánh), buôn bán… Trong đó, bộ phận dân cư sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản chiếm một tỷ lệ khá cao.Trong các thế kỷ XVIII, XIX, những làng cá ở BR-VT là những làng nổi tiếng trù phú và đông dân cư nhất trong tỉnh.
Hầu hết những người làm nghề đánh bắt thủy hải sản đến BR-VT có nguồn gốc từ vùng “Ngũ Quảng” và chủ yếu là từ Nam Trung Bộ. Trước kia, nơi này là vùng đất thuộc Vương quốc Chămpa mà trong vòng một vài thế kỷ định cư, cư dân người Việt đã có quá trình giao tiếp văn hóa. Người Chăm vốn có truyền thống đi biển, những yếu tố văn hóa biển đặc trưng của người Chăm như tục thờ cúng cá Ông, tục thờ Bà, thờ Thiên Y A Na… được ngư dân người Việt tiếp nhận.
Nền tín ngưỡng còn thể hiện rõ trong nghi thức cúng lễ. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những chi tiết, nghi thức của cúng đình, cúng miếu ít nhiều được lặp lại trong nghi thức cúng ông (cá voi), cúng bà (Ngũ Hành, Bà Cô-Long Hải).
Trong sinh hoạt lễ hội thì hội là phần vui chơi, giải trí. Hội của ngư dân BR-VT thể hiện sự kết hợp khá nhiều hoạt động vui chơi, giải trí của cư dân duyên hải Trung Bộ và Nam Bộ, như hát hò khoan-chèo cạn, trò múa bông-mâm ngũ sắc, mâm vàng, mâm bạc và đua ghe (của vùng Bình-Trị-Thiên). Ngoài ra, tỉnh còn có đua ghe, đua thuyền thúng, hát bả trạo, tức chèo thuyền và hát bội (của vùng Nam Trung Bộ) và hát bội, xây chầu, đua ghe, đua thuyền thúng, múa lân, múa rồng, đấu vật (của vùng Nam Bộ).
Hát bả trạo là một nội dung quan trọng và thu hút nhiều người thưởng thức trong hội lễ của ngư dân BR-VT. Có thể giải thích sự đa dạng trong phối tự, nghi thức thờ cúng, trong các trò diễn dân gian của cư dân ven biển BR-VT từ chính nguồn gốc của họ. Chính cộng đồng đa nguồn gốc đã góp phần làm phong phú và tạo diện mạo đặc trưng của các yếu tố văn hóa biển BR-VT.
0 bình luận