- Tin tức > Du lịch > Miền Nam > Bình Thuận > Phan Thiết >
Tour, điểm đến
Nội dung chính
Danh lam thắng cảnh
Mũi Né
- Bãi biển Mũi Né
Là tên một mũi biển, trung tâm du lịch nổi tiếng ở Phan Thiết, cách thành phố Phan Thiết 22 km, được nối liền với thành phố bởi con đường Nguyễn ĐÌnh Chiểu.
- Bãi đá Hòn Rơm – Suối Tre
Đây là địa điểm du lịch Mũi Né có một phong cảnh hữu tình nằm trong khu phức hợp bãi tắm của Hòn Rơm. Nơi đây có sức hấp dẫn kỳ lạ bởi có rất nhiều tảng đá có hình thù kỳ lạ nằm đối diện với biển. Điều đặc biệt là mùa mưa, cả ngọn núi được bao phủ bởi màu xanh rì của thiên nhiên. Mùa nắng, cỏ vàng úa mùa của năng, đứng từ xa nhìn lại giống như một ụ rơm khổng lồ nên dân chài lưới gọi đây là Hòn Rơm.
- Suối Tiên
Khu vực được khách du lịch Mũi Né ưu ái đặt tên là “Bồng lai tiên cảnh”. Suối Tiên là một khe nước nhỏ nằm bên cạnh Hòn Rơm, đây là suối đi bộ với thung lũng cát rất đẹp. Bên cạnh suối là những đồi nhũ đá tự nhiên có màu đỏ và trắng. Do sự bào mòn của thời gian nên tạo ra những nhũ đá có hình thù kỳ lạ tự nhiên.
- Đồi cát vàng
Còn có tên gọi là “Đồi cát bay” trải dài nhiều cây số từ Bình Thuận đến Ninh Thuận. Màu sắc nơi đây vô cùng lạ mắt do màu của mỏ sắt cũ hòa với màu vàng của cát đẹp vô cùng. Đây cũng là nơi nhiều bức ảnh đạt giải thưởng lớn ra đời. Hình dạng của những tầng cát luôn thay đổi “muôn hình vạn trạng” là do sự bào mòn của gió, cuốn đi những lớp cát mỏng bên trên. Hình ảnh đồi cát vàng được xem là biểu tượng của du lịch Mũi Né.
- Đồi cát ở Mũi Né
Ghềnh đá Mũi Né: Nơi có nhiều mũi đá chồm ra biển đón sóng, cảnh vật rất đẹp và hùng vĩ. Xen kẽ giữa bãi đá dài hơn cây số là bãi cát nhỏ, phía trên đỉnh là miếu Bà Vàng, cuối bãi là Lăng ông Thạch Long thoáng mát, cảnh vật nên thơ.
- Đảo Kê Gà
ĐC: xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, cách đất liền 100m
Ðảo Kê Gà nằm trong một vùng biển, trời tuyệt đẹp, nước màu xanh ngọc, bờ biển cát trắng sạch sẽ, rừng dừa, thùy dương xanh mướt… Ðặc biệt, ở đây còn có những ghềnh đá hoa cương trắng – hồng, nhọn như những ngọn chông… Tất cả tạo cho vùng biển Hàm Thuận Nam một vẻ quyến rũ nguyên sơ và yên bình.
Từ xa, bạn đã có thể nhìn thấy ngọn hải đăng cao vút trên đảo, được làm chủ yếu bằng đá hoa cương. Ðây là ngọn đèn biển có phần tháp xây cao nhất Việt Nam: 41m. Tháp hình bát giác, có chân rộng 3m, đỉnh 2,5m, phát ánh sáng đi xa 22 hải lý.
Ðể ra được đảo, bạn có thể đi bằng hai cách: dùng thuyền thúng hoặc thuê ghe của ngư dân. Nếu đi ghe, nên yêu cầu cho chạy một vòng quanh đảo để ngắm được toàn cảnh.
- Hòn Tranh
ĐC: Cách đảo Phú Quý khoảng 800m với 15 phút đi xuồng máy
Hòn Tranh nổi bật như một niềm kiêu hãnh giữa đại dương bao la. Sau Phú Quý, Hòn Tranh là đảo có diện tích lớn thứ 2 trong hệ thống 10 hòn đảo của vùng biển có hệ sinh thái độc đáo này.Hòn Tranh chỉ rộng 0,8km2, nằm ở phía Đông Nam của đảo lớn Phú Quý, đảo có hình chữ S của nước Việt Nam thu nhỏ.
