Nội dung chính
Vị trí địa lý:
Nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam, thị trấn Sa Pa ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển, cách thành phố Lào Cai 38 km và 376 km tính từ Hà Nội. Ngoài con đường chính từ thành phố Lào Cai, để tới Sa Pa còn một tuyến giao thông khác, quốc lộ 4D nối từ xã Bình Lư, Lai Châu. Mặc dù phần lớn cư dân huyện Sa Pa là những người dân tộc thiểu số, nhưng thị trấn lại tập trung chủ yếu những người Kinh sinh sống bằng nông nghiệp và dịch vụ du lịch.
Nằm ở miền bắc Việt Nam, Sa Pa có khí hậu cận nhiệt đới nhưng do nằm tại độ cao lớn nên không khí mát mẻ quanh năm. Vào mùa hè, thời tiết ở thị trấn một ngày có đủ bốn mùa: buổi sáng là tiết trời mùa xuân, buổi trưa tiết trời như vào hạ, thường có nắng nhẹ, khí hậu dịu mát, buổi chiều mây và sương rơi xuống tạo cảm giác lành lạnh như trời thu và ban đêm là cái rét của mùa đông.
Nhiệt độ không khí trung bình năm của Sa Pa là 15 °C. Mùa hè, thị trấn không phải chịu cái nắng gay gắt như vùng đồng bằng ven biển, khoảng 13 °C – 15 °C vào ban đêm và 20 °C – 25 °C vào ban ngày. Mùa đông thường có mây mù bao phủ và lạnh, nhiệt độ có khi xuống dưới 0 °C, đôi khi có tuyết rơi. Lượng mưa trung bình hàng năm ở đây khoảng từ 1.800 đến 2.200 mm, tập trung nhiều nhất vào khoảng thời gian từ thang 5 tới tháng 8.
Thị trấn Sa Pa là một trong những địa điểm có tuyết rơi tại Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ 1957 tới 2013, 21 lần tuyết rơi tại Sa Pa. Lần tuyết rơi mạnh nhất vào ngày 13 tháng 2 năm 1968, liên tục từ 3 giờ sáng đến 14 giờ cùng ngày, dày tới 20 cm.
Lịch sử:
Năm 1897, chính quyền thuộc địa Pháp quyết định mở một cuộc điều tra về người dân tộc thiểu số miền núi vùng cao. Những đoàn điều tra đầu tiên đến Lào Cai vào năm 1898.
Mùa đông năm 1903, trong khi tiến hành đo đạc xây dựng bản đồ, đoàn thám hiểm của Sở địa lý Đông Dương đã khám phá ra cảnh quan mặt bằng Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả. Sự kiện này đánh dấu việc ra đời của thị trấn Sa Pa.
Năm 1905, người Pháp đã thu thập được những thông tin đầu tiên về địa lý, khí hậu, thảm thực vật… Sa Pa bắt đầu được biết tới với không khí mát mẻ, trong lành và cảnh quan đẹp. Năm 1909, một khu điều dưỡng được xây dựng. Năm 1917, một văn phòng du lịch được thành lập ở Sa Pa và một năm sau, người Pháp bắt đầu xây dựng những biệt thự đầu tiên. Năm 1920, tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai hoàn thành, Sa Pa được xem như thủ đô mùa hè của Bắc Kỳ. Tổng cộng, người Pháp đã xây dựng ở Sa Pa gần 300 biệt thự.
Sa Pa bị tàn phá nhiều theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến năm 1947 và trong chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979. Hàng ngàn ha rừng thông bao phủ thị trấn bị đốt sạch, nhiều toà biệt thự cổ do Pháp xây cũng bị phá huỷ. Vào thập niên 1990, Sa Pa được xây dựng, tái thiết trở lại. Nhiều khách sạn, biệt thự mới được xây dựng. Từ 40 phòng nghỉ vào năm 1990, lên tới 300 vào năm 1995. Năm 2003, Sa Pa có khoảng 60 khách sạn lớn nhỏ với 1.500 phòng. Lượng khách du lịch tới Sa Pa tăng lên từ 2.000 khách vào năm 1991 đến 60.000 khách vào 2002.
Tên Sa Pa có nguồn gốc từ tiếng Quan Thoại, trong tiếng Quan Thoại phát âm là SaPả hay SaPá tức “bãi cát” do ngày trước khi có thị trấn Sa Pa thì nơi đây chỉ có một bãi cát mà dân cư bản địa thường họp chợ.
