Tìm hiểu văn khấn và lễ vật khi đi chùa cầu duyên
Phần lớn mọi người đi chùa để cầu may mắn, bình an, tài lộc đến với bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, có những bạn trẻ đi lễ chùa để cầu duyên và hy vọng sớm tìm được một nửa mảnh ghép còn lại của cuộc đời mình. Vậy khi đến chùa cầu duyên cần chuẩn bị những gì? Sắm lễ như thế nào cho đầy đủ và khấn cầu duyên ra sao? Nếu bạn đang còn cô đơn lẻ bóng thì đừng bỏ qua những kinh nghiệm đi chùa cầu duyên đúng chuẩn qua bài viết sau.
Nội dung chính
Những ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng
Cùng điểm qua một số ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng bạn có thể đến cầu duyên và tìm được nửa kia của mình nhé!
Chùa Hà – Hà Nội
Địa chỉ: 86 phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Chùa Hà còn có tên khác là Thánh Đức Tự, được xây dựng vào cuối thời Lê. Không phải tự nhiên lại có câu nói “Chùa Hà khi đi lẻ bóng, khi về có đôi”, ngôi chùa này từ bao giờ đã dần trở thành điểm đến tâm linh được mọi người gửi gắm những mong muốn, ước vọng của mình và khi nhắc đến cầu tình duyên thì người ta thường nghĩ ngay đến nơi đây.
Chùa Duyên Ninh – Ninh Bình
Địa chỉ: Thôn Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình
Theo lịch sử ghi chép lại, ngôi chùa là nơi công chúa Phất Ngân và tướng công Lý Công Uẩn đã thề non hẹn biển và sinh ra Lý Phật Mã (vua Lý Thái Tông). Vào cuối đời, hoàng hậu Phất Ngân đã về đây để tu hành và tác hợp cho nhiều đôi lứa, từ đó chùa Duyên Ninh đã trở thành ngôi chùa cầu duyên linh thiêng nhất nhì Việt Nam.
Chùa Linh Ứng trên đỉnh Bà Nà – Đà Nẵng
Địa chỉ: Khu du lịch sinh thái Bà Nà – Suối Mơ, thôn An Lợi, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng
Nằm ở độ cao 1400m của đỉnh Bà Nà, cách trung tâm TP. Đà Nẵng khoảng 25km. Chùa Linh Ứng có tượng Phật Thích Ca tọa thiền thuộc vào hàng những ngôi tượng lớn nhất châu Á. Các bạn trẻ thường đến đây để cầu nhân duyên, đôi lứa yêu nhau đến để cầu may mắn, tình yêu luôn bền chặt và sớm đơm hoa kết trái.
Chùa Ông – TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ: 676 Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Chùa Ông còn có tên gọi khác là miếu Quan Đế hay Nghĩa An Hội quán, chùa mang đậm kiến trúc của người Hoa và là một trong những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng ở Sài Gòn. Vào các dịp lễ, ngoài đến đây để cầu tài lộc hay bình an, không ít các bạn trẻ đã đến để cầu cho con đường tình duyên được suôn sẻ.
Chùa Ngọc Hoàng – TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ: 73 Mai Thị Lựu, Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Chùa Ngọc Hoàng nổi bật giữa lòng thành phố với phong cách cổ xưa được bài trí cổ điển vô cùng bắt mắt. Theo lời người dân đồn đại, chỉ cần thành tâm sờ vào tượng ông Tơ, bà Nguyệt sẽ cầu được tình duyên mau đến. Không gian thờ ở đây lúc nào cũng tấp nập người và dày đặc khói hương, nhất là những dịp Tết, lễ.
Ngoài ra còn một số chùa cầu duyên khác chưa được nhắc tới trong bài nữa. Sau đây các bạn theo dõi những lưu ý cần khi đi cầu duyên ở chùa nhé.
Cần sắm lễ như thế nào khi đi chùa cầu duyên?
Lễ vật không cần quá cầu kỳ nhưng phải hết sức thành tâm
Khi đi chùa cầu duyên, bạn hoàn toàn có thể đi lễ theo thành ý của mình. Tùy vào từng ngôi chùa mà lễ vật cũng sẽ khác nhau, cẩn thận hơn bạn hãy hỏi ý kiến của những người dân sống xung quanh để sắm lễ sao cho chu đáo nhất. Dưới đây là một số những lễ vật cần có thể thể hiện được tâm ý của bản thân mà bạn có thể tham khảo:
- Hoa quả: Mỗi mùa trong năm lại có những loại hoa quả khác nhau nên bạn hãy chọn những loại hoa quả có màu sắc sặc sỡ như màu vàng, màu xanh, màu đỏ, màu trắng, màu tím.
- Trầu cau: Cần chuẩn bị 1 quả cau và 3 lá trầu.
- Các loại bánh: Bánh chưng và bánh dày mỗi loại một cái, bánh xu xê là một đôi.
- Tiền vàng: Nên có 5 lễ.
Văn khấn khi đi chùa cầu duyên
Một bài khấn cầu duyên đúng cần có đầy đủ 5 phần: Tạ, sám hối, hứa, xin và lễ
Bạn có thể chép lại học thuộc hoặc ghi ra giấy bài văn khấn mẫu dưới đây, lưu trong điện thoại để nhẩm theo khi đến chùa. Nếu muốn đọc dễ hiểu hơn thì cũng có thể dựa theo các ý có sẵn mà viết lại sao cho hợp lý. Bài khấn như sau:
“Nam mô A di đà Phật, nam mô A di đà Phật, nam mô A di đà Phật.