Trên đỉnh cao nhất của đảo Hòn Tranh là trạm ra đa có tầm quan sát 500 hải lý đến tận Thái Bình Dương. Nằm giữa biển khơi, nhưng Hòn Tranh quanh năm có sóng yên biển lặng, do được núi bao bọc thành một thế chắn sóng vững chãi. Bởi vậy mà bãi biển Hòn Tranh luôn trắng phau cát, nước trong vắt soi rõ từng rạn san hô và phản chiếu lấp lánh màu sắc của các loại tảo biển. Hòn Tranh có một hệ thống hang động kỳ bí, với nhiều dáng đá lạ màu chàm, vết tích của núi lửa phun trào; gắn với nhiều huyền thoại và đức tin của ngư dân vùng biển. Đó là Vũng Phật, một vùng đá trũng màu nâu đỏ, mà người dân Phú Quý cho rằng, khi chùa Linh Quang bị cháy, tượng phật bị thiêu rụi; vùng đá này có một hòn linh thạch dáng phật nổi lên. Ngư dân đã thỉnh đá về tạc tượng phật, đặt tại chùa Linh Quang. Vũng Phật đến giờ vẫn là chỗ dựa tinh thần của ngư dân khi ra khơi đánh bắt..
- Đảo Phú Quý
Trên các đảo ở Phú Quý có nhiều chùa, đa số là chùa có tuổi đời đã mấy trăm năm. Điều đặc biệt là không chùa nào có tăng ni. Trông nom chùa và chăm sóc đời sống tâm linh, tinh thần của người dân chủ yếu là việc của các vị huynh trưởng trong những gia đình Phật tử
Như để bù đắp cho khí hậu khắc nghiệt, trên đảo có nhiều phong cảnh đẹp và nguồn hải sản rất phong phú. Sự hấp dẫn về tiềm năng du lịch Phú Quý phải kể đến quang cảnh đồi núi và các đảo nhỏ xung quanh. Cách cảng chính ba cây số về phía tây là ngọn núi Cấm cao 108m so với mực nước biển, trên đỉnh núi có ngọn đèn hải đăng thuộc loại lớn nhất Việt Nam. Cách núi Cấm chừng bốn cây số về hường đông là núi Cao Cát, trên đỉnh có ngôi chùa Linh Sơn Tự, là một trong hai ngôi chùa xây trên núi của tỉnh Bình Thuận. Từ chùa có thể phóng tầm mắt nhìn ra cả vùng biển bao la.
- Núi Tà Cú
ĐC: nằm sát quốc lộ 1A, thị trấn Hàm Thuận Nam
Có hai phương án để lên núi. Một là men theo hơn 1000 bậc thang, tốn gần 1 ngày đường để lên núi. Phương án này thường được các tay thích mạo hiểm, có sức khỏe tốt, có kế hoạch ngủ lại trên núi thực hiện.
Phương án thứ hai chỉ 15 phút đã có mặt trên đỉnh là vừa nhanh, vừa tiện là cáp treo. Ngồi trên cáp treo, ngoài việc không phải tiêu tốn bất kỳ giọt mồ hôi nào, du khách còn được tận hưởng cảm giác lướt trên những ngọn cây cổ thụ xanh um, cây dong nở hoa đỏ rực. Đâu đó trong không trung, hương hoa thoang thoảng, tiếng chim hót, gió biển thổi nhẹ càng dễ chịu.
Rời cáp, rảo bước thêm khoảng 100 bậc thang, một vùng biển xanh bao la, trải dài như nối vào đường chân trời, ngọn hải đăng Kê Gà bao năm trầm mặc, những mái nhà thấp thoáng, những con đường uốn cong hiện ra trước mắt du khách…Tiến sâu hơn vào đỉnh núi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hàng loạt các bức tượng phật, ấn tượng nhất là bức tượng phật nằm dài 49m, cao 11m. Người thành tâm khấn vái, người tinh nghịch tạo dáng chụp ảnh. Tiếng cười đùa, tiếng rì rầm phá tan không gian tĩnh mịc.
- Tháp Poshanư
ĐC: Đồi Ông Hoàng, cachs thành phố Phan Thiết 7 km
Cụm tháp tọa lạc trên đồi Ông Hoàng, do người Chăm xây dựng cuối thế kỷ VIII, thờ thần Shiva, vị Thần được người Chăm tôn sùng.
Ngoài ba tháp , ở đây còn có đền thờ, nhưng đã bị vùi lấp trong lòng đất suốt 300 năm. Trong lòng ngôi tháp chính còn bệ thờ Linga-Yoni, một biểu tượng sinh tồn của Thần Shiva.