Từ hai chữ “Sa Pả”, người phương Tây phát âm không dấu, thành Sa Pa và họ đã viết bằng chữ Pháp hai chữ đó thành “Cha Pa” và một thời gian rất dài sau đó người ta dùng “Cha Pa” như một từ tiếng Việt. Về sau, từ này viết được thống nhất là Sa Pa.
Thị trấn Sa Pa trước đây có một mạch nước đùn lên màu đỏ đục, nên dân địa phương gọi là “hùng hồ”, tức “suối đỏ”.
Văn hóa:
Sa Pa luôn để lại trong lòng mỗi du khách một cảm xúc riêng không chỉ bởi thiên nhiên đã ưu đãi cho Sa Pa một vùng đất với núi non kỳ vĩ của đỉnh Phanxipang, phong cảnh hữu tình nên thơ của núi Hàm Rồng, Vườn Lan, Vườn Hồng, của Thác Bạc suối Vàng… mà ở đó còn là nơi sinh sống của rất nhiều dân tộc anh em, sự đa dạng dân tộc đã làm nên sự phong phú về bản sắc văn hóa của Sa Pa nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung.
Ở đó, đời sống của cộng đồng các dân tộc được phản ánh sinh động thông qua các nghi lễ về tín ngưỡng, về tâm linh như cầu mong trời yên, đất lành; mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe cho con người… và đặc biệt với phần hội vô cùng phong phú. Chẳng thế mà khách du lịch phương Tây luôn thích thú đến với Sa Pa vào những dịp đầu xuân để được hòa đồng trong mùa lễ hội như: Tết Nhảy của đồng bào Dao Đỏ ở Tả Phìn, Tả Van (Sa Pa); hội Sải Sán của đồng bào Mông ở Cán Cấu (Si Ma Cai); hội xuống đồng của người Tày ở Bắc Hà…
Độc đáo hơn đó là chợ tình Sapa nét văn hóa hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.Vào tối thứ 7 hàng tuần trong thị trấn Sapa nhỏ bé này, những người dân tộc Dao cùng nhau nhộn nhịp trong phiên chợ tình. Từ chiều, dưới phố và ở sân nhà thờ Sapa đã thấy rất nhiều những cô gái chàng trai người Dao với nhịp nhàng trong những câu hát, điệu khèn làm mê đắm lòng người.
Đời sống văn hóa tinh thần phong phú của đồng bào còn được thể hiện ở nghề thủ công, mỹ nghệ, thổ cẩm truyền thống của đồng bào đã đạt đến độ tinh xảo và cuốn hút đến diệu kỳ. Phụ nữ Mông, Dao, Xá Phó, Pa Dí rất giỏi trong cảm thụ màu sắc, những tấm thổ cẩm của họ bao giờ cũng hội đủ sắc màu của thiên nhiên từ cây thông, đồi núi, hạt ngô, hạt lúa… Tất cả được biểu đạt như chính bức tranh sống động của đời sống đồng bào. Vẻ đẹp vĩnh hằng thì luôn trường tồn với thời gian. Giờ đây những sản phâm này đã trở thành quà lưu niệm quen thuộc đối với khách du lịch Sa Pa.
Con người:
Người H’Mông trắng mặc những trang phục có hoa văn sặc sỡ. Các cô gái Dao đỏ đội khăn đỏ đính tua rua đỏ. Người H’Mông đen đội khăn đen, áo đen, quần đen ngắn đến đầu gối, chân quấn xà cạp đen. Người Sa Pó mặc váy hay quần dài, áo ngắn viền hoa văn… Họ đi bán hàng hóa và thổ cẩm, mua lại những đồ dùng cần thiết. Mỗi dân tộc có một kiểu trang phục riêng. Nhìn quần áo có thể hiểu được đấy là dân tộc nào, nhà giàu hay không, phụ nữ trong nhà khéo tay hay vụng.
Sự chăm chỉ của người dân Sa Pa.
Trong khung cảnh yên bình của miền núi hoang sơ, ta còn gặp các cô gái ngồi bên hiên nhà, chăm chỉ may thêu. Thấy khách lạ, các cô vui vẻ tươi cười. Các em bé thơ ngây khoác trên vai những chiếc túi nhỏ , những chiếc vòng đi chào mời du Khách.
0 bình luận