Viên ngọc thô của du lịch Bình Định- tháp Thủ Thiện

Luyến Nguyễn
2.6K

Vùng đất Tây Sơn – Bình Định không chỉ nổi tiếng bởi nghề võ cổ truyền đã đi vào sử sách, những di tích lịch sử gắn liền với vị tướng tài năng Quang Trung- Nguyễn Huệ, nơi đây còn được biết đến gắn liền với một thời đại hoàng kim của vương quốc Chăm Pa xưa kia. Nằm bên bờ sông Kôn, tháp Thủ Thiện lặng lẽ tháng năm với nắng gió xứ Nẫu, như một chứng nhân của nền văn hóa Chăm ở đây.

Tin liên quan:

Tháp Thủ Thiện ở làng Thủ Thiện, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định ( Ảnh: Vân Anh- Vntrip.vn)

Tháp Thủ Thiện không phải là một ngọn tháp nổi tiếng, nếu so với tháp Dương Long, tháp Bình Lâm, tháp Cánh Tiên… Tháp Thủ Thiện phần lớn chỉ được tìm đến bằng sự tình cờ với đa số khách du lịch trong chuyến hành trình khám phá Tây Sơn.

Tháp Thủ Thiện nằm rất gần làng võ danh bất hư truyền An Vinh. Để đến được tháp Thủ Thiện, từ Quy Nhơn đi theo quốc lộ 1A, rẽ trái ở cầu Bà Di ( cách Quy Nhơn 20km), đi thẳng theo quốc lộ 19, làng Thủ Thiện nằm ở phía bên tay phải, sẽ có biển chỉ dẫn di tích này cho du khách.

Một góc ngọn tháp thiêng ( Ảnh: Vân Anh- Vntrip.vn)

Tháp Thủ Thiện có nét kiến trúc tối giản so với những tháp Chăm ở Bình Định ( Ảnh: Vân Anh- Vntrip.vn)

Tháp Thủ Thiện được nhận định là mang kiến trúc tối giản nhất so với những tháp Chăm khác, những khám phá xung quanh ngôi tháp này chứng minh ý nghĩ lớn lao của tháp Thủ Thiện với tín ngưỡng của người Chăm trước đây. Tháp không nằm trên đồi hay chỗ cao mà lại nằm ở một phần đất bằng phẳng, mang dáng vẻ đặc trưng của tháp Chăm Bình Định với bình đồ hình vuông, đế tháp cao, thắt lại ở phần eo tháp. Vòm cửa rải rác có hình mũi lao, kết cấu nhọn, dù đã bị hư hại nhiều, dù trước kia nơi đây là các khám thờ nơi đặt các tượng thần và phù điêu. Nhiều hiện vật như bia đá hoa cương, tượng , phù điêu được tìm thấy ở đây thể hiện một giai đoạn cường thịnh của vương triều Vijaya ở Bình Định.

Tháp Thủ Thiện nhìn từ phía bên trong ( Ảnh: Vân Anh- Vntrip.vn)

Vẻ đep mê hoặc của mái vòm tháp Thủ Thiện ( Ảnh: Vân Anh- Vntrip.vn)

Vẻ ngoài trầm buồn của tháp Thủ Thiện lôi cuốn du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên, với màu gạch đỏ dẫu bong tróc cùng tháng năm vẫn tỏa ra nét uy nghiêm vốn có của tháp Chăm. Người dân địa phương nói rằng, gạch đỏ của người Chăm là loại gạch tốt nhất, không bao giờ phai mầu, không bao giờ bị nấm mốc rêu phong, do bí quyết của dân tộc Chăm để lại. Tháp Thủ Thiện vì thế, lại càng tỏa ra cái dáng vẻ uy thế, bí ẩn, uy nghiêm.

Bước vào phía bên trong, dẫu không còn nhiều di vật, những trầm tích cổ còn lại mang đến màu sắc tâm linh uy nghiêm, vòm cao hướng thẳng lên trời, ánh sáng tự nhiên vì thế vẫn lẩn khuất vào phía bên trong tháp. Trước kia bên trong tháp có 12 tượng đá bán thân, tất cả đều mang ý nghĩa tôn giáo đặc biệt trong tĩn ngưỡng của người Chăm, tay các bức tượng chắp trước ngực, xếp theo dáng búp măng.

Dấu tích Chăm Pa cổ còn lưu lại đến ngày nay ( Ảnh: Vân Anh- Vntrip.vn)

Tháp Thủ Thiện cách bờ nam sông Kôn chưa đầy 1 km, đến thăm tháp Thủ Thiện vào lúc mặt trời lặn, bạn sẽ thấy hình ảnh ngôi tháp cổ trầm nghiêm vươn mình trên nền trời, thu mình về hướng dòng sông hiền hòa chày, tựa như lời thầm thì từ lịch sử vọng lại, cứ du dương, du dương mãi.

Nếu có dịp đến với Tây Sơn, đừng bỏ lỡ tháp Thủ Thiện bạn nhé ( Ảnh: Vân Anh- Vntrip.vn)

Và cũng bằng vẻ lặng lẽ như thế, tháp Thủ Thiện như một vẻ đẹp tiềm ẩn của du lịch Tây Sơn nói riêng và du lịch Bình Định nói chung đang chờ du khách đến khám phá.

Xem thêm:

0 bình luận

    Các khách sạn phù hợp với bạn!