- Hồ Hàm Thuận – Đa Mi
ĐC: sông La Ngà, chảy qua huyện Hàm Thuận Bắc
Ngày nay, Hồ Hàm Thuận – Đa Mi không chỉ có giá trị về mặt thuỷ điện mà còn được quy hoạch thành trung tâm nghỉ dưỡng du lịch, văn hoá lớn của Tỉnh với nhiều loại hình vui chơi giải trí mới lạ, ấn tượng. Với những cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ, tuyệt đẹp hoà với cảnh quan nhân văn do con người tạo ra chắc chắn trong tương lai không xa khu du lịch Hàm Thuận – Đa Mi sẽ là nơi dừng chân tham quan, nghỉ dưỡng không thể thiếu trong hành trình của du khách khi đến Bình Thuận.
- Đảo Hòn Bà
Hòn Bà là một thắng cảnh nổi tiếng từ xưa đến nay, có sức hấp dẫn, thu hút nhiều du khách đến đây khám phá thưởng ngoạn cảnh đẹp hoang sơ của đảo và nghiên cứu nền văn hóa Chăm tồn tại lâu đời ở đây.
Đứng từ bờ biển Tân Bình phóng tầm nhìn ra biển Đông khoảng 2km, Hòn Bà như trơ vơ giữa biển nhưng không kém phần thách đố trước sóng biển, giông tố của đại dương mênh mông. Cả hòn đảo gần như phủ kín màu xanh của các loại cây cổ thụ có nhiều năm tuổi, khẳng định một sức sống mãnh liệt mà thiên nhiên đã ưu đãi và tạo nên một bức tranh thủy mặc quyến rũ, thơ mộng và đầy thách thức đối với con người.
- Bàu Sen – Bạch Hồ
ĐC: xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình
Bàu Sen dài 3 km, nơi rộng nhất 500 m, độ sâu trung bình 5 m, tổng diện tích 70 ha, được bao bọc bởi những động cát trắng tinh, mịn màng
Đứng ở trên đồi cao, du khách nhìn xuống sẽ thấy một đầm nước mênh mông trông như biển hồ, nước xanh thẳm (nếu du khách đi đúng vào lúc trưa), trải dài tuyệt đẹp. Ngư dân địa phương cho biết, hệ sinh vật ở Bàu Sen rất phong phú, có nhiều loại cá nước ngọt rất ngon.
- Đồi Vọng Cảnh Hòa Thắng
Nét đẹp ở Hòa Thắng dường hội tụ ở bàu Ông, bàu Bà và động cát. Nhìn từ phía đồi cát thoai thoải, đặc biệt là từ điểm miếu Bà nhìn ra, bàu Bà giống như giọt lệ của trời đất, được nhỏ trên trang giấy sắc trắng, pha hồng. Cũng có người không cho đó là giọt lệ mà cho là bức tranh thủy mặc của thiên nhiên với đủ gam màu: màu đỏ phớt hồng của một phần đất ven con đường nhựa chạy từ Lương Sơn về; màu xanh của một phần cây bên triền bàu; màu trắng pha xanh lơ của mây trời in trong nước… những bức ảnh đẹp nhất về Hòa Thắng, thường được các nhà nhiếp ảnh chụp từ đây, vào thời điểm trời chiều vén mây, hắt nắng, rây vàng mặt hồ, cỏ cây ven hồ in bóng, khi xa xa ở phía đầu trên hồ bóng mấy con bò vàng đang chậm rãi nhai cỏ…
- Bãi đá 7 màu
Nằm trong quần thể du lịch của xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, bãi đá với 7 sắc màu cũng đã thu hút không ít du khách khi về tham quan chùa Hang, biển Bình Thạnh…
Thẳng con đường từ chùa Hang không xa ngay bên trái đường đã có biển chỉ dẫn xuống bãi đá 7 màu. Từ trên cao nhìn xuống thấy nơi này thật thú vị. Biển hiện ra ngay trong tầm mắt xanh thẳm và điều đạêc biệt là bờ thì không phải là cát mà là những viên đá nhỏ đủ màu sắc và hình thù trải dài ven biển…
Di tích lịch sử
Trường Dục Thanh
- ĐC: 39 Trưng Nhị, tp Phan Thiết
Đây là ngôi trường do các sĩ phu yêu nước sáng lập vào năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân tại Trung Kỳ. Ngôi trường Dục Thanh còn ghi dấu quãng thời gian chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân dạy học trước khi vào Sài Gòn. Ngày nay trong khu trường Dục Thanh còn giữ lại được gần như nguyên vẹn những kỷ vật cách đây gần ngót thế kỷ.