Kính lạy đức Ngọc Hoàng Thượng Đế
Kính lạy đức Cửu trùng Thanh Vân lục cung Công chúa
Kính lạy đức Thiên tiên Quỳnh Hoa Mẫu Liễu Hạnh
Kính lạy đức Đệ Nhị Bà Chúa Sơn Lâm Mẫu Thượng Ngàn
Kính lạy đức Đệ Tam Mẫu Thoải
Con tên là:…
Sinh ngày:… (Âm lịch)
Ngụ tại:…
Hôm nay ngày … (Âm lịch), con đến chùa (hay Thánh Đức Tự) thành kính dâng lễ đội ơn Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải đã phù hộ độ trì cho gia đạo con trong thời gian qua – phần tạ.
Chúng con người trần mắt thịt, nếu có điều gì lầm lỡ, kính mong các Mẫu đại xá tha thứ cho. Con xin hứa sẽ cố gắng sửa đổi bản thân tốt hơn, nguyện làm việc thiện, tránh xa những việc ác – phần sám hối và hứa.
Cúi xin các Mẫu xót thương cho con vì nay nhân duyên cho hôn nhân trăm năm chưa đến mà ban cho con duyên lành như ý nguyện. Cho con gặp được người … (đoạn này viết cầu xin bạn đời như thế nào tùy mỗi người), tâm đầu ý hợp, chung thủy bao dung. Cho con sớm có người nên duyên đôi lứa cùng chia sẻ buồn vui trong cuộc sống hoặc cho con sớm nên duyên vợ chồng (nếu đã muốn tiến đến hôn nhân) – phần xin.
Con nay lễ bạc tâm thành trước các Mẫu, cúi xin được phù hộ độ trì để có nhân duyên như sở nguyện.
Nam mô A di đà Phật, nam mô A di đà Phật, nam mô A di đà Phật.
Cẩn cáo (nói xong vái 3 vái) – kết thúc phần lễ.”
Quan sát nếu thấy cháy 2 phần 3 nén nhang thì hóa tiền vàng. Khi về nhà, ngay ngày hôm đó bố trí thời gian để niệm chú của đức Dược sư lưu ly quang Phật. Khi niệm chú này nên niệm đi niệm lại nhiều lần tùy theo thời gian cho phép. Khi niệm nên nghiêm trang, nói thầm thì chỉ bản thân nghe thấy, người ngoài không nghe thấy được, không nói ý nghĩ niệm chú cho người khác nghe. Chú niệm như sau:
“Nam mô bạc già phạt đế, bệ sái xã lũ rô bệ lưu ly, bát lạt bà, bát ra xà dã, đát tha yết da gia, a la hát đế, tam điểu tam bột đà gia. Đát điệt tha. án bệ sái thệ, bệ sái thệ, bệ sái xã, tam một yết đế sa ha.”
Lưu ý khi đi chùa cầu duyên
Chùa chiền là nơi linh thiêng nên khi đến cầu duyên bạn cần chú ý một số vấn đề sau:
- Không mặc quần áo ngắn, hở hang, nên mặc đồ lịch sự và kín đáo.
- Tắt chuông điện thoại, không chụp ảnh, nô đùa làm hỏng cảnh quan chùa.
- Nói chuyện nhỏ nhẹ, không to tiếng, không nói tục, chửi bậy hay nói những lời báng bổ không tốt.
- Hãy chọn ngày lành tháng tốt để đi cầu duyên, chọn ngày đẹp nhưng tránh những ngày lễ vì lượng người đông đúc sẽ khiến việc cúng bái của bạn bị cản trở.
- Những người có gia sự tang gia mới không nên đến chùa cầu duyên. Với phái nữ, nếu đang đến kỳ hành kinh thì hãy lùi lịch hoặc nếu đã có lịch đảnh lễ thì phải tắm rửa sạch sẽ, thay đồ rồi mới tới chùa.
- Điều quan trọng nhất bạn cần nhớ khi đến chùa cầu duyên là phải thành tâm cầu nguyện để tìm được người tâm đầu ý hợp chứ không phải chỉ cầu duyên với mục đích cho xong.
Đi chùa cầu duyên cần chú ý những vấn đề về nội quy
Qua bài viết trên chắc hẳn bạn đã chọn được một ngôi chùa cầu duyên để giải lời nguyền FA cho bản thân rồi đúng không nào? Thực ra chuyện tình cảm không phải cứ cầu là sẽ được mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như duyên phải tới thì mới có thể toại nguyện. Chính vì vậy, sau khi đi cầu duyên các bạn cũng đừng nên quá để ý đến vấn đề có thành hay không mà hãy cố gắng sống tốt, độ lượng và bao dung để tạo thiện duyên, với sự thành tâm thành ý rồi một ngày hạnh phúc sẽ tìm đến bạn. Cuối cùng, chúc các bạn sớm tìm được ý trung nhân tương lai của cuộc đời mình nhé!
*Thông tin chỉ mang tính tham khảo!
Đừng bỏ lỡ
Danh mục: Tử vi - Phong thủy
Các khách sạn phù hợp với bạn!
Bài viết mới nhất
Bay Bangkok mê say cùng Vntrip và Bamboo!
Vntrip tham gia triển lãm sản phẩm và các mô hình, giải pháp công nghệ, ứng dụng dữ liệu, trí tuệ nhân tạo – TPHCM
Vntrip nhận giải thưởng Doanh nghiệp có thành tích xuất sắc nhất quận Tây Hồ
Khoảnh khắc ấn tượng dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô
Sân bay Nội Bài cùng 3 sân bay khác đóng cửa do bão số 3 Yagi
0 bình luận