Dinh Vạn Thủy Tú
Trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết có một ngôi đền thờ thần Nam Hải – tức Cá Ông (cá voi). Bộ cốt cá Ông được lưu giữ tại dinh Vạn Thủy Tú dài 22m, nặng 65 tấn, được đánh giá là lớn nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á. Hàng năm tại Dinh đều diễn ra các kỳ tế lễ được tổ chức trang trọng vào các ngày âm lịch: 20/2 (Tế Xuân); 20/4 (Cầu ngư); 20/6 (Chính mùa); 20/7 (Chèo dọc) và 23/8 (Mãn mùa). Trong quá trình diễn ra nghi lễ còn có các hoạt động như hát bội, diễn bã trạo, hội đua ghe…
Hải đăng Kê Gà
Từ TP. Phan Thiết, bạn có thể đi xe bus tuyến số 6 (thời gian hoạt động: 5h30 – 18h00), chạy 30 km thì đến hải đăng Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Nếu tự đi xe máy, bạn chạy theo quốc lộ 1 hướng đi Phan Thiết từ Sài Gòn, đến gần trạm thu phí Sông Phan (xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam) sẽ gặp một ngã ba nhỏ. Rẽ phải theo hướng này, đi thẳng sẽ tới khu vực suối Nhum, bạn quẹo phải đi về mũi Kê Gà. Ngọn hải đăng Kê Gà hùng vĩ đững giữa những bãi biển hoang sơ, nước trong vắt trên đảo Khe Gà. Để ra thăm hải đăng Kê Gà, các bạn có thể liên hệ với resort để thuê tàu hoặc thuê thuyền thúng hoặc tàu của dân địa phương. Thông thường thuyền thúng, tàu của người dân địa phương không trang bị áo phao. Bạn có thể mang theo hoặc liên hệ với resort để thuê.
Du lịch sinh thái
Vườn đá
- ĐC: thôn Kê Gà, xã Tân Thành, Hàm Thuận Nam
Nằm cách trung tâm thành phố Phan Thiết 19km, toàn bộ thiên nhiên của 3ha thuộc thôn Kê Gà (xã Tân Thành, Hàm Thuận Nam) đã được tận dụng triệt để. 12 bungalow của resort nằm nhấp nhô trên sườn núi đối diện biển. Chỉ cần mở cửa ra, không khí mang chút mặn mòi của biển sẽ ùa vào làm tan đi ngay cơn mệt mỏi, những ưu phiền trong cuộc sống.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy những bungalow được tạo dáng từ những ngôi nhà của người Việt cổ có in trên mặt trống đồng Đông Sơn. Những vật liệu tranh, tre, nứa, lá, gốc cây sần sùi… ít ai sử dụng thì ở đây đó là chất liệu chính. Chiếc giá treo quần áo được làm từ những cành cây, trái dừa khô ủ bình trà trên bàn… gần gũi và thanh cao.
Khu du lịch sinh thái Đồi Sứ
- ĐC: thôn Thuận Thành, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam
Khu du lịch có tổng diện tích 14ha, trong đó khoảng 10ha là rừng phi lao, những đồi cát, một con đường xây bằng gạch chạy trên đồi cát được gọi là Tiểu Vạn Lý Trường Thành nhằm tạo cảnh quan sinh thái, khuôn viên còn lại xây dựng cơ sở hạ tầng có diện tích 8.000m². Hiện tại, Ðồi Sứ có 6 phòng Deluxe, 24 Bungalow và 10 phòng Standard được trang bị đủ tiện nghi. Ðặc biệt trong tổng số 24 Bungalow có 10 Bungalow làm bằng gỗ theo kiểu nhà sàn của dân tộc Mường – Việt Nam. Ngoài ra, khu du lịch còn có một khu vườn bảo tồn rộng 3.000m² nuôi các loại thú như hươu sao, nhiều loại chim, gà tây, ngỗng, thỏ… và nhiều loại cây ăn trái như nhãn, xoài, chuối. Du khách có thể đi dạo và chụp hình trong vườn với các loài thú.
Khi mặt trời còn le lói chân trời, du khách có thể rong ruổi trên chiếc xe đạp thể thao hay chễm chệ trên yên ngựa đến thăm mũi Khe Gà (còn gọi là Kê Gà) cách đó chừng 3km – nơi có ngọn hải đăng 100 tuổi. Bãi biển riêng biệt, sóng biển yên ả, không có đá ngầm và nước xoáy, du khách có thể câu cá, thư giãn hoặc thưởng thức ánh trăng dát vàng trên mặt biển tĩnh lặng, bên ánh lửa bập bùng.
Làng nghề truyền thống
Làng dệt thổ cẩm Chăm
Nằm ở thôn Cảnh Diễn, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình cách thành phố Phan Thiết khoảng 80 km về hướng Bắc. Đây là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống khá đặc sắc của người Chăm ở Bình Thuận.
Nét độc đáo của làng nghề là người dân ở đây vẫn giữ nguyên được các cách thức se sợi, nhuộm màu, dệt vải và cả những khung dệt thủ công truyền thống đã có từ hàng trăm năm trước nên các sản phẩm làm ra như vẫn lưu giữ nguyên vẹn trong từng sớ vải, hoa văn những bí quyết từ thời xưa để lại.
Đến tham quan làng nghề du khách sẽ có cái nhìn tổng bao quát hơn về làng quê, đời sống sinh hoạt của người Chăm ở Bình Thuận và mua một vài món hàng về làm kỷ niệm cho chuyến đi của mình cũng là điều khá thú vị.
Làng Gốm Gọ Bình Đức
Trong hành trình du lịch đến Bình Thuận, du khách không thể bỏ qua làng nghề Gốm Gọ truyền thống tại thôn Bình Đức – xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình của đồng bào dân tộc Chăm. Đến đây du khách sẽ được tham quan một nghệ thuật làm gốm theo phương pháp cổ truyền đã có từ hàng trăm năm trước. Cách nung gốm ở đây cũng rất khác biệt với các nơi khác. Lò nung chỉ là một khoảng sân rộng, chất đốt là củi cành, rơm rạ, lá dừa khô… người ta chất những sản phẩm cần nung lên mặt sân, chất rơm rạ, lá dừa khô lên trên rồi nổi lửa đốt, khi lửa tàn thì sản phẩm cũng vừa chín. Để trang trí thêm cho sản phẩm, lúc gốm vừa dỡ ra khỏi lò đang còn nóng người ta dùng nước màu chế từ trái thị vẩy lên sản phẩm, khi khô sẽ tạo thành những đốm sao tròn màu nâu đen trông rất lạ mắt.
Làng gốm Bắc Bình nằm cách trung tâm thành phố Phan Thiết không xa, đến đây du khách không chỉ được thưởng thức nghệ thuật làm gốm cổ truyền mà còn được các nghệ nhân hướng dẫn để có thể tự mình làm ra sản phẩm nên rất thu hút du khách, đông nhất nhất là du khách nước ngoài.
Làng nghề mây tre lá
- ĐC: Thái Thạch Phú, Đức Linh
Tạo nhiều sản phẩm mỹ nghệ khung kính, hộp bình, giỏ hoa từ nguồn lá bèo, dây chuối sứ, cộng lục bình khô, nhận hợp đồng thường xuyên với nhiều công ty kinh doanh.
Làng nghề Trúc Mai
- ĐC: Hàm Tân
Tạo sản phẩm mỹ nghệ bằng bẹ chuối khô. Những đôi tay thiện nghệ chà láng, tẩy trắng, phun keo, làm bóng, tước sợi, hấp tẩy làm ra các mặt hàng mâm đựng ngũ quả, ghế ngồi, nệm lưng, giỏ xách kiểu mới, trước khi lên đường sang thị trường châu u được tính với giá 20 – 30 USD/chiếc tùy theo loại. Tháng 9-2005, làng nghề Trúc Mai ký hợp đồng xuất khẩu 40 nghìn tấn sản phẩm mới mành mía sang CHLB Ðức.
Làng nghề đan cót, xà bớ, nong nia
- ĐC: Đồng Kho, Tánh Linh
Làng nghề đan giỏ, thúng
- ĐC: Cồn Phà, Phan Thiết
Làng nghề bánh tráng
- ĐC: Hàm Nhơn, Hàm Thuận Bắc
Sản phẩm ra lò từ gạo tẻ xay thành bột mịn pha lỏng vừa phải, dùng gáo dừa múc đổ lên khung vải hình tròn căng trên nồi nước sôi. Bột mịn trải đều thành một lớp mỏng, nghệ nhân dùng đũa tre dài tách khỏi mặt vải đặt lên khung tre đem phơi khô. Bánh tráng là món ăn rất thích hợp khẩu vị dân tộc. Bánh tráng dày rắc thêm hạt vừng khi ăn nướng trên lò than hồng, nhai dòn, có vị béo và thơm.
Bảo tàng
Dinh Vạn Thủy Tú
Bảo tàng xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á. Được xây dựng vào năm 1762, xưa kia dinh Vạn Thủy Tú nằm sát biển, mặt quay về biển Đông và là nơi cá ông dài 22m trôi dạt vào. Theo tín ngưỡng của người dân vùng biển nơi đây thờ thần Nam Hải nhằm thể hiện sự biết ơn loài cá ông thường che chở ngư dân trong những tháng ngày lênh đênh mưu sinh ngoài biển lớn. Ngày nay, dinh tọa lạc trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết.
Bảo tàng Hồ Chí Minh
Được xây dựng từ năm 1986 tại thị xã Phan Thiết và nằm ngay bên khu di tích trường Dục Thanh, Bảo tàng Hồ Chí Minh Phan Thiết là nơi giới thiệu những điểm chính trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như những nét chính về khoảng thời gian Người lưu lại tại Bình Thuận. Trước bảo tàng là Tượng đài Bác và các cháu thiếu nhi đang quây quần bên Người.
Đền – Chùa – Nhà thờ
Chùa Núi
- ĐC: xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam
Chùa Núi Tà Cú kết hợp, xen kẽ với núi rừng đã có tiếng là nơi thắng cảnh từ xưa. Từ dưới chân núi, leo lên hàng trăm tam cấp theo con đường ngoằn ngoèo giữa rừng già mới đến chùa. Ở đây không khí trong lành, hơi nước lạnh mát toát ra từ núi đá. Chùa Núi nổi tiếng nhờ ở phong cảnh hùng vĩ nên thơ của núi rừng; mặt khác, bàn tay con người qua nhiều thế hệ thay nhau bồi đấp nên những công trình kiến trúc nghệ thuật đồ sộ có một không hai. Đó là pho tượng khổng lồ “Thích Ca nhập niết bàn” nằm ở vị trí cao nhất cách chùa khoảng 100m. Bằng tài nghệ, kỹ thuật điêu khắc và lòng sùng kính, các nghệ nhân đã tạo nên pho tượng hiếm có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Cổ Thạch Tự (Chùa Hang)
- ĐC: xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong
Vùng đồi núi Cổ Thạch có nhiều tảng đá lớn, chồng lên nhau chứa đựng những vẻ đẹp nguyên sơ độc đáo, tạo nên nhiều hang động kỳ vĩ huyền bí. Chùa Cổ Thạch gồm một quần thể các công trình kiến trúc chính điện, nhà tổ, gác chuông, lầu trống, nhà thiền… phần lớn đều được bài trí trong các hang đá tự nhiên.
Linh Quang Tự
- ĐC: tọa lạc trên ngọn đồi ở xã Tam Thanh
Lịch sử của quá trình xây dựng chùa Linh Quang bao gồm cả về mặt kiến trúc, tôn giáo và giá trị nghệ thuật của nền văn hóa biển trên đảo – gắn liền với quá trình định cư và phát triển của nhân dân trên đảo. Ở đây, vườn chùa đóng vai trò quan trọng đưa kiến trúc Phật giáo hòa nhập với thiên nhiên tạo cho ngôi chùa cổ nét gần gũi, thân quen mà không biệt lập. Từ trong những vòm cây dày bóng mát ấy nổi lên phần kiến trúc mái chùa với đầu đao, đuôi rắn vút cong thấp thoáng. Giữa biển khơi nhìn về đảo, ngôi chùa nổi lên như một tòa lâu đài cổ kính.
Linh Quang Tự còn lưu giữ nhiều văn tự cổ nói đến sự hình thành dân cư trên đảo, là nơi bảo tồn nhiều di sản văn hóa, sưu tập các pho tượng cổ quý. Có chăng pho tượng cổ, lớn gắn liền với những huyền thoại trên đảo trong các thế kỷ trước. Chiếc đại hồng chung ở chùa là quà tặng của chùa Trà Bang (Ninh Thuận), có niên đại ở cuối thế kỷ XVIII. Trong số những cổ tự lưu giữ ở chùa còn có 5 bức sắc của triều Nguyễn ban tặng. Hàng năm khi có những nghi lễ trọng đại, nhà chùa làm lễ thỉnh sắc mới đưa xuống.
Linh Sơn Tự
- ĐC: thuộc 1 khu rừng già xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong
Sự tích ra đời của ngôi chùa được lưu truyền trong dân gian: đầu thế kỷ XIX một nhà sư từ miền Trung vào, không biết vì lý do gì đã ẩn vào một hang đá trong rừng. Dân làng đi rừng phát hiện được tiếng tụng kinh ở hang đá vọng ra. Biết mình bị lộ, nhà sư bỏ hang đá ra đi để lại một tấm bản đồ chỉ dẫn vị trí xây cất ngôi chùa sau này. Theo đó dân làng đã chuyển vật liệu lên xây chùa. Vị trí xây dựng chùa thật lý tưởng: cảnh núi rừng âm u, yên tĩnh tạo nên sự thanh tịnh của giới tu hành. Xung quanh các đỉnh núi tạo nên tả thanh long, hữu bạch hổ, nhiều hang đá tự nhiên hình hàm ếch, hàm rồng, giếng rún rồng không bao giờ cạn nước, hang Tổ… Những hang động có sẵn của tự nhiên mà y như có sự sắp đặt của bàn tay con người.
Chùa Ông (Đền Quan Công)
- ĐC: phường Đức Nghĩa, thị xã Phan Thiết
Chùa Ông hiện nay còn lưu giữ chiếc chuông cổ có giá trị về lịch sử và nghệ thuật, đúc tại Quảng Đông (Trung Quốc) và chuyển sang từ triều đại nhà Thanh. Kiểu cách đúc và vật liệu giống đại hồng chung của người Việt nhưng trang trí phức tạp và rườm rà hơn trên thân chuông. Chùa Ông là một nơi sân vườn đẹp.
Trước năm 1975, ở Phan Thiết thường diễn ra lễ hội “Nghinh Ông” ở chùa Ông. Năm 1996 lễ hội này được tổ chức lại, thu hút hàng chục ngàn người từ khắp nơi. Từ bao đời nay, chùa Ông là nơi mà vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, nhân dân thường tụ tập đông đảo để cầu cho một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, làm ăn may mắn của mọi người, mọi nhà.
Chùa Phật Quang
ĐC: phường Hưng Long, Phan Thiết
Điểm đặc biệt quan trọng trong ngôi chùa cổ này là các thế hệ thiền sư chùa đã thay nhau gìn giữ, bảo quản rất tốt nhiều bộ phận thuộc di sản văn hóa có giá trị. Đó là chiếc đại hồng chung lớn bằng đồng chạm khắc đẹp, tinh tế và 4 mặt chuông khắc địa danh, lịch sử chùa cũng như niên đại; chuông được đúc vào năm Canh Ngọ 1750 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Một số hiện vật khác là những bản khắc gỗ tạo nên bộ kinh Pháp hoa với 118 bản. Đa phần trong 118 bản khắc cả hai mặt bằng chữ Hán sắc nét bao gồm 60 vạn lời, trong đó có 7 bản khắc họa hình ảnh Đức Phật thuyết pháp. Bộ kinh Pháp hoa hoàn thành vào năm 1734 mà bản khắc cuối cùng có ghi rõ đã hoàn thành vào ngày mùng một tháng tư, năm Long Đức thứ ba vào Giáp Dần. (Long Đức là niên hiệu của vua Lê Thuần Tông (1732 – 1735) đời nhà Hậu Lê).
Đền thờ Cá Ông
ĐC: đường Ngư Ông, phường Đức Thánh, TP Phan Thiết
Đền thờ thần Nam Hải – tức Cá Ông (cá voi). Bộ cốt cá Ông được lưu giữ tại dinh Vạn Thủy Tú dài 22m, nặng 65 tấn, được đánh giá là lớn nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á. Hàng năm tại Dinh đều diễn ra các kỳ tế lễ được tổ chức trang trọng vào các ngày âm lịch: 20/2 (Tế Xuân); 20/4 (Cầu ngư); 20/6 (Chính mùa); 20/7 (Chèo dọc) và 23/8 (Mãn mùa). Trong quá trình diễn ra nghi lễ còn có các hoạt động như hát bội, diễn bã trạo, hội đua ghe…
Nhà thờ Chính tòa
- ĐC: 578 Trần Hưng Đạo, phường Lạc Đạo
Lễ hội truyền thống
Hội Dinh Thầy Thím
Thời gian: 15, 16/9 âm lịch hàng năm
Địa điểm: Dinh Thầy Thím (xã Tân Tiến, thị xã La Gi)
Một đạo sĩ quê ở làng La Qua, phủ Điện Bàn (theo một tài liệu khác là làng Trà Luông, huyện Thăng Bình), tỉnh Quảng Nam có phép thuật cao cường, giàu lòng nhân ái. Vì thương làng mình không cóđình, ông đã làm phép dời trộm nguyên một ngôi đình từ làng bên cạnh qua làng mình. Chính vì tội trộm đình mà ông bị vua ban cho ba sự lựa chọn là treo cổ, uống rượu độc và con dao. Tuy nhiên, khi bị xử, ông cầm tấm lụa đào múa thì tấm lụa bỗng biến thành con rồng, đưa vợ chồng ông đến vùng đất Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận). Ở đây, ông làm nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Dân làng gọi vợ chồng ông cách thân mật là “Thầy” và “Thím”. Khi hai vợ chồng đạo sĩ chết, dân làng đã mai táng ở khu vực gần đó.
Hàng năm, vào các ngày từ 14 đến 16 tháng 9 âm lịch, tại Dinh Thầy Thím đều diễn ra lễ hội lớn nhân ngày giỗ Thầy Thím. Vào dịp này, rất đông người dân địa phương và du khách đến Dinh để cầu sức khỏe, hạnh phúc gia đình và công việc làm ăn của mình được thuận lợi.
Lễ hội Nghinh Ông
Thời gian: 15/8 âm lịch
ĐC: diễu hành trên các con đường của thành phố Phan Thiết
Là lễ hội của đồng bào người Hoa tại Phan Thiết tưởng nhớ đến Quan Thanh Đế quân ( Quan Công) thể hiện mong ước hòa bình, ấm no cho cả cộng đồng.
Lễ diễu hành có sự tham gia của 4 bang hội người Hoa: Phúc KIến, Quảng Châu, Hải Nam, Triều Châu hóa trang với trang phục truyền thống thành các nhân vật Quan Công, Trương Phi, Bát Tiên, Tiên Nữ, Tôn Ngộ Không, Quan m Bồ Tát,…và phần diễu hành của Rồng Thanh Long.
Lễ hội Cầu Ngư
- Thời gian: 20/6 âm lịch hàng năm
Cầu Ngư là lễ hội dân gian gắn liền với tín ngưỡng và đời sống cư dân ven biển miền Trung. Ở Bình Thuận, lễ hội Cầu Ngư có ở hầu hết các dinh vạn thờ cá Ông (cá Voi) trong tỉnh. Lễ hội Cầu Ngư tái hiện lại một cách sinh động phong tục truyền thống thờ cúng cá Ông theo những truyền thuyết mang đậm nét văn hóa dân gian.
Ở mỗi kỳ lễ hội, bà con tổ chức lễ với các nghi thức cúng tế trang trọng, bên cạnh đó là phần hội với chèo Bả Trạo, hát Bội đan xen trong lễ. Ngoài ta, còn có các trò chơi dân gian của ngư dân miền biển như hát bài chòi, thi đua thuyền, lắc thúng giữa các Vạn với nhau như câu ca xưa còn truyền lại.
Lễ hội đua thuyền
Thời gian: mùng 2 Tết
ĐC: Sông Cà Ty
Trên sông Cà Ty thành phố Phan Thiết diễn ra hội đua thuyền, đây là một trong những hoạt động thể thao lâu đời, gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây mỗi dịp xuân về. Trong không khí tưng bừng náo nhiệt của những ngày đầu năm, hàng vạn người dân tập trung hai bên bờ sông để xem và cổ vũ cho những đội thuyền từ khắc các nơi về đua tài. Từ trên bờ sông nhìn xuống, những chiếc thuyền đua như những mũi tên xé nước lao trên dòng nước trong xanh, trong tiếng hò dô vang dội của các tay chèo, hòa cùng tiếng reo hò cổ vũ của người xem tạo thành một bản hòa tấu của ngày hội rộn ràng, sôi động mang đậm nét văn hóa đặc sắc của địa phương.
Lễ hội Katê
Thời gian: 1/7 âm lịch hàng năm
ĐC: tại các đền, tháp
Lễ hội Katê là lễ hội quan trọng và có quy mô lớn nhất, kéo dài 5 ngày của cộng đồng người Chăm theo đạo Bà La Môn. Đây là lễ tết để tưởng nhớ các anh hùng, thần linh, tổ tiên, các vị vua có công với nước, với dân đã được thần thánh hóa như: Pôklông Garai, Pôrômê. Lễ hội đồng thời với việc hành hương, là dịp viếng thăm, gặp gỡ các người thân…
Lể hội này ở phan thiet bắt đầu vào buổi tối trước ngày chính hội có nghi lễ trình y phục với các nghi thức trang trọng trong tiếng nhạc dân tộc và các điệu vũ cổ truyền. Trưa ngày chính hội là lễ dâng cúng và lễ rước thần, tắm tượng, mặc áo, đội mũ cho tượng… Khi trời sắp tối là kết thúc nghi lễ, mọi người hưởng lộc và tham gia trò chơi vui như ngâm thơ, múa hát…
Trong lễ này, nhân dân thuộc dân tộc Ra Glai trên núi cũng xuống Phan Thiết dự hội, chia sẻ niềm vui với người Chăm.
Lễ hội Cầu Yên
Thời gian: đầu tháng giêng âm lịch, kéo dài 3 ngày, 3 đêm
ĐC: diễn ra tại tại các xóm, các làng của dân tộc Chăm Bà Ni
Dân làng làm lễ Cầu yên để tống tiễn những điều xấu, không may của năm cũ. Nghi lễ được tiến hành vào lúc chạng vạng tối. Sau phần nghi lễ là đến các tiết mục múa, hát của người dân tộc Chăm và trò chơi thả thuyền.
Ngoài ra, đồng bào dân tộc Chăm ở Phan Thiết thường xuyên tổ chức các lễ hội khác như: lễ Cầu Đảo, lễ Rija Nưga, lễ Dắp Đập, lễ Cấm Phòng…
0 bình